Thủ tướng Shinzo Abe: Vật lộn trong sóng gió
- Thủ tướng Shinzo Abe mất tín nhiệm sau vụ bê bối đất đai trường học
- Thủ tướng Shinzo Abe và kế hoạch “người khổng lồ” trên thị trường vũ khí
- Thủ tướng Shinzo Abe: “Mở rộng” chính sách ngoại giao – an ninh
Tuy nhiên, Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất của sự nghiệp chính trị khi phải vật lộn để đối phó với những bê bối cũng như việc chỉ số tín nhiệm dành cho ông và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền sụt giảm mạnh. Sau một loạt những “sóng gió chính trường”, khả năng tái cử cùng tham vọng của Thủ tướng Shinzo Abe ngày càng thiếu điểm tựa.
Trong bối cảnh đó, ông Abe tiến hành một cuộc cải tổ nội các sâu rộng nhằm gây dựng lại lòng tin của nhân dân cũng như khôi phục uy tín của cá nhân ông và đảng cầm quyền LDP. Nhiệm kỳ của Thủ tướng Abe sẽ kéo dài tới năm 2021 nên chắc chắn ông sẽ tiếp tục tiến hành cải tổ mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước mắt, để cứu vãn sự nghiệp chính trị của bản thân, ông Abe cần khôi phục lòng tin trong cử tri để tái đắc cử Chủ tịch đảng cầm quyền trong đợt bỏ phiếu vào năm 2018, và thực hiện mục tiêu lớn hơn mà từ lâu ông đã theo đuổi với tên gọi “bước đi lịch sử” - đó là cải cách hiến pháp hòa bình sau Thế chiến II.
Bê bối bất ngờ
Thủ tướng Nhật Bản buộc phải trở lại quốc hội giữa kỳ nghỉ để tham gia điều trần về cáo buộc ông đã sử dụng ảnh hưởng của bản thân nhằm tác động tới tiến trình phê chuẩn thành lập khoa thú y tại một trường đại học tư nhân thuộc quản lý của Viện Giáo dục Kake (do người bạn thân lâu năm Kotaro Kake lãnh đạo). Điều đáng chú ý là trước đó, trong vòng 50 năm chưa có trường đại học nào ở Nhật Bản được cấp phép thành lập khoa thú y vì tình trạng thừa bác sĩ thú y.
Thủ tướng Abe khẳng định, ông không nhận được đề nghị từ người bạn về việc giúp mở khoa đào tạo mới và cũng không ra chỉ thị cho quan chức chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đó.
Trước đó, giới truyền thông Nhật Bản từng cáo buộc đảng LDP - hay thậm chí vài quan chức thân cận với Thủ tướng Shinzo Abe - có liên quan đến việc ngôi trường tiểu học theo chủ nghĩa dân tộc Moritomo Gakuen ở thành phố Toyonaka (Osaka) “thâu tóm” một lô đất công rộng gần 9.000m² để xây dựng cơ sở mới với giá rẻ đáng ngờ - chỉ bằng 1/6 giá trị thực.
Ngôi trường mới dự kiến xây dựng trên lô đất công gây tranh cãi dự kiến đặt tên gọi là trường tiểu học Abe Shinzo Memorial, và phu nhân Thủ tướng Akie Abe được trang web nhà trường miêu tả sẽ là “hiệu trưởng danh dự”. Tuy nhiên, ông Shinzo Abe khăng khăng bác bỏ sự dính líu đến vụ việc và thậm chí tuyên bố sẵn sàng từ chức nếu điều đó được chứng minh.
Ông Abe chịu nhiều áp lực sau bê bối liên quan đến ngôi trường tiểu học theo chủ nghĩa dân tộc Moritomo Gakuen và việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada từ chức. |
Dư luận cũng chỉ trích ông Abe bao che cho chương trình giáo dục theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan của ngôi trường, song Thủ tướng bác bỏ điều này trong phiên điều trần trước Quốc hội Nhật Bản hồi cuối tháng 7.
