Thủ tướng Narendra Modi và tham vọng "kết nối thế giới"

Thứ Hai, 26/03/2018, 08:00
Trong suốt thời gian cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có những bước dịch chuyển đối ngoại ấn tượng, đi từ quan sát đến hành động và chuyển từ thế thụ động sang chủ động. 

Ông dần định hình một chiến lược kết nối Ấn Độ với thế giới, trong đó đặc biệt nhấn mạnh chính sách đối ngoại “ưu tiên láng giềng”. Sau một số chính sách như “Hành động phía Đông”, “Kết nối phía Tây” và ngoại giao Ấn Độ Dương ở phía Nam Ấn Độ, Thủ tướng Modi đã và đang chuyển sự chú ý sang khu vực giao thoa giữa châu Á - châu Âu để kết nối phía Bắc. 

Chuyến đi của Thủ tướng Modi tới Nga và 5 nước Trung Á đã đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa hướng của New Delhi, tăng cường sự hiện diện của Ấn Độ tại khu vực có tầm quan trọng về địa-chính trị, vốn được coi là “trung tâm” quyết định vận mệnh của thế giới. 

Cùng lúc đó, lo lắng về Trung Quốc khiến Ấn Độ ngày càng có những nỗ lực để đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của nước này tại Ấn Độ Dương. Dĩ nhiên, chính quyền Modi sẽ không đứng yên để Trung Quốc đắp thành lũy bao quanh khu vực. Cuộc đối đầu ở Doklam là xung đột quân sự mới nhất giữa hai nước trong nửa thế kỷ qua, cho thấy quyết tâm không nhường bước của New Delhi.

Ngoại giao đa hướng

Ngay khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ, ông Modi đã gửi lời mời tới các nhà lãnh đạo thuộc Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á đến dự lễ nhậm chức. Đã có 8 nhà lãnh đạo các nước Nam Á đến tham dự buổi lễ - một điều chưa từng có tiền lệ và được truyền thông bình luận là “một hành động đầy hứa hẹn”. 

Với bước đi này, ông Modi đã không che giấu ý định tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ trong khu vực. Và trong thời gian cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ chủ trương đặt quan hệ ngoại giao đối với các nước láng giềng lên vị trí ưu tiên khi liên tục thực hiện các chuyến công du đến hầu hết các quốc gia Nam Á và không ngừng đẩy mạnh các cuộc gặp gỡ cấp cao nhằm nhấn mạnh vai trò và vị thế của New Delhi với khu vực láng giềng lân cận Ấn Độ.

Trong suốt thời gian cầm quyền, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có những bước dịch chuyển đối ngoại ấn tượng, dần định hình một chiến lược kết nối Ấn Độ với thế giới.

Afghanistan là minh chứng thành công trong chính sách đối ngoại láng giềng của ông Modi. Lãnh đạo hai bên thường xuyên có cuộc viếng thăm cấp cao. Nguồn vốn viện trợ Ấn Độ dành cho công cuộc tái thiết và phát triển của Afghanistan hiện đạt 2 tỷ USD, đưa New Delhi trở thành nhà tài trợ lớn nhất của Kabul trong khu vực. 

Ấn Độ cũng tiếp tục xây dựng thành công quan hệ láng giềng tốt đẹp với Bangladesh, thiết lập mối giao hữu với những sáng kiến mới hơn, theo đó kỳ vọng sẽ tạo nên sự “tin cậy chiến lược” hướng tới quan hệ đối tác chiến lược song phương mạnh mẽ. 

Với Pakistan, sau cuộc hội đàm giữa ông Modi với người đồng cấp Nawaz Sharif tại Lahore, dư luận tin tưởng vào dấu hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Dù kết quả đạt được chưa đúng như mong đợi nhưng chuyến thăm cũng là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Ấn Độ với quốc gia láng giềng “thân Trung Quốc” này.

Có thể nói, chính sách “ưu tiên láng giềng” của ông Modi được coi như một điểm sáng trong đối ngoại của Ấn Độ hiện nay. Nhà lãnh đạo hiểu rõ hệ quả bất lợi nếu không duy trì được tình trạng ổn định với các nước láng giềng trong bối cảnh Trung Quốc đang kéo các nước Nam Á về phía mình, đẩy Ấn Độ vào thế bị bao vây. Điều này có thể làm gia tăng tư tưởng bài Ấn trong các quốc gia Nam Á và khiến họ xa rời Ấn Độ. 

