Chính sách của triều Nguyễn đối với người sống thọ

Thứ Ba, 14/02/2017, 16:23
Không rõ thời lập quốc và những thế kỷ về sau, tuổi thọ bình quân của người Việt chúng ta là bao nhiêu. Song có thể tin rằng tuổi thọ vào thời kỳ đầu rất thấp, bởi vì chỉ cách nay không bao lâu, vào khoảng thế kỷ XIX, nửa đầu thế kỷ XX, tuổi thọ của người dân ở nhiều nước trên thế giới cũng chỉ vào khoảng 40-50 tuổi.

Vua chúa dù sống trên nhung lụa, ăn toàn thứ đại bổ, song vì tham lam nhục dục nên sống đến 50 – 60 tuổi đã coi là nhiều. Chả thế mà vua Khải Định mới 40 tuổi đã vội vàng làm lễ mừng tứ tuần đại khánh, sợ không còn dịp làm lễ mừng thọ một lần nào nữa.

Cụ Nguyễn Đình Phương, ở Bắc Ninh 104 tuổi vẫn minh mẫn.

Mà quả y như thế, chỉ một năm sau lễ mừng này, ông thăng hà, để ngai vàng lại cho cậu con trai mới 13 tuổi là hoàng thái tử Vĩnh Thụy, lên ngôi với niên hiệu Bảo Đại. Cũng chính vì thế mà đối với người xưa, “nhân sinh thất thập cổ lai hy” (đời người đến 70 tuổi, xưa nay hiếm) và người sống thọ dù quan hay dân, cũng được triều đình khen thưởng.

Ngày xưa, trong dân gian có câu “sống lâu lên lão làng”, song không mấy ai biết đến bao nhiêu tuổi thì mới được gọi là lão làng. 

Theo cụ Mai Viên Đoàn Triển (1854-1919), Hiệp tá Đại học sĩ, Tổng đốc Bắc Ninh, tác giả quyển An Nam phong tục sách, trong dân gian, cứ 50 tuổi thì lên lão làng. Người lên lão phải sắm sửa cỗ bàn để bái thần nơi đình miếu, đãi đằng mọi người, gọi là “khao lão”. Ở những nhà phú quý, con cháu ăn mặc nghiêm chỉnh, làm lễ chúc thọ, đọc văn chúc thọ và mời mọc mọi người ăn uống linh đình. Những người nào đến 70 tuổi thì làm lễ mừng thượng thọ.

Phụ chánh đại thần Tôn Thất Hân sống đến 89 tuổi (1854-1943).

Còn theo cụ Đào Duy Anh, tác giả Việt Nam văn hóa sử cương, trong ngày lễ mừng, con cháu người được mừng thọ mang lễ vật ra đình lễ thần, tạ ơn thần đã phù hộ cho cha mẹ mình sống lâu. Sau đó, họ rước cha hay mẹ ăn mặc chỉnh tề, lên ngồi thọ tịch đặt ở giữa nhà, con cháu lạy rồi mỗi người dâng một chén rượu hay một quả đào chúc thọ. Sau đó thì bày tiệc mừng mời thân thích, bằng hữu cùng làng mạc đến ăn, có khi năm bảy ngày mới xong. Dân đã thế, đến vua quan còn phải hơn như thế nhiều.

Năm 1924, vua Khải Định tổ chức lễ mừng tứ tuần đại khánh (mừng thọ 40 tuổi – nhà vua sinh năm 1885, đến năm 1924, tính theo tuổi ta là 40 tuổi). Và đấy là lễ mừng thọ duy nhất của nhà vua vì đến ngày 6-11-1925, ông đã về trời.

Một trong những đặc điểm đáng nêu trong chính sách của triều Nguyễn là sự trân trọng đối với người cao tuổi. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì tinh thần “kính lão đắc thọ” từ lâu đã ăn sâu trong nếp sinh hoạt của người Việt thời xưa. Năm 1823, vua Minh Mạng dụ Bộ Lễ rằng: “Thượng cổ đều lấy trăm tuổi là kỳ hạn.

Song từ trước đến nay, thọ đến 70 tuổi đã khen là ít có. Huống chi thọ tới 100 tuổi, được đến tuổi “kỳ dị” như thế thực là điều tốt của người buổi thái bình. Trẫm mong nước và dân trường thọ để được thấm nhuần ơn lớn. Từ nay các chức quan lớn nhỏ, tuổi 80 trở lên, thì cho đề tâu rõ ràng, đợi chỉ để thưởng cấp tiền lụa theo thứ bậc“ (Đại Nam thực lục).

Kinh lược sứ Hoàng Cao Khải thọ 83 tuổi (1850 - 1933).

Quan nhất nhị tam phẩm mà thọ đến 100 tuổi thì thưởng 100 lạng bạc, 10 tấm lụa; từ ngũ lục phẩm thì 80 lạng bạc, 8 tấm lụa; thất bát cửu phẩm thì 60 lạng bạc, 6 tấm lụa. Dân thường thọ 100 tuổi thì đàn ông được thưởng 30 lạng bạc, vải lụa mỗi thứ ba tấm, đàn bà thưởng 20 lạng bạc, vải lụa đều 2 tấm được cấp biển treo ở chỗ ở, đàn ông khắc hai chữ “thọ dân”, đàn bà khắc hai chữ “trinh thọ”. 

Ở những địa phương có người thọ như thế, quan tỉnh và quan phủ huyện phải thường hỏi thăm, đầu năm sai người đến nhà cấp rượu thịt. Năm 1823, tính theo sổ bộ của các địa phương, cả nước có hơn 100 thọ dân từ 100 tuổi trở lên, Quảng Nam là tỉnh có số thọ dân cao nhất, nam 27 người, nữ 10 người. 