Thủ tướng Abe và nội các của ông cũng được cho là có mối quan hệ thân thiết với nhóm Nippon Kaigi - một nhóm vận động hành lang theo chủ nghĩa dân tộc tán dương những giá trị Nhật Bản thời Thế chiến II và chống đối hiến pháp theo đường lối hòa bình của nước này. Câu chuyện học sinh tiểu học “được giảng dạy” theo chương trình tôn sùng chủ nghĩa dân tộc cực đoan và việc sử dụng ngôn ngữ phân biệt chủng tộc đã làm dư luận Nhật Bản dậy sóng.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc của trường tiểu học và vụ bê bối mua bán đất công mờ ám mới chỉ là những bê bối đầu tiên. Khi cáo buộc “thiên vị bạn thân” vẫn chưa có dấu hiệu dịu xuống thì một “cơn lũ mới” lại ập tới nội các của Thủ tướng Abe.
Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada từ chức vì vụ cáo buộc “bưng bít thông tin” liên quan tới nhiệm vụ của lực lượng phòng vệ Nhật Bản ở nước ngoài. Vụ việc như một cú giáng mạnh vào Thủ tướng Abe khi ông mất đi một đồng minh chính trị thân thiết. Thế nên, những cuộc thăm dò gần đây sau các “sự cố” đều cho thấy uy tín của cá nhân ông bị kéo tụt xuống mức thấp nhất kể từ khi ông đảm nhiệm vai trò Thủ tướng.
Suy giảm tín nhiệm
Theo thăm dò, tỷ lệ tín nhiệm ông Abe trong tháng 7 đã giảm mạnh từ 63,7% xuống còn 36,1%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ nội các Shinzo Abe chỉ còn 26% - mức thấp nhất từ khi ông Abe nắm quyền lực vào năm 2012. Các cáo buộc và bê bối “từ trên trời rơi xuống” không chỉ khiến uy tín nội các của Thủ tướng Nhật Bản giảm mạnh, mà còn dẫn đến thất bại của đảng LDP trong kỳ bầu cử hội đồng thành phố Tokyo.
Chưa bao giờ LDP - một đảng đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Nhật Bản suốt hơn 20 năm qua - lại rơi vào tình trạng thảm hại khi chỉ giành được 23/127 ghế của hội đồng thành phố (giảm hơn nửa so với 57 ghế trước đó). Đây là một kết quả khó khăn với đảng LDP, báo hiệu nhiệm kỳ thứ ba đầy sóng gió của ông Abe.
Những diễn biến chính trị u ám gần đây sẽ làm trầm trọng thêm chia rẽ trong liên minh cầm quyền giữa đảng LDP của Thủ tướng Abe và đảng Komeito. Nó cũng khiến ông Abe có khả năng mất vị trí lãnh đạo đảng LDP khi cuộc bầu cử nội bộ đảng diễn ra vào tháng 9-2018.
Thất bại của đảng LDP cũng diễn ra trong bối cảnh chính sách chấn hưng tăng trưởng kinh tế (Abenomics) mà Thủ tướng Shinzo Abe theo đuổi bước sang mùa thứ 5, nhưng chưa đem lại hiệu quả rõ rệt. Đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến cử tri quay lưng với đảng LDP, bởi ông Abe còn khá chần chừ, cũng như chưa thực thi những cải cách cần thiết để đảm bảo tăng trưởng bền vững.
Thủ tướng Abe cần cải tổ nội các để gây dựng lại lòng tin cũng như khôi phục uy tín của cá nhân ông và đảng cầm quyền LDP. |
Abenomics tập trung vào ba mũi nhọn là tăng cường sức mạnh kinh tế để tăng an sinh xã hội và hỗ trợ kinh tế hộ gia đình. Đương kim Thủ tướng Nhật Bản rất kỳ vọng vào Abenomics, thậm chí coi Abenomics là “chiến lược cuộc đời”.
