Thị trường văn chương Việt, một cái nhìn lịch sử

Bài 2: Những nhịp đập thăng giáng thất thường

Thứ Năm, 06/06/2019, 10:58
Thị trường văn chương Việt gần đây bắt đầu xuất hiện những tác giả và tác phẩm được coi là “bán chạy”. 

Nhưng để cắt nghĩa vì sao bán chạy, vì tên tuổi tác giả, vì chất lượng tác phẩm hay vì khả năng quảng cáo lành nghề của đơn vị làm sách, quả thật, không dễ dàng. Bản chất thị trường vốn đỏng đảnh, thị trường văn chương Việt càng đỏng đảnh hơn khi lượng độc giả ngả về phía nào, giá trị đích thực của văn chương hay lời đồn thổi của dư luận, lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố. 

Đôi khi, một tác phẩm đột ngột gây tò mò cho độc giả bằng cách rỉ tai rằng nó có “vấn đề”. Nhưng trong một thị trường văn chương nay nóng mai lạnh thì có “vấn đề” hay không chẳng phải là phép màu giúp bán chạy!

“Xoay tua” xuất bản

Hơn ba mươi năm trước, khi đất nước bắt đầu đổi mới và báo chí lẫn sách văn chương bắt đầu hồi sinh, các tác giả tác phẩm gây xôn xao dư luận lập tức được “săn hàng”. Các nhà xuất bản, ngoài mảng sách dịch ăn nên làm ra, còn chọn mặt gửi vàng một số tác giả nội địa mới nổi. 

Hai trong số những tác giả của thời đổi mới là Nguyễn Huy Thiệp và Bảo Ninh, cho đến nay, vẫn được in lại khá đều đặn. Vào cuối những năm 1980, tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp thường xuyên được chọn in, phổ biến nhất là dạng tập truyện, và xoay tua đều đặn từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác. 

Chẳng hạn, năm 1989, nhà xuất bản Văn hóa in Những ngọn gió Hua Tát (10.000 cuốn), đến năm 1994 tái bản tập này (2.000 cuốn). Nhưng chỉ năm sau Nhà xuất bản Văn học lại in Như những ngọn gió (bổ sung thêm kịch, 1.500 cuốn). 

Năm 1992, nhà xuất bản Hội Nhà văn in Con gái thủy thần (2.000 bản) và ngay năm sau, in lại tập này (1.000 bản). Nguyễn Huy Thiệp tiếp tục “chiếm sóng” cho đến 10 năm đầu thế kỉ này cho dù sức sáng tạo của ông không còn dồi dào như trước. 

Thậm chí, năm 2012, Nhà xuất bản Trẻ đã kí hợp đồng độc quyền xuất bản tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp (44 truyện ngắn, 10 vở kịch, 1 tập tiểu luận) trong vòng 5 năm với giá trị gần 500 triệu đồng. Các tập sách in theo hợp đồng này vẫn có số lượng in khá lớn (chủ yếu 2.000 bản) và không đến mức ế ẩm như tình trạng chung của nhiều “nhà văn An Nam” khác. 

Có thể nói thị trường văn chương trong ba mươi năm qua coi tên tuổi Nguyễn Huy Thiệp là một sức hút lớn, đảm bảo chắc chắn cho việc tiêu thụ. 

Ở trường hợp này, rõ ràng, giá trị thực của văn chương đã được thị trường kiểm chứng, và nếu xét tổng số lượng bản in qua các lần xuất bản, thị phần tác phẩm Nguyễn Huy Thiệp không hề kém cạnh so với một số tác giả best-seller hiện nay. 

Tương tự, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, sau quãng thời gian bị ngưng in, thì từ khoảng 2003, đã trở lại một cách mạnh mẽ. Quy mô hơn cả là bản in của Nhà xuất bản Trẻ trong tủ sách “Mỗi nhà văn một tác phẩm”, bắt đầu từ 2011(với 2000 cuốn) và được in thêm nhiều lần. 

