Nước Pháp chuyển mình như ước hẹn

Thứ Năm, 13/07/2017, 19:55
Không ngoài mọi dự liệu, đảng Cộng hòa tiến lên (LREM) của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giành được chiến thắng tuyệt đối sau 2 vòng bầu cử quốc hội.

Giờ đây, ông Macron không còn phải e ngại gì về việc bị chống đối từ phía quốc hội, đồng thời gạt sang bên các chính đảng truyền thống và giành quyền lực lớn để có thể bắt tay ngay vào việc tiến hành những cuộc cải cách cần thiết về chính trị - kinh tế cũng như xã hội.

Việc đảng LREM đạt được kết quả bầu cử như thế chỉ vài tuần sau khi từ một phong trào chính trị trở thành một đảng phái chính trị cho thấy cử tri ở Pháp ngán ngẩm giới chính trị xưa nay như thế nào và đã trừng phạt họ thích đáng, đồng thời mong muốn có được sự thay đổi thật sự. Họ kỳ vọng vào ông Emmanuel Macron, và trao cho nhà lãnh đạo này cơ hội làm cuộc cách mạng thực sự.

Thâu tóm quyền lực

Chiến thắng áp đảo này đã được dự báo từ trước, và như vậy Tổng thống Emmanuel Macron và đảng của mình đã hoàn thành 2 mục tiêu lịch sử là kiểm soát toàn bộ chính trường Pháp cả về hành pháp và lập pháp sau 2 cuộc bầu cử diễn ra liên tiếp từ cuối tháng 4. Đây là lần đầu tiên một đảng, dù mới thành lập, có đa số lớn nhất tại quốc hội Pháp kể từ năm 1945.

Như vậy Tổng thống Emmanuel Macron và đảng LREM đã vượt qua được thử thách cuối cùng về bầu cử, chiếm đa số áp đảo tại Hạ viện để tiến hành các cuộc cải cách quan trọng như cam kết khi tranh cử.

Đó là kế hoạch đổi mới và lành mạnh hóa đời sống chính trị, sửa đổi luật lao động và tăng cường các biện pháp chống khủng bố. Trong đó quan trọng nhất là kế hoạch nới lỏng luật về lao động đang làm cho giới công nhân, thợ thuyền rên xiết, bất bình; và kế hoạch thay đổi hệ thống phúc lợi xã hội bao gồm lương hưu và các phúc lợi thất nghiệp.

Tổng thống Emmanuel Macron và đảng LREM đã hoàn thành hai mục tiêu lịch sử là kiểm soát toàn bộ chính trường Pháp cả về hành pháp và lập pháp.

Bên cạnh đó, ông Macron mong muốn hồi sinh vận mệnh của nước Pháp thông qua làm sạch nền chính trị và nới lỏng các quy chế giám sát mà các nhà đầu tư xem là xiềng xích đối với nền kinh tế lớn thứ nhì khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chiến thắng này còn được đánh giá là sẽ vẽ lại bức tranh toàn cảnh nền chính trị Pháp, trong đó nhân tố mới LREM đã tạo nên một kỳ tích hết sức ấn tượng. Chỉ sau 1 năm thành lập, LREM đã vụt lớn mạnh, trở thành đảng lớn nhất giành chiến thắng trước tất cả những “ông lớn” truyền thống.

Xu hướng chính trị mới của Pháp đã chính thức bắt đầu vì các chính đảng tả - hữu truyền thống không tạo được bước đột phá để cân bằng thế đối lập tại quốc hội. LREM đem lại làn gió mới nhờ lực lượng ứng cử viên hoàn toàn... phi truyền thống, bao gồm những người không hoặc có ít kinh nghiệm chính trị. 

Họ kết hợp với các chính khách chuyên nghiệp đến từ các đảng phái truyền thống đối nghịch nhau để cùng ủng hộ Emmanuel Macron thực hiện hoài bão chính trị của ông - đó là trung hòa các khuynh hướng chính trị tả và hữu.

