Thị trường văn chương Việt, một cái nhìn lịch sử

Bài 3: Lỗi ở kỳ vọng quá lớn

Thứ Tư, 19/06/2019, 15:42
Không thể nào đo lường chính xác thị hiếu thẩm mĩ của độc giả khi cũng là con người ấy, hôm qua mê muội Nguyễn Nhật Ánh thì hôm nay đã sà vào các kiểu dạng văn chương ngôn tình từ Tàu cho đến Việt; 


hôm qua nhất quyết lựa chọn tiểu thuyết trinh thám thì trước cơn gió bấc chuyển mùa đã có thể vội vàng nhặt lấy một lô lốc những tác phẩm nửa tâm sự riêng tư nửa dạy kĩ năng sống hoặc triết lí cuộc đời. 

Thị hiếu văn chương, ở mỗi hội sách lớn bé, bao giờ cũng làm ngạc nhiên lẫn hoang mang những người còn nuôi giữ một quán tính rằng, chỉ “văn chương đích thực” mới xứng đáng mua về đọc.

1. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (2016) của  Rosie Nguyễn là cuốn sách bán chạy nhất trong các đầu sách của Nhã Nam, đồng thời, vượt qua cả thương hiệu “độc cô cầu bại” Nguyễn Nhật Ánh, để đứng đầu trong giải thưởng Sách được bạn đọc yêu thích năm 2018 do FAHASA tổ chức. 

Đến thời điểm này, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, tuy đã giảm nhiệt phần nào, vẫn được tái bản và án ngự trên nhiều kệ sách (bản tái bản năm 2019 lên đến 1 vạn cuốn). Rút cuộc, tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu thì chưa thể trả lời nhưng người ta có thể mường tượng được một số tiền khá lớn mà thị trường bỏ ra cho cuốn sách này suốt gần ba năm qua. 

Với cá nhân tôi, người không còn trẻ, ấn tượng gì về cuốn sách mà tôi tạm coi là dạng tùy bút/ tản văn này? Một nhan đề bắt đúng ngôn từ thời đại khi mà những “tuổi trẻ”, “thanh xuân”, “tuổi đôi mươi”,…, luôn tràn ngập từ nơi này sang chốn khác, cứ như thể toàn bộ dân tình chỉ cần thốt lên một lần cũng đã mãn nguyện. 

Một lối viết trơn tru, nhẹ nhàng, mở đầu bằng câu chuyện, trải nghiệm cá nhân rồi chốt hạ bằng lời khuyên, bài học. Sách bàn về học hành, làm việc, khám phá thế giới, và như chủ ý của tác giả, đấy đều là những bài học “trong hành trình rèn luyện chính mình”, những cách thức cụ thể “để thay đổi và tỏa sáng”, “tiếp thêm niềm tin”, “chia sẻ nỗi niềm”, “cổ vũ những ai đang ấp ủ ước mơ”…

Dĩ nhiên, như mọi cẩm nang self-help khác, cuốn sách không thiếu lời lẽ bay bổng, những dư vị tự si khi nói về thành công sau thất bại và rải rác, là những triết lí, dù hơi quen tai, cũng đủ thả nhúm muối để người đọc trẻ lấy đó làm thích thú. Cần nói thêm, cũng trong giải thưởng của FAHASA, cuốn về nhì là Đắc nhân tâm (của Dale Carnegie do Nguyễn Văn Phước dịch). 

Hóa ra, những phiên bản na ná Đắc nhân tâm, cuốn sách theo tôi là quá già nua cho hiện tại (xuất bản lần đầu năm 1936), vẫn được độc giả Việt hôm nay ưa chuộng có lẽ vì chưa bao giờ áp lực thành công, thành đạt, hạnh phúc, “bình thiên hạ” lại chiếm hầu hết bầu khí thở của mỗi người như bây giờ.

Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu bán chạy trong thời điểm, ngay ở nhà sách Nhã Nam, những đầu sách văn chương của các tác giả Việt tên tuổi đều không thể “chiếm sóng” nhiều tuần: Đêm núm sen (Trần Dần, 2017), Kể xong rồi đi (Nguyễn Bình Phương, 2017), Lưng rồng (Đỗ Hoàng Diệu, 2018), Về nhà (Phan Việt, 2017)… 

Vấn đề không nằm ở Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu hay hay dở, hợp mốt hay quảng cáo tốt, mà nằm ở thói quen kì vọng của những độc giả hoặc nhà nghiên cứu rằng đã viết văn là phải “khơi những gì chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. 

