Nước Anh loay hoay tìm hướng đi

Thứ Hai, 09/04/2018, 08:42
Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định năm 2018 sẽ là thời điểm “khôi phục sự tự tin và kiêu hãnh” đối với nước Anh, khi “đảo quốc sương mù” đối mặt với những thách thức trong đàm phán Brexit.

Thủ tướng May cho rằng trong giai đoạn đầu đàm phán, nước Anh đã đạt được thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về “hóa đơn ly hôn”, vấn đề Bắc Ireland và quyền của các công dân EU. Trong tiến trình đàm phán giờ đã chuyển sang các vấn đề liên quan giai đoạn chuyển tiếp cũng như thương mại và an ninh, chuẩn bị cho việc Anh chính thức rời khỏi EU vào tháng 3-2019.

Anh tiếp tục đạt nhiều tiến bộ hướng tới một thỏa thuận Brexit thành công, một nền kinh tế phù hợp cho tương lai, cùng một xã hội vững mạnh và công bằng hơn cho tất cả mọi người. Thủ tướng May bày tỏ tin tưởng nước Anh sẽ vượt qua mọi thách thức với “sự đoàn kết của các dân tộc và nhân dân trong một liên hiệp đầy tự hào”.

Chật vật... ly hôn

Về phương hướng chính sách trong năm 2018, Thủ tướng Theresa May cho biết chính phủ muốn “tiếp cận cân đối” trong chi tiêu công, giảm nợ trong khi đầu tư vào trường học, bệnh viện và cơ sở y tế. Bà May cũng đề cao công tác đẩy lùi nạn quấy rối tình dục ở công sở cũng như xóa bỏ mọi kỳ thị và định kiến trong xã hội.

Đối với các vấn đề quốc tế, Thủ tướng May khẳng định Anh sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan, chống biến đổi khí hậu và rác thải nhựa ở đại dương.

Với tiến trình Brexit, Thủ tướng May đã trình bày các kế hoạch để Anh vẫn giữ nguyên trạng các quan hệ như hiện nay với EU cho đến tận năm 2021, cho dù Anh sẽ rời EU vào tháng 3/2019. Những động thái này đã nhận được sự tán dương từ EU về cái gọi là “tinh thần xây dựng” của Anh cũng như “suy nghĩ thấu đáo” của bà May trong lộ trình Brexit.

Thủ tướng Theresa May khẳng định năm 2018 sẽ là thời điểm “khôi phục sự tự tin và kiêu hãnh” đối với nước Anh, khi “đảo quốc sương mù” đối mặt với những thách thức trong đàm phán Brexit.

Theo đó, Anh sẽ đóng 20 tỷ euro cho ngân sách EU thời hậu Brexit, và phát đi tín hiệu để EU hiểu rằng đây chỉ là một khoản đóng góp nằm trong khoản tiền lớn hơn dùng để chi trả cho việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là “hóa đơn ly hôn”.

Theo bà May, Anh sẽ vẫn tuân theo các quy định luật pháp của EU, cũng như chịu sự phán quyết của Tòa án Tối cao châu Âu, tiếp tục để các công dân EU tự do đến Anh tìm việc và sinh sống cũng như đóng góp các khoản cho EU cho đến khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc vào năm 2021.

Thay đổi chủ chốt nhất trong năm 2019 là Anh sẽ không còn tham gia bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu và bà May cũng không từ chối thực hiện những điều luật mới mà EU ban hành trong thời kỳ chuyển đổi cho dù Anh đã không tham gia vào việc bỏ phiếu cho những luật này nữa.

