Nước Pháp kêu gọi cải cách cân bằng và công bằng

Chủ Nhật, 01/10/2017, 07:11
Cuộc cải cách lớn đầu tiên của nước Pháp dưới thời tân Tổng thống Emmanuel Macron đã chính thức được công bố. Đó là việc Chính phủ Pháp sẽ dùng các sắc lệnh hành chính để sửa đổi một cách triệt để nhiều điều khoản trong Bộ luật Lao động. 

Theo đó, Tổng thống Macron đã công bố dự luật cải cách mà ông cho là “tham vọng, cân bằng và công bằng” để giảm tỉ lệ thất nghiệp, bất chấp sự phản đối từ một số tổ chức công đoàn.

Năm 2016, quá trình cải cách Luật Lao động từng khiến cựu Tổng thống Francois Hollande vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn Pháp. Bởi vậy, phản ứng sắp tới của dư luận về dự luật lần này được xem là phép thử tín nhiệm đối với chính phủ non trẻ của ông Macron.

Kêu gọi cải cách

Dự luật Lao động đã được Hạ viện Pháp, do đảng Nền Cộng hòa tiến bước (LREM) của Tổng thống Macron chiếm đa số, nhất trí thông qua. Dự luật được Tổng thống ký ban hành và có hiệu lực từ đầu tháng 9 sẽ là cải cách lớn đầu tiên của chính phủ với mục tiêu giảm số lượng lao động thất nghiệp hiện ở mức cao kỷ lục.

Trong văn bản dài 159 trang được công bố, Chính phủ Pháp đã đưa ra 36 điều chỉnh quan trọng trong Bộ luật Lao động. Đây được xem là nỗ lực lớn từ phía Tổng thống Macron trong việc thực thi lời hứa tranh cử là sẽ tiến hành cải cách Luật Lao động ngay trong những tháng đầu tiên lên nắm quyền. Trước đó, trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã cam kết tự do hóa nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và đưa tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức 9,4% xuống còn 7% vào năm 2022.

Nội dung dự luật được xây dựng dựa trên kết quả cuộc thương lượng kéo dài 3 tháng giữa chính phủ và các tổ chức công đoàn của Pháp. Dự luật cải cách lao động xoay quanh các điều khoản hợp đồng giữa người lao động và nhà tuyển dụng, tập trung vào 3 nội dung chính: bảo đảm sự hài hòa giữa các thỏa thuận ở phạm vi doanh nghiệp và thỏa thuận ở phạm vi ngành nghề; đơn giản hóa và tăng cường đối thoại kinh tế và xã hội giữa chủ doanh nghiệp và người lao động; bảo đảm mối quan hệ trong công việc giữa các đối tượng nói trên.

Cuộc cải cách lớn đầu tiên của nước Pháp dưới thời tân Tổng thống Emmanuel Macron liên quan đến Bộ luật Lao động đã chính thức khởi động.

Dự luật còn bao gồm các quy định cụ thể về điều kiện lao động tại cơ sở tư nhân cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong việc sa thải và tuyển dụng nhân công, cùng những quy định về các mức trần bồi thường trong trường hợp chủ lao động sa thải người lao động mà không có lý do chính đáng.

Thu hút sự chú ý nhất là những quy định nới lỏng cho người sử dụng lao động trong việc tuyển dụng cũng như sa thải nhân công. Chính phủ giải thích rằng việc gỡ bỏ ràng buộc trong Luật Lao động cũ là điều kiện giúp tự do hóa thị trường lao động của Pháp, có lợi cho cả người lao động tìm kiếm việc làm và doanh nghiệp tuyển dụng nhân công phù hợp.

Theo quy định mới, Chính phủ Pháp sẽ đặt ra mức trần và mức sàn để cho các doanh nghiệp áp dụng khi bồi thường cho người lao động bị sa thải, mức trần tối đa là 20 tháng lương cho người có thâm niên làm việc ít nhất 30 năm và mức sàn thấp nhất là 1 tháng lương cho người làm việc từ 2 năm trở xuống. 

