Thời sống ảo

Thứ Ba, 15/08/2017, 16:32
Thời nào cũng có kiểu sống ảo của nó. Ngay bản thân tôi nghiêm túc nhìn nhận lại mình, tôi thấy tôi luôn luôn sống ảo, chẳng có bao giờ thật. Nhưng chính những lúc mình sống ảo đó, tôi lại chỉ thấy những người xung quanh mình, những người khác biệt với mình, họ sống ảo…


Ảo trong đời thực

Sinh ra và lớn lên ở khu phố buôn bán, tôi quá quen với các mánh mung kiếm tiền, và các tiêu chí cuộc sống cũng vậy, đặt sự thành công về tài chính lên trên hết.

Bước chân khỏi cổng trường đại học là lao vào vòng xoáy cuộc đời, học nhau, đua nhau cùng chúng bạn, chỉ nhìn thấy những thứ có thể định lượng được như "nhà lầu xe hơi" để đánh giá sự thành công, và từ đó đánh giá luôn cả con người của người ta nữa.

Trong khi đó, xung quanh tôi có không biết bao nhiêu người sống ảo. Một ông bạn tự dưng chuyển sang học Kinh Dịch, xem bói, nghiên cứu các phương pháp hô phong hoán vũ, rất thần bí. Anh ta coi những thể loại sống chỉ biết kim tiền như tôi là hạng người quá trần tục, chỉ anh ta mới có cốt cách Tiên Phật.

Lại một anh bạn khác muốn bỏ dần kinh doanh, để chuyển sang chuyên tâm tập Thiền. Giai đoạn đầu khi mới tập, suốt ngày anh nói về Thiền, ăn Thiền ngủ Thiền, nhồi vào đầu người đối thoại hết những trải nghiệm này đến trải nghiệm khác, bất chấp người ta có muốn tiếp nhận hay không và tiếp thu ra sao. 

Một thời gian sau, thấy anh bạn bình tĩnh trở lại, nhưng cũng thấy càng ngày anh ta càng thay đổi. Không còn muốn bàn những chuyện phiếm ba lăng nhăng, anh cư xử nhẹ nhàng, bình tĩnh, thâm trầm hơn…

Cô bạn tôi kể về cô bạn thân của mình có một ông chồng chọn ngày đẹp trời, xuất gia vào chùa làm chú tiểu, cạo đầu mặc cà sa. Họ chẳng ly hôn gì cả, về danh nghĩa vẫn là vợ chồng, nhưng nào có ở cùng nhau nữa. Ở nhà, đương nhiên cô vợ đi ngoại tình, tức là dan díu với một vài anh khác…

Có lần được chứng kiến buổi hành lễ của những tín đồ của một tôn giáo trong một giáo đường, tôi thấy hoảng hồn vì sự tin tưởng của họ và Đấng Giáo chủ, mà cho rằng đó là một sự mù quáng, cuồng tín.

Với tôi, tất cả những niềm tin đó, là kiểu sống ảo. Họ tin vào Chúa, vào Phật, vào một Đấng Toàn năng nào đó có thể ban phát cho họ một sự an ủi và sự giải thoát vĩnh hằng - tất cả các "đấng" đó là ảo hết, không có thật.

Chẳng phải chúng ta đã học "vật chất quyết định ý thức" và "ý thức là dạng phát triển cao của vật chất" đó sao? Tôi chỉ tin vào bản thân mình - sự nỗ lực của mình, kiến thức của mình, và thành công hay không thì có rất nhiều tiêu chí, nhưng đầu tiên là thành công về tài chính, từ đó người đời nhìn vào sẽ đánh giá được dễ dàng rằng tôi thành đạt. Từ sự thành công đó, tôi sẽ dễ dàng có được những thứ khác, như tình yêu, hạnh phúc gia đình…

Cần phải đạt được những cái mà Tây họ gọi là "những yếu tố mang tính biểu tượng của thành đạt" - xe Camry thành đạt hơn xe Altis, nhà biệt thự thì thành đạt hơn chung cư… đó là những yếu tố mang tính biểu tượng.

Khi chúng ta nhìn vào một bức ảnh quảng cáo đồng hồ, quần áo thời trang… dành cho doanh nhân, chúng ta cũng thấy họ muốn truyền tải một thông điệp là hãy đạt được những thứ mang tính biểu tượng đó, thậm chí kể cả về lối sống như thời thì đánh tennis là doanh nhân thành đạt, nhưng sau hơn chục năm thì chỉ có dân… "nhà quê" mới đi chơi tennis, thời thượng phải là "góp-phờ" kia. Đi máy bay cứ phải hạng thương gia, chứ ngồi hạng phổ thông là không có được…

Điều đáng nói là không chỉ những người có tiền, mà cả những bạn trẻ chưa có xu nào hoặc mới có in ít thôi, cũng nhìn nhận cuộc sống như thế. Có lần ngồi với một "đại gia cỡ vừa" chờ gặp một đối tác của anh ta, hóa ra đối tác này là một cậu thanh niên trẻ muốn đề nghị một cơ hội làm ăn. Cậu tấm tắc khen cả đại gia lẫn tôi, là "hai đại gia" - tự dưng thấy ngượng quá, và thấy có một cái gì đó gai gai…

… Trước đó ít lâu, tôi suýt sa vòng lao lý vì công việc làm ăn, cũng chẳng biết nói rằng thế nào đúng sai, nhưng cái vòng xoáy kim tiền là vậy. Mấy tháng ròng rã làm việc với cơ quan chức năng, rồi tất cả công lao tích cóp cũng xuống sông xuống biển do một vài rủi ro.

