Sự trở lại của những nhà thông thái đa năng

Thứ Năm, 31/05/2018, 20:00
Tục ngữ Việt Nam có những câu như “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết” để đề cao người biết một nghề và biết rất sâu, tới mức độ thành đạt, vinh quang với nghề. 

Người Trung Quốc lại có câu: “Dao đầy mình, nhưng không có con dao nào sắc”. Cách ngôn phương Tây cũng lại có câu tương tự: “Jack of all trades, master of none” (nghề gì cũng biết nhưng chẳng tinh nghề nào).

Tuy vậy, bài báo mới đây trên tạp chí Observer (Người quan sát) ngày 3-5-2018, cho biết, cách nghĩ này đã thay đổi trong thời đại mới và quay lại cách nghĩ của thời kỳ những “nhà thông thái đa năng” (polymath/generalist) của vài thế kỷ trước, với những cái tên mà ai cũng biết: Newton, Galileo, Aristotle, Kepler, Descartes, Huygens, Laplace, Faraday, Pasteur, Ptolemy, Hooke, Leibniz, Euler,  Darwin, hay Maxwell - tất cả đều có đầy đủ các đặc điểm của những nhà thông thái đa năng.

Những nhân vật kiệt xuất, đa tài kể trên đã đóng góp vô cùng lớn lao, đa dạng cho rất nhiều hiểu biết và sự tiến triển của nhân loại. Và điểm chung của họ là đều là: “tài năng, xuất sắc ở 2 lĩnh vực trở lên”. 

Isaac Newton cũng là người nghiên cứu tôn giáo, nhà hoạt động chính trị và nhà đầu tư.

Xin lấy Newton là ví dụ, ông là nhà toán học - vật lý, tìm ra định luật hấp dẫn nhưng ông cũng lại là người nghiên cứu tôn giáo, nhà hoạt động chính trị và nhà đầu tư (tuy rằng, lúc cuối đời, sự nghiệp kinh doanh của ông cũng có phần thất bại).

Chưa hết, đến kỷ nguyên hiện tại, lại là một số ít tên tuổi đóng vai trò ghê gớm trong việc thay đổi nhân loại; họ cũng chính là những nhà thông thái đa năng: Bill Gates, Steve Jobs, Warren Buffett, Larry Page, Jeff Bezos, Elon Musk... 

Xin lấy ví dụ về Bill Gates, chúng ta đều biết ông nổi tiếng nhất với vai trò sang lập ra Microsoft, công ty công nghệ hàng đầu. Nhưng nếu nhìn kỹ hoạt động của ông những năm gần đây, thì nói ông là nhà hoạt động xã hội thì đúng hơn.

Nghiên cứu Multiple Giftedness in Adults: The Case of Polymaths (sự đa năng của người trưởng thành: trường hợp các nhà thông thái) của Robert Root-Bernstein trong cuốn sách International Handbook on Giftedness (Sổ tay quốc tế về tài năng) chỉ ra hơn chục nghiên cứu khoa học đã công bố mối tương quan chặt chẽ giữa số lượng vấn đề quan tâm và năng lực một người phát triển theo thời gian với khả năng ảnh hưởng năng lực sáng tạo của người đó.

Định nghĩa mới về nhà thông thái đa năng thời hiện đại: Đó là người có khả năng thuần thục ở ít nhất 3 lĩnh vực lớn và tích hợp được chúng thành một nhóm kỹ năng ở trên đỉnh cao 1%.

Tại sao hình ảnh thông thái đa năng lại trở thành “bình thường kiểu mới”? 

Có lẽ câu trả lời nằm ở cách nghĩ của một nhà thông thái khác, Leonardo Da Vinci, người phát biểu: “Nghiên cứu khoa học về nghệ thuật. Nghiên cứu nghệ thuật của khoa học. Phát triển các giác quan của bạn - nhất là học cách quan sát. Hãy nhận ra thực tế rằng mọi thứ đều liên quan đến nhau”.

Theo cách nghĩ của Da Vinci, những nhà thông thái này luôn tồn tại - và trên thực tế một nhóm nhỏ những người đó đã thúc đẩy nền văn minh nhân loại hơn bất kỳ số đông nào khác - nhưng mỗi thời kỳ, người ta lại gọi họ bằng những danh từ khác nhau mà thôi.

Với nền kinh tế tri thức đang ngày càng sôi động, cần lật ngược lại cách nghĩ truyền thống về giá trị của chuyên biệt hóa trong đầu chúng ta. 

Trong thế giới ngày nay, quan tâm đa dạng vấn đề không phải là lời nguyền, mà là lời chúc phúc. Tính đa năng thực sự là lợi thế, chứ không phải nhược điểm, theo cách nghĩ đề cao và tôn vinh chuyên gia lĩnh vực hẹp. 

Leonardo Da Vinci cho rằng những nhà thông thái đa năng đã thúc đẩy nền văn minh nhân loại hơn bất kì số đông nào khác.

Những người yêu mến kiến thức đa dạng có thể tận dụng xu hướng đó để thành công về mặt tài chính và tạo ảnh hưởng lớn trong nghề nghiệp. Những lợi thế ấy được tác giả Michael Simmons, trên tạp chí Observer chỉ ra như sau:

#1: Tạo ra một tổ hợp từ 2 kỹ năng đủ tốt trở lên có thể dẫn đến một tập hợp kỹ năng tầm cỡ thế giới. Nếu bạn muốn tạo nên kỳ tích thì có thể theo 2 cách: a) Trở thành người giỏi nhất về một thứ; b) Trở thành người giỏi (top 25%) của 2 nghề trở lên.

#2: Những đột phá sáng tạo nhất xảy đến qua ngả đường kết hợp những kỹ năng kỳ dị.

#3: Để thành thạo một kỹ năng mới dễ và nhanh hơn nhiều so với lên tới đỉnh cao một kỹ năng.

#4: Ngày nay có điều kiện dễ hơn để được sáng tạo ra một địa hạt, lĩnh vực và nhóm kỹ năng kiểu mới.

#5: Đa năng đảm bảo tương lai nghề nghiệp.

#6: Người đa năng được trang bị để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn.

Vậy các nhà giáo dục có thể làm gì để đào tạo ra các nhà thông thái đa năng?

Một nhận xét mà chúng ta thường nghe mỗi khi đi họp lớp kèm với sự thắc mắc: “Thằng A này ngày xưa học không giỏi, nhưng giờ lại thành công. Còn thằng B ngày xưa giỏi nhất lớp, giờ lại bình thường”. Khái niệm “nhà thông thái đa năng” sẽ giúp chúng ta kiến giải hiện tượng này. 

Bill Gates là một trong những nhà thông thái đa năng của kỷ nguyên hiện tại.

Đơn giản là bởi A, ngay khi ngồi trên ghế nhà trường đã không thỏa mãn với chương trình đào tạo, vốn được thiết kế theo hướng đơn ngành, tập trung vào một chuyên môn nhất định, vì vậy anh ta đã (tự mình) rèn luyện những kỹ năng khác mà nhà trường không dạy, kết hợp với chuyên môn được đào tạo để trở nên xuất sắc và thành công sau này.

B thì ngược lại, chỉ chú ý tới việc học trong nhà trường và vì vậy chỉ giỏi một thứ. Nhưng rất tiếc B chỉ giỏi trong phạm vi một lớp học chứ không phải là trong phạm vi xã hội, vì vậy, khi ra đời, B cũng chỉ là người bình thường.

Câu chuyện kể trên mang lại cho các nhà làm giáo dục 2 chiến lược rất cụ thể, để làm sao có thể giúp người học có thể trở thành những nhà thông thái đa năng (hoặc ít ra là những người tài giỏi, thành đạt): Một là, khi thiết kế chương trình, cần nghĩ về trang bị cho người học khoảng 2 hoặc 3 lĩnh vực chuyên môn sâu, thay vì 1 lĩnh vực. 

Nói cách khác, chương trình đào tạo ngày nay cần được thiết kế theo hướng liên ngành, thay vì đơn ngành như trước kia. Hai là, cần có chính sách cởi mở và tạo điều kiện cho sinh viên hơn trong việc chuyển ngành học, kể cả chuyển trái ngành (ví dụ từ lịch sử chuyển sang học về tài chính) thay vì đóng khung lộ trình học của sinh viên trong những đơn ngành bó hẹp.

Vương Quân Hoàng

Tốt nghiệp tiến sĩ về kinh tế tại Đại học Tổng hợp Bruxelles, Bỉ, năm 2004. TS. Hoàng đã có nhiều năm làm việc và nghiên cứu cho khu vực đại học và kinh tế tư nhân trong và ngoài nước như World Bank, IFC, ING Bank, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh, Đại học FPT, Đại học Thành Tây. Hướng nghiên cứu của TS. Hoàng bao gồm: tài chính, kinh tế phát triển, khoa học dữ liệu. TS. Hoàng từng đạt giải thưởng báo chí quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam trao vào năm 2010.

Phạm Hiệp

Tốt nghiệp tiến sĩ về quản trị kinh doanh tại Đại học Văn hóa Trung Hoa, Đài Loan năm 2017. Hướng nghiên cứu của TS. Hiệp bao gồm: thương mại hóa trong giáo dục, đo lường khoa học... Bên cạnh kinh nghiệm nghiên cứu, TS. Hiệp còn là một cây viết thường xuyên xuất hiện trong các báo, tạp chí trong và ngoài nước về các vấn đề khoa học và giáo dục. Năm 2013, TS. Hiệp đã từng nhận giải khuyến khích Giải thưởng Báo chí dành cho các nước đang phát triển tại châu Á (DAJA), do Viện Nghiên cứu thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Từ năm 2017, TS. Vương Quân Hoàng và TS. Phạm Hiệp cùng một vài đồng nghiệp khác khởi xướng dự án Mạng lưới các nhà khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam nhằm hướng đến mục tiêu phổ biến các kiến thức cập nhật về khoa học xã hội nhân văn từ các tạp chí khoa học chuyên ngành, đặc biệt của các tác giả Việt Nam tới độc giả đại chúng. Bài viết này là một phần của dự án trên.

Vương Quân Hoàng – Phạm Hiệp
.
.