Thị trường lựa chọn Nỗi buồn chiến tranh, ngoài chất lượng tác phẩm, hẳn còn do các tác động khác: những lớp độc giả trẻ có nhu cầu tìm biết một đỉnh cao văn chương chiến tranh, hệ thống giáo trình/bài giảng văn học sau 1975 luôn lấy nó làm dẫn chứng tiêu biểu. Cần phải nhấn mạnh rằng, các thiết chế văn chương (nhà trường, viện nghiên cứu, sách giáo khoa, giải thưởng…) đều làm thị trường xáo động ít nhiều.

Các tác giả thời đổi mới vẫn là một thương hiệu khả tín trong thời buổi cạnh tranh tên tuổi bắt đầu khắc nghiệt như hiện nay. Tác phẩm của Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh,… vẫn “túc tắc” bán được trong các hiệu sách. 

Đặc biệt, trường hợp Ký ức vụn, Bạn văn của Nguyễn Quang Lập từng tạo cơn sốt và gián tiếp giúp các tác phẩm của ông trước đấy đắt hàng trở lại. 

Cũng có trường hợp bán chạy, tái bản cả chục lần vì hiệu ứng thành công từ cuốn này đến cuốn khác như bộ ba trường thiên tiểu thuyết Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh. 

Vấn đề ở đây không phải vì dung lượng tác phẩm dài hay ngắn khiến người đọc băn khoăn mà vì những tìm tòi bút pháp và cảm quan nhân sinh sâu sắc đã thúc giục nhu cầu đọc của công chúng.

Dĩ nhiên, từ việc xuất bản nhiều đến khả năng bán chạy còn có những độ vênh nhất định. Một số tác giả tuy viết đều đặn, tác phẩm in cách năm một, và cũng được giới phê bình để mắt, nhưng hiếm khi đậu lại trên giá sách quá lâu. 

Tình trạng không hay không dở của chúngsẽ được thị trường điều chỉnh bằng các đợt khuyến mãi, giảm giá sâu để giảm bớt tình trạng tồn sách trong kho. Tuy thế, sức mua trên thị trường không phải lúc nào vì chất lượng tác phẩm.

Bằng cứ là khá nhiều tác phẩm đạt giải thưởng Hội nhà văn hẳn hoi nhưng chưa bao giờ là hàng “hot”, khiến tác giả của chúng tỏ ra thất vọng vì người đọc hôm nay chỉ biết ngôn tình và truyện tranh mà không thèm thưởng thức văn chương tinh túy! 

Trách độc giả, một đại lượng mênh mông thất thường ấy có thể không sai, nhưng tự huyễn cho mình là nhà văn “cỡ bự” thì lại quá ư nhầm lẫn. Thị trường văn chương Việt, dù đã nhiều lần thổi phồng vô số tác phẩm hạng xoàng, nhưng cũng chưa đến mức mất hoàn toàn khả năng đọc vị tác phẩm, tác giả lớn.

Thời nào thức ấy

Như trò chơi xổ số, thị trường văn chương cũng tùy duyên ban phước lành cho một thể loại nào đó. Mươi năm trở lại đây, tản văn và du kí là hai tiểu thể loại nhộn nhịp cung cầu bậc nhất. Các tập tản văn bán chạy khiến nhà nhà viết tản văn và cho dù trong mắt tác giả, nó chỉ là phần lao động xen canh gối vụ, thì vẫn không ngăn hưng phấn đọc giải trí nhanh, gọn, nhẹ của độc giả. 

Ba tập tản văn Con giai phố cổ, Mặt của đàn ông, Đàn bà uống rượu của Nguyễn Việt Hà đều được đón nồng nhiệt. Nguyễn Ngọc Tư, bên cạnh truyện ngắn, vẫn miệt mài viết tản văn, trước in báo, sau in tập, nhiều đến mức, chính tôi cũng “quan ngại” cho sự dõi theo của mình. 