Emmanuel Macron đang bắt đầu thay đổi nước Pháp, giúp cử tri an tâm hơn khi đặt niềm tin vào thế hệ lãnh đạo trẻ và các đảng phái độc lập. Chiến thắng của ông Macron - nhà lãnh đạo trẻ nhất từ thời Napoleon - đánh dấu một thất bại thảm hại của tầng lớp chính trị lâu đời.

Chính đảng mới 1 năm tuổi của ông Macron đã lấp đầy khoảng trống chính trị được tạo ra bởi chính sự lộn xộn trong 2 chính đảng kỳ cựu ở Pháp là Xã hội và Cộng hòa. 

Chưa từng thắng trong một cuộc bầu cử nào, ông Macron đã vụt sáng trên chính trường Pháp nhờ nắm bắt tâm lý bất mãn của cử tri đối với giới tinh hoa chính trị vốn bị xem là xa rời dân chúng, thất bại trong việc tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

“Đây là một cơ hội cho nước Pháp. Mới chỉ 1 năm trước, không ai có thể tưởng tượng được một sự đổi mới chính trị như vậy”, Tổng thống Macron tuyên bố.

Tuy nhiên, thành công của Emmanuel Macron và đảng LREM chưa phản ánh chính xác tình trạng của nước Pháp hiện nay. Bản thân nhà lãnh đạo Macron cần nhìn nhận chiến thắng của đảng LREM chỉ là khởi đầu. Tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu rất thấp đặt nhiều nghi vấn về sự ủng hộ thực sự của người dân dành cho nhà lãnh đạo.

Đây rõ ràng là một biểu hiện của thái độ hờ hững với chính trị của người dân Pháp sau nhiều thập niên nhàm chán, quanh quẩn với những luận điệu, chính sách xào tới xào lui giữa Cộng hòa và Xã hội, giữa tả và hữu; những khó khăn ngày càng lớn về kinh tế, đời sống chưa được giải tỏa, trong khi những mối họa mới về an ninh chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả.

Ngoài ra, Emmanuel Macron không giành được nhiều ủng hộ của tầng lớp công nhân và viên chức, do đó ông chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn trong việc đạt đồng thuận về chương trình nghị sự.

Chính phủ của ông cũng cần thận trọng trong việc triển khai bộ luật tự do hóa thị trường lao động để không “chọc giận” các tổ chức công đoàn. Và bất chấp chiến thắng lịch sử giành được quyền kiểm soát quốc hội, nhiều người vẫn cho rằng ông Macron thiếu kinh nghiệm lãnh đạo để trở thành người đứng đầu quốc gia.

Điều này sẽ đòi hỏi vị Tổng thống Pháp cần thể hiện bản thân thông qua điều chỉnh chính sách trên các mặt kinh tế - xã hội và chính trị, mà trước hết là xóa bỏ một số chính sách thắt lưng buộc bụng, ngay cả khi điều đó tác động tới những nhóm người nghèo nhất trong xã hội.

Dấu ấn bước đầu

Hiện nay, người dân Pháp đang mong đợi một sự đổi mới triệt để nhằm giúp họ thoát ra khỏi những vòng luẩn quẩn. Và Emmanuel Macron đã xuất hiện như một “cứu tinh”, mang đến làn gió tươi mới cho đời sống chính trị - xã hội Pháp, tạo nên một một dòng chảy mới trên chính trường Pháp.

Mong đợi của cử tri là áp lực thành công đối với Tổng thống Macron và LREM. Emmanuel Macron đã được công chúng chấp thuận bởi những cam kết cứng rắn của mình, nhưng ông cũng đang đứng trước những rủi ro do chính mình tạo ra. Nếu không nhanh chóng thành công thì người dân cũng sẽ nhanh chóng mất đi sự tín nhiệm và ủng hộ chính quyền Macron trong khi từ xưa đến nay nước Pháp chưa khi nào làm cách mạng hay tiến hành cải cách dễ dàng cả.

Tổng thống Emmanuel Macron đã tạo ra cơ hội lớn thay đổi mối quan hệ Paris - Moscow.

Trong những động thái mới nhất nhằm thực hiện các cam kết của mình, Tổng thống Emmanuel Macron đã bắt đầu chuyến thăm tới Morocco nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương và thảo luận về các vấn đề khu vực Bắc Phi, đồng thời thúc đẩy hợp tác chính trị - kinh tế và thương mại cũng như đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố.

