Bức tranh thế giới năm 2018:

Đấu trường của những tay chơi chính trị

Thứ Tư, 28/02/2018, 18:38
Có thể nhận định rằng, bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2017 mang màu sắc tiêu cực là chủ đạo sau nhiều căng thẳng và bất ổn kéo dài chưa tìm thấy giải pháp thích hợp.

Giới quan sát dự báo, năm 2018 sẽ tiếp tục chứng kiến những thay đổi bất ngờ trên chính trường thế giới, đa phần dựa trên những diễn biến từ năm cũ. Đó có thể là một kế hoạch cụ thể về lộ trình Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit) sau nhiều tháng đàm phán dai dẳng, tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên được cải thiện, hay những cuộc bầu cử lớn nhỏ trên khắp thế giới sẽ định hình lại “đấu trường của những tay chơi chính trị” mong muốn thâu tóm và củng cố quyền lực.

Châu Mỹ: Hiệu ứng Trump lan tỏa

Năm 2017 được coi là một thời điểm thăng trầm ở Mỹ và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2018, thậm chí mức độ có thể nghiêm trọng hơn. Cho đến thời điểm hiện nay, chính quyền Donald Trump có vẻ như đang đánh mất dần niềm tin ở người dân.

Giới quan sát nhận định, những chính sách dưới thời Donald Trump có xu hướng “bóp nghẹt” quyền lợi của phụ nữ và các nhóm thiểu số trong xã hội, chối bỏ trách nhiệm bảo vệ môi trường và gia tăng mức độ bạo loạn trong cộng đồng.

Bên cạnh đó, việc FBI điều tra sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ khiến Nhà Trắng “xáo động” nhiều hơn, từ đó có thể dẫn đến nhiều phát ngôn “táo bạo và khó lường” của ông Trump cũng như các chính sách “ngẫu hứng nhưng có mục đích” của chính quyền đương nhiệm.

Cái gọi là “hiệu ứng Trump” được nhìn nhận rất rõ ở Mexico. Ông Trump, nổi tiếng với các luận điểm chống Mexico, tuyên bố xây dựng tường ngăn cách Mỹ và Mexico, coi đây là cách giúp nước Mỹ ngăn tội phạm người Mexico tràn vào nước Mỹ. Lẽ dĩ nhiên đa phần người Mexico không chấp nhận phương án đó, đặc biệt khi nhiều ý kiến nghiêng theo hướng ông Trump cố tình “uy hiếp” Mexico.

Chưa hết, giới chính khách Mexico nổi tiếng với những luận điểm “cãi” Donald Trump - một trong số đó là Andres Manuel Lopez Obrador, chính trị gia lão luyện bên cánh tả vốn đang dẫn đầu các cuộc thăm dò trong bầu cử Mexico hiện nay. Một chiến thắng cho ông này vào tháng 7 tới đồng nghĩa viễn cảnh mối quan hệ Mexico - Mỹ trở nên xa cách và đối đầu hơn sẽ diễn ra.

Chưa hết, ông Trump đe dọa sẽ rút khỏi Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Đàm phán cải cách NAFTA giữa Mỹ, Mexico và Canada được dự báo sẽ trở nên cực kỳ căng thẳng trong thời gian tới. 3 quốc gia này cần đạt được sự đồng thuận về những thay đổi cụ thể của NAFTA vào mùa xuân năm 2018, trước các kỳ bầu cử quan trọng ở Mỹ và Mexico.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các bất đồng về địa lý cũng như lợi ích cá nhân giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ liên quan đến Hiệp định NAFTA mới vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi chính quyền Trump ưu tiên giảm thâm hụt thương mại Mỹ thì Canada và Mexico lại cho rằng cần phải đặt tự do thương mại lên hàng đầu.

Có lẽ, điều duy nhất kìm hãm được ông Donald Trump là sự trỗi dậy của Canada. Trong khi nước Mỹ đang “vật lộn” với những sách lược của ông Trump thì Canada lại ở trong trạng thái hoàn toàn đối lập: đầy cương quyết và rất tươi mới. GDP của quốc gia Bắc Mỹ này đạt 3%, và được dự báo sẽ bỏ xa các nước phát triển khác trong năm 2018.