Đây là thay đổi rất lớn so với trước đây bởi trong nhiều thập kỷ qua, Luật Lao động Pháp duy trì một hình thức “hội đồng hòa giải” giữa doanh nghiệp và người lao động khi có tranh chấp.

Trong số những cải cách đáng chú ý tiếp theo, có các quy định mới về việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ doanh nghiệp được phép thương lượng trực tiếp với người lao động mà không cần sự có mặt của đại diện công đoàn. 

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu theo dạng “trưng cầu dân ý thu nhỏ” để thông qua thỏa thuận lao động trong doanh nghiệp mà không cần phải đưa lên cấp công đoàn cao hơn trong lĩnh vực ngành nghề đó.

Nhận định về cuộc cải cách lần này, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, ông và chính quyền đang cố gắng “bảo vệ tốt hơn” quyền lợi của người lao động. 

“Pháp là nền kinh tế lớn duy nhất tại Liên minh châu Âu không đánh bại được nạn thất nghiệp trong hơn 3 thập niên qua. Như tôi đã hứa, cải cách lần này sẽ hiệu quả để tiếp tục giảm tỉ lệ thất nghiệp và chúng ta sẽ không phải quay lại chủ đề này trong suốt nhiệm kỳ của tôi”, ông Macron tự tin tuyên bố.

Phép thử ý chí

Là dự án cải cách lớn đầu tiên của Tổng thống Macron nên từ nhiều tháng qua, việc sửa đổi Luật Lao động đã gây ra rất nhiều tranh cãi trên chính trường và trong xã hội Pháp. 

Trong khi những người ủng hộ ông Macron hy vọng chính quyền sẽ đưa ra các cải cách quyết liệt để tạo bàn đạp cho các cải cách tiếp theo thì các công đoàn đã lên sẵn kế hoạch chống đối đến cùng bằng các cuộc biểu tình đường phố, chỉ trích cuộc cải cách này là một “cuộc đảo chính về mặt xã hội”.

Các tổ chức công đoàn khẳng định việc tăng quyền hạn cho nhà tuyển dụng cùng những quy định về trần bồi thường sẽ “tiếp tay” cho chủ doanh nghiệp dễ dàng sa thải nhân công. Các đảng đối lập cũng nhân cơ hội này phản đối và tấn công kế hoạch cải cách của ông Macron, khiến dự luật phải trải qua những cuộc tranh luận “nảy lửa” ở Quốc hội.

Năm ngoái, dự thảo Luật Lao động tương tự do chính phủ của Tổng thống Hollande xây dựng phải đối mặt làn sóng biểu tình rộng khắp của các tổ chức công đoàn và người lao động trên cả nước. Năm nay, trước khi nỗ lực giành sự ủng hộ ở Quốc hội, ông Macron đã tham gia đàm phán với các nhà lãnh đạo công đoàn nhằm tránh “đi vào vết xe đổ”.

Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng can thiệp tới các quyền lao động đồng nghĩa với việc làm thay đổi bản chất của xã hội cũng như của các quy định về lao động tại Pháp. Từ đây, một số lãnh đạo hiệp hội lao động có quan điểm cứng rắn trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động đã rục rịch kêu gọi tuần hành phản đối.

Giới phân tích nhận định, các cải cách vừa được chính quyền Macron đưa ra là rất táo bạo và một số cải cách gần như sẽ thay đổi tận gốc rễ mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động.

Các công đoàn đã lên sẵn kế hoạch chống đối đến cùng bằng các cuộc biểu tình đường phố, chỉ trích cuộc cải cách này là một “cuộc đảo chính về mặt xã hội”.

Chính vì thế, chắc chắn trong thời gian tới, sự phản kháng từ các tầng lớp xã hội Pháp đối với các cải cách này sẽ vô cùng gay gắt, và dự báo sẽ ở quy mô lớn tương tự các cuộc biểu tình chống lại Luật Lao động El Khom-ri trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hollande. 