Bản thân ông Modi cho rằng, New Delhi quyết tâm không chịu nhún nhường trước Bắc Kinh trong ván cờ đầy toan tính “thôn tính” Nam Á, thế nên Thủ tướng Modi đã liên tục tăng cường xúc tiến các cuộc gặp cấp cao với nhiều lãnh đạo các quốc gia Nam Á trong chiến lược dài hơi nhằm củng cố vị thế cường quốc của Ấn Độ trong khu vực này.

Song song với “ưu tiên láng giềng”, Thủ tướng Narendra Modi cũng tăng tốc “ngoại giao đa hướng”. Thủ tướng Modi đã có các cuộc hội đàm quan trọng về hàng loạt vấn đề với lãnh đạo các nước Trung Á, chứng kiến lễ ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực then chốt. Trung Á được coi như vòng ngoài cùng trên vành đai chiến lược của Ấn Độ. 

Nếu muốn duy trì chỗ đứng tại Afghanistan, Ấn Độ cần xây dựng mối quan hệ bạn bè mạnh mẽ với các nước “đồng chí hướng” tại khu vực Trung Á; muốn mở rộng thị trường và ảnh hưởng chiến lược, New Delhi cần đẩy mạnh quan hệ với Trung Á. 

Rõ ràng, chính quyền Modi mong muốn thắt chặt quan hệ với Trung Á, hướng tới mục tiêu cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc tại khu vực giàu tài nguyên này. Truyền thông đánh giá, nếu chính sách ngoại giao của Thủ tướng Modi được đo bằng chiếc compa, thì điểm hướng về phía Bắc (tới Trung Á), cho đến gần đây bị bỏ trống, nay đã được lấp kín.

Chưa hết, Thủ tướng Modi còn từng bước thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để kết nối Ấn Độ với khu vực xung quanh. Theo đánh giá, các kết nối mạnh mẽ tới các bang ở Đông Bắc sẽ mở ra cánh cửa để Ấn Độ tương tác nhiều hơn với Đông Nam Á, thúc đẩy quan hệ nhân dân, du lịch và thương mại. Mặc dù chậm nhưng Ấn Độ đang từng bước phát triển mạng lưới tại ANI - nơi được gọi là “tàu sân bay không thể chìm” của Ấn Độ ở vịnh Bengal. 

Chính phủ Modi hiện nay đang có kế hoạch chuyển đổi các hải đảo thành một “trung tâm hàng hải”, với đầy đủ cơ sở hạ tầng vận chuyển và cảng. ANI có tầm quan trọng chiến lược lớn đối với Ấn Độ bởi đây là cửa ngõ để Ấn Độ tiếp cận Myanmar, Malaysia và Indonesia. 

Theo đuổi kết nối ngoại giao tích cực, Thủ tướng Modi hi vọng sẽ thành công trong việc mở rộng kết nối của Ấn Độ với các đối tác quốc tế trong những năm tới. Ông muốn Ấn Độ đóng vai trò lãnh đạo có trách nhiệm và đáng tin cậy trong tiểu lục địa và xa hơn nữa.

Chiến lược âm thầm

Mặc dù Thủ tướng Narendra Modi mong muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế tốt hơn với Bắc Kinh song cũng nhận thức được sự cạnh tranh chiến lược ngày càng tăng tại khu vực Ấn Độ Dương. Thời gian gần đây, Trung Quốc đang vận dụng khá thành công chiêu bài kinh tế để gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Nam Á thông qua tăng cường đầu tư ở Nepal, hay cung cấp tàu ngầm và đầu tư kinh tế cho Bangladesh. Nhiều báo cáo cho thấy, tàu ngầm Trung Quốc đã được phép hoạt động tại cảng Colombo (Sri Lanka). 

