Nước Đức cần một “thuyền trưởng” táo bạo hơn?

Thứ Hai, 30/04/2018, 19:15
Thời gian gần đây, dư luận thường nói nhiều về khó khăn mà Berlin gặp phải, đặc biệt là nền chính trị bế tắc. 

Trong khi đó, Thủ tướng Angela Merkel tiếp tục duy trì phong cách điều hành từng bị chỉ trích là “quá thận trọng”.

Bởi vậy, sự trỗi dậy của đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) khiến bà phải đối mặt với không ít khó khăn và tốn tới 6 tháng chỉ để tìm kiếm một liên minh rời rạc. Tuy vậy, phong cách ôn hòa đã tỏ ra hữu ích cho bà Merkel trong nhiều thời khắc then chốt. 

Nhờ vào tài lãnh đạo của bà, nước Đức đã không phải chịu đựng những khó khăn kinh tế, chủ nghĩa cực đoan chính trị được kiểm soát tốt và thảm họa của chủ nghĩa dân túy vẫn chưa thể bắt rễ.

Bất chấp việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, liên minh này đa phần vẫn nguyên vẹn, đồng tiền chung sau trải nghiệm suýt tan vỡ vẫn tồn tại và hoạt động tích cực. Một cuộc chiến ở Đông Âu về quyền tự quyết của Ukraine không bị ngăn chặn song đa phần được kiềm chế.

Dù vậy, nước Đức hiện nay sẽ cần một “thuyền trưởng” táo bạo hơn - người có thể duy trì thế chủ động tại quê nhà, thể hiện tham vọng nơi trường quốc tế và biết cách thuyết phục những công dân Đức khó tính nhất về tầm nhìn của mình. 

Với một nhà lãnh đạo phù hợp, Đức có thể trở thành hình mẫu tiêu biểu của phương Tây về tính cởi mở và đa dạng trong thời đại mới.

Thời khắc đổi thay

Bà Angela Merkel luôn ở vị thế người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, và là một thủ tướng kinh nghiệm được trọng vọng. Mặc dù có rất nhiều tranh cãi về “bà đầm thép” nhưng điều không thể bàn cãi chính là thành tựu kinh tế của Đức dưới sự “chèo lái” của bà Merkel. 

Thực tế cho thấy, kinh tế Đức đã phát triển vượt bậc và tiếp tục giữ vững vị thế đứng đầu châu Âu. Vào năm 2016, những chỉ số kinh tế đều tốt đẹp với kỷ lục về thặng dư thương mại. 

Với trên 297 tỷ USD, Đức đã vượt kỷ lục thặng dư của Trung Quốc. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp hiện chỉ còn 4,3% trong bối cảnh nền kinh tế Đức gần như “đầy” việc làm. Trong khi tỷ lệ này là 11% ở thời điểm bà Merkel lên nắm quyền. Do vậy, bà Merkel không bị mất đi sự ủng hộ của đại đa số người dân Đức.

Biến chuyển lớn tiếp theo đến từ chính sách “mở cửa” của Thủ tướng Merkel đối với người tị nạn, đưa 1,2 triệu người vào nước Đức trong những năm 2015-2016. 

Thủ tướng Angela Merkel khẳng định các nước châu Âu cần phải tự gánh vác trọng trách quốc phòng.

Điều đó đã biến quốc gia này trở nên đa dạng hơn và có cái nhìn thoáng hơn đối với những người nhập cư. Xã hội Đức cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động tìm được việc làm đã tăng từ 58% lên 70% trong vòng 15 năm qua. 

Năm 2000, sau hơn nửa thế kỷ không có bất kỳ một chiến dịch quân sự nào ngoài lãnh thổ, Berlin đã gửi quân tới Mali, Afghanistan và Lithuania. Những biến chuyển này đang thay đổi Đức - quốc gia vốn đề cao sự ổn định, đồng thời vạch rõ những khác biệt giữa phe chào đón sự mới mẻ và bên trân trọng giá trị cũ.