Sự kiện cuối cùng đóng góp thêm vào câu chuyện là bao nhiêu tiền dồn vào để cứu một người thân - mà nếu không làm sẽ mất đi một mảnh đời người đó. Lúc này tôi mới hiểu, bao nhiêu tiền cũng không có ý nghĩa nếu ta mất đi cuộc đời của một người tự do, và càng không có ý nghĩa nếu mất đi người mình yêu quý nhất.

Hóa ra từ trước đến nay mình chỉ chạy theo những đánh giá rất ảo của người đời, mà còn chẳng biết người ta "khen thật" hay "khen đểu" mình nữa. Đắp lên người những đồ hiệu, từ chiếc đồng hồ cũng vài ngàn đô, quần áo không cái nào dưới một ngàn đô… cũng chỉ là những màu mè ảo. Ta chợt nhận ra, ai cũng sẽ có một đích cuối con đường như ai, và đến lúc đó tất cả chúng ta đều sẽ phải bỏ lại.

Xét từ góc độ đó, những thứ ta tưởng là "thật" ấy, rồi thì cũng đều là hư ảo cả. Nhưng hóa ra điều này tôi vẫn bị phản bác. Một anh bạn lớn tuổi nói, "Chú đừng tưởng anh không biết điều đó, đúng là ai cũng chết, của nả đều là ảo và chẳng mang đi được, nhưng anh vẫn cần chúng, để lo học hành cho con, (anh ước cho hai đứa nhỏ đi du học) và xây cho chúng nó mỗi đứa một cái nhà. Những cái đó là thật, là còn, là tồn tại chứ!!!"

Tôi thấy anh có lý, đúng là vẫn còn cần phải chiến đấu thật! Bẵng đi vài năm gặp lại anh, thấy anh khác hẳn. "Anh nhận ra rồi, hóa ra hồi đó anh tưởng anh đúng, mà vẫn chưa đúng". "Sao vậy anh?", "Để dành quá nhiều tiền, nhưng con anh chẳng đứa nào cần, chúng nó từ chối. Chúng nó bảo, sẽ đi làm để trải nghiệm, tự trả tiền học thêm ngoại ngữ và tự xin học bổng nước ngoài. Đứa lớn học xong rồi, và từ chối luôn cái nhà bố cho, bảo muốn ở lại làm việc ở bên ấy luôn. Đứa sau rồi cũng theo gương anh như thế. Vừa rồi mẹ chúng nó vỡ nợ, anh bán hết, giả nợ hết rồi. Bây giờ anh học Thiền, thu hẹp công việc chỉ đủ ăn để ít bận rộn, thanh thản hơn. Đúng là của nả, hóa ra là ảo thật…".

Anh đã dạy tôi một bài học rất lớn…

Trên thực tế, hầu hết tất cả chúng ta không thể bỏ sạch mọi thứ để chuyển sang một cuộc sống "vân du" đi mây về gió được, mà vẫn phải lo một cuộc sống bình thường, cho một gia đình yên ấm - "có thực mới vực được đạo".

Nếu ta hiểu tất cả những thứ xung quanh chúng ta là "ảo" cả, chỉ đáng vứt đi thì hiểu sai, sai lắm; vì nếu đã là thành quả, công sức của lao động chân chính thì cái gì cũng là quý, và một miếng của ta bằng một mâm của nhà người khác… Hãy quý trọng thành quả của lao động và biết biến nó thành những thứ ngoài có ích cho bản thân và gia đình, còn có ích cho xã hội nữa.

Đơn giản chúng ta hãy cứ là chúng ta, nhưng là người hiểu biết rằng khi chết đuối, cái nhà, cái xe nó không cứu ta được, mà phải là cái phao kia. Dòng sông của cuộc sống không còn là dòng chảy đảo điên đầy vực xoáy, mà kể cả có hung dữ nhưng ta vẫn không sợ, vì đã biết bơi và biết khi nào cần phải hướng vào bờ…

Và "sống ảo thời mạng xã hội"

Có ai đó nói với tôi, rằng đừng tin những gì người ta thể hiện trên mạng xã hội. Thời nay ai cũng thích dùng "ba sáu mươi" [1] để chế tạo ra cho mình những bức ảnh cứ gọi là nuột nà, bất chấp những nếp nhăn rẻ quạt hay mụn nhọt, tàn nhang, trứng cá chi chít. Thực ra, nhu cầu đó là chính đáng, cái đáng sợ hơn là những "comment" đi kèm theo những bức ảnh đó kia…

…Nói xin lỗi vài cô bạn học cũ, tôi mà là các cô bị khen như thế tôi ngượng lắm ấy: "Người đẹp không tuổi chị ơi!". "Ôi chị ơi, sao không đi thi hoa hậu?". "Chị làm người mẫu thì Vũ Cẩm Nhung đuổi còn mệt…". Nhưng thực tâm thì các bạn, dù chẳng phải là xấu xí như Chung Vô Diệm thì cũng không thể gọi là Tây Thi được.

