Thế giới năm 2018: Những thông điệp hy vọng

Thứ Bảy, 03/02/2018, 07:05
Thế giới bước sang năm 2018 với niềm tin và kỳ vọng về một năm mới “ăn nên làm ra”. Số liệu thống kê từ các nền kinh tế lớn đều cho thấy, kinh tế toàn cầu năm nay có triển vọng “cất cánh” từ điểm tựa khá vững chắc của những thành tựu năm 2017.

Vượt qua bất ổn của năm 2017, nền kinh tế thế giới đang nằm trên đường cong tăng trưởng và thực sự phục hồi kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hơn 10 năm trước.

Bên cạnh đó, những thông điệp đầy hy vọng vào một năm mới tốt đẹp, thịnh vượng và đoàn kết từ các nhà lãnh đạo phần nào giúp nhân loại có niềm tin rằng màu sáng sẽ là gam màu chủ đạo của cục diện thế giới năm 2018, bất chấp nhiều thách thức vẫn còn đó. Đây cũng chính là cam kết hành động cho chặng đường tương lai của những người sẽ chèo lái con thuyền đất nước trong năm 2018.

Kỳ vọng kinh tế thuận lợi

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhìn tổng thể, nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2018. Theo đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt đỉnh trong 8 năm trở lại đây vào năm nay. Quan trọng hơn, các chuyên gia nhận định nguy cơ suy thoái trong ngắn hạn dường như không còn.

Theo OECD, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà tăng trưởng đạt khoảng 3,7% vào năm 2018, với sự thành công tiếp nối từ năm 2017 dựa trên sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc rút dần các biện pháp kích thích như vậy. Tăng trưởng không chỉ giúp tăng ngân sách mà còn cho phép nhà nước quản lý một số vấn đề khó khăn như nợ xấu, thâm hụt ngân sách.

Bà Merkel tuyên bố sẽ “bắt tay” với ông Macron đẩy mạnh tiến trình hội nhập châu Âu năm 2018.

Nhìn chung, hầu hết các nền kinh tế châu Âu, trừ Anh (đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề cùng tiến trình rời Liên minh châu Âu - EU), đều được dự báo tiếp tục đà tăng trưởng GDP tốt. Mỹ - nền kinh tế số một thế giới - có khả năng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng với nhiều chỉ số kinh tế khởi sắc nhất kể từ năm 2007. Với chính sách kinh tế mới của Donald Trump, sự tăng trưởng của Mỹ có thể còn mạnh hơn.

Trong khi đó, quy mô kinh tế tính theo đồng USD của Ấn Độ năm 2018 có thể sẽ vượt qua nước Anh và Pháp, đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới. 

Ngoài ra, kinh tế châu Á cũng bước vào năm mới với những tín hiệu tích cực và niềm tin phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ. Niềm tin của các nhà đầu tư được thắp lên từ thực tế khả quan của các nền kinh tế hàng đầu châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản hay Hàn Quốc.

2018 cũng là năm hứa hẹn sẽ có nhiều điều bất ngờ, trong đó có sự thay đổi trong ban lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Dự kiến, với một vị chủ tịch mới, FED sẽ tiếp tục hoặc thậm chí tăng tốc quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ - tín dụng thông qua việc tăng lãi suất cơ bản.

Tính đến ngày 13-12-2017, FED đã tăng lãi suất 3 lần và 5 lần kể từ đợt nâng lãi suất đầu tiên. Hiện mức lãi suất cơ bản tại Mỹ vào khoảng 1,25%-1,5% và các chuyên gia dự đoán FED sẽ còn nâng lãi suất 3 lần nữa trong năm 2018.

Dư luận cũng đang kỳ vọng điều kiện kinh tế sẽ cho phép các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thực hiện động thái tương tự như FED. Khi đó, các ngân hàng trung ương lớn được dự báo sẽ bình thường hóa chính sách tiền tệ chậm hơn mức cần thiết.

Giới quan sát đã đưa ra nhiều kỳ vọng đối với tình hình kinh tế trong năm mới. Trước hết, các chính phủ ở nhiều nước bắt đầu giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong khu vực lương hưu công và chi phí chăm sóc sức khỏe, vốn đã tăng lên trong nhiều thập niên qua. Tiếp đó, các chính sách mới nhằm vào công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo ra sự cân bằng giữa các mối quan tâm cạnh tranh và chính đáng của tất cả các bên liên quan.

Một mặt, có lý do để lo lắng về việc tập trung quyền lực thị trường của các công ty Internet, đặc biệt là nội dung và phân phối trực tuyến và về hiệu quả của các công nghệ mới đối với sự riêng tư cá nhân, thực thi pháp luật và an ninh quốc gia. Mặt khác, các tiến bộ công nghệ mới có thể đem lại những lợi ích kinh tế to lớn.

Riêng tại châu Âu, giới quan sát kỳ vọng vào việc Khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể tránh được cuộc khủng hoảng tiền tệ. Điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào việc liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể thành lập một chính phủ liên minh và khôi phục sự ổn định chính trị cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Ngoài ra, cải cách cơ cấu lao động thị trường của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang theo đuổi sẽ được chào đón nhiều nhất.

Về việc Anh rời khỏi EU (Brexit), nhiều khả năng EU và Anh có thể ký một thỏa thuận khôn ngoan về “cuộc chia tay” này, cho phép duy trì quan hệ thương mại khá bền vững. Tương tự, những triển vọng khác bao gồm việc đàm phán 3 bên gồm Mỹ, Canada và Mexico về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sẽ đạt được kết quả, kích thích thương mại tại châu Mỹ.

Hợp tác thay vì đối đầu

Trên phương diện chính trị - xã hội, nhiều nguyên thủ các cường quốc đều lạc quan một năm 2018 “hợp tác thay vì đối đầu”. Mong muốn đạt nhiều thành tựu về lập pháp trước khi Washington chuyển dịch trọng tâm sang bầu cử giữa kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ gặp các lãnh đạo của đảng Cộng hòa ở Quốc hội, nhằm vạch ra chương trình nghị sự lập pháp cho năm 2018.

Ông Trump dự báo, đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ bắt tay nhau để phát triển kế hoạch chăm sóc sức khỏe mới cho người dân, nhất trí chi tiêu để nâng cấp đường sá, cầu cống và các kế hoạch đi lại khác. Trong khi đó, thông điệp năm mới từ các nhà lãnh đạo châu Âu cho thấy “lục địa già” đang tràn ngập niềm tin vào năm 2018 tốt đẹp hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết tiếp tục theo đuổi chương trình cải cách và khởi động việc “phục hưng nước Pháp” trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều tiến triển. 

Ðối với châu Âu, ông Macron khẳng định lại các cam kết đối với khu vực, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng “châu Âu mạnh sẽ tốt cho Pháp”. Tổng thống Pháp kêu gọi người dân khắp châu Âu tăng thêm tiếng nói về việc định hình tương lai của EU.

Rõ ràng, năm 2018 tràn đầy kỳ vọng tăng cường sức mạnh toàn khối, tìm lại bánh lái định hướng cho con tàu EU tiến về phía trước ở châu Âu. Anh ra đi, những nhân tố đầu tàu là Pháp và Đức đều phải nỗ lực hết mình trong giai đoạn khó khăn này để vực dậy sự đoàn kết toàn khối.

Năm 2018 Ấn Độ có thể sẽ vượt qua Anh và Pháp trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố sẽ theo đuổi sứ mệnh thành lập một chính phủ ổn định cho nước Đức trong năm mới. Trên hết, tương lai của Đức đó là không thể tách rời khỏi tương lai của châu Âu.

Bà Merkel tuyên bố sẽ “bắt tay” với ông Macron đẩy mạnh tiến trình hội nhập châu Âu năm 2018. Theo bà Merkel, vấn đề quyết định trong những năm tới là củng cố EU và các thành tựu kinh tế của liên minh, đồng thời tăng cường ranh giới và an ninh vòng ngoài.

Bà cũng đề cập tới khả năng người châu Âu bảo vệ các giá trị trong và ngoài khối EU, cũng như từng bước đóng góp cho sự thành công của châu Âu, từ đó kêu gọi các nước thành viên EU cần trở thành một cộng đồng gắn kết hơn nữa vì đây sẽ là vấn đề cực kỳ quan trọng trong những năm sắp tới.

Lạc quan không kém là thông điệp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi cam kết đẩy mạnh cải cách và mở cửa để hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa”. Mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là đến năm 2020 sẽ xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực của người dân nông thôn. Bên cạnh đó, ông Tập nhấn mạnh rằng năm 2018 và 2019 sẽ là những năm hợp tác và trao đổi ở cấp địa phương giữa Trung Quốc và Nga.

Theo ông, các dự án chiến lược và quan trọng của hai nước đang tiến triển mạnh mẽ, nên Trung Quốc và Nga cần duy trì sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trong các vấn đề quốc tế và khu vực. 

Về vấn đề quốc tế, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc sẽ duy trì quyền hạn và quy chế của Liên Hiệp Quốc, tích cực tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, thực thi cam kết nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, đóng góp vào hòa bình phát triển toàn cầu và trật tự quốc tế.

Cũng đi theo xu hướng kêu gọi hợp tác, Tổng thống Vladimir Putin mong muốn Nga và các quốc gia khác đối thoại cùng nhau để đối phó các mối đe dọa toàn cầu. Ông Putin bày tỏ hy vọng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tới thăm Nga trong năm 2018.

Theo người đứng đầu điện Kremlin, các cuộc gặp song phương đã giúp Nga và “đồng minh” thảo luận cặn kẽ những vấn đề quan trọng liên quan tới hợp tác song phương cũng như quốc tế. Thế nên, những cuộc đối thoại mang tính xây dựng và cùng phối hợp làm việc để củng cố quan hệ Nga - Pháp hay Nhật sẽ tiếp diễn.

Trong thông điệp gửi Tổng thống Donald Trump, ông Putin kêu gọi “hợp tác thực tiễn” trong năm mới 2018. Theo ông Putin, điều này sẽ cho phép Nga và Mỹ tiến tới xây dựng sự hợp tác thực tiễn, định hướng về lâu dài...

Lê Nam
.
.