Chưa hết, sự khởi sắc của Canada phụ thuộc nhiều vào chính sách của Thủ tướng Justin Trudeau, trong đó ông nêu cao bình đẳng giới, hợp tác chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh toàn cầu. Nếu như tại Mỹ đã bắt đầu xuất hiện một số dấu hiệu “chảy máu chất xám công nghệ” thì giới đầu tư Canada hoàn toàn có thể hi vọng vào những “quả bom công nghệ nổ chậm” trong thời gian sắp tới.

Châu Âu: “Gừng” càng già càng… trụ lâu

Có lẽ việc đương kim Tổng thống Vladimir Putin sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 6 năm nữa là một kết quả hiển nhiên với người Nga. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng chính trường Nga sẽ còn rất nhiều diễn biến khó lường.

Trước hết, “đối thủ xinh đẹp của ông Putin” Ksenia Sobchak - ngôi sao truyền hình thực tế được truyền thông mệnh danh là “cô hề Điện Kremlin” - sẽ làm những gì để “cản đường” ông Putin? 

Tiếp đó, lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny sẽ toan tính bước đi ra sao để thổi bùng lên “ngọn lửa” chống chính quyền Putin hiện nay? Tuy nhiên, sự tập trung lại hướng đến ứng viên tiềm năng cho chiếc ghế Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới của ông Putin.

“Ông chủ Điện Kremlin” sẽ chọn hướng đi nào: một cá nhân mới cần nhiều thời gian để thử thách, hay “người cũ” tuy rành việc nhưng có phần nhàm chán? Có ý kiến nhận định, ông Putin sẽ tìm kiếm một nhân vật có khả năng quản lý và điều hành “phù hợp với định hướng Putin”, nhằm cải tổ nội các và định hình lại các chính sách sau này.

Ở Đức, nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu được dự báo sẽ khởi đầu năm 2018 với những chỉ số tương đối ổn định, đặc biệt là tỉ lệ thất nghiệp ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, chính quyền Đức vẫn còn nhiều điểm bất ổn và quyền lực của “bà đầm thép” Angela Merkel sẽ suy giảm.

Tiến trình đàm phán thành lập liên minh của chính quyền Merkel, dù đạt được một số thành công, vẫn chưa tạo được niềm tin cho người dân. Nhằm trấn an nước Đức, bà Merkel tuyên bố Berlin đang nỗ lực hết mình để đưa “đầu tàu châu Âu” quay lại đúng quỹ đạo phát triển ổn định, cũng như cam kết sẽ hiện thực hóa những mục tiêu đã đặt ra mà vẫn đảm bảo lợi ích của Đức.

Cho đến nay, một trong những vấn đề khó khăn nhất mà Đức phải đối mặt trong vai trò “trụ cột” của châu Âu là việc Anh “ly hôn” Liên minh châu Âu (EU) - hay Brexit.

Tiến trình đàm phán Brexit vẫn chưa thực sự có bước đột phá, khi mà những vấn đề nổi cộm nhất vẫn chưa tìm thấy phương thức giải quyết triệt để: đó là thương mại, dịch vụ tài chính, nhập cư và an ninh. Giới quan sát cho rằng, viễn cảnh Brexit khó mà đúng hạn - vào tháng 3-2019, mà thực chất Anh (và các bên liên quan) đang cố gắng kéo dài thời gian để tạo nên một giai đoạn chuyển tiếp trước khi Anh thực sự “ra đi”.

Châu Âu cũng chưa thể bình yên khi căng thẳng giữa Tây Ban Nha và xứ Catalonia gia tăng (có thể lên đến đỉnh điểm trong năm nay). Catalonia từ lâu đã có ý định ly khai, nhiều lần tiến hành bạo động, rồi trưng cầu dân ý về quyết định tách khỏi Tây Ban Nha. 

Tuy nhiên, chính quyền Madrid đã “mạnh tay” giải tán chính quyền Catalonia, đưa ra những quy định và bộ luật “khắc nghiệt” để duy trì sự ổn định cũng như áp đặt nền cai trị trực tiếp.

Từ đây, nguy cơ bùng phát căng thẳng là rất rõ ràng, liên quan đến việc xứ Catalonia sẽ phản ứng ra sao dưới sự cai trị của Madrid, đồng thời liệu Catalonia đã hoàn toàn từ bỏ ý định ly khai hay vẫn để tham vọng âm thầm “cháy trong yên lặng”?

Châu Phi: Hi vọng thay đổi

Năm 2018 được giới quan sát đánh giá là thời điểm khởi sắc của châu Phi trên phương diện đầu tư nước ngoài. Sự rút lui của Mỹ trên chính trường thế giới dưới thời chính quyền Trump trong năm 2017 đã tạo cơ hội cho những cường quốc khác vươn lên, đầu tư mạnh mẽ hơn vào “lục địa đen” - đặc biệt là Pháp.