Kì vọng văn chương là văn chương, giàu tính nghệ thuật lại nhiều thông điệp tư tưởng, theo tôi, không thực sự khớp nối với bàn tay thị trường, nơi mà người mua cũng có quyền cho phép mình đọc những gì đơn giản, dễ hiểu, có thể đọc trong lúc chờ đón con, lướt facebook hay chán chường ca nhạc bolero. 

Cũng như vậy, kì vọng vào hàng dài độc giả của Nguyễn Nhật Ánh, Rosie Nguyễn, Dale Carnegie, ngay lập tức chuyển sang đọc Trần Dần, Nguyễn Bình Phương,… là quá ảo tưởng! Vì thế, chúng ta phải hoan hỉ chấp nhận giả định rằng, đang và sẽ có những tác phẩm văn chương bán chạy nhưng không nhất thiết phải nằm trên cùng một hệ đo giá trị cụ thể và bất biến nào đó.

2. Có những hệ đo ngẫu nhiên nhưng bất ngờ thành chuẩn mực. Tập thơ Đi qua thương nhớ (2013) của Nguyễn Phong Việt gây rúng động thi đàn vì được tiêu thụ đến hàng vạn bản, hệt như một huyền thoại xuất bản giữa thời buổi các tập thơ in chỉ để biếu tặng là chủ yếu. 

Đi qua thương nhớ cũng khiến tác giả hăm hở bội phần trong việc ra mắt các tập thơ khác, Từ yêu đến thương (2013), Sinh ra để cô đơn (2014), Sống một cuộc đời bình thường (2015), Về đâu những vết thương (2016), Sao phải đau đến như vậy (2017)… 

Dù tự nhận là nhà thơ nghiệp dư, dù bị không ít hoài nghi chất lượng nghệ thuật thơ, nhưng Nguyễn Phong Việt là đầu kéo của toa tàu chen chúc những cây bút có xu hướng ngôn tình hóa, lãng mạn hóa cảm xúc. 

Khách hàng của toa tàu đó có thể là thế hệ trưởng thành từ gối ôm, từ dòng phim chicks flick Hàn; từ một thời đại tỏ ra mình cô đơn, lạc lõng, tự mê và tự chăm chút đến cả những khắc khoải trước mưa bụi, gió mùa, nắng sớm. 

Ai đó có thể nói rằng những câu như: “Chúng ta thương những ngày ít gió và nhiều mây/ những ngày chỉ nói với nhau bằng ánh mắt/ những ngày chỉ cần tựa vai đã thấy lòng thanh thản/ những ngày mà nỗi cô đơn cũng như hạt muối mặn/ nêm vào những bình yên” là ẻo lả, là nửa thơ Mới cộng với Xuân Quỳnh, là tâm sự chị Thanh Tâm gửi sang Mực Tím nhưng tôi dám chắc, đây mới là mẫu số chung của thời chúng ta đang sống! 

Nét riêng và đặc sắc của Nguyễn Phong Việt là anh đã dùng thơ để diễn tả vần điệu hơn hàng triệu thổ lộ nửa sến sẩm nửa triết lí trên mạng xã hội mỗi ngày, đã lái theo “trend” số đông thay vì bẻ ghi tìm đường độc đạo. Nếu không có thơ Nguyễn Phong Việt, có thể chúng ta sẽ không biết đến một phần diện mạo của người đọc thơ hôm nay là gì.

Khi thơ Nguyễn Phong Việt đắt hàng, thị trường văn chương Việt có thêm những sản phẩm mà mẫu mã và nội dung khá tương đồng. 