Không dành cho một hiện tượng phổ biến trên mạng xã hội là của các cô thực sự xinh đẹp, nhưng ngày nào cũng như ngày nào, cho bà con xem hàng chục tấm ảnh ưỡn ẹo kiểu "khoe thân" và những lời khen thì cũng vậy, ngày nào cũng như ngày nào. Đến mức một người "bạn phây" sửng sốt kêu lên: mình rút ruột rút gan viết bao nhiêu nhận xét xã hội, lèo tèo vài "like", còn các cô ấy chỉ khoe thân nửa tiếng, vài trăm người vào bấm "thích."

Và đã từng có những phản ánh về vụ "bức xúc vì người khác cứ khoe khoang trên Facebook…" Trong khi mình thì làm việc hết hơi, cứ khoe đi chơi hết chỗ này đến chỗ khác; mình thì vất vả đầu tắt mặt tối thì lại cứ khoe cuộc sống gia đình viên mãn từ cái bếp đẹp đến đĩa thịt bò Mỹ để bên cạnh chùm nho Úc…

Tôi cũng muốn và đã từng khoe con mạnh khỏe, hơi hơi xinh gái, chợt nhớ có những người bạn của mình đang vất vả với đứa con tự kỷ hoặc bại não mà chạnh lòng. Từ đó tôi không muốn làm vậy nữa - khoe xong thì nhận vài lời khen tầm phào, lời nói gió bay…

Lại ai đó nói với tôi, rằng phụ nữ cứ thích khen nhau thế thôi, nhưng thực ra là "khen đểu" đấy - thâm tâm họ thầm chê, thầm ghen tức… Đây không phải nhận xét đơn lẻ đâu, mà có nhiều người đồng ý kiến như thế rồi vậy. Đã không thật lòng, thì nói ra làm cái gì chứ? Và đâu chỉ có phụ nữ như thế đâu. Thời của mạng xã hội và máy ảnh số, bùng nổ số lượng các "nhiếp ảnh gia Facebook".

Chuyện các "nhiếp ảnh gia" này chê bai cãi cọ nhau tôi xin không nói ở đây, nhưng có một dạng khác là vài cây đa cây đề cứ hễ "dán" cái ảnh nào lên tường là nhận hàng chục hàng trăm lời khen: "Đẹp quá anh ơi, nơi nào mà như… thiên đường vậy?". "Sao anh không làm triển lãm?". Và “cây đa cây đề” sẽ điềm đạm trả lời: "Ảnh anh chụp bằng điện thoại ấy mà, cảm ơn chú…". Đương nhiên tuyệt đối không có một lời chê bai, vì bao nhiêu người dám chê bai "cây đề" đã "chặn" [2] hết rồi còn đâu…

Lại có kiểu khoe thành quả công tác, kết quả kinh doanh… của các "doanh nhân thành đạt." Thường là chủ doanh nghiệp, họ được vây quanh bởi các nhân viên và cả nhân viên của các doanh nghiệp bạn nữa. Đặc thù của môi trường kinh doanh làm cho rất ít những người trong đó nhận ra sự thành công trong cuộc sống có những tiêu chuẩn khác ngoài thu nhập và tài chính, và họ thần tượng nhau cũng phần lớn từ tiêu chí này.

Cứ mỗi một "trạng thái" [3] trên "Phây" là chi chít lời khen ngợi xưng tụng, "anh là thần tượng của em…" "bao giờ em được như anh, công ty làm ăn lên như diều, gia đình vợ đẹp con khôn, nhà to xe đẹp…". Còn ông anh thì độ lượng: "Chú cũng tài lắm, cố lên chú, tất cả còn đang ở phía trước…"

Điểm chung của "lối sống ảo thời mạng xã hội" này là sự chia sẻ quá dễ dàng và do đó, khen ngợi nhau cũng quá dễ dàng, làm người ta sinh nghiện, thành một cộng đồng cứ mê mải khoe và mê mải khen, nó khen mình rồi mình cũng khen lại trả lễ, và mình khen nó rồi, chờ mãi nó không "like" không khen là mình bực, có khi mình còn hủy kết bạn cho bõ tức…

"Lời nói không mất tiền mua" nhưng chẳng hề có nghĩa cứ phải nói những điều giả tạo với nhau; học dùng làm người khác vừa ý bằng lời nói thì cũng nên học im lặng khi cần. Sau hết, mỗi chúng ta cần phải biết sống thật với chính bản thân mình và những người xung quanh. Ai cũng có những cái tốt đẹp và chưa hoàn thiện, và xung quanh chúng ta đều là những người thầy để học hỏi, quay về nhìn chính mình để mình ngày càng tốt đẹp hơn… đó mới là ý nghĩa chân thực của cuộc sống.

Phúc Lai
.
.