Sau khi đắc cử vào tháng 5/2017, Tổng thống Emmanuel Macron đã đến thăm châu Phi 4 lần, hứa hẹn nhiều thay đổi tích cực và cam kết “thổi luồng gió mới” vào khu vực còn nghèo đói này thông qua nhiều khoản đầu tư hấp dẫn thay vì tiếp tục viện trợ phát triển như trước đây.

Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Ảrập Xêút và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), ông Macron kì vọng sẽ tạo nên đột phá trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm vũ trang, giải cứu những người di cư khỏi “mặt trận” Libya và tìm lời giải thỏa đáng cho vấn nạn buôn người.

Cũng trong năm 2018, châu Phi sẽ chứng kiến những cuộc bầu cử tổng thống quan trọng ở một số quốc gia như Nam Sudan, Ai Cập hay Zimbabwe. Các chiến dịch vận động tranh cử đang bắt đầu diễn ra sôi nổi ở 2 trong số những nền kinh tế lớn nhất “lục địa đen” là Nam Phi và Nigeria.

Cử tri ủng hộ Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari tin rằng chính khách này sẽ có những bước chuẩn bị kĩ lưỡng cho cuộc bầu cử vào tháng 2-2019, bất chấp thực tế rằng có thời điểm ông đã không thể làm việc vì lý do sức khỏe.

Trong khi đó tại Congo, sau nhiều lần trì hoãn thì cuối cùng người dân sẽ được tham gia bầu cử tổng thống vào tháng 12/2018. Câu hỏi được đặt ra lúc này là: sau 16 năm cầm quyền, liệu Tổng thống Joseph Kabila có muốn rời bỏ “ngai vàng” hay không?

Châu Á: Đã đến lúc hành động

Tình hình ở châu Á sẽ trở nên thú vị hơn nhờ Triều Tiên và Đài Loan. Trước hết, vấn đề Triều Tiên luôn khiến giới quan sát rơi vào trạng thái bất ngờ sau nhiều diễn biến không thể dự đoán.

Năm 2018 được coi là thời điểm cả thế giới “nín thở” vì Triều Tiên trước một số kịch bản có thể xảy ra, bao gồm (1) các nỗ lực đàm phán ngoại giao có thể tạo nên “một cú hích” thay đổi tình thế, (2) chính quyền Donald Trump sẽ tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu và răn đe bằng vũ lực, hay (3) thế giới hoàn toàn bất lực trước “thế lực” hạt nhân Triều Tiên.

Tiếp đó, giới quan sát tập trung phân tích tình hình Đài Loan sau khi Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật ủy quyền quốc phòng, mở đường cho các chuyến thăm song phương giữa tàu hải quân 2 quốc gia trong năm 2018.

Trước động thái này, Trung Quốc tuyên bố đạo luật vi phạm nghiêm trọng chính sách “Một Trung Quốc” và là “sự can thiệp nội bộ Trung Quốc”. Trung Quốc kịch liệt phản đối bất cứ trao đổi chính thức, tiếp xúc quân sự hay việc mua bán vũ khí giữa Đài Loan và Mỹ.

Trong khi đó, Đài Loan ngày càng tỏ ra quan ngại về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc, bao gồm các cuộc tập trận không quân của quân đội Trung Quốc xung quanh hòn đảo này trong những tháng gần đây, đồng thời chỉ trích các hoạt động quân sự của Bắc Kinh là vô trách nhiệm. Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang “mèo vờn chuột” ở châu Á, và động thái chỉ trích Đài Loan chỉ là một quân bài trong chiến lược “thâu tóm quyền lực toàn cầu”.

Trên thực tế, trong tháng 3 tới, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ chỉ định những “tướng” mới ở các vị trí quan trọng, bắt đầu phác thảo kế hoạch định hình Trung Quốc trong giai đoạn mới từ chính tầm nhìn và toan tính của cá nhân. 

Năm 2018 được dự báo là thời điểm ông Tập đẩy mạnh quyền lãnh đạo toàn cầu, bất chấp mọi động thái đề phòng từ phương Tây và Mỹ - nơi chính quyền Donald Trump từng tuyên bố “dù quý nhau nhưng không thể để Bắc Kinh lấn lướt Washington”.

Nam Hồng
.
.