Bóng ma một cuộc chiến tiền tệ mới?

Thứ Tư, 15/03/2017, 12:48
Ngay từ đầu năm 2017, một cuộc khẩu chiến xung quanh giá các đồng tiền đã được ghi nhận.

Mỹ bị giằng co giữa việc vừa muốn tăng giá đồng USD để giữ chân các dòng vốn và chuyển lợi nhuận sản xuất về nước, khẳng định vai trò số 1 thế giới của mình, vừa không muốn đồng tiền quá mạnh để giảm bớt nhập siêu.

Thế nên, cường quốc này đang "gây sự" với cả Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), trong khi cổ vũ Anh sớm rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), bất chấp hệ lụy có thể của sự kiện này làm tăng giá đồng USD.

Tờ Financial Times cho rằng cách thức chính quyền Donald Trump sẵn sàng phá bỏ quy cách truyền thống và những lời chỉ trích mới đây của tân Tổng thống Mỹ cho rằng Nhật Bản và Trung Quốc đang chơi trò "phá giá đồng tiền" đã làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ, khiến các nước đồng minh của Mỹ cảm thấy bất an.

Nguy cơ tiềm ẩn

Cần phải thừa nhận rằng, sức cám dỗ của việc giành lợi thế trước đối thủ bằng cách phá giá đồng tiền chưa bao giờ thuyên giảm. Thứ nhất, phá giá đồng tiền giúp kích thích xuất khẩu bằng cách biến hàng hóa xuất khẩu trở nên rẻ hơn so với đối thủ tại thị trường nước ngoài.

Bóng ma cuộc chiến tiền tệ năm 2017 giữa các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đang lởn vởn và gây quan ngại cho nhiều quốc gia.

Trong trường hợp một quốc gia vay nợ nước ngoài bằng đồng tiền của mình, giá đồng tiền trong nước giảm cũng kích thích tài sản nước ngoài di chuyển về nước để hưởng lợi thế, nhờ đó thu hút được nguồn vốn trở về nước. Thứ ba, phá giá đồng tiền còn có thể kích thích lạm phát do chi phí nhập khẩu hàng hóa tăng cao đẩy giá hàng hóa tăng.

Mở màn cuộc khẩu chiến, Washington từng khẳng định rằng đồng euro "chẳng khác gì đồng mark của Đức" và được định giá thấp hơn giá trị thực, nhằm mang lại lợi thế cạnh tranh cho Đức trong quan hệ thương mại với các đối tác khác.

Đáp trả, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phủ nhận cáo buộc nêu trên và nêu rõ chính phủ Đức luôn kêu gọi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) theo đuổi một chính sách độc lập. Trên thực tế, Ngân hàng Trung ương Đức đã thực hiện điều đó từ khi đồng euro chưa ra đời, và sẽ không tác động đến hoạt động của ECB. Như vậy, nền kinh tế Đức hoàn toàn có thể đối phó được với việc đồng euro tăng giá.

Trước nguy cơ đồng USD có thể ngang giá với đồng euro và bảng Anh, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng, đồng USD hiện đang được định giá quá cao và lên án: "Các doanh nghiệp Mỹ đang không thể cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu quốc tế bởi đồng USD quá cao, đồng USD cao đang giết chúng ta.

Gần đây, người Trung Quốc cố gắng điều chỉnh tỷ giá bởi họ không muốn làm chúng ta nổi giận". Về logic, kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt khiến đồng USD tăng giá, giúp khẳng định vai trò số 1 của kinh tế Mỹ, nhưng đồng USD mạnh sẽ cản trở và xung đột với mục tiêu phát triển sản xuất Mỹ thông qua đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Mỹ ra toàn thế giới mà tổng thống mới của Mỹ mong muốn đạt được.

Những quyết định gây xáo trộn mạnh ngay trong thời gian đầu nhậm chức của ông Donald Trump và những động thái mang tính bảo hộ thương mại của Mỹ đã làm gia tăng những lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc chiến tranh tiền tệ mà cả về nguy cơ đối đầu thương mại có thể làm tổn hại lớn đến nền kinh tế thế giới.

Ông Trump rất tích cực chỉ trích phía Tokyo đang âm thầm chơi trò "phá giá đồng tiền", làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ, khiến các nước đồng minh của Mỹ cảm thấy bất an. Tuy nhiên, trong một bài phát biểu gần đây, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng những lời chỉ trích Tokyo thao túng đồng yen là hoàn toàn không có căn cứ.

Mỹ bị giằng co giữa việc tăng giá đồng USD nhưng không muốn đồng tiền quá mạnh để giảm bớt nhập siêu.

Trong một diễn biến khác, xung lực cuộc chiến tiền tệ năm 2017 có liên quan trực tiếp đến sự chỉ trích mạnh mẽ của Mỹ về chính sách trợ giá sản xuất và duy trì đồng Nhân dân tệ rẻ dưới giá trị thực đã và đang gây ra dòng nhập siêu chóng mặt hàng năm khoảng 300 tỷ USD của hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ, đe dọa sẽ tăng thuế nhập khẩu tới 45% cho hàng Trung Quốc vào Mỹ.

Sự chỉ trích này gây quan ngại cho Trung Quốc. Vì vậy, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra ở Davos, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình buộc phải bóng gió giải thích rằng toàn cầu hóa thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu và đó không phải là nguyên do của "những vấn đề của thế giới" hiện nay.

