Nghệ thuật có trắng an trên công đường đạo đức?

Thứ Bảy, 28/07/2018, 16:02
Nàng: 22 tuổi, mái tóc bồng bềnh kết hoa, đôi mắt to chứa đựng cả một mùa hè, Pablo Picasso yêu nàng và nàng trở thành bất tử. 

Francoise Gilot là tên của nàng nhưng chẳng mấy ai nhớ tới, người ta cứ gọi nàng đơn giản là “một người tình của Pablo”. 

Không biết bao nhiêu lần trong đời, nàng Francoise Gilot đã được Pablo ký họa. Lúc nào trong tranh của Pablo, nàng cũng tối giản, nữ tính, xa xăm và đẹp. Những người xem tranh nghĩ rằng, hẳn Pablo cũng yêu nàng bằng một tình yêu rất đẹp. Họ đã nhầm.

“Phụ nữ”, Pablo từng nói với Francoise, “là những cỗ máy để chịu đựng”. Người ta bảo, Picasso đổi người tình nhanh như đổi phong cách vẽ. Và bấy nhiêu người tình là bấy nhiêu nạn nhân của thiên tài hội họa thế kỷ 20. 

Pablo giống như chúa tể rạp xiếc còn những người phụ nữ của ông là những chú khỉ bị ông mê hoặc, thuần hóa, hành hạ, ngấu nghiến, ngược đãi, dày vò. 

“Ông ấy cần máu để ký lên mỗi bức họa của mình: máu của cha tôi, máu của anh trai tôi, máu của mẹ tôi, máu của bà tôi, máu của tôi. Ông ấy cần máu của những người yêu ông ấy”, cháu gái ruột của Pablo vén bức màn bí mật về cuộc đời người ông vĩ đại. 

Một trường hợp đánh giá sai lầm về đạo đức ảnh hưởng tới nghệ thuật - các tác phẩm của Salieri (bên phải) từng bị bôi bác vì người ta coi ông là kẻ hãm hại Mozart (bên trái).

Pablo, cùng một lúc là tác giả của bích họa Guernica biểu tượng cho lòng nhân đạo trước nạn binh đao, cùng một lúc là một kẻ bạo dâm, ái kỷ. Ở nửa sáng cuộc đời, ông vẽ những cô gái điếm vùng Avignon với sự bao dung, còn ở nửa tối, ông vẽ một người tình lã chã rơi nước mắt trong tư thế méo mó, bởi vì với ông “phụ nữ là những cỗ máy để chịu đựng”.

Thế kỷ 21, cuộc đấu tranh chống nạn xâm hại tình dục và bạo hành phụ nữ đã ngày càng gặt hái nhiều kết quả: ông trùm Hollywood Harvey Weinstein đối mặt với nguy cơ lãnh án chung thân, vị đạo diễn trứ danh Roman Polanski cùng nghệ sĩ hài gạo cội Bill Cosby bị đuổi thẳng cổ khỏi Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ, XXX Tenacion bị hạ sát mà không nhiều người tỏ ra tiếc thương, Woody Allen bị tẩy chay đồng loạt, họa sĩ Chuck Close phải hủy bỏ triển lãm ở Phòng Trưng bày nghệ thuật quốc gia, văn hào Ko Un bị loại hoàn toàn khỏi sách giáo khoa ngữ văn Hàn Quốc.

Lưới trời lồng lộng, tưởng như không ai lọt được, ấy thế mà vẫn có kẻ lọt qua. Điểm chung của những kẻ lọt qua: họ đều đã chết. Dường như cái chết là sự tẩy trắng mọi tội lỗi, xí xóa tất cả những lầm lỡ mà một người mắc phải lúc sinh thời. Khi Chuck Close không thể tổ chức buổi triển lãm của mình, một số nhà phê bình đánh mắt nhìn nhau như muốn hỏi, thế còn Pablo Picasso?