Những cam kết về kinh tế từ Trung Quốc được cho là để “dọn đường” cho những hợp tác trong tương lai về quân sự và an ninh giữa Bắc Kinh và các quốc gia Nam Á - vốn nằm trong tầm ảnh hưởng truyền thống của Ấn Độ. Và nghiễm nhiên, trước tầm ảnh hưởng ngày càng rộng của Trung Quốc, chính quyền Modi không thể “khoanh tay đứng nhìn”.

Sau chuyến thăm Oman của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ và Oman đã hoàn tất một thỏa thuận, qua đó Ấn Độ được phép sử dụng cảng Duqm ở phía Nam của Oman - một nút quan trọng cho mạng lưới các cơ sở đang được các nước trong vùng phát triển ở Ấn Độ Dương để duy trì hiện trạng, mong bảo vệ quyền lợi của mình. Hải quân Ấn Độ có thể sử dụng cảng Duqm để thiết lập cơ sở hậu cần và hỗ trợ, cho phép duy trì các hoạt động lâu dài ở Ấn Độ Dương. 

Ấn Độ và Oman đã hoàn tất thỏa thuận cho phép Ấn Độ được sử dụng cảng Duqm.

Theo quan sát, việc Ấn Độ được sử dụng Duqm sẽ tạo thành một nhân tố quan trọng trong cuộc tranh đua với Trung Quốc về ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương. Nỗ lực của Ấn Độ ở Nam Á phản ánh chiến lược “đối chọi mạnh mẽ” với Trung Quốc - “đối thủ láng giềng lâu năm” đã “thuê” một cảng ở Sri Lanka trong vòng 99 năm như một phần của chiến lược quyết tâm bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc trên Ấn Độ Dương - một đe dọa lớn cho Ấn Độ.

Khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng một con đường trong khu vực mà Bhutan tuyên bố chủ quyền, chỉ cách Ấn Độ vài trăm mét, New Delhi đã điều quân tới ngăn chặn. Kết quả là tạo nên cuộc đối đầu Doklam trong tình trạng căng thẳng không ai chịu ai kéo dài 2 tháng. Tuy vậy, chính quyền Modi cho thấy quyết tâm không lùi bước của New Delhi. 

Hiện nay, Ấn Độ cũng đang tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự với cuộc thử nghiệm thành công BrahMos ALCM từ Su-30MKI được Thủ tướng Narendra Modi ca ngợi. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của tên lửa hành trình siêu thanh được phóng từ máy bay tiêm kích trên vịnh Bengal từ trên không. Tầm bắn của tên lửa sẽ bao trùm eo biển Malacca nếu được phóng từ các đảo Andaman và Nicobar. 

Là cửa ngõ vào Ấn Độ Dương của Trung Quốc, eo biển này sẽ là mục tiêu chính trong trường hợp đụng độ quân sự. Theo quan điểm của ông Modi, việc đưa khu vực vào tầm bắn tên lửa có thể ngăn Trung Quốc gửi quân tiếp viện.

Thủ tướng Narendra Modi đang theo đuổi “chiến lược âm thầm”, từng bước tạo dựng nguồn lực để kiềm chế Trung Quốc. Khi chiến thuật của Trung Quốc khiến đối phương lúng túng, Ấn Độ dường như vẫn kịp giành lại vài ô vuông trên bàn cờ. Một số quốc gia tăng cường quan hệ với Trung Quốc có thể sẽ suy nghĩ lại về khả năng phụ thuộc vào cường quốc này và được đặt dưới sự bảo hộ của Bắc Kinh. 

Ông Modi không hề đặt niềm tin vào tuyên bố của Trung Quốc, rằng Trung - Ấn cần phải hợp tác vì một tương lai thịnh vượng. Nhà lãnh đạo viết trên Twitter rằng “chính phủ của chúng tôi đặt khu vực Ấn Độ Dương ở vị trí cao nhất dưới sự dẫn dắt của nguyên tắc an ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực”.

Theo đó, Ấn Độ có vai trò quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương mà chính quyền Modi cần phải quan tâm. Với việc Trung Quốc đi sâu vào Ấn Độ Dương một cách hăm hở, chiến lược của Thủ tướng Narendra Modi cũng phải mở rộng và đây là cách duy nhất Ấn Độ sẽ có thể tự bảo vệ mình...

Thanh Sơn
.
.