Thủ tướng May cho biết, Anh sẽ cải thiện công tác bảo vệ pháp luật cho các công dân EU sống tại Anh bằng cách bất cứ thỏa thuận nào Anh ký với EU cũng sẽ được chuyển vào luật Anh và các tòa án của Anh sẽ áp dụng luật này để xét xử. Anh cũng sẽ tìm kiếm “thỏa thuận chiến lược mới mạnh mẽ” với EU trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Những tuyên bố này của bà May được EU rất hoan nghênh vì thể hiện thiện chí của nước Anh trong bối cảnh thời gian còn lại để thực hiện đàm phán Brexit giữa hai bên không còn nhiều.

Dường như, Thủ tướng May đã tạo ra những tác động tích cực đến các nước EU; tuy nhiên, bà cũng cần phải tính toán thêm nữa nếu mong muốn đạt được những tiến bộ cần thiết để có thể chuyển từ giai đoạn đàm phán “hóa đơn ly hôn” sang đàm phán về tương lai quan hệ đối tác Anh - EU.

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền bà May, giới phân tích dự báo, trong năm 2018, tiến trình Brexit sẽ không có nhiều tiến triển và những tranh cãi về giai đoạn hậu Brexit sẽ tiếp tục diễn ra. 2018 sẽ là một năm được chia thành hai nửa rõ rệt đối với chính trường “xứ sở sương mù”. 6 tháng đầu là giai đoạn cầm chừng với việc tiến trình Brexit vẫn tiếp tục ì ạch trong những luồng dư luận trái chiều.

Nửa sau của năm 2018 mới hứa hẹn kịch tính sẽ được đẩy lên cao trào. Quốc hội Anh sẽ không phủ quyết dự luật rời khỏi EU và nước Anh sẽ không tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về Brexit. Cơ hội duy nhất để đảo ngược Brexit là người dân Anh đổi ý mà điều này thì chưa có dấu hiệu sẽ xảy ra, nhất là chừng nào đảng Bảo thủ còn nắm quyền.

Hiện nay, các cuộc tranh luận Brexit khiến nước Anh vật lộn với câu hỏi làm sao để có thể được tiếp cận mức tối đa vào thị trường đơn lẻ EU mà không phải chịu tuân theo luật của EU hay không phải đóng góp cho ngân sách của EU. Thủ tướng May hứa hẹn sẽ thực hiện mong muốn này thông qua chính sách mà các trợ lý của bà gọi là “quản lý sự khác biệt”.

Bà May vẫn muốn một thỏa thuận được dành riêng cho Anh, nhưng điều này hoàn toàn không phù hợp với các cấu trúc của EU. Anh phải lựa chọn một trong hai mô hình, hoặc là một hiệp định tự do thương mại hoặc là thị trường đơn lẻ nội khối. Trong bối cảnh này, Thủ tướng May đã trình bày chi tiết về kế hoạch Brexit của bà dựa vào chiến lược “3 giỏ”. 

Trong giỏ đầu tiên, bà May muốn một số lĩnh vực của nền kinh tế sẽ vẫn gắn kết với EU. Tại đây, Anh sẽ chấp nhận tuân theo các quy định của EU, của các cơ quan EU và Tòa án Tối cao EU. Nhóm giỏ thứ hai sẽ gồm các hàng hóa và dịch vụ khác, trong đó bao gồm dữ liệu và các dịch vụ tài chính.

Anh sẽ đồng ý với các mục tiêu quy định chung nhưng cũng sẽ linh hoạt đưa ra những quy định của riêng mình. Giỏ thứ ba sẽ gồm các lĩnh vực hầu như không dính dáng gì đến luật pháp châu Âu (như lĩnh vực công nghệ). 

Chiến lược tiếp cận phân chia thành 3 giỏ của chính quyền May được EU cho rằng không thể thực thi được vì không phù hợp với các cấu trúc pháp lý của thị trường đơn lẻ EU, song các nhà ngoại giao Anh và EU hiện nay đều nhất trí sẽ tìm hiểu thêm thay vì tranh cãi.

