Thế bí của “Bà đầm thép” nước Đức

Thứ Năm, 14/04/2016, 08:06
Thủ tướng Angela Merkel, người trong thời gian qua từng nói nhiều về nghĩa vụ của Đức trong việc tiếp nhận những người chạy trốn chiến tranh và áp bức, đang thử nghiệm các phương pháp tiếp cận khác nhau với cuộc khủng hoảng này. 


Nhiều nhà phân tích đánh giá đây là giai đoạn “đau đầu” nhất của bà Merkel trong sự nghiệp 10 năm ở cương vị Thủ tướng. Tuy nhiên, những cuộc thăm dò mới đây cho thấy, uy tín của bà có phần suy giảm và có nhiều bất đồng, mâu thuẫn xuất hiện trong đảng của bà.

Thủ tướng Angela Merkel đang mất đi sự tín nhiệm của cử tri và phần lớn người Đức không muốn bà làm thủ tướng sau cuộc bầu cử quốc hội năm 2017. Nguyên nhân trước hết xuất phát từ chính sách đối với người di cư. Việc tiếp nhận người nhập cư và tị nạn không hạn chế của bà Merkel đang bị cáo buộc là một sai lầm, khiến nhiều người Đức có cảm giác đường biên giới quốc gia của họ trở nên vô nghĩa…

Uy tín sụt giảm

Kết quả cuộc thăm dò ý kiến cuối tháng 3 cho thấy, 48% số người được hỏi không muốn bà Merkel tiếp tục cương vị thủ tướng, trong khi có 44% ủng hộ bà tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong năm 2017. 

Gần 60% số người được hỏi cho biết “không hài lòng hoặc hoàn toàn thất vọng” đối với chính sách giải quyết vấn đề người di cư, trong khi chỉ có chưa đến 20% tán thành các biện pháp này. Ít nhất 40 trong tổng số 310 nghị sĩ của đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) tại Quốc hội Đức đã cùng tham gia ký tên vào bức thư gửi bà Merkel, bày tỏ sự lo ngại về tình hình người nhập cư và tị nạn hiện nay.

Thủ tướng Angela Merkel được cho là thủ lĩnh  của châu Âu vì sự quyết liệt khi mở rộng vòng tay cứu giúp người tị nạn.

Nhiều ý kiến đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ chính sách của Thủ tướng Angela Merkel. Theo đó, năng lực của Đức trong việc tiếp nhận, cung cấp điều kiện sống và hội nhập cho người tị nạn là có giới hạn, và với cách làm hiện nay của bà Merkel là một sự ảo tưởng. Chính sách tiếp nhận người nhập cư và tị nạn không hạn chế của bà Merkel bị đánh giá là sai lầm, khiến nhiều người Đức có cảm giác rằng đường biên giới quốc gia của Đức trở nên vô nghĩa. 

Thủ tướng Angela Merkel đang đứng trước yêu cầu điều chỉnh chính sách nhập cư trong năm 2016, khi mà việc mở cửa biên giới biến Đức trở thành nước có vai trò “đặc biệt” trong châu Âu với những hậu quả “tai hại”.

Nội bộ liên minh cầm quyền hiện nay phân hóa sâu sắc. Các chính trị gia phụ trách vấn đề nội vụ của đảng CDU và Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) cầm quyền ở cả cấp liên bang và cấp bang đã từng đưa ra “Tuyên bố Berlin” nhằm chỉ trích chính sách nhập cư và tị nạn của chính Chủ tịch đảng CDU, Thủ tướng Angela Merkel.

Bản tuyên bố đang gây xáo động chính trường Berlin, và một lần nữa cho thấy không chỉ nội bộ chính trường Đức mà cả nội bộ đảng CDU của bà Merkel cũng đang có những chia rẽ trong chính sách nhập cư và tị nạn. Chưa hết, CSU thậm chí còn cân nhắc nhờ cậy Tòa án Hiến pháp để kiện Thủ tướng Merkel và chắc chắn trong cuộc bầu cử tới sẽ không đứng chung liên minh với CDU.

Thậm chí ngay trong nội bộ CDU mà bà Merkel là Chủ tịch đảng cũng ngày càng nhiều tiếng nói phản đối chính sách tị nạn của chính phủ. Thành viên ban lãnh đạo đảng Jens Spahn cảnh báo, người dân Đức đang chứng kiến sự bất lực của nhà nước trên nhiều lĩnh vực, biên giới không được bảo vệ và hàng ngàn đơn tị nạn không được xử lý. 

Chính khách này cũng nghi ngờ tính hợp hiến của những việc làm vừa qua của chính phủ, vì trong một nền dân chủ đại diện như ở Đức thì những vấn đề trọng đại của quốc gia và liên quan đến sử dụng ngân sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Thế nên, ông coi hành động của bà Merkel là “lạm quyền”, một hành động “tự tung tự tác”, có nguy cơ chuyển sang “nền dân chủ Thủ tướng” (tập trung quyền lực vào Thủ tướng).

Lập trường cứng rắn

Về cuộc khủng hoảng người tị nạn, bà Merkel gọi đây là một phép thử lịch sử của châu Âu, đồng thời lên tiếng bảo vệ chính sách hiện nay đang được thực thi nhằm giảm lượng người tị nạn vào châu Âu. Khi trả lời phỏng vấn truyền thông, Thủ tướng Merkel tỏ ra lạc quan đối với việc thực hiện giải pháp cho những dòng người nhập cư trong phạm vi châu Âu, tức là Đức sẽ không lựa chọn đóng cửa biên giới vì cuộc khủng hoảng người tị nạn.