Giới quan sát nhận định, sự kiện Brexit là một nhân tố khác đã và sẽ ảnh hưởng mạnh đến cuộc chiến tiền tệ thế giới năm 2017. Cho đến nay, đồng bảng Anh liên tục giảm giá so với đồng USD. Các nước đón nhận sự kiện này với nhiều quan điểm trái ngược nhau. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều lo lắng và giữ thái độ thận trọng về tương lai bất ổn của nền kinh tế "xứ sở sương mù", thì chính phủ mới của Anh ngày càng tự tin và quyết đoán.

Lãnh đạo Anh đã tái khẳng định mối quan hệ mật thiết với Mỹ khi hai bên cùng giữ quan điểm tích cực sẽ hoàn thành sớm và hợp lý một hiệp định thương mại song phương, góp phần hạ nhiệt cuộc chiến tiền tệ tiềm tàng khi Anh thực sự tiến hành Brexit.

Không người thắng cuộc

Bóng ma cuộc chiến tiền tệ năm 2017 giữa các đồng tiền chủ chốt trên thế giới đang lởn vởn và gây quan ngại cho nhiều quốc gia. Đồng nhất bởi mục tiêu chung của mỗi nước liên quan đến cuộc chiến là giữ cho đồng tiền của mình không quá mạnh nhằm duy trì lợi thế xuất khẩu hoặc giảm bớt nhập siêu, song quyết sách và trạng thái mỗi nước không giống nhau, khiến cuộc chiến này có thể khó đoán định hơn mọi cuộc chiến tiền tệ từng được ghi nhận trong nhiều năm qua.

Trong vài năm gần đây, chính phủ tại nhiều quốc gia đã bắt đầu hạn chế việc can thiệp trực tiếp vào thị trường tiền tệ và ưu tiên sử dụng chính sách tiền tệ để phá giá đồng tiền. Tuy nhiên, các công ty và hộ gia đình lại tỏ ra miễn cưỡng khi vay thêm tiền để đầu tư hoặc tiêu dùng. Thay vào đó, cơ chế lãi suất thấp, thậm chí âm, làm cắt giảm chi phí đi vay và bằng biện pháp khuyến khích dòng tiền di chuyển đã tạo nên áp lực cho đồng tiền.

Đồng euro đứng trước nhiều áp lực tồn tại hay không tồn tại.

Sau những khởi đầu khá ồn ào của chính quyền mới, thái độ sẵn sàng phá bỏ truyền thống, cũng như những nhận định về định giá tiền tệ và lịch trình kinh tế đậm chất bảo hộ, nhiều người lo ngại Mỹ sẽ không chỉ châm ngòi chiến tranh tiền tệ mà còn có thể gây ra cả nguy cơ đối đầu thương mại, làm tổn hại lớn đến nền kinh tế thế giới.

Các nhà kinh tế học cho rằng, kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Washington với những nội dung như giảm thuế và tăng chi cho cơ sở hạ tầng, cũng như đề nghị áp dụng mức thuế quan mới với các sản phẩm nhập khẩu sẽ khiến USD tăng giá và tăng thâm hụt thương mại.

Trước giờ, Donald Trump luôn chỉ trích sức mạnh của USD và thâm hụt thương mại với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản và Mexico. Giới phân tích đang lo ngại, nếu Mỹ áp dụng các biện pháp quản lý giá trị USD, một cuộc chiến tranh tiền tệ quy mô toàn cầu có thể nổ ra với mức độ nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 2008. Với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, ngoài Trung Quốc, một số nước khác cũng sẽ bị cuốn vào cuộc chiến này, bao gồm cả châu Âu và Nhật Bản.

Tại Trung Quốc, từ năm 2014 đến nay, Bắc Kinh đã phải chi hơn 1.100 tỷ USD dự trữ ngoại hối để đối phó với biến động tỷ giá. Nếu chiến tranh thương mại và tiền tệ nổ ra, dòng tiền chảy khỏi Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều trong khi thặng dư vãng lai của nước này sẽ sụt giảm cực mạnh và khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ có thể rơi vào khủng hoảng trầm trọng, thậm chí có thể là cuộc khủng hoảng lớn nhất từ trước đến nay mà nước này gặp phải.

Trong khi đó, nguy cơ còn đến từ châu Âu vì đồng euro đứng trước nhiều áp lực tồn tại hay không tồn tại khi dòng vốn đang tháo chạy với tốc độ kỷ lục từ những nước chịu khủng hoảng đến các nơi trú ẩn an toàn.

Bằng cách đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục và tích cực mua trái phiếu chính phủ, ECB đang đóng vai trò tích cực hỗ trợ kiểm soát khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone và giữ Eurozone tồn tại. Song đồng euro bị suy yếu và ECB đang quá tải với trách nhiệm này. Khu vực Eurozone rõ ràng cần nhiều cải cách hơn để thúc đẩy tăng trưởng, việc làm và ổn định giá trị đồng tiền chung sẽ còn chịu nhiều sóng gió này.

Nhiều ý kiến "lạc quan" cho rằng phá giá tiền tệ chưa hẳn là xấu và nguy hiểm bởi trong nền kinh tế hiện tại, có nhiều nhân tố có thể làm yếu đi ảnh hưởng của chính sách phá giá. Các quốc gia sẽ vẫn tiếp tục tạo ra lợi thế cạnh tranh thương mại, chỉ có điều cơ hội thành công sẽ vơi đi rất nhiều.

Dù vẫn còn chưa thực sự rõ ràng nhưng cuộc chiến tiền tệ năm 2017 dường như đang được các bên liên quan cố gắng nhận thức sớm và chủ động kiểm soát trong khả năng cho phép, với hy vọng giữ ổn định cũng như tránh phá giá chủ quan dây chuyền kiểu "hiệu ứng domino" để không sa vào cuộc chiến gây thiệt hại cho tất cả các bên…

Phương Thảo
.
.