Chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Tạo: Đường từ Paris về Việt Nam

Thứ Tư, 22/11/2017, 08:45
Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, Nguyễn Văn Tạo lớn lên trong sự nuôi dạy của người chú ruột làm nghề thuốc Bắc nơi quê nghèo Phước Lợi (huyện Bến Lức, tỉnh Long An). 

Cha anh, một nhà Nho nghèo, đã không thể thực hiện được chí hướng nuôi con ăn học thành tài. Nối chí cha, anh chuyên tâm học tập từ trường làng lên tỉnh thi đậu, được học bổng. 

Sau 3 năm, lấy bằng sơ học rồi thi đậu vào trường Tây ở Sài Gòn, trường Chasseloup - Laubat (nay là trường Lê Quý Đôn). Càng học, càng hiểu biết, anh lại càng say mê tìm hiểu rồi chịu ảnh hưởng sâu sắc của các phong trào yêu nước, chống Pháp lúc ấy. 

Năm 1926, anh là người chủ xướng vận động học sinh trường mình tiến hành bãi khóa trong phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh và bị đuổi học. Khi đó Nguyễn Văn Tạo tròn 18 tuổi - anh sinh ngày 20-5-1908.

Tháng ngày hoạt động trên đất Pháp

Nghe kể ở Pháp có người Việt hoạt động, có ông Nguyễn Ái Quốc, có Báo Việt Nam Hồn nên ngay giữa năm đó anh nhờ một thủy thủ lén đưa lên tàu Chantilly trốn sang Pháp. 

Tại đây, anh đã làm thuê để có thể tiếp tục học và hoạt động cách mạng cùng các chiến sĩ cộng sản Pháp. Anh tham gia viết bài trên Báo Nhân đạo của đảng Cộng sản, viết sách để tuyên truyền vận động thợ thuyền, binh lính và học sinh người Việt Nam tại Pháp. 

Ngay cuối năm 1926 anh được kết nạp vào đảng Cộng sản Pháp. Năm 1927, Nguyễn Văn Tạo đến Paris với mong muốn được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc nhưng Người đã sang Liên Xô. 

Ở lại Paris, anh làm tại một ban của Văn phòng Trung ương đảng Cộng sản Pháp, chủ yếu là tìm hiểu phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, đặc biệt là Đông Dương qua tin tức, báo chí; tập hợp tình hình báo cáo với trung ương để các nghị sĩ cộng sản có tài liệu chất vấn và phê phán chính phủ về chính sách ở Đông Dương, mặt khác, lấy tài liệu vừa chuyển về nước vừa tuyên truyền vận động anh em thợ thuyền, sinh viên, binh lính người Việt ở đây.

Tháng 4-1928, Nguyễn Văn Tạo tham gia thành lập một nhóm cộng sản Đông Dương tại xưởng Xanh-đơ-ni, anh phụ trách xuất bản bí mật tờ báo Lao nông, sau đổi thành Vô sản. Hoạt động tại tổ chức này là cùng nghiên cứu học tập chủ nghĩa Mác - Lênin song những người Việt Nam vẫn giữ sinh hoạt tại các chi bộ Cộng sản Pháp.

Bằng những hoạt động hiệu quả của mình, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được cử vào Đoàn đại biểu đảng Cộng sản Pháp dự Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 6 tại Mátxcơva (Liên Xô) tháng 8-1928. Đây là chuyến đi công khai với giấy thông hành mang tên một người Hoa là Văn Pinh. Từ Paris đi Béc-lin đến hải cảng Xtét-tin, chuyển sang tàu Liên Xô đi Leningrad, đáp tàu hỏa về Mátxcơva. 

Tại lễ tưởng niệm.

Tại đại hội, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được Đoàn đại biểu đảng Cộng sản Pháp phân công đọc một bản tham luận về tình hình Đông Dương với bí danh Nguyễn An. 

Bản tham luận này được ông chuẩn bị khá công phu, có trao đổi với các đồng chí Việt Nam đang học ở Đại học Phương Đông và được Đoàn đại biểu đảng Cộng sản Pháp nhất trí thông qua. 

Nội dung quan trọng của bản tham luận là việc phân tích các giai cấp ở Đông Dương: thẳng thắn bác bỏ luận điểm cho rằng Đông Dương không có giai cấp vô sản, khẳng định ở đây giai cấp công nhân tuy không đông đảo trên khắp nước nhưng rất tập trung ở các trung tâm công nghiệp lớn. Giai cấp nông dân lại hết sức đông đảo với tinh thần đấu tranh chống sự áp bức bóc lột của đế quốc và địa chủ ngày càng cao. 

Thực tiễn và lý luận đều cho thấy giai cấp tư sản ở một nước thuộc địa không thể lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc. Từ đó mà thấy sự cần thiết phải thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân để lãnh đạo cách mạng Đông Dương.

Phần kết luận, bản tham luận nhấn mạnh Quốc tế cộng sản cần chú ý đến vấn đề thành lập đảng Cộng sản ở Đông Dương, thành lập công đoàn để tập hợp công nhân và những tổ chức để tập hợp nông dân. Chỉ có như vậy công nhân và nông dân Đông Dương mới có thể tiến lên tự giải phóng hoàn toàn và vĩnh viễn được. 

Bản tham luận của đồng chí Nguyễn An - Nguyễn Văn Tạo - đã được Đại hội hoan nghênh và được đăng lại toàn văn trên tạp chí Thư tín Quốc tế số 128 năm 1928.

Trong thời gian ở Đại hội tại Mátxcơva, Nguyễn Văn Tạo đã được gặp các đồng chí lãnh đạo các đảng anh em như Ten-lơ-man, Tô-gli-ati, Cu-u-xi-nen, Ka-ta-ta-ma, Giác-cơ-mốt, Gốt-van, Biê-rut... Anh cũng đã đến thăm các đồng chí đang học ở Đại học Phương Đông: Trần Phú, Nguyễn Thế Rục, Nguyễn Khánh Toàn...

 Rất tiếc lúc đó đồng chí Lê Hồng Phong đang theo học ở trường đào tạo cán bộ không quân tại Leningrad nên ông không đến thăm được. Một kỷ niệm thật khó quên khi ông được đưa đi tham quan đất nước Xôviết với U-ran, Xi-bê-ri, Bắc-ki-ri, vùng Vônga...

Từ hội nghị Quốc tế cộng sản trở về, đồng chí Nguyễn Văn Tạo được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Pháp công tác tại Ban Nghiên cứu thuộc địa. Được ít lâu, tình hình gay cấn, ông phải rút vào hoạt động bí mật, cùng đồng chí Mac-xen-ca-sanh đến ở nhà một công nhân lái taxi, tình hình dịu đi lại ra hoạt động công khai. 

Năm 1930, trong một cuộc biểu tình trước điện Ê-li-dê phản đối bọn cầm quyền Pháp xử tử các nhà cách mạng Yên Bái, cảnh sát đã bắt ông giam ở nhà tù La Sante' và thả sau 8 tháng bởi có tổ chức đấu tranh đòi trả tự do cho ông của đảng Cộng sản Pháp. 

Ra tù ông lại hoạt động nên tháng 5-1931 đế quốc Pháp tổ chức "bắt cóc", dùng vũ lực đưa ông xuống tàu trục xuất về nước. Trong chuyến về nước này, đề phòng bọn đế quốc thủ tiêu, Quốc tế cứu tế Đỏ đã cử một trạng sư người Pháp sang Việt Nam để bảo vệ tính mạng cho ông.

Tất cả cho quê hương

Về đến Sài Gòn, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Tạo bắt tay ngay vào những hoạt động đấu tranh đòi dân sinh dân chủ, chống chế độ cai trị hà khắc của thực dân Pháp bằng những hoạt động khi công khai lúc bí mật và chủ yếu trên mặt trận báo chí. 

Đặc biệt, trong hoạt động công khai, ông là đại biểu nhân dân lao động ra tranh cử Hội đồng thành phố Sài Gòn và được bầu liền 3 khóa (1933, 1935 và 1937) bất chấp các trò mua phiếu, gian lận bỉ ổi của bọn phản động, thực dân cầm quyền. Năm 1936, ông là một trong những người tổ chức phong trào Đông Dương đại hội ở Nam Bộ,  đấu tranh qua tờ báo La Lutte thời kỳ mới ra đời. 

Cuối cùng, bọn cầm quyền phá Đông Dương đại hội là bắt giam ông cùng một số cán bộ chủ chốt khác. Anh em bị bắt đã phản đối bằng một cuộc bãi thực được tù nhân chính trị của cả khám Lớn Sài Gòn hưởng ứng, dư luận nhân dân toàn thành phố và cả nước đồng tình. Lúc này Sài Gòn và ngoại ô đang sôi nổi chuẩn bị ráo riết cho một cuộc tổng bãi công chính trị. 

Ngày 1-11-1936 mở đầu bằng cuộc bãi công của mấy ngàn xe thổ mộ, mấy chục lò nhuộm, các trại cưa, phần lớn các xe ôtô buýt, xe đò, tổng bãi thị của gần 50 chợ trong và ngoài Sài Gòn. Các nơi khác trong thành phố cũng chuẩn bị hưởng ứng theo, các tỉnh đều rục rịch mạnh.

Trước sự đấu tranh kiên cường của các ông và áp lực dữ dội của quần chúng cùng với hàng trăm bức điện gửi sang Paris đòi thả nhóm ông Tạo. Đến ngày thứ 13 của cuộc đấu tranh bằng bãi thực nói trên, nhà cầm quyền thực dân Pháp buộc phải thả các ông. Họ rời khỏi nhà tù như các xác chết nằm trên cáng. 

Nhân dân đã giáng lên đầu viên Thống đốc Pages một đòn đau điếng. Tuy vậy, Đông Dương đại hội ở Nam Bộ và các ủy ban hành động không hoạt động trở lại được như trước nữa. 

Cùng lúc ấy tiếng dội tổng bãi công chính trị chưa dứt thì bắt đầu một loạt biểu tình khổng lồ ở Sài Gòn. Tiếp tục các cuộc đấu tranh trên báo chí công khai, tờ La Lutte đã bị nhóm Tơrôtkit độc chiếm, Nguyễn Văn Tạo đã cùng các đồng chí cộng sản ra tờ báo L' Avant Garde (giữa 1937) rồi tờ Le Peuple, cất lên tiếng nói có trọng lượng của đảng Cộng sản, tiếp đó là tờ báo Dân chúng (chữ quốc ngữ) in ấn và phát hành công khai tại Sài Gòn mà không xin phép chính quyền thực dân. 

Với việc liên tục hoạt động không mệt mỏi trong thời gian này ông bị bọn phản động thuộc địa bắt, buộc vào tội viết báo chống lại chế độ thuộc địa và bị kết án 2 lần, một lần 2 năm tù, 5 năm biệt xứ; một lần 1 năm tù, 10 năm biệt xứ. Ra tù, chúng quản thúc ông tại Mỹ Tho. Ở đây ông vẫn tiếp tục hoạt động trên mặt trận báo chí. 

Thế chiến hai bùng nổ năm 1939, bọn phản động thuộc địa lại càng điên cuồng đàn áp cách mạng, ông và một số đồng chí khác lại bị bắt, bị kết án 5 năm tù và bị đày đi Côn Đảo. Năm 1944 ra tù, chúng lại đưa ông về quản thúc tại Rạch Giá.

Chế độ tù đày hà khắc dã man không thể nào khuất phục được người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Tạo. Mỗi ngày tự do là mỗi ngày ông say sưa lao vào các hoạt động cách mạng. Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa cuớp chính quyền ở Sài Gòn và được cử vào Ủy ban nhân dân lâm thời Nam Bộ. 

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khóa đầu tiên ông Nguyễn Văn Tạo là đại biểu tỉnh Rạch Giá và trong kỳ họp thứ hai của khóa ấy, ông đã báo cáo về cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào Nam Bộ khiến mọi người không cầm được nước mắt. Bác Hồ đã xúc động ôm ông rồi giới thiệu ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động. 

Trong không khí độc lập tự do của dân tộc, trong chính phủ cách mạng non trẻ trực tiếp đương đầu với mọi thử thách cam go của thù trong giặc ngoài có sự đóng góp không nhỏ của vị Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo. 

Song song với công việc ấy, ông còn là thành viên của Tiểu ban Công vận của Trung ương Đảng (1947), Trưởng Ban đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết (1954). Tháng năm hoạt động cách mạng gian khổ, những lần tù đày từ khi hoạt động ở Pháp cũng như trong nước đã làm suy giảm đáng kể sức khỏe của ông. 

Vì thế, năm 1965 ông được chấp thuận thôi làm nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Lao động. Song với ông, cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc luôn là lẽ sống nên vẫn tiếp tục là: Chủ nhiệm Văn phòng nội chính Phủ Thủ tướng, Phó trưởng Ban Thi đua Trung ương và tháng 6-1970 là Chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất của Quốc hội.

Thế rồi chỉ sau 2 tháng giữ nhiệm vụ ấy, trong một buổi làm việc với tỉnh Thái Bình, một cơn tai biến mạch máu não đã làm ông gục xuống. Sau đó là 11 ngày đêm trái tim Nguyễn Văn Tạo đấu tranh sống mái với tử thần. Tuy có sự trợ giúp tận tình của các giáo sư, bác sĩ, cán bộ y tế Bệnh viện Việt - Xô, song, đến 8h sáng ngày 16-8-1970, trái tim ấy đã ngừng đập. Dòng máu cách mạng 45 năm của người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Văn Tạo đã ngừng chảy.

* * *

Một ngày thu năm 2002, tôi đến câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến TP Hồ Chí Minh dự lễ tưởng niệm nhân 32 năm ngày mất của ông và mừng ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đến với ông hôm ấy là những người cộng sản Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Văn Giàu, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Thọ Chân, Trần Cửu Kiến, Lê Quý Quỳnh..., là những cụ ông, cụ bà mái đầu bạc trắng mà toàn bộ cuộc đời đã cống hiến cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. 

Tại đây, mỗi người một chuyện kể đến những kỉ niệm sống về cuộc đời hoạt động cách mạng gian khổ mà hào hùng, phẩm chất người trí thức cộng sản, tài hùng biện trong nói và viết, sức làm việc, cống hiến,... của ông. 

Sẽ chẳng bao giờ quên được một giáo sư Trần Văn Giàu như lời tự bạch: “Tôi di chuyển khó và rất khổ là nói năng cũng khó”, vậy mà hơn một giờ đồng hồ đã hào hứng kể về những hoạt động tài trí trước Cách mạng Tháng Tám của người trí thức cộng sản Nguyễn Văn Tạo. 

Tai tôi mãi ghi đậm những lời nói của ông: “...tôi nói điều chưa hề nói và hôm nay mới nói là: người dắt tôi đến với cách mạng là anh Nguyễn Văn Tạo” và "...tựu trung lại, cái tôi muốn nhấn mạnh hôm nay là Nguyễn Văn Tạo làm việc công khai nhưng rất có công cho hoạt động bí mật của tổ chức, của Đảng...”.

Lê Khắc Hân
.
.