Thế nhưng, Abenomics vẫn chỉ là nửa vời sau 4 năm. Tất cả các mục tiêu mà Abenomics hướng tới đều chưa đạt được bất cứ một kết quả rõ ràng nào. Vì vậy, khi Abenomics giậm chân tại chỗ và có nguy cơ “chết yểu” thì sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Abe sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Cùng với đó là việc LDP sẽ phải đối diện với sự mất tín nhiệm của cử tri, có thể phải chia sẻ quyền lực với các đảng phái chính trị khác.
Cải tổ an toàn
Trong một nỗ lực nhằm khôi phục uy tín của Chính phủ Nhật Bản vốn đã bị sụt giảm nghiêm trọng thời gian gần đây, Thủ tướng Shinzo Abe đã công bố cải tổ nội các và ban lãnh đạo đảng LDP cầm quyền. Cuộc cải tổ nội các lần này với mục đích tìm ra những thành viên mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục triển khai chiến lược kinh tế Abenomics, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia.
Nội các mới của Nhật Bản bao gồm 13 thành viên, đều là những người đang là thành viên trong chính phủ cũ, hoặc đã từng giữ các chức vụ tương đương bộ trưởng, cùng với 6 thành viên mới. Các đồng minh cao cấp trong đảng Komeito của LDP như Bộ trưởng Kinh tế, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp, hay Bộ trưởng Giao thông, cũng không thay đổi vị trí.
Song song với việc cải tổ nội các, Thủ tướng Abe cũng công bố các thay đổi trong ban lãnh đạo LDP. Tuy nhiên, khác với cải tổ nội các, hầu hết các vị trí chủ chốt trong đảng đều được giữ tại nhiệm.
Việc cải tổ nội các lần này của ông Shinzo Abe được đánh giá là chiến lược ít rủi ro. Thủ tướng chú trọng lựa chọn sự ổn định khi bổ nhiệm hàng loạt chính trị gia kỳ cựu, có thâm niên hoạt động tại chính trường Nhật Bản, thay vì mạo hiểm chọn những gương mặt mới, để hạn chế tranh cãi dư luận.
Sau khi hoàn tất cải tổ và bổ nhiệm nhân sự, nội các mới sẽ tiếp tục giải quyết các thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt. Cần phải nhắc đến việc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, và Nhật Bản phải định hướng lại chủ nghĩa bảo hộ kinh tế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Vì sự chia rẽ trong đảng Dân chủ Tự do về việc giải quyết bong bóng nợ của Nhật Bản và tìm ra con đường tốt nhất cho chính sách tiền tệ nên cuộc đấu tranh trong ban lãnh đạo sẽ khiến ông Abe tiếp tục đau đầu. Chưa hết, lạm phát thấp đặt ra nguy cơ kinh tế Nhật Bản lại rơi vào một vòng xoáy giảm phát và tiếp tục sự tăng trưởng trì trệ.
Hiện nay, có lẽ Nhật Bản chưa cần phải tổ chức một cuộc tổng tuyển cử cho tới cuối năm 2018 nhưng theo nhiều đồn đoán thì ông Abe có thể sẽ kêu gọi bầu cử trong năm nay để tìm kiếm quyền ủy nhiệm mới.
Nếu vượt qua được mọi sóng gió, ông Shinzo Abe có khả năng đắc cử thủ tướng nhiệm kỳ 3 (đến năm 2021 nếu LDP tiếp tục cầm quyền và ông tái cử chức chủ tịch tổ chức đảng này), từ đó tiếp tục định hướng chính sách giải quyết khó khăn cho Nhật Bản. Khi đó, với ba nhiệm kỳ, Shinzo Abe sẽ trở thành thủ tướng cầm quyền dài nhất Nhật Bản sau Thế chiến II...