Kỹ sư binh chủng “thông thái”

Thứ Hai, 28/04/2014, 15:12

Do công việc làm báo, tôi nhiều lần đến Binh đoàn Trường Sơn (còn gọi là Binh đoàn 12) và khá thân thiết với Phó tư lệnh, Đại tá Đặng Hương.

Ông kể, hồi đầu năm 1957 mới sang Liên Xô (cũ) học, hôm ấy ông lên sứ quán ta tại Mát-xcơ-va, tình cờ được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ở thăm nước bạn, cũng đến đấy. Là sĩ quan trẻ mới ngoài 20 tuổi, lần đầu được gặp Đại tướng, Tổng tư lệnh nên ông khá lúng túng. Với sự thân tình, Đại tướng vỗ vai ông, hỏi: “Thế cậu học trường nào nhỉ?” Ông trả lời: “Thưa, em học Học viện Công binh Quy-bư-sép ạ”. Đại tướng hỏi tiếp: “Cậu có biết tiếng Pháp gọi công binh là thế nào không?” Thấy ông im lặng, Đại tướng vui vẻ và thong thả nói một câu tiếng Pháp: “C’est le génie”. Trở về học viện, ông kể lại câu chuyện gặp Đại tướng với các bạn trong lớp. Có anh Nguyễn Tử Xê, trước lúc nhập ngũ là giáo viên tiểu học ở Nam Bộ, thông thạo tiếng Pháp, nghe vậy liền giảng giải: “Génie nghĩa là thiên tài, thông thái, vậy Đại tướng công nhận binh chủng công binh chúng ta là thông thái đấy các cậu ạ. Phải cố học cho giỏi để không hổ danh binh chủng thông thái!”

Góp phần chống “kẻ hủy diệt”

Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc (bảng điểm Liên Xô của kỹ sư Đặng Hương chỉ có một môn điểm 4, còn lại đều đạt thang cao nhất  là điểm 5), ông trở về đơn vị cũ được một thời gian rồi đi B, thuộc Cục Công binh, Đoàn 559 (Bộ tư lệnh Trường Sơn). Cuối năm 1969, lúc ông đang ở chiến trường, Tổng thống Mỹ Giôn-xơn tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, lại tăng cường đánh phá hủy diệt các cửa khẩu chi viện cho tiền tuyến. Trọng điểm Xiêng Phan (đường 12) và trọng điểm cua chữ A-Ta Lê- Phu La Nhích (gọi tắt ATP) trên đường 20 là nơi diễn ra các trận máy bay địch oanh tạc ác liệt nhất. Có thời kỳ, trong vòng một tuần chúng đã trút xuống ATP gần 50 nghìn quả bom các loại. Những tinh hoa khoa học-công nghệ Hoa Kỳ ngày đó đều được vận dụng vào vũ khí, khí tài và chiến trường Việt Nam trở thành nơi thử nghiệm đầu tiên. Muốn thắng Mỹ, không chỉ có quyết tâm, lòng dũng cảm, còn phải có trí tuệ để hiểu và tìm ra cách vô hiệu hóa những thứ vũ khí tối tân của địch. Nhiều đoàn cán bộ khoa học kỹ thuật thuộc Viện Kỹ thuật quân sự, Viện Kỹ thuật công binh, Bộ Giao thông vận tải, Đại học Bách khoa, Đại học Xây dựng… vào Trường Sơn để thực hiện những đề tài chống cuộc chiến tranh điện tử của Mỹ.

Đón tiếp một chuyên gia quân sự Liên Xô. Đại tá Đặng Hương ngoài cùng bên phải; bên cạnh là Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, Tư lệnh Binh đoàn 12; bìa trái là Đại tá Lê Trung Ngôn, Phó tư lệnh Công binh (sau là Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 11). Ảnh tư liệu của gia đình.

