Khai hỏa cuộc chiến tiền tệ?

Thứ Ba, 25/08/2015, 19:12
Tạp chí chuyên về kinh tế La Tribune của Pháp vừa cho đăng tải một bài viết với tựa đề “Trung Quốc bước vào cuộc chiến tiền tệ và tác động đối với châu Âu”. Tác giả đề cập tới vấn đề tỷ giá tham chiếu mới của đồng nhân dân tệ (NDT) so với đồng đôla Mỹ (USD) trong ngày 13/8 đã tiếp tục giảm thêm 1,1% sau 2 lần giảm 1,6% (trong ngày 12/8) và 1,9% (trong ngày 11/8) trước đó.

Như vậy chỉ trong 3 ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã điều chỉnh chính sách khiến đồng NDT giảm đến 4,6% giá trị. Đây là mức phá giá kỷ lục của đồng NDT trong vòng 20 năm qua, vốn từng được Bắc Kinh duy trì một chính sách biên độ giao dịch chặt chẽ - thực thi bằng cả những rào cản pháp lý trong việc chuyển nhượng vốn và hàng nghìn tỷ USD dự trữ của chính phủ. Thông thường, đồng NDT sẽ chỉ dịch chuyển một phần rất nhỏ so với đồng USD trong một ngày nhất định.

Tuy nhiên theo nhiều dự đoán, đây sẽ không phải là lần cuối cùng Trung Quốc phá giá đồng NDT. Bắc Kinh cho rằng đây là động thái mang tính kỹ thuật, nhưng giới chuyên gia và thị trường cho rằng động tác này của Trung Quốc phản ánh mong muốn nền kinh tế đứng vững, duy trì tăng trưởng và việc làm cao. 

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dần biến đồng NDT trở nên ưu việt hơn trên toàn cầu, giúp thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh và củng cố vai trò trung tâm của nước này trong nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, việc hạ tỷ giá tham chiếu của đồng NDT so với đồng USD đã bước đầu châm ngòi cho những quan ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ khi nhiều nước khác cũng sẽ hạ giá đồng tiền của mình để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Liệu có phải là điều chỉnh kỹ thuật?

Bối cảnh hiện tại cho thấy Trung Quốc đang có động lực chuyển đổi nền kinh tế quy mô lớn, hay ít nhất, đang cố gắng làm như vậy. Trong nhiều năm, quốc gia này dựa vào tăng trưởng theo hướng xuất khẩu và đầu tư hàng loạt vào nhà ở, cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp nặng. Tuy nhiên, mô hình kinh tế này hiện nay dường như đã mất đà, trong khi thương mại thế giới yếu đi. Vì vậy, Trung Quốc đang xoay qua việc thúc đẩy tăng trưởng dựa vào tiêu thụ thông qua các dịch vụ và gia công. Sự chuyển đổi này thành công hay thất bại là một vấn đề quan trọng khi quyết định tới sự bền vững của toàn quốc gia và số phận của đảng cầm quyền.

Việc phá giá đồng tiền bất ngờ cho thấy giới lãnh đạo Trung Quốc đang thận trọng với chiến lược mới và đang quay trở lại một điều gì đó quen thuộc hơn. Việc làm suy yếu đồng NDT sẽ giúp các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn trên thị trường thế giới. Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế bằng cách lấy thị phần xuất khẩu từ các nước khác. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm chạp, đây sẽ trở thành liều thuốc “kháng sinh mạnh” nhằm cứu nền kinh tế quốc dân sau khi xuất hiện những chỉ số xấu về mọi mặt.

Chưa hết, Bắc Kinh còn nuôi tham vọng lớn hơn khi muốn biến đồng NDT thành một đồng tiền quốc tế, dễ dàng chuyển đổi và là một phương tiện dự trữ. Đây là tham vọng rõ ràng không chỉ mang tính kinh tế mà còn là địa chính trị và nhằm làm giảm vai trò của đồng USD. Vì thế, Trung Quốc đã cam kết tự do hóa dần dần đối với đồng NDT. Quyết định điều chỉnh giá liên tiếp ba ngày được giải thích như là một cách để thúc đẩy tiến trình này.