Cuộc cải cách lần này gây ra rất nhiều hoài nghi và lo lắng từ dân chúng Pháp - những người rất sợ sẽ phải đối mặt với một bộ luật mất cân bằng.

Về phần mình, Tổng thống Pháp Macron dường như nhận thức rõ các khó khăn đang chờ đón. Ông Macron thừa nhận người dân Pháp ghét cải cách, nhưng khẳng định điều này sẽ không thể ngăn cản ông thực thi lộ trình cải cách đã đề ra khi tranh cử, mà cải cách Luật Lao động chính là bước đi đầu tiên.

Giới quan sát đánh giá, ông Macron đã trải qua “tuần trăng mật” ngọt ngào và bắt đầu đối mặt những thách thức lớn ở Điện Elysee. Sự ủng hộ hay phản đối sắp tới của người lao động Pháp đối với Luật Lao động sẽ là phép thử hết sức quan trọng đối với kế hoạch cải cách của ông.

Đồng thời, đây cũng là một bài kiểm tra đối với khả năng và ý chí của ông Macron, cũng như mở ra cơ hội để ông lấy lại niềm tin trong người dân. Các cuộc thăm dò dư luận tháng 8 cho thấy đà suy giảm uy tín của ông Macron vẫn chưa dừng lại. Hiện nay chỉ có 36% số người tin tưởng rằng ông Macron có thể dẫn dắt nước Pháp đối mặt với các khó khăn hiện tại, trong khi 49% tuyên bố không tin tưởng. 

Những kết quả này cho thấy, sau một thời gian đầu ấn gây ấn tượng mạnh, ông Macron bắt đầu phải nhận sự phán xét khắt khe từ mọi tầng lớp cử tri trong xã hội Pháp.

Đà sụt giảm uy tín liên tiếp của ông Macron hiện nay nảy sinh từ thực tế là đang có độ vênh rất lớn giữa chiến lược truyền thông của ông Macron với các quyết sách của Chính phủ Pháp. Dư luận Pháp đang bắt đầu cảm thấy “phản cảm” giữa cách thể hiện hết sức thu hút về mặt cá nhân, như một ngôi sao giải trí của ông Macron, với thực tế là chính quyền của ông Macron đang thực thi các chính sách rất khắc khổ về ngân sách và phúc lợi xã hội.

Tổng thống 39 tuổi cũng đang vấp phải khó khăn khi bắt tay vào triển khai các chương trình “thắt lưng buộc bụng” để đáp ứng quy định giữ thâm hụt ngân sách nhà nước dưới mức 3% GDP của Liên minh châu Âu. Lãnh đạo nhiều địa phương đã lên tiếng phản đối dự định cắt giảm 13 tỷ USD chi tiêu công của ông Macron.

Rõ ràng, Tổng thống Emmanuel Macron đang đối diện nhiều thách thức lớn, bao gồm nhiều “hồ sơ nóng bỏng” như cải tổ Luật Lao động trong tháng 9/2017 hay thông qua dự thảo ngân sách cho năm 2018 trong tháng 11.

Chưa hết, ông Macron cần khôi phục lòng tin của cử tri bằng cách giới thiệu một dự luật làm trong sạch bộ máy chính trị sau nhiều vụ tham nhũng và bê bối trốn thuế, đồng thời lên kế hoạch để xây dựng luật chống khủng bố mới nhằm thay thế tình trạng khẩn cấp vốn được áp đặt kể từ sau các vụ tấn công Paris hồi tháng 11-2015. 

Đây được dự báo sẽ là khoảng thời gian sóng gió nhất kể từ khi ông Macron lên cầm quyền bởi các phe phái đối lập, vốn có quyền lực rất mạnh tại Pháp, đang kêu gọi và chuẩn bị cho các cuộc phản kháng rất lớn cả trong nghị viện lẫn trên các đường phố...

Lê Nam
.
.