“Cứu vãn” tình bằng hữu

Trong khi loay hoay với lộ trình Brexit, Thủ tướng May cũng tiếp tục củng cố quan hệ với Trung Quốc - mà theo giới quan sát đánh giá “là một chiến lược quan trọng để vực dậy nước Anh thời hậu Brexit”, hé mở tham vọng “nước Anh hướng tới toàn cầu”.

Trong bối cảnh đó, cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Theresa May và Chủ tịch Tập Cận Bình được kỳ vọng đưa quan hệ song phương trở lại “kỷ nguyên vàng”. 

Nhà lãnh đạo “xứ sở sương mù” cho rằng, Anh và Trung Quốc đều là những cường quốc lớn trên thế giới, cùng có tầm nhìn toàn cầu. Thế nên, chính quyền May cam kết sẽ nỗ lực thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược bền vững với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bất chấp những nỗ lực của chính quyền bà Theresa May, giới phân tích dự báo, năm 2018, tiến trình Brexit sẽ không có nhiều tiến triển.

Trên thực tế, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và London bắt đầu trục trặc vào năm 2016 khi bà May quyết định tạm thời trì hoãn dự án Hinkley Point - dự án điện hạt nhân đầu tiên của Anh trong nhiều năm qua. Thời điểm đó, “cái lắc đầu” của London đã làm phai nhạt “thời đại hoàng kim” của mối quan hệ Trung - Anh.

Ngoài ra, quyết định rời khỏi EU cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vị thế và tiếng nói của London trước Bắc Kinh.

Khi mà Brexit vẫn đang từ từ diễn ra, Thủ tướng May tin rằng Trung Quốc luôn coi Anh là đồng minh quan trọng hàng đầu tại EU, và vì thế London cần “níu giữ tình bạn” với Bắc Kinh. Ngoài ra, trước khi chính thức “đoạn tuyệt” với EU vào năm 2019, Anh phải vượt ra ngoài các mối quan hệ hợp tác truyền thống trong khối và Mỹ, đồng thời cần coi Trung Quốc là một đối tác chiến lược mới.

Trên thực tế, Anh là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc trong EU, còn Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại ngoài EU lớn thứ hai của London. 

Bà May khẳng định, Trung Quốc là một miền đất hứa hẹn tạo nhiều cơ hội để khai thác đầu tư cho các doanh nghiệp của Anh. Do đó, hợp tác kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính quyền May trong các chuyến thăm Trung Quốc.

Thủ tướng May nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc trong bối cảnh Anh đang nỗ lực thiết lập liên kết thương mại với những thị trường hàng đầu thế giới sau khi rời EU. 

Hiện tại, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc đang bùng nổ với tốc độ mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử và ước tính sẽ đạt con số 600 triệu người vào năm 2020 - cao hơn toàn bộ dân số hiện tại của châu Âu. Đó chính là “thời cơ vàng” cho những chiến lược thương mại mà Anh dự tính trong tương lai.

Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song vẫn còn quá sớm để kết luận liệu “kỷ nguyên vàng” trong mối quan hệ Anh - Trung. Trung Quốc tỏ ra thất vọng khi bà May khước từ việc trở thành lãnh đạo G7 đầu tiên ký một văn bản ủng hộ sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh. 

Sáng kiến này hiện gây chia rẽ lớn giữa các thành viên EU, khi có ít nhất 6 nước thành viên EU ở khu vực Trung và Đông Âu đã chính thức phê chuẩn dự án này.

Thái độ không mấy hào hứng của bà May đối với các dự án tâm huyết của ông Tập Cận Bình dường như trái ngược với sự nhiệt tình của cựu Thủ tướng David Cameron và cựu Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne - người đã đưa Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên tham gia Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) hồi năm 2015.

Rõ ràng, hiện thực hóa những tiềm năng thương mại song phương, và đưa quan hệ Anh - Trung trở lại “kỷ nguyên vàng” sẽ là nhiệm vụ không hề đơn giản của Thủ tướng Theresa May...

Nguyễn Tuyết
.
.