Ông Macron đã thẳng thắn bày tỏ mong muốn góp phần vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh hiện nay và nỗ lực hơn nữa về mặt ngoại giao trong vấn đề Libya và khu vực Sahel thời gian tới.

Các nhà phân tích trong khu vực cho rằng đánh giá chuyến thăm Morocco lần này của người đứng đầu Chính phủ Pháp có nhiều khác biệt so với những chuyến thăm của những Tổng thống Pháp trước đây. Đây là chuyến thăm đầu tiên đến một quốc gia Bắc Phi của ông Macron trên cương vị tổng thống, trái ngược với những người tiền nhiệm của ông Macron luôn chọn Algeria là quốc gia châu Phi đầu tiên để đến thăm. 

Lời giải thích được đưa ra là ông Macron muốn thể hiện sự tôn trọng và thắt chặt hơn nữa “tình bằng hữu” với Morocco - một trong những đồng minh truyền thống và lâu năm của Pháp tại châu Phi.

Bên cạnh đó, truyền thông đánh giá Tổng thống Emmanuel Macron đã tạo ra cơ hội lớn thay đổi mối quan hệ Paris - Moscow khi tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Elysee. Quan hệ giữa đôi bên đã sứt mẻ khá nhiều, với Paris và Moscow ủng hộ các bên đối lập ở cả Syria và Ukraine, thậm chí ngày càng căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Francois Hollande.

Nhận thức được điều này, Tổng thống Pháp đã mời Tổng thống Nga đến điện Versailles, nhân khai mạc một cuộc triển lãm về Sa hoàng Nga Pierre Đại đế. Báo chí Pháp đánh giá đây là cơ hội không thể tốt đẹp hơn, để thúc đẩy trở lại mối quan hệ căng thẳng giữa 2 nước.

Tổng thống Macron là người có tư duy mới và rất cởi mở về quan hệ quốc tế. Ông không hề câu nệ việc có nghi án các tin tặc Nga đã hack tài khoản email của đội bầu cử Macron và công bố trên mạng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, hay việc bản thân ông Putin cũng công khai ủng hộ bà Marine Le Pen - đối thủ chính của ông Macron.

Ông Macron đã tuyên bố rằng đối thoại với Nga là cực kỳ then chốt để giải quyết nhiều vấn đề quốc tế, và rằng 2 quốc gia nên xây dựng mối quan hệ lâu dài, bền chặt, đồng thời thỏa mãn lợi ích song phương.

Emmanuel Macron muốn tạo nên sự khác biệt. Sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), Pháp là thành viên duy nhất thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và là cường quốc hạt nhân. Tuy vậy, Đức lại đang đóng vai trò đầu tàu của EU.

Thế nên, nếu Paris muốn tạo ra sự khác biệt trong bàn cờ địa chính trị châu Âu, họ buộc phải tìm hướng đi phi truyền thống. Muốn làm nên điều khác biệt và thể hiện vai trò trong khối EU, cũng như trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Pháp phải lựa chọn những vấn đề gai góc như Ukraine và Syria. Trong khi đó, Moscow đang đóng vai trò “kỳ thủ” có tiếng ở bàn cờ Syria và Ukraine. Đó chính là lý do khởi nguồn cho việc ông Macron muốn gặp người đồng cấp Putin.

Ông Macron khẳng định, thông qua việc phối hợp trong liên minh chống khủng bố, Pháp có thể củng cố quan hệ đối tác với Nga. Chưa hết, Tổng thống Macron cũng nhấn mạnh Nga và Pháp cần thúc đẩy quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Syria, đồng thời vạch ra giới hạn đỏ là việc sử dụng vũ khí hóa học, bất kể do bên nào thực hiện. 

Động thái mang tính tiên phong của Tổng thống Pháp Macron, mời Tổng thống Nga Putin thăm Pháp và đối thoại về các vấn đề bất đồng, có thể đem lại hiệu ứng tích cực giúp ông tạo được “dấu ấn” trên trường quốc tế...

Nam Hồng
.
.