Thực tế, quyết định điều chỉnh liên quan đến tỷ giá giữa đồng NDT và USD, cho phép một mức giá “tùy thuộc vào cung cầu và biến động của các đồng tiền lớn”. Khi tỷ giá định hướng có sự chênh lệch ngày càng lớn so với giá thị trường do sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, PBoC quyết định giảm giá đồng NDT nhằm cho phép hệ thống mới hoạt động tốt.

Việc Trung Quốc chơi con bài chiến lược với đồng tiền của mình cũng nhằm gửi thông điệp đến nhà đầu tư rằng đồng NDT là đồng tiền ổn định và đáng tin cậy. Đây là một biện pháp “đặc biệt” nhằm thúc đẩy một bước tiến mới hướng tới sự dịch chuyển theo định hướng của thị trường đối với đồng NDT.

Trung Quốc có thể hy vọng rằng tiến trình này tạo thuận lợi cho đồng NDT tham gia câu lạc bộ “rất độc quyền” của các đồng tiền làm thành “đồng tiền” của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Đến nay, tỷ giá của SDR được xác định bởi bốn đồng tiền: euro, USD, bảng Anh và yen Nhật. Một đồng tiền muốn gia nhập “câu lạc bộ độc quyền” này cần phải có một vị trí quan trọng trong các giao dịch quốc tế và được “tự do sử dụng”. 

Vì thế, không mấy ngạc nhiên khi IMF hoan nghênh quyết định phá giá đồng NDT của Trung Quốc, và hứa sẽ xem xét lại giỏ SDR vào tháng 9/2016. IMF cũng lưu ý rằng tỷ giá hối đoái được quyết định bởi thị trường sẽ là nhân tố hỗ trợ hiệu quả hoạt động của SDR trong trường hợp đồng NDT được tham gia vào giỏ tiền quốc tế này.

Trung Quốc rất muốn đồng NDT trở thành một ngoại tệ tham chiếu toàn cầu. Định giá đồng NDT theo USD là điều có lợi cho Trung Quốc, ít nhất là cho tới thời điểm này. Các chương trình nới lỏng định lượng mà Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản tiến hành đã dẫn tới thực tế là đồng euro và đồng yen đều trở nên yếu hơn so với USD, trong khi đồng NDT vẫn duy trì tỷ giá ổn định so với đồng tiền quốc tế này. 

Từ khoảng tháng 6/2014, tỷ giá hối đoái của đồng NDT đã ở mức cao nhất thế giới (tăng 13,5%), cao hơn hẳn so với tỷ giá hối đoái của đồng USD là 12,8%. Điều này khiến Trung Quốc không khó nhận ra rằng mối liên hệ chặt chẽ giữa đồng NDT và USD chính là rào cản đối với sức cạnh tranh của Bắc Kinh với hai đối tác thương mại hàng đầu là Nhật Bản và EU.

Việc liên tiếp hạ giá trị đồng NDT cho thấy Trung Quốc sẵn sàng gây căng thẳng trong quan hệ thương mại với Mỹ.

Nguy cơ chiến tranh tiền tệ

Trong thực tế, Trung Quốc đã nhảy vào cuộc chiến tranh tiền tệ cùng với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều nền kinh tế mới nổi khi giảm giá đồng tiền của mình. Với vai trò là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, việc điều chỉnh giá đồng NDT có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như tương quan giữa các đồng tiền. Và các nhà đầu tư cảnh báo rằng nếu tình hình không cải thiện, PBoC có thể “điều chỉnh” tiếp tỷ giá đồng NDT. Bất kỳ động thái đẩy giá NDT xuống thấp thêm 5-7% sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với các thị trường toàn cầu và các đối tác thương mại của Trung Quốc.

