Thế giới năm 2018: Vẫn chưa bình yên

Thứ Tư, 10/01/2018, 16:51
Theo giới quan sát, bức tranh toàn cảnh năm 2018 của thế giới sẽ đan xen hai mảng màu sáng - tối.

Trên phương diện chính trị - xã hội, năm 2018 tiếp tục chứng kiến một xu hướng đã kéo dài trong nhiều năm qua, đó là việc chiến tranh hay xung đột chưa có dấu hiệu sớm kết thúc, mà có thể còn phát sinh thêm nhiều điểm nóng và nguy cơ về an ninh.

Những vấn đề nổi bật chủ yếu xoay quanh nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân, chủ nghĩa khủng bố, bùng phát xung đột ở một số “điểm nóng” và bế tắc trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ.

Trên phương diện kinh tế, tình hình có vẻ khởi sắc hơn khi triển vọng tăng trưởng được dự đoán sẽ ổn định ở mức khoảng 3.5% nhờ tốc độ tăng trưởng mạnh của một số nền kinh tế phát triển. Ngoài ra, việc các quốc gia như Argentina, Brazil, Nigeria và Nga thoát khỏi suy thoái cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Bối cảnh phức tạp

Giới quan sát cho rằng mối quan ngại lớn nhất trong năm 2018 sẽ là nguy cơ phổ biến hạt nhân, trong đó có hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và sự mong manh của thỏa thuận hạt nhân với Iran. 

Họ cảnh báo Kế hoạch Hành động chung toàn diện - một thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 giữa Iran và các cường quốc thế giới - có thể đổ vỡ, kéo theo nguy cơ Israel hoặc Mỹ tiến hành không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Châu Âu tiếp tục bế tắc vì sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.

Trong khi đó, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân, bất chấp sức ép và các lệnh trừng phạt quốc tế. Việc Triều Tiên có thể đạt được khả năng răn đe hạt nhân sẽ mở ra một kỷ nguyên răn đe hạt nhân mới bất ổn hơn.

Tiếp đó, bàn cờ Trung Đông chưa bao giờ dễ hóa giải với sự chồng chéo lợi ích và quan hệ bạn - thù. Cuộc đối đầu giữa Iran và Saudi Arabia - một đồng minh của Mỹ, tại cuộc chiến ở Yemen đã rõ qua từng năm.

Trong khi đó, căng thẳng giữa các bên đứng đằng sau cuộc chiến Syria vẫn còn đó, bao gồm Mỹ, Nga và Iran và gần đây là cả Thổ Nhĩ Kỳ. Với sự hình thành liên minh tạm thời và bất ngờ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran vào cuối năm 2017 xoay quanh vấn đề Syria, câu hỏi được đặt ra là nếu xảy ra xung đột giữa Iran và Mỹ hoặc giữa Iran với Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO, sẽ đứng về phía nào?

Năm 2018 cũng sẽ chứng kiến nguy cơ gia tăng làn sóng tấn công khủng bố toàn cầu. Sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ngày càng bị thất thế trên thực địa, chúng sẽ càng điên cuồng tổ chức các cuộc tấn công mang tính chất trả đũa.

IS có thể trở nên vô hình và tồn tại ở những dạng khác sau khi bại trận. Chúng ăn sâu vào đầu óc của những kẻ đã từng cầm súng theo chúng, hiện diện qua những đoạn phim với nội dung cực đoan và nguy hiểm hơn, bám trụ vào đầu óc của những người Hồi giáo dòng Sunni ở những nơi IS chiếm đóng. Vậy nên, mối lo lớn nhất trong tương lai thực sự đến từ những kẻ bị đầu độc và cực đoan hóa dưới dạng các vụ tấn công mang vỏ bọc “sói đơn độc”.

Trong bối cảnh quy mô và tính chất phức tạp của các mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố, phổ biến hạt nhân và nguy cơ chiến tranh, các đồng minh của Mỹ sẽ ngày một lo ngại hơn trước những hoài nghi về cách thức Mỹ xác định lợi ích và vai trò toàn cầu của nước này dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Những quyết sách và động thái của chính quyền Mỹ trong thời gian qua đã đưa đến sự đổ vỡ trong các liên minh quốc tế và mối quan hệ chiến lược vốn rất vững chắc trước kia.

Dường như cả thế giới đang quan sát xem liệu việc Mỹ quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu có phải là một chỉ dấu cho thấy Mỹ đang từ bỏ vị trí lãnh đạo của mình hay là sự bắt đầu của một tiến trình mà vai trò của Mỹ đang được định nghĩa lại hay không.

Các đồng minh sẽ ngày càng hoài nghi về vai trò toàn cầu của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Châu Âu bế tắc

Năm 2018, những mối đe dọa lớn nhất đối với Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đến từ phía Đông. Các nước “chống đối”, vốn muốn hưởng những lợi ích từ EU nhưng chỉ trích các giá trị cốt lõi của EU, sẽ trở thành một vấn đề cấp bách. 

Ba Lan và Hungary có nguy cơ trở thành những quốc gia “phá bĩnh” đầu tiên. Mối quan hệ giữa Ba Lan và EU tiếp tục xấu đi vì nhà lãnh đạo trên thực tế của nước này - Jaroslaw Kaczynnski - quyết tâm thúc đẩy kế hoạch nhằm kiểm soát nhiều hơn lĩnh vực tư pháp và truyền thông.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu cũng đã đưa Hungary ra Tòa án Công lý châu Âu (ECJ) liên quan đến sự công kích liên tục của Thủ tướng Viktor Orban về các quyền tự do chính trị, cũng như xem xét đưa Hungary và Ba Lan ra ECJ vì từ chối không chấp nhận hạn ngạch phân bổ người di cư của EU.

Các cuộc bầu cử khó dự báo sẽ diễn ra ở hai quốc gia thành viên Thụy Điển và Italy tiếp tục khiến EU đau đầu khi mối đe dọa từ chủ nghĩa dân túy vẫn hiện hữu. Hiện đảng Dân chủ Thụy Điển chống nhập cư đang nhận được 14% ủng hộ và có thể đủ mạnh để ngăn cản các đảng phái trung hữu hoặc trung tả thành lập chính phủ nếu họ không đạt được đa số phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 9.

Tại Italy, Phong trào dân túy 5 Sao (M5S) hiện đang đứng thứ hai trong các cuộc thăm dò cùng với đảng Dân chủ trung tả cầm quyền. Tuy nhiên, cả hai đảng này đều đứng sau liên minh cánh hữu Silvio Berlusconi’s Forza Italy, gồm Liên đoàn miền Bắc chống nhập cư và Anh em Italy cực hữu. Với việc không có liên minh nào đủ mạnh để đảm bảo giành chiến thắng đa số, những lo ngại về số phận khoản nợ khổng lồ của Italy - chiếm 130% GDP - đang gia tăng.

Ngay cả sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bước lên vũ đài thế giới, châu Âu vẫn sẽ hướng đến Đức để chia sẻ gánh nặng vào năm 2018. Nhưng sau sự sụp đổ của liên minh ba bên, và với việc đảng Dân chủ Xã hội thận trọng trong hợp tác với CDU của bà Angela Merkel, Berlin sẽ vẫn chưa thể làm được nhiều điều. 

Dù ông Macron đang nỗ lực đẩy mạnh các cuộc cải cách lớn của Khu vực đồng tiền chung Eurozone và thúc đẩy việc thành lập lực lượng phòng vệ chung, phần lớn các vấn đề này vẫn đang bị trì hoãn.

Nền kinh tế đang suy giảm, các ngân hàng yếu kém và nền chính trị phức tạp của Italy có thể khiến cuộc khủng hoảng người di cư bùng phát một lần nữa, và các nhà dân túy chỉ cần “chộp” lấy thời cơ. Rõ ràng, châu Âu vẫn chưa tìm ra lối thoát.

Những mối quan ngại lớn nhất năm 2018 có thể là hồ sơ hạt nhân Triều Tiên và bàn cờ Trung Đông chồng chéo quan hệ bạn - thù.

Hy vọng kinh tế le lói

Trên phương diện kinh tế, các quốc gia sẽ bắt đầu bước vào năm mới 2018 với đôi chút tin tức tốt lành. Một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính làm rung động cả thế giới, tốc độ tăng trưởng GDP trên toàn cầu đã bắt đầu có đà.

Theo ước tính, nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng hơn 3,5% trong năm 2018 - tốc độ nhanh nhất trong 8 năm qua. Chưa hết, dự báo thị trường chứng khoán sẽ tăng lên mức cao hơn 60%, và khả năng giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh hơn giá trái phiếu sẽ là 70%. Giới quan sát cho rằng, khả năng về một cuộc suy thoái toàn cầu chỉ là 27%.

Vai trò ngày càng lớn của các nhân tố tăng trưởng về chất (gồm kỹ năng của lực lượng lao động), tiến trình số hóa, và đặc biệt là mức tăng trưởng năng suất cao hơn, có thể đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững. Cụ thể, các nền kinh tế phát triển sẽ đạt tăng trưởng 2,1% trong năm 2018 - cải thiện đáng kể so với mức trung bình 1,8% trong 5 năm qua (2012-2017).

Trong khi đó, các thị trường mới nổi sẽ tiếp tục mạnh lên, dự kiến đạt 3,8% trong năm 2018. Sự tăng trưởng mạnh của nền kinh tế thế giới đã tạo cơ hội cho các quốc tập trung chính sách vào việc giải quyết những vấn đề như biến đổi khí hậu, tình trạng bất bình đẳng và những trở ngại về thể chế đối với phát triển.

Mặc dù vậy, kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với những nguy cơ như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia hay tình hình tài chính toàn cầu suy giảm đột ngột. Giới quan sát hiện rất lạc quan, nhưng có thể họ đang bỏ qua một vài rủi ro lớn.

Nên nhớ, sự tăng trưởng khởi sắc trong năm 2017 là nhờ một loạt sự kiện đặc biệt như việc bình ổn giá năng lượng và hàng hóa, lòng tin kinh doanh được cải thiện dựa trên hi vọng vào các cuộc cải cách thuế và kích thích tài chính của chính quyền mới ở Mỹ, sự phục hồi mang tính chu kỳ ở châu Âu và chính sách kích thích tăng trưởng của Trung Quốc. Thế nhưng, những sự kiện này không thể tạo ra sự tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng của lực lượng lao động chậm lại do dân số già nua, những khó khăn trong việc biến công nghệ thành năng suất, và sự phân chia không đồng đều những lợi ích của sự thay đổi công nghệ đều cản trở nền kinh tế phát huy hết tiềm năng. Bên cạnh đó, những nguy cơ mang tính chất địa chính trị và địa kinh tế cũng có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Cần phải kể đến như hậu quả của những cuộc đàm phán kéo dài về việc Anh rời EU và những mối đe dọa khác đối với sự ổn định của châu Âu, làn sóng chủ nghĩa bảo hộ lên cao hay thậm chí là chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng sự xuất hiện nhiều nguy cơ nổ ra xung đột chính trị (hoặc thậm chí là quân sự) tại nhiều nơi trên thế giới...

Việt Dũng
.
.