“Bà đầm thép” đã bảo vệ chính sách người tị nạn không giới hạn mức trần của mình một cách kiên định, nhưng vẫn rất nhẹ nhàng đưa ra cam kết sẽ bảo vệ biên giới châu Âu, cũng như quản lý chặt chẽ người tị nạn trái phép.

Bà nhấn mạnh ba trụ cột quan trọng của giải pháp bao gồm: giải quyết nguyên nhân dẫn tới tình trạng người dân bỏ quê hương đi chạy nạn, tái thiết lập khu vực biên giới ngoài Liên minh châu Âu (EU) và điều chỉnh việc phân bổ hạn ngạch tiếp nhận người tị nạn trong EU. 

Nhà lãnh đạo Đức nhấn mạnh, mục tiêu chung là giảm rõ rệt và lâu dài lượng người tị nạn, qua đó có thể giúp đỡ tốt hơn cho những người thực sự cần được bảo vệ. Bà cảnh báo những hậu quả của việc đóng cửa biên giới với Hy Lạp và Macedonia, đồng thời bày tỏ vui mừng khi người Đức vẫn tỏ thái độ ủng hộ việc tiếp nhận và bảo vệ những người phải chạy nạn do khủng bố, chiến tranh hoặc bị truy bức.

Chính sách tiếp nhận người nhập cư và tị nạn không hạn chế của bà Merkel đang bị cho là sai lầm, khiến nhiều người Đức có cảm giác rằng đường biên giới quốc gia của Đức trở nên vô nghĩa.

Bà Merkel đang dần có một giọng điệu cứng rắn hơn và bớt đi những ngôn từ hùng biện về những lý do cần phải tiếp nhận người tị nạn vào Đức. Nữ Thủ tướng tham vọng giải quyết cuộc khủng hoảng người tị nạn tận gốc rễ bằng cách tham gia vào các nỗ lực chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm ở Syria, và thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ngăn chặn dòng người di cư trên biển Aegean vào Hy Lạp. 

Bà Merkel từng nói rằng, sau khi kết thúc chiến tranh, những người tị nạn từ Syria và Iraq nên trở về quê hương với những kiến thức thu nhận được từ Đức, và lấy đó làm cơ sở tái xây dựng lại cuộc sống. Ngoài ra, nhà lãnh đạo cũng đang điều chỉnh dần chính sách mở cửa bởi vì các cuộc bầu cử bang của Đức đang đến gần và EU chưa thực sự sẵn sàng đưa ra một giải pháp ở cấp độ toàn khu vực để giải quyết khủng hoảng.

Với vai trò thủ lĩnh của bà Merkel, Đức đã làm được một việc hết sức lớn lao là tiếp nhận những người tị nạn từ các cuộc xung đột và nội chiến ở Trung Đông và nhiều nơi khác. Không ai có thể phủ nhận rằng, nếu nước Đức không ra tay thì chẳng còn một nước nào có thể làm được. 

Chỉ có người Đức mới có thể cứu châu Âu khỏi sụp đổ, dù đó là do khủng khoảng như ở Hy Lạp hay bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác. Trong nhiệm kỳ thủ tướng của bà Merkel, người Đức đã lấy lại được vị trí độc tôn của mình, và luôn chứng minh rằng họ không chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân mà còn rất chú trọng đến lợi ích của những người khác đã tin tưởng mình.

Nhiều người coi bà Merkel là thủ lĩnh không thể chối cãi của châu Âu vì sự quyết liệt khi mở rộng vòng tay cứu giúp người tị nạn, bất chấp những phản ứng tiêu cực từ trong nội bộ đảng cầm quyền. 

Tạp chí Time (Mỹ) đã bình chọn bà Merkel là “Nhân vật của năm 2015” và là người phụ nữ đầu tiên sau 29 năm, cũng như người Đức thứ tư nhận được sự vinh danh này. 

Đánh giá về Angela Merkel, Time viết: “Bất cứ khi nào châu Âu đối mặt với khủng hoảng (từ khủng hoảng ở Hy Lạp, người tị nạn, hay Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS), “Bà đầm thép” đều xuất hiện. Merkel thể hiện những giá trị như lương thiện và cảm thông, qua đó cho thấy sức mạnh lớn lao của nước Đức là xây dựng chứ không phải phá hoại”.

Khi số lượng người tị nạn quá đông, cả nước Đức phải gồng mình lên đón nhận. Số tiền mà ngân sách nhà nước phải bỏ ra cứ tăng dần sau mỗi tháng. Thế nên nhiều ý kiến nghi ngờ hay đặt câu hỏi về tính pháp lý và thực tiễn của quyết định mở cửa biên giới đón người tị nạn của Chính phủ. 

Phản ứng của các nước EU, đặc biệt là các nước Đông Âu, đã không được lắng nghe ở Đức. Dù vậy, Thủ tướng Merkel vẫn bảo vệ quyết định của mình với lập luận: một quốc gia như Đức không thể đứng ngoài và tỏ ra vô trách nhiệm trước những khổ đau của người tị nạn.

Với quan điểm nhân đạo của mình, bà Merkel không thể nào từ chối những người đang cần sự giúp đỡ. Tất nhiên, nhà lãnh đạo cũng phải cân nhắc thận trọng giữa thái độ cảm thông với những đau khổ của người tị nạn và ảnh hưởng lâu dài của quyết định này đối với chính người dân Đức. 

Có thể nói, bà Angela Merkel như một tấm gương sáng vì trong năm 2015, châu Âu đã nâng số người di dân lên ba triệu, mở đường cho việc di dân hợp pháp nhằm kiểm soát tốt hơn việc nhập cư và ngăn chặn hoạt động của các tổ chức buôn người trái phép…

Hồng Hạnh
.
.