Mấy chục năm qua, những buổi triển lãm tranh Picasso vẫn diễn ra đều đặn. Bọn trộm tranh coi tác phẩm của ông như Chén Thánh, vì bất cứ thứ nhăng cuội gì được chiếc cọ thần kỳ của ông vẽ ra đều có thể bán với giá triệu đô. 

Không có một nhà xã hội học nào viết tựa bài: “Vì sao tôi không xem tranh của Picasso nữa?”, theo kiểu họ từng “phỉ nhổ” vào tư cách của Woody Allen. Musée Picasso luôn là điểm phải đến của những du khách tới Paris. Có phải chăng Picasso được tha thứ chỉ bởi vì ông đã chết?

Và kinh đô nghệ thuật Paris dường như cũng luôn dễ dãi với những tâm hồn lẫn lộn giữa quái vật và thiên tài.

Paris - một khoảng thời gian không xác định, một người đàn ông Mỹ, sau vụ tự sát của người vợ, bất ngờ tương ngộ với một cô gái Pháp kém ông hàng chục tuổi. Họ say mê nhau trong một thứ tình yêu không tên, thứ tình yêu buông tuồng mà ngột ngạt diễn ra nơi căn hộ trống. 

Đạo diễn Bernando Bertolucci đã viết nên cốt truyện ấy cho bộ phim The Last tango in Paris (Điệu tango cuối cùng ở Paris) từ những giấc mộng xuân của chính mình. 

Ra đời vào năm 1972, tác phẩm với những cảnh nóng bỏng trần trụi ngay lập tức trở thành tâm điểm của những cuộc tranh luận không hồi kết. Khán giả đại chúng coi bộ phim là “phi đạo đức” khi mô tả quan hệ ái tình xác thịt giữa ông già và thiếu nữ. 

Những nghệ thuật gia lại đặt nó ở vị trí đỉnh cao quyền trượng của nghệ thuật thuần khiết. Phải, chỉ có trong địa giới của nghệ thuật, cái ranh giới giữa thiện và ác, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa thánh thiện và tục tằn mới bị xóa nhòa.

Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó, gần nửa thế kỷ sau khi phim ra mắt, nữ diễn viên thủ vai chính trong phim, Maria Schneider tiết lộ, khi quay cảnh phim làm tình với một miếng bơ kinh điển, cô đã bị hiếp dâm, chính xác là hiếp dâm, bởi Marlon Brando - người đóng vai nam chính - ngôi sao sáng chói độc nhất vô nhị của ảnh đàn thế giới. Và cảnh phim mà giới mộ điệu hằng trầm trồ xuýt xoa, có ai ngờ thực chất là một cảnh thủ ác tàn bạo?

Marlon, tất nhiên, đã chết. Cái chết khiến cho scandal này cuối cùng chỉ tô đậm thêm truyền kỳ về người đàn ông quyến rũ nhất mọi thời đại. Marlon bí ẩn, Marlon đen tối, Marlon quỷ dữ, tất cả những điều đó chỉ khiến hình tượng về ông trở nên quyến rũ hơn.

Song, điều gây sốc nhất là lí giải của Bernando Bertolucci về động cơ để Marlon hiếp dâm Maria: “bởi vì tôi muốn cô ấy phản ứng theo cách của một cô gái, không phải theo cách của một một diễn viên”. 

Nói cách khác, Bertolucci không muốn mô phỏng nghệ thuật, ông muốn tạo ra nghệ thuật chân thực không giả dối, ông muốn kéo nghệ thuật ra khỏi cõi mộng ảo tưởng tượng của tha nhân và tạo cho nó một cuộc đời thật. Và như thế, nghệ thuật đã sai? Hay đạo đức đã quá khe khắt?

Nghệ thuật và đạo đức - hai phạm trù ấy gặp nhau và va nhau cũng như hai diễn viên trên sân khấu, có khi chúng tương hỗ, có khi chúng xung đột, nhưng kể cả khi xung đột, chúng vẫn nằm trong cùng một vở diễn, như những chiến binh Kaurava và Pandava sáng ra trận giáp lá cà, tối lại cùng uống rượu.