Được xem là “người phù hợp nhất vì không có ai thay thế tốt hơn” cho vị trí Thủ tướng Đức, việc tập trung vào lợi ích nước Đức và tìm cách “làm mới” những chính sách đã cũ mới là quan trọng nhất đối với bà Merkel nếu như muốn có thêm một nhiệm kỳ “ít sóng gió”. 

Giới quan sát đánh giá, chính sự phát triển ổn định của Đức đang trở thành điểm yếu của chính phủ bà Merkel khi khẩu hiệu tranh cử của bà từng là “Weiter so” (Cứ làm như thế đi!). 

Nó thể hiện sự trì trệ, thiếu tính đột phá trong một kỉ nguyên công nghiệp 4.0 đòi hỏi sự năng động. Hiện nay, có thể thấy nước Đức đang ở giai đoạn chuyển mình mới, với chu kì 25 năm/lần kể từ Thế chiến II. 

Những giá trị từng được gắn với nước Đức, từ tính đồng nhất sắc tộc và văn hóa, tinh thần thượng tôn nguyên tắc trong xã hội, đến sự miễn cưỡng trong thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế đang dần thay đổi.

Trong suốt 12 năm cầm quyền của mình, có lẽ bà Merkel chưa bao giờ rơi vào tình huống như hiện nay. Bà đang chứng kiến những sự thay đổi âm thầm trong xã hội, như sự nổi lên của thế hệ những nhà làm luật trẻ tuổi và nhiệt huyết, bước tiến lịch sử của đảng cực hữu AfD trong quốc hội liên bang hay tranh cãi về hướng đi mới nơi đảng Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU). 

Trên chính trường quốc tế, giới quan sát cho rằng đã đến lúc Berlin thể hiện sức mạnh tương xứng với tiềm năng. Chính quyền Merkel hiện nay vẫn đang tự “trói” mình trong tư tưởng nước nhỏ, rụt rè trong chi tiêu quốc phòng, từ chối đối mặt với chênh lệch đến từ thặng dư thương mại hay gánh thêm những trách nhiệm trong Khu vực đồng tiền tệ chung châu Âu (Eurozone). 

Với một nhà lãnh đạo tầm cỡ như Angela Merkel, đứng trước những thách thức thời đại, “bà đầm thép” được hi vọng sẽ khiến Đức “thay da đổi thịt” để tiếp tục vươn tầm thế giới, khai thác và phát huy tối đa tiềm năng của nước Đức.

Gánh vác cả châu Âu

Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump trước bà Hillary Clinton ở Mỹ, hay của Tổng thống Rodrigo Duterte ở Philippines cho thấy “chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi” và các nhà chính trị dân túy thật sự nguy hiểm. 

Đó có thể là lý do bà Merkel, dù vẫn cam kết tuân thủ thực hiện Công ước Geneva về người tị nạn, nhưng vẫn thận trọng nhượng bộ trong việc siết chặt hơn chính sách nhập cư gần đây. 

Bà Merkel cũng tiến hành những nỗ lực nhằm san sẻ trách nhiệm về gìn giữ EU. Tuy nhiên, không có dấu hiệu lạc quan cho bà Merkel. 

Điều này được phản ánh qua sự tháo chạy của Anh qua sự kiện Brexit, sự suy yếu của Ý với sự kiện cựu Thủ tướng Matteo Renzi đã từ chức sau khi thất bại trong cuộc trưng cầu cải cách hiến pháp tháng 12-2016, sự thiếu mặn mà với EU của nhiều thành viên (điển hình là Ba Lan), “ngôi sao đang lên” ở Pháp là lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen - người được xem là một “phiên bản” của Tổng thống Donald Trump với đường lối chủ nghĩa dân tộc.

Nhiều ý kiến băn khoăn về số phận tương lai EU khi Thủ tướng Angela Merkel cầm quyền nhiệm kỳ thứ tư. 

