Thông điệp của chính khách

Thứ Tư, 14/03/2018, 21:45
Những bài nói, phát biểu của chính khách tại các diễn đàn khu vực, quốc tế hay nhân chuyến thăm cấp cao của các nguyên thủ quốc gia thường được dư luận chú ý. 

Những bài nói, bài phát biểu thể hiện vị thế, “chất” và tầm của chính khách, nguyên thủ sẽ không dừng lại ở phạm vi biên giới vùng, lãnh thổ mà còn được người đời sau nhắc đến như một điểm nhấn lịch sử.

Bởi tính quan trọng của những chuyến thăm cấp cao hay tính quan trọng các diễn đàn khu vực và thế giới mà những bài phát biểu, bài nói chuyện của nguyên thủ quốc gia, của chính khách luôn được coi trọng, trở thành điểm nhấn truyền tải thông điệp mang tầm vĩ mô, có tính định hướng, chiến lược trong quan hệ đối tác giữa các quốc gia; quan hệ liên kết, hợp tác vùng, lãnh thổ và toàn cầu.

Trên thế giới, nhiều nhà lãnh đạo ngoài chuẩn bị nội dung chu đáo còn thể hiện biệt tài diễn thuyết, hùng biện trước ống kính truyền hình, trước hội nghị, diễn đàn đông đảo quan khách tham dự, qua đó tăng tính thuyết phục tới người nghe, tăng sức nặng của bài nói, bài phát biểu. 

Ở nước ta, trong lịch sử cũng chứng kiến những cuộc gặp, bài phát biểu, bài nói chuyện quan trọng trong các chuyến thăm cấp cao tới các nước trên thế giới hay phát biểu tại diễn đàn chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. 

Mới đây, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ - một quốc gia đang có chiến lược hướng Đông, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu quan trọng tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru ở thủ đô New Delhi.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại buổi gặp các học giả, chính khách, nhà khoa học và sinh viên Ấn Độ. Ảnh: Phạm Miên và TTXVN.

Với tựa đề “Việt Nam - Ấn Độ: Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”, bài phát biểu đã thu hút sự quan tâm sâu sắc của các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả và các sinh viên tại Bảo tàng tưởng niệm Nehru, nơi lưu giữ những dấu ấn lịch sử về cuộc đời và hoạt động của Jawaharlal Nehru, nhà lãnh đạo kiệt xuất, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì nền độc lập, tự do của Ấn Độ, vì hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc trên thế giới - người bạn lớn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước đã nhấn mạnh bối cảnh thế giới có liên quan trực tiếp đến chiến lược phát triển của Ấn Độ mà một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất chính là sự trỗi dậy của châu Á. Cùng với những thành tựu đã đạt được, Chủ tịch nước nêu ra những khó khăn mà khu vực sẽ phải đối mặt.

Từ đó, Chủ tịch nước đặt vấn đề: “Thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - châu Á - Thái Bình Dương hay không? Khu vực này có thật sự trở thành tâm điểm kết nối các nguồn lực, hài hòa các lợi ích để tiếp tục phát triển năng động, bền vững hơn nữa hay không? Khát vọng đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế, cùng chia sẻ lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định và sự thịnh vượng bao trùm, trong đó, không một quốc gia nào, không một dân tộc nào, không một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau”.

Dẫn câu nói của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi “Bạn phải chính là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong thế giới này”, Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc hiện thực hóa khát vọng trên phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và ý chí cùng quyết tâm hợp tác của các nước trong khu vực, trong đó có Ấn Độ, Việt Nam và ASEAN.

Bài phát biểu gây ấn tượng mạnh mẽ với các chính khách khi Chủ tịch nước ôn lại truyền thống gắn bó lâu đời giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt Nam - Ấn Độ. Chủ tịch nước khẳng định, quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ sắp đi qua chặng đường nửa thế kỷ, nhưng mối liên hệ mật thiết giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta đã có từ hàng nghìn năm trước. Sự gắn kết đó không chỉ xuất phát từ những chia sẻ về lợi ích mà còn khởi nguồn từ những giá trị tương đồng sâu sắc, bền vững về văn hóa.