Không thể đẩy thực đơn gì khác cho lớp độc giả đã quen với kiểu “thi pháp pha chế ngôn tình” từ tiêu đề trở đi: Vì anh em nghiện rồi, Tự thương mình sau những năm tháng thương người, Tình yêu không phải thứ để dành, Buồn làm sao buông, Thương một người đâu cần những lí do, Ai cũng có một chuyện tình để nhớ, Ai rồi cũng phải học cách cố quên đi một người… 

Nhìn nhận một cách thấu đáo, chúng ta không thấy ở đây kì vọng “thơ đỉnh cao” hay rộng hơn, “văn chương đỉnh cao”, mà chỉ thấy độc giả đón nhận chúng theo “gu” rất khó gọi tên của họ. Liệu có thể lấy các giáo trình, các bài nghiên cứu phê bình chuyên xiển dương các tác phẩm “đáng đọc” để làm đòn bẩy kích cầu thị trường không? 

Tôi e rằng chẳng dễ xoay chuyển tình thế ngay tức thì. Bởi những người điều tiết thị trường văn chương, giờ đây, lại đến chủ yếu từ các nhà sách.

3. Các nhà sách (đúng hơn là các công ty có chức năng liên kết xuất bản sách) liệu có thường xuyên nuôi dưỡng, chăm chút giá trị văn chương? Nếu nhìn vào hàng trăm đầu sách ngôn tình được xuất bản mỗi năm (do chính tay các nhà xuất bản có truyền thống in sách văn chương cấp phép), chúng ta sẽ thấy đâu mới là nguồn đào tạo người đọc hiện nay. 

Một vài nhà sách, như tôi quan sát, không có nổi một cuốn sách nào nằm trong khuyến nghị đọc của chuyên gia văn học. Nhưng họ có vô số độc giả bền bỉ qua mỗi mùa hội sách, cho dù, phần nhiều sau khi đọc xong, sách sẽ quy thành cân bán đồng nát. 

Ở đây, các mẹo mực truyền thông, các hiệu ứng tương tác cảm xúc và xu hướng đọc đã được nhà sách thực hiện rất nhanh gọn, hiệu quả. 

Đào tạo người đọc trung thành, với họ, là ngay trên mạng xã hội, các fanclub, fanpage đa phương tiện chứ không đợi đến nhà chuyên môn. Các thiết chế khác, như sách giáo khoa, các bài nghiên cứu phê bình, bài giảng, các giờ giảng văn trong các cấp học,… nhìn chung, đều ít sức mạnh cạnh tranh hơn rất nhiều. 

Thị trường văn chương, rút cuộc, dồn người đọc về phía các nhà sách và ở điểm gặp gỡ này, kì vọng lợi nhuận doanh thu đương nhiên thắng thế. Đứng trước bản thảo của tác giả thậm chí tên tuổi và những đoạn viết ngắn của cây bút “hot facebooker” có hàng ngàn lượt theo dõi, không ít nhà sách biết ngay việc phải ưu tiên ai. 

Kỳ vọng tất cả các nhà sách đầu tư kiên trì cho giá trị văn chương đích thực do chúng ta vẽ nên, quả thật, vừa phi thực tế vừa vô lí. Không in tác phẩm đỉnh cao, họ vẫn phát triển nhờ tác phẩm thường thường bậc trung. Nhưng nếu không có lợi nhuận, họ sẽ phá sản và không khéo, lại trở thành đề tài xôm trò cho văn chương!

Khi những kì vọng không đem lại kết quả như ý thì những nhà văn mất bình tĩnh sẽ đổ lỗi cho thị trường quá nông nổi. Một số người còn cuống cuồng chạy theo các thức dạng ăn khách. 

Điều có vẻ oái ăm này, thực ra, cũng cần được thể tất vì đa số nhà văn ở ta luôn kiêm thêm vài công việc khác nhau để mưu sinh. Xã hội  tuy lúc nào cũng kì vọng vào trách nhiệm, lương tâm của nhà văn nhưng xã hội không mấy khi dúi cho nhà văn một số tiền đủ sống.

Bản thân anh ta cũng mơ tác phẩm để đời, tác phẩm in ra cho thì tương lai nhưng trước việc giá cả sinh hoạt tăng mỗi ngày, anh ta chỉ mong tác phẩm bán chạy. Mà để bán chạy, bóng ma kì vọng bắt đầu lần đến các nhà sách giỏi tạo thị trường văn chương!

Mai Anh Tuấn
.
.