Với tôi, tản văn Nguyễn Ngọc Tư đang dần tái lặp từ chủ đề, giọng điệu đến lối viết, song có thể số đông độc giả thì vẫn cho rằng tác phẩm nào của Nguyễn Ngọc Tư mà chẳng nên mua. Thị trường tản văn đã mớ ba mớ bảy thì thị trường du kí còn hư thực bội phần. Du kí về đất khách xứ người chưa ráo mực thì du kí xứ mình chen chân. 

Nhiều cuốn du kí “cháy hàng”, tác giả nhận tác quyền cao, còn độc giả, cũng giống suy nghĩ không quan trọng mua túi LV ở đâu, chỉ cần sở hữu dăm ba cuốn du kí là đã thấy đời bay bổng! Thời đại của du lịch và khám phá, của văn hóa giải trí nhẹ nhàng, tiện dụng phần nào đã cung cấp dưỡng khí cho tản văn, du kí được mùa lớn.

Du kí, tản văn vừa lắng xuống thì tự truyện/ hồi kí giành chỗ. Những cuốn tự truyện/hồi kí có tần số xuất hiện cao trong nhà sách cho thấy hư cấu văn chương không có quyền tự quyết thị phần. Độc giả cần đến những câu chuyện “có thật”, những bí mật đời tư, những trải lòng chân thực nên tự truyện/hồi kí, nhất là của giới văn nghệ sĩ, đã thỏa mãn tâm lí tò mò, hiếu kì. 

Và để công chúng dốc hết hầu bao thì tự truyện/hồi kí, thay vì dè dặt, e ngại búa rìu dư luận, đã phải vén đến bức màn cuối cùng là chuyện yêu đương tình ái. Thăng giáng của đạo đức xã hội, của cái nhìn cởi mở, bao dung hay khắt khe, quy chụp đối với vấn đề đời tư nghệ sĩ sẽ tác động rất lớn đến sức mua tự truyện/hồi kí. 

Nhưng theo tôi, thể loại này sẽ giảm dần lượng cầu bởi truyền thông/truyền hình hiện nay đã không chừa một riêng tư nào cho cá nhân được phép giữ chặt. 

Trong tương lai gần, tôi dám chắc thể loại tiểu sử/tự truyện của các doanh nhân thành đạt sẽ là gia vị mới mẻ của văn đàn. Các tác giả chuyên chấp bút tự truyện còn nguyên những khoảng trời phía trước để phấp phỏng chờ đợi!

Giữa những biến động của các thể loại ấy, giữa các thương vụ tùy thời ấy, đang và sẽ luôn tồn tại một mặt hàng chắc suất thị trường: văn chương thiếu nhi. 

Thành công quá sức tưởng tượng của Nguyễn Nhật Ánh, cảnh tượng những hàng khán giả xếp chờ tác phẩm mới của Nguyễn Nhật Ánh và tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh đứng đầu bảng xếp hạng sách bán chạy của Nhà xuất Trẻ là những dấu chứng thuyết phục của thị phần văn chương thiếu nhi đang bền chắc hơn bao giờ hết. 

Hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh khiến nhiều cây bút, đã thành danh hay mới chập chững vào nghề, chọn luôn thượng đế là thiếu nhi để phụng sự. In lại, in mới, đa dạng hóa các thể loại tác phẩm văn chương thiếu nhi cũng là sách lược của nhiều nhà xuất bản. 

Cũng dễ hiểu bởi lớp khách hàng này, tuy có các bậc phụ mẫu kèm cặp và định hướng, nhưng lại tỏ ra trung thành đến bướng bỉnh một khi đã thích tác giả/thể loại nào. 

Bởi vậy, dù tôi luôn ngưỡng mộ sự lao động chuyên nghiệp của Nguyễn Nhật Ánh, tôi vẫn hi vọng, thị trường văn chương thiếu nhi sẽ có thêm Nguyễn Nhật Ánh khác. Và quan trọng hơn, hàng dài khán giả đọc Nguyễn Nhật Ánh sẽ tìm được những tác phẩm/ tác giả khác đem lại “bước ngoặt” trong đời đọc của mình.

Mai Anh Tuấn
.
.