Trong tác phẩm Cộng hòa, cột trụ của nền minh triết phương Tây, triết gia Plato đã bày tỏ quan điểm rằng nghệ thuật không nên được cho phép nếu nó cổ xúy cho sự ảo tượng, sự suy đồi. 

Marlon Brando (giữa) và Bernando Bertolucci (bên phải) trên phim trường “Điệu tango cuối cùng ở Paris”.

Mặc dù thế, người học trò xuất sắc nhất của người là Aristoteles lại phản biện, khi nghệ thuật mô tả những bi kịch, những đôc hại, ít ra nó dạy cho người xem thế nào là bi kịch, thế nào là độc hại. Suy ra từ lý luận của Aristoteles thì, nghệ thuật chỉ phản ánh cái hiện sinh, nó không có nghĩa vụ phán xét đúng - sai, nó không có nghĩa vụ chỉ ra đâu là chân lý, đâu là phản chân lý. 

Bởi vì nghệ thuật là một cuộc đời thu nhỏ, và cuộc đời thì là nồi lẩu của cái tốt và cái xấu, cuộc đời có đầy những dối trá bỉ ổi đớn hèn, vậy thì tại sao nghệ thuật lúc nào cũng phải hướng tới chân - thiện - mỹ?

Còn đạo đức, nói cho cùng, đạo đức là gì? Lịch sử loài người biến thiên, tư duy về đạo đức cũng không đứng nguyên một chỗ. Ngay cả dòng sông đạo đức cũng chảy trôi khiến không ai có thể tắm hai lần trên cùng một chỗ. Biên giới của đạo đức lúc trồi ra, lúc sụt vào. 

Đạo đức trường tồn nhưng quan điểm về đạo đức thì không. Có những cái đã từng là phi đạo đức mà nay trở thành đạo đức, có những cái từng là luân lý của đạo đức mà giờ lại thành kẻ thù của đạo đức.

Kịch tác gia Oscar Wilde đã từng đứng trước vành móng ngựa, đã từng bị giam cầm nơi địa ngục trần gian vì quan hệ đồng tính. Cuốn tiểu thuyết Chân dung Dorian Gray khơi gợi những cảm giác dục tình đồng giới của ông bị các học giả thời Victoria phê phán là ô uế, nhơ bẩn.

Ngược lại, David Bowie từng được coi là anh hùng giải phóng tình dục, gỡ bỏ mọi rào cản và định kiến về tình dục, thế nhưng cũng chính ông sau này lại trở thành đề tài gây phẫn nộ khi câu chuyện ông gạ tình một bé gái 14 tuổi lan ra. 

Vì thế, ai có thể chắc chắn rằng, triển lãm Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người - nơi trưng bày những mẫu xác người chết thật, trong năm mươi năm tới vẫn bị coi là phi văn hóa, là phản cảm, là phi đạo đức?

Khi đứng trước vành móng ngựa, khi tòa án tuyên cáo Chân dung Dorian Gray là cuốn sách dâm ô đi ngược luân thường đạo lý, Oscar Wilde dõng dạc nói: “Tôi không biết ông định nghĩa thế nào là dâm ô”. Và ngay trong phần lời tựa của cuốn tiểu thuyết, ông viết: “Không có cuốn sách nào là đạo đức hay phi đạo đức. Chỉ có sách viết hay hoặc sách viết dở mà thôi”.

Cơ thể người chết là phi đạo đức ư? Không. Cơ thể người chết chỉ là cơ thể người chết. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật không nằm ngoài vòng cộng sinh của vũ trụ. Đạo đức có quyền phán xét nghệ thuật, nhưng nghệ thuật vẫn có quyền sinh trưởng theo cách mà nó muốn.

Hiền Trang
.
.