Trong bối cảnh trách nhiệm giải quyết các vấn đề then chốt của quốc gia mà Đức đối mặt rất nặng nề, sự vắng bóng của chính quyền Mỹ tại EU, xu hướng gia tăng sự chống đối đồng euro hay làm lơ trước những gánh nặng đảm bảo bản sắc EU của các nước thành viên, việc đảm bảo sức mạnh đồng euro, giữ Hi Lạp ở lại, hay ngăn chặn Brexit phiên bản Pháp, Hà Lan và Thụy Điển đang dần trở nên bất khả thi với một EU đang trông chờ vào một lãnh đạo “đơn độc” như bà Merkel. 

Tuy nhiên, lịch sử đã công bằng khi đưa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến với “bà đầm thép”. 

Ông Macron được coi là có khả năng cùng bà tạo nên một khu vực kinh tế châu Âu và Eurozone ổn định và đủ mạnh để đảm bảo sự thịnh vượng ở “lục địa già”, đồng thời ngăn chặn bất cứ chính sách hẹp hòi, chống tự do thương mại của chính quyền Donald Trump hay của một Trung Quốc trỗi dậy ở phía Đông.

Sự nổi lên của đảng AfD và chủ nghĩa dân túy đòi hỏi nước Đức phải có một “thuyền trưởng” táo bạo hơn.

Bà Merkel dường như đang chịu áp lực tạo ra sự thống nhất với Tổng thống Pháp để có những bước tiến nhằm hội nhập sâu rộng hơn cho EU. Giờ đây, ưu tiên hàng đầu của bà Merkel sẽ là một chương trình nghị sự EU mà bà muốn thực hiện cùng ông Macron. Trước hết, châu Âu cần độc lập hơn nữa về tài chính. 

Tổng thống Pháp đã kêu gọi thành lập một ngân sách cho khu vực Eurozone nhằm tài trợ các khoản đầu tư và bình ổn nền kinh tế châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng, cũng như thiết lập chức Bộ trưởng Tài chính và một nghị viện cho Eurozone. 

Bà Merkel ủng hộ những đề xuất của ông Macron về ngân sách Eurozone, cũng như bày tỏ “sự thích thú” với sáng kiến Bộ tưởng Tài chính. 

Ngoài ra, Thủ tướng Đức đã chấp thuận đề xuất thiết lập Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF) nhằm tạo cho Eurozone khả năng đối phó với khủng hoảng mà không cần dính dáng đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có trụ sở tại Washington.

Thủ tướng Merkel mới đây đã khẳng định rằng “giai đoạn mà chúng ta có thể tin tưởng vào những quốc gia khác gần như đã qua” và “các nước châu Âu cần phải tự gánh vác trọng trách quốc phòng của mình”. Dường như đã có một ý tưởng rõ nét của Đức trong việc kế thừa vai trò của Mỹ để đảm bảo an ninh châu Âu. 

Trong hai thập niên qua, vai trò của Đức trên thế giới ngày càng rõ nét. Nước Đức ngày nay là một cường quốc châu Âu nổi lên như một chủ thể trung tâm bằng việc duy trì sự ổn định trong khi thế giới xung quanh biến đổi. 

Sức mạnh kinh tế, khả năng quân sự cùng cách hành xử ngoại giao thận trọng và có trách nhiệm của chính quyền Merkel đang mang lại sự tin tưởng cho các nước EU. Tiếng nói mạnh mẽ từ một nước Đức ổn định và có tiềm lực ngày càng có sức nặng. 

Theo nhận định, nếu Đức trở thành “người quyết định” của châu Âu thì cũng không hẳn bởi vì Berlin muốn theo đuổi vai trò đó. Nước Đức dưới thời Thủ tướng Merkel đang thể hiện một dạng lãnh đạo hậu hiện đại - làm gương, đồng thuận và đổi mới...

Lê Nam
.
.