Quyết định của Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả đáng kể, nhìn chung là tiêu cực. Việc đồng NDT giảm giá trước tiên sẽ tác động đến các nguyên liệu đầu vào được định giá và giao dịch bằng đồng USD. Các nền kinh tế phụ thuộc vào những mặt hàng này như Australia, Canada, các nước Trung Đông và Brazil sẽ chịu tác động trực tiếp, trong đó tác động với Brazil là rất lớn và đáng lo ngại bởi vì nó ảnh hưởng đến hầu hết các nền kinh tế Mỹ Latinh, thậm chí cả Uruguay – nước hiện có nền kinh tế khá ổn định.

Về mặt cạnh tranh, Trung Quốc có thể giành lấy thị phần từ các đối thủ, chủ yếu là các thị trường mới nổi. Hàng loạt quốc gia châu Á phải đối mặt với áp lực giữ tính cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu. Điều này đặc biệt sẽ làm phật lòng các đối thủ thương mại của Trung Quốc như Hàn Quốc, Indonesia và nhiều quốc gia khác. Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, việc đẩy giá trị đồng NDT xuống gần 5% sau ba ngày liên tiếp cho thấy Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận kịch bản các nền kinh tế mới nổi khác tại châu Á phá giá đồng tiền của mình hòng đáp trả bước đi của Bắc Kinh và sẵn sàng gây căng thẳng quan hệ thương mại với Mỹ.

Hậu quả khi ấy là nền kinh tế Mỹ cũng sẽ gặp khó khăn. Xuất khẩu của Mỹ sẽ trở nên đắt đỏ hơn, và nhập khẩu vào Mỹ sẽ rẻ hơn. “Điều đã làm khuấy đảo thị trường chính là việc khởi đầu của một xu hướng có thể gây nên sự sụp đổ. Nếu cuộc chiến tranh tiền tệ nổ ra, các cuộc trả đũa thương mại sẽ xuất hiện. Đó là một thế giới không tốt cho các ý tưởng đầu tư mới”, chuyên gia kinh tế David Dollarthuộc Viện Brookings (Mỹ) nhận định.

Đối với Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), việc điều chỉnh giá đồng NDT là một thách thức và gây áp lực đối với thiểu phát ở khu vực, đi ngược nỗ lực của ECB đang thúc đẩy lạm phát ở EU. Vì vậy, EU phải duy trì và tăng cường các chính sách mua tài sản đảm bảo để tiếp tục làm giảm giá đồng euro. Do đó, Eurozone buộc phải tham gia hơn nữa trong cuộc chiến tranh tiền tệ.

Điều đáng lo ngại nhất là quyết định của Trung Quốc không giải quyết đầy đủ các vấn đề cơ cấu (nợ, bất bình đẳng, tiêu dùng hộ gia đình yếu, năng suất dư thừa) gây khó khăn cho nền kinh tế nước này. Trong thực tế, Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển, trong khi đó không phải là một yếu tố cho sự phát triển ổn định toàn cầu. Chưa ai có thể biết liệu quyết định của Trung Quốc có bù đắp cho tác động của nó đối với thương mại thế giới hay không. Chỉ biết rằng, niềm tin mà EU vẫn đặt vào Trung Quốc và các thị trường mới nổi sẽ phần nào giảm sút.

Bất kể mục đích là gì, mối nguy hiểm chính ở đây là Trung Quốc sẽ gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu khi đồng NDT mất giá quá đà. Công bằng mà nói, các quan chức Trung Quốc đã nói rằng họ không muốn một sự phá giá đồng tiền quá sâu. Nếu đúng như vậy, tất cả những lo âu và khó chịu rồi sẽ trở nên vô nghĩa. Nhưng hoàn cảnh luôn thay đổi, và các chính phủ đôi khi làm những điều mà họ nói rằng họ không hề muốn…

Anh Doãn
.
.