Kỹ sư Đặng Hương ban đầu là trợ lý kỹ thuật, sau là trưởng phòng vật tư kỹ thuật của Cục Công binh, đã thường xuyên có mặt ở các cung đường trọng điểm bắn phá, nhiều lần đưa đón đoàn cán bộ khoa học tăng cường cho tuyến lửa, cùng họ đi thực địa giải quyết từng bài toán cụ thể. Bom từ trường, thủy lôi từ tính địch rải trên bộ, trên sông ban đầu đã gây không ít tổn thất cho bộ đội ta. Các loại vũ khí này không giống bom thông thường ném xuống là nổ, hoặc nổ sau một thời gian nhất định (bom nổ chậm) mà nó nổ có chọn lọc, đúng đối tượng cần phá hủy. Bom được cài đặt các bộ điều khiển tự động, bất thường khó dự đoán, dễ gây cho đối phương tâm lý hoang mang, lo sợ. Lúc đầu Mỹ gọi đó là bom từ trường, sau đổi thành “kẻ hủy diệt”(Destructor), viết tắt là DST. Ở dưới nước (sông, biển), DST đều có thể nổ khi đầu nổ nhận dạng đúng đối tượng; còn thả trên bộ, nó chui xuống đất, để phần đuôi có đầu gây nổ hướng lên trên, gặp tín hiệu từ đúng loại sẽ nổ. Đây thực sự là hệ thống mạng điện tử logic rất phức tạp nằm bên trong quả bom. Trong điều kiện  phòng thí nghiệm của ta thiếu nhiều loại thiết bị nghiên cứu và tài liệu tham khảo cũng quá ít ỏi, song các nhà khoa học quân đội cũng như của dân sự được biệt phái đã có sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, cuối cùng tìm ra được phương án tối ưu chống lại DST. Ta đã tự chế tạo được các thiết bị như rơ-le tự động, bộ phóng từ để rà phá thủy lôi hay bộ gây nhiễu để làm câm bom từ trường. Công binh Trường Sơn sử dụng thiết bị phóng từ ĐB72 đặt trên xe u-oát để phá bom từ trường rất có hiệu quả, cả nơi sông suối mà ở đó có thể kéo phà nhỏ bằng hệ thống cáp.

Sau này, công trình phá thủy lôi từ tính và bom từ trường bảo đảm giao thông những năm 1967-1972 được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên, vinh danh nhiều đơn vị trong đó có bộ đội công binh, trong chiến công chung, kỹ sư Đặng Hương có những đóng góp nhất định, dẫu là thầm lặng. Một công trình khác cũng đòi hỏi đầu tư chất xám là thiết kế, thi công cầu cáp bí mật vượt sông, suối. Ngầm Ta Lê được chọn làm thí điểm. Mùa mưa, nước lũ xe không thể vượt qua, phương án làm cầu treo đã được vạch ra từ trước, nhưng không thành công vì có trường hợp xe đang đi trên cáp bị hất xuống. Kỹ sư Đặng Hương sau khi tham khảo nhiều giải pháp, đã có thiết kế mới ổn định, chống lại sự “cộng hưởng” mỗi khi xe qua, đạt được thành công bước đầu. Và cũng tại chính ngầm Ta Lê này, một lần đang thử nghiệm, máy bay địch ập đến, ông đã bị thương.

Tại Bộ tư lệnh Trường Sơn, năm 1974, Đại tá Đặng Hương gặp lại người bạn Nga năm xưa cùng học tại Học viện Quy-bư-sép. Người đứng ngoài bên trái là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn.

Thi công cơ giới - con đường giải phóng miền Nam

Sau lần Chủ tịch Phi-đen Ca-xtơ-rô thăm vùng giải phóng Quảng Trị và Bộ đội Trường Sơn, đồng chí đã tặng Việt Nam một khối lượng thiết bị làm đường hiện đại trị giá tới 6 triệu đô-la. Kỹ sư Đặng Hương trong số những cán bộ kỹ thuật chủ chốt của Cục Công binh Đoàn 559 được tin cậy về tận cảng Hải Phòng để tiếp nhận máy móc, thiết bị. Sau khi đã tập kết đầy đủ, an toàn tại núi rừng Trường Sơn, ông lại cùng các chỉ huy công binh triển khai việc vận hành thiết bị. Sư đoàn 473 được chọn là đơn vị thi công theo phương thức “dây chuyền-chuyên sâu-đồng bộ”, với động lực là: phương tiện cơ giới kết hợp lao động thủ công cùng công cụ cải tiến và thuốc nổ. Nếu như trước đó việc mở đường chủ yếu dựa vào thủ công, thì nay lần đầu tiên đường Trường Sơn được mở bằng cơ giới đồng bộ với tiến độ nhanh, chất lượng tốt. Đến cuối năm 1973 tuyến đông Trường Sơn thông xe hơn 300 km, tuyến tây Trường Sơn từ Bản Đông đến Plây Khốc hơn 700 km đã được nâng cấp, mở mới. Chính những tuyến đường đạt chuẩn này, đã góp phần quan trọng vào việc đưa an toàn, nhanh chóng những sư đoàn chủ lực, cùng vũ khí hiện đại của quân đội ta hành quân cơ giới theo mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa” của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, giải phóng hoàn toàn miền Nam ngày 30-4-1975.