Vì danh sách làm chậm, có 8 thọ dân chết trước khi được ban thưởng, vua Minh Mạng dụ rằng: “Tuổi tác là cái quý trong thiên hạ từ lâu. Chính sách của vương giả lấy việc dưỡng lão làm đầu… Nay địa phương kinh kỳ có người tuổi cao như thế mà lại để cho thân không kịp hưởng phúc trạch thái bình, đó là tội của quan địa phương. Đình thần đều giáng một cấp” (Đại Nam thực lục).

Năm 1826, vua Minh Mạng định rằng gia đình nào ở các địa phương mà năm đời cùng ở một nhà (ngũ đại đồng đường), chứng tỏ gia đình đó có nhiều thọ dân thì quan sở tại phải tâu lên để nhà vua thưởng cho mỗi gia đình 20 lạng bạc, 20 tấm vải, 10 tấm lụa, 1 tấm đoạn. 

Đại thần Cao Xuân Dục sống đến 80 tuổi (1843 - 1923).

Trong số bạc trên, quan lại địa phương trích ra mười lạng dựng một cái nhà nhỏ gọi là phường, nhà xây hình vuông, treo một tấm biển vàng chạm bốn chữ “Dịch thế diễn tường” (mấy đời kế tiếp nhau hưởng sự tốt lành). 

Trên vách nhà khắc những hàng chữ ghi họ tên tất cả thành viên trong gia đình, nêu rõ sự kiện năm đời cùng ở chung trong một nhà và lý do ban thưởng của nhà vua. Sau khi lệnh ban ra, Bắc thành và tỉnh Nghệ An  tâu lên có 6 gia đình ngũ đại đồng đường, nhà vua lấy làm sung sướng, cho rằng như thế chứng tỏ đời thái bình thịnh trị, bèn hậu thưởng cho mỗi nhà bạc, vải, lụa và một tấm biển đề như trên. 

Trong số những người cao tuổi vào thời kỳ này, có ông Trần Công Yến, 98 tuổi, người làng Mỹ Lộc, trấn Nam Định, có 11 người con, 35 cháu, 15 chắt (cháu bốn đời) và 1 chút (cháu 5 đời); ông Nguyễn Trọng Bỉnh 88 tuổi ở Sơn Nam; ông Nguyễn Duy Phiên, 100 tuổi, ở Nghệ An…

Năm 1832, vua Minh Mạng lại định rằng những quan văn từ tứ phẩm, quan võ từ tam phẩm trở lên, ai thọ đến 80 tuổi sẽ được ban thưởng. Còn quan văn từ ngũ phẩm, quan võ từ tứ phẩm trở xuống phải thọ đến 90 tuổi mới được ban thưởng. Kể từ năm 1838, quan văn từ tứ phẩm, quan võ từ tam phẩm trở lên, ai đi làm quan nơi xa mà có cha mẹ già ở lại quê nhà thì các quan lại ở địa phương phải định kỳ đến thăm hỏi, gặp khi đau ốm thì phải cử thầy thuốc đến điều trị.

Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến thọ 74 tuổi (1835 - 1909).

Lệ khen thưởng người sống thọ thời Minh Mạng được tiếp nối đến các đời sau. Tháng tư năm Ất Vị (Ất Mùi - 1847) vua Thiệu Trị cũng tỏ rõ tấm lòng trân trọng đối với người cao tuổi: “Các quan văn tại Kinh và ngoài các tỉnh từ tam phẩm trở lên, ai còn cha mẹ tuổi đến 70, Ngài đều ban cho sâm, quế, bạc, lụa: cả thảy được 12 người". 

Ngài dụ rằng: “Triều đình phép lớn dạy hiếu làm trung. Nhơn tử lòng vui còn thân hưởng lộc. Năm ngoái gặp lễ Tôn sùng là lễ lớn, không phải như lễ tầm thường. Vậy nên ban ơn không nệ cách thường, để tỏ nước nhà dùng “Hiếu” mà trị thiên hạ” (Quốc triều sử toát yếu).

Đến đời vua Tự Đức cũng thế, cho dù phải trải qua nhiều khó khăn, “thù trong giặc ngoài”, nhà vua vẫn không quên tiếp nối chính sách tôn vinh người cao tuổi do tiên đế truyền lại. Năm 1862, Cần chính điện đại học sĩ Trương Đăng Quế đến thất thập thọ (70 tuổi), ông làm tặng một bài thơ và ban cho nhiều đồ phẩm hạng “để dưỡng già, coi sách”. 

Đến đời vua Khải Định, ngày 14 tháng 9 năm Nhâm Tuất, tức ngày 23-10-1922, cụ Cao Xuân Dục, Phụ chánh đại thần, Thái tử Thiếu bảo, Đông các đại học sĩ, nguyên Học Bộ thượng thư, được con cháu tổ chức lễ mừng thượng thọ 80 tuổi tại Phủ Diễn, Nghệ An. 

Trước đó mấy ngày, nhà vua đã cử một Tứ đẳng thị vệ (viên chức phụ trách việc nội cung) cùng Án sát Nghệ An mang đến nhà ban tặng Kim Khánh bội tinh, một bài thơ do nhà vua làm và đích thân chép trên giấy Long tiên màu vàng. Các quan lại địa phương và Báo Trung Bắc tân văn cũng gửi quà mừng và những câu đối ca ngợi công lao và phẩm hạnh của vị đại thần này.

Xem như thế đủ thấy rằng trong truyền thống “kính lão” của tổ tiên ta, người sống thọ luôn có chỗ đứng trang trọng trong sinh hoạt của xã hội thời phong kiến, biết kính trọng người cao tuổi là thể hiện một trong những truyền thống tốt đẹp truyền lại từ ngàn xưa.

Lê Nguyễn
.
.