Từ đầu Công nguyên, nhà sư Mahagivaka đã đưa Phật giáo từ Ấn Độ du nhập Việt Nam và có sức lan tỏa nhanh chóng nhờ các giá trị văn hóa, tâm linh, gần gũi với tín ngưỡng bản địa. Những tư tưởng bình đẳng, bác ái, vô ngã, vị tha của Phật giáo đã bén rễ sâu đậm trong tâm thức người Việt, trở thành một bộ phận không thể tách rời của văn hóa Việt Nam.

Từ thế kỷ thứ 2, Ấn Độ giáo cũng đã có mặt tại Việt Nam, mà dấu ấn còn được lưu giữ đậm nét trong các di tích văn hóa Champa ở miền Trung Việt Nam, qua bản trường ca Ramayana bất hủ, hình tượng nàng Sita tài sắc, cũng như trường phái thiền Yoga ngày càng phổ biến rộng rãi trong đời sống xã hội Việt Nam.

“Đến tận hôm nay, Rabindranath Tagore, danh nhân văn hóa, nhà thơ, nhà triết học lỗi lạc châu Á đầu tiên được tặng giải thưởng Nobel văn học, vẫn còn làm say đắm triệu triệu người Việt Nam với những vần thơ chứa đựng những triết lý sâu sắc về vũ trụ, con người, hạnh phúc và tình yêu” - Chủ tịch nước bày tỏ.

Đặc biệt, hai nhân vật lịch sử của hai dân tộc Việt - Ấn được Chủ tịch nước nhắc đến trong mối lương duyên “thiên lý năng tương ngộ”: Trong những thập niên đầu thế kỷ 20, các nhà lãnh đạo tiền bối của hai nước không hẹn mà cùng gặp nhau trên con đường đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, vì độc lập, tự do của hai dân tộc.

Ngay từ năm 1943, trong cảnh lao tù, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những vần thơ đầy cảm xúc gửi Jawaharlal Nehru:

“Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động,
Anh phải vào lao, tôi ở tù;
Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt,
Không lời mà vẫn cảm thông nhau”. 

Đúng 11 năm sau, ngày 17/10/1954, chỉ một tuần sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Jawaharlal Nehru là nguyên thủ nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam. Hình ảnh những người anh em Ấn Độ xuống đường ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, hô vang khẩu hiệu “Tên anh Việt Nam, tên tôi Việt Nam, tên chúng ta Việt Nam, Việt Nam Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ” sẽ mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm các thế hệ người dân Việt Nam.

“Từ đáy lòng mình, chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về những tình cảm trong sáng, rất mực chân thành, gian khó không đổi thay, phong ba không lay chuyển mà nhân dân Ấn Độ đã dành cho nhân dân Việt Nam trong suốt thời gian qua” - Chủ tịch nước nhấn mạnh. 

Tại nhiều diễn đàn quốc tế và chuyến thăm chính thức nước ngoài, các nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc với các phát biểu ấn tượng. Sáng 18-3-2014, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thăm và có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nhật Bản - cơ quan lập pháp có lịch sử lâu đời nhất ở châu Á.

Với đầu đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”, bài phát biểu vừa là bức thông điệp khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản, vừa nêu bật những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực và những xu thế lớn của thời đại, qua đó khẳng định “đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi” là sự lựa chọn tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc.

Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được Quốc hội Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao với nhiều lần vỗ tay, để lại ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ trong chính giới Nhật Bản.

Vào sáng 28-9-2013, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 68.

Với tựa đề “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo”, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập vấn đề chiến tranh và hòa bình, phát triển và nghèo đói vẫn đang là những chủ đề thời sự nóng bỏng của thế giới, đòi hỏi phải có niềm tin chiến lược, sự chung tay giải quyết của mọi quốc gia trên thế giới.

Một lần nữa, sau sự kiện Shangri-La, thông điệp “lòng tin chiến lược” lại được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh như một nhân tố vô cùng quan trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Cuba vào tháng 4-2012 đã có bài nói chuyện với cán bộ, học viên Trường Đảng cao cấp Ni-cô Lô-pết tại thủ đô La Habana. Bài nói chuyện của Tổng Bí thư đã gây ấn tