Trí thức Nguyễn Văn Tạo: Từ Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đến Bộ trưởng Chính phủ cụ Hồ

Thứ Bảy, 18/03/2006, 08:14

Năm 1920, nước Pháp thực dân đã đặt ách thống trị lên nhiều thuộc địa ở hầu hết các châu lục. Nhưng ngay tại thủ đô Paris, trong cộng đồng "các dân bộc bị áp bức", nhiều nhà cách mạng nổi tiếng đã có những hoạt động tuyên truyền, lên án chủ nghĩa thực dân, đòi độc lập, tự do cho các  dân tộc bị đô hộ. Bên cạnh Nguyễn Ái Quốc, người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, là Nguyễn Văn Tạo, người được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Ngôi biệt thự trên phố Nguyễn Huy Tự (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)  nhuốm màu thời gian và lặng lẽ dưới những bóng cây. Chờ một lát, chủ nhân của ngôi nhà, một người đàn bà trạc 60 tuổi, lạch cạch mở khóa, mời khách vào nhà. Căn phòng được dùng để tiếp khách rộng chừng hơn 20m2 tại tầng trệt, có bộ tràng kỷ cũ kỹ, một tủ thờ au áu nước sơn đặt giữa phòng, phía trên là chân dung ông Nguyễn Văn Tạo - vị Bộ trưởng Bộ Lao động đầu tiên của nước ta, có thâm niên lâu nhất (từ 1946 đến 1965) và ảnh người bạn đời của ông, bà Nguyễn Hồng Châu.

Khách kính cẩn thắp nén hương tưởng nhớ người xưa. Người đàn bà cảm động đáp lễ. Khuôn mặt bà hiển hiện những thăng trầm của một đời người nhưng vẫn phảng phất dấu ấn “danh gia” một thời. Đó là bà Nguyễn Thái Lan - thứ nữ của cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, bà mở đầu câu chuyện về người cha của mình: “Ba tôi sinh năm 1908, quê ở Chợ Lớn, nay là huyện Bến Lức, tỉnh Long An”...

Người cộng sản Việt Nam nổi tiếng ở Paris

Sớm giác ngộ cách mạng, khoảng giữa năm 1926, ông Nguyễn Văn Tạo đã tham gia các hoạt động bãi khóa đòi chính quyền thực dân trả tự do cho nhà ái quốc Nguyễn An Ninh, nên bị đuổi học. Chí trai tang bồng, ông trốn lên chiếc tàu Chantilly, sang Pháp. Tới Marsseille một thời gian, được sự trợ giúp của Hội Ái hữu người Việt Nam tại đây, Nguyễn Văn Tạo vào học tiếp Trường trung học Lycée Mignet.

Đồng chí Nguyễn Văn Tạo cùng các đồng chí cộng sản Pháp (1927).

Ngoài việc học tập, Nguyễn Văn Tạo tích cực tham gia các buổi míttinh do Đảng bộ Cộng sản vùng Aix tổ chức. Cuối năm 1926, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp và tích cực tham gia các hoạt động chính trị như viết báo, sáng lập báo xu hướng cánh tả mang tên Lao Nông (ghép hai chữ Lao động và Nông dân, sau đổi thành tờ Vô sản). Tháng 10/1927, ông Nguyễn Văn Tạo lên Paris để tìm gặp Nguyễn Ái Quốc và định xin vào làm ở nhà in “Việt Nam hồn”, nhưng Nguyễn Ái Quốc đã bí mật sang hoạt động ở nước khác. Được sự giới thiệu của những người đồng chí, ông Nguyễn Văn Tạo ở lại Paris tiếp tục hoạt động cách mạng và làm việc tại một xí nghiệp sơn mài, đồng thời theo học Đại học Văn khoa. Cuối năm đó, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp đề nghị các đồng chí Việt Nam tiến cử một người làm việc tại Văn phòng trung ương, với nhiệm vụ giúp Đảng Cộng sản Pháp nắm tình hình các thuộc địa, nhất là tình hình Đông Dương để các nghị sĩ Cộng sản chất vấn, đấu tranh tại Quốc hội về chính sách với các thuộc địa, ông Nguyễn Văn Tạo được lựa chọn.

Giữa năm 1928, Đảng Cộng sản Pháp cử đoàn đại biểu dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VI tại Mátxcơva, gồm 3 người, trong đó có ông Nguyễn Văn Tạo. Với bí danh Nguyễn An, Nguyễn Văn Tạo đã viết bản tham luận về tình hình Đông Dương. Bản tham luận này được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp thông qua và được trình bày tại phiên họp thứ 35 của Quốc tế Cộng sản, họp chiều 17/8/1928 tại Nhà các công đoàn Liên Xô trên Quảng trường Đỏ…

Bà Lan lục tìm trong chồng tài liệu, đưa ra một văn bản có tiêu đề “Tham luận tại Đại hội quốc tế lần thứ VI của Quốc tế Cộng sản” (tài liệu của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, số Q1/6.1 106-QT, dịch từ tạp chí Thư tín Quốc tế số 128, năm 1928). Trong bản tham luận, tác giả đã đanh thép lên án tội ác của chủ nghĩa thực dân: “Trong lúc đi xâm chiếm thuộc địa, chủ nghĩa đế quốc đem theo cảnh giết người, cướp của, ám sát, trộm cắp đem theo bệnh giang mai, rượu chè, thuốc phiện”...

Bản tham luận đã được đại hội nhiệt liệt hoan nghênh. Giáo sư Trần Văn Giàu nhớ lại chuyện này (Tạp chí Xưa & Nay, tháng 8/2005, trang 9): “Người dẫn dắt tôi vào con đường cách mạng là anh Nguyễn Văn Tạo... Lần đầu anh đi dự và phát biểu với Quốc tế Cộng sản rằng: “Điều kiện ở Việt Nam đã cho phép thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương”, anh đề nghị Quốc tế Cộng sản giúp đỡ”.

Trở về nước Pháp sau hội nghị, ông Nguyễn Văn Tạo được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Pháp. Đây là sự ghi nhận của Đảng Cộng sản Pháp đối với một người Cộng sản Việt Nam đã có nhiều hoạt động  đấu tranh cho lý tưởng cao cả, vì công bằng, bác ái.

Trước những hoạt động “nguy hiểm” của người Cộng sản Việt Nam, tháng 5/1931, mật thám Pháp bí mật bắt giữ và trục xuất Nguyễn Văn Tạo về Đông Dương. Ngày 13/5/1931, báo L'Humanité (cơ quan của Đảng Cộng sản Pháp) đăng bài của đồng chí Maurice Thorez (sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp), nhấn mạnh: “Tất cả những người lao động Pháp đều biết đồng chí Tạo... Họ hiểu rằng một sự phản ứng tức khắc là cần thiết và giai cấp công nhân không thể không hành động ngay khi người ta “bắt cóc” một Ủy viên trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.--PageBreak--

Vị Bộ trưởng Lao động do Bác Hồ giới thiệu

Tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Tạo bị mật thám theo dõi gắt gao. Ông đến làm tại báo Trung Lập do Trần Thiện Quý làm chủ báo, với suy nghĩ: sẽ hoạt động công khai và ký tên thật trên báo để bênh vực quyền lợi cho thợ thuyền. Từ đó, trên tờ Trung Lập liên tiếp xuất hiện cái tên Nguyễn Văn Tạo, với những bài bình luận, phân tích sắc sảo. Dù có những đoạn bị kiểm duyệt, cắt bỏ, nhưng các bài báo đều bênh vực mạnh mẽ người lao động, tố cáo chế độ thực dân tàn bạo.

Với trí tuệ mẫn tiệp của một chiến sĩ cộng sản quốc tế, ông Nguyễn Văn Tạo đã có những dự cảm chính xác về thời cuộc trong bài “Thời cuộc Đức với cái họa thế giới chiến tranh, nếu Hitler cầm quyền” (báo Trung Lập, ngày 21/7/1932): “Bọn phát xít Hitler tuyên bố lên rằng hai kẻ đại thù nghịch của mình là chủ nghĩa của Karl Marx và điều ước Versailles... Hitler cướp chánh quyền ấy không phải là chiến tranh với Pháp và Pologone mà thật là chiến tranh với Liên bang Cộng hòa Xôviết”.

Bản thân là một nhà báo cộng sản, trong bài “Giá trị của nghề làm báo” (Báo Trung Lập, ngày 30/9/1932), Nguyễn Văn Tạo đã tuyên ngôn: “... Nhưng là viết báo vì tư tưởng, vì chủ nghĩa. Nếu đạt đến mục đích tốt, mà rủi phải bị thiệt hại đến tính mạng cũng cam”.

Tư tưởng bao trùm lên những bài báo đầy tính chiến đấu của Nguyễn Văn Tạo là bênh vực, bảo vệ quần chúng lao khổ. Phải chăng đó là những tiền đề để sau này trong 20 năm liền ông đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Lao động của nước Việt Nam mới?

Chính phủ đaàu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Đồng chí Nguyễn Văn Tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, đứng thứ hai, hàng thứ 2 từ phải sang.

Bài “Hạnh phước cho ai?” (báo Trung Lập ngày 7/3/1933) có đoạn: “Tiếng than đói cùng đường khắp nẻo, dội vô tận các nghị viện, dội tới Hội Quốc liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc - TG). Bọn đúc súng đóng tàu nói quả quyết: “Phải có chiến tranh. Phải có chiến tranh mới thoát khỏi vòng khủng khoảng”... Dầu có chiến tranh đi nữa thì bọn chúng cũng không lo sợ đâu chết tức tưởi, cái chết ghê gớm của bao nhiêu công nông mặc sắc phục nhà binh mà! Bọn chúng cũng cứ ung dung, xìgà không ngớt, mở sâmbanh không ngừng chớ nào phải chịu đói rét như muôn triệu binh lính đâu”.

Trong Cách mạng Tháng Tám, ông Nguyễn Văn Tạo tham gia lãnh đạo Ủy ban Hành chính Nam Bộ lâm thời do đồng chí Trần Văn Giàu làm Chủ tịch. Tháng 1/1946, ông Nguyễn Văn Tạo đắc cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội khóa I, nhiều đại biểu yêu cầu có một Bộ trưởng Lao động tâm huyết chăm lo đời sống công nhân và người lao động. Trước các vị đại biểu, Hồ Chủ tịch đã hứa sẽ lựa chọn một người xứng đáng với sự mong đợi của Quốc hội.

Cũng tại phiên họp này, đại biểu Nguyễn Văn Tạo đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình Nam Bộ kháng chiến, Bác Hồ và nhiều đại biểu đã không cầm được nước mắt trước sự hy sinh to lớn và tinh thần quật khởi của đồng bào Nam Bộ. Người tới ôm hôn vị đại biểu Nam Bộ yêu quý, và giới thiệu Nguyễn Văn Tạo làm Bộ trưởng Bộ Lao động đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Quốc hội đã tán thành với những tràng pháo tay liên tiếp.

Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo cùng các thành viên Chính phủ chuyển lên Việt Bắc tiếp tục hoạt động cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Thi đua Trung ương nhớ lại: “Năm 1956, tôi về nhận công tác tại Bộ Lao động, giữ chức Vụ trưởng, Trưởng Ban Thanh tra lao động. Được về Bộ Lao động, tôi rất mừng... Anh Nguyễn Văn Tạo là một trí thức rất cần mẫn, viết nhiều sách báo về lao động, tiền lương. Anh còn giúp Trung ương Đảng tiếp, làm việc với những đoàn đại biểu các đảng nói tiếng Pháp”... Đến năm 1965, Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo được Trung ương điều sang Văn phòng Chính phủ, giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng.

Quá khứ và hiện tại đan xen nhau qua lời kể của bà Lan, một giọng nói nhỏ nhẹ và thương cảm về những gì đã qua. Nhìn lên ban thờ, chân dung cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Tạo, giản dị trong chiếc áo đại cán màu sáng, vầng trán cao, khuôn mặt đôn hậu với cái nhìn trầm lắng, xa xăm sau cặp kính dày. Lát sau, bà Lan không cầm được nước mắt... “Đêm đó, tôi vẫn mải miết bên chiếc máy khâu. Nghe tiếng ba tôi thở mạnh, chị gái tôi nhắc dừng máy cho ba nghỉ; nhưng ba tôi nhổm dậy, bảo: Ba không sao đâu, con cứ làm tiếp đi”. Sáng hôm sau, trong lúc đang tiếp một đoàn khách của tỉnh Thái Bình, người chiến sĩ cộng sản Nguyễn Văn Tạo bị đột quị và mươi ngày sau (16/8/1970), ông lặng lẽ đi vào cõi vĩnh hằng. Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông vào  sự nghiệp cách mạng của dân tộc, năm 2002, Đảng và Nhà nước đã truy tặng đồng chí Nguyễn Văn Tạo Huân chương Hồ Chí Minh

Trần Duy Hiển
.
.