Công việc thời bình

Trong thời bình, đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh Binh đoàn 12, phụ trách ngành vật tư kỹ thuật, Đại tá Đặng Hương lại say sưa, miệt mài với công việc, đặc biệt ông luôn chú trọng việc tự học, nâng cao kiến thức. Tôi có lần làm việc với Tư lệnh Binh đoàn 12, Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, ông vui vẻ kể về người “phó” thân thiết của mình: “Trong túi anh Đặng Hương lúc nào cũng có một cuốn sổ đã nhầu dấu tay. Đấy thực sự là cẩm nang nghề nghiệp của anh. Ghi đủ thứ trên đường công tác, từ địa chỉ đối tác, bạn bè đến những ý kiến, sáng kiến, có khi chép lại cả một đoạn hướng dẫn công nghệ từ sổ tay mượn được…”.

Đại tá Lê Văn Lục, năm nay 78 tuổi, nhiều năm là Phó cục trưởng Cục vật tư kỹ thuật, cộng sự đắc lực của Đại tá Đặng Hương thì cho biết: “Sinh thời anh Đặng Hương nhiệt tình với công việc và luôn biết cách chăm lo cho đồng đội, đặc biệt bao nhiêu năm phụ trách một ngành liên quan trực tiếp đến rất nhiều loại vật tư quý hiếm, không bao giờ anh để xảy ra mất mát, lãng phí. Anh là tấm gương sáng cả về trí tuệ cùng đạo đức cho chúng tôi noi theo”.

Kỹ sư Đặng Hương sớm bị bạc tóc, nên thoạt nhìn có vẻ già hơn tuổi. Trong câu chuyện riêng tư, ông còn kể tôi nghe một kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau lần gặp đầu, khi học ở Liên Xô ông được gặp Đại tướng lần nữa. Lần này ngoài chuyện học tập, Đại tướng còn hỏi ông có lo lắng gì không? Ông thật thà thổ lộ: “… Em sợ bị ế vợ”. Đại tướng cười đôn hậu: “Không nên lo, phụ nữ Việt Nam hiểu và yêu thương người lính cách mạng lắm. Rồi cậu về nước sẽ có vợ đẹp, con khôn”. Câu động viên, an ủi của Đại tướng sau này trở thành lời tiên tri hạnh phúc. Ở tuổi 34, ông đã có người bạn đời xinh đẹp, thủy chung, đảm việc nhà, là bà Bùi Thị Minh Đức, cán bộ Ty Thương nghiệp Hòa Bình. Ông bà có 4 con, nay đều đã trưởng thành.

Cuối năm 2011, Đại tá Đặng Hương bị bệnh đột quỵ. Thật đau lòng! Một người lúc còn công tác không mấy khi chịu ngồi nhà, luôn rong ruổi trên đường đến với cơ sở; khi về hưu rồi cũng không thích nghỉ ngơi, thường đi thăm, giúp đỡ đồng đội bị hoàn cảnh khó khăn, hay tham gia hội giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam… mà nay phải nằm yên đấy, cứ thiêm thiếp trong giấc ngủ dài. Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vợ con, đồng đội lúc nào cũng bên cạnh ông. Thế rồi đến một ngày đầu năm 2013, người lính già đầu bạc thuộc “Binh chủng thông thái” ấy đã về trời, hưởng thọ 83 tuổi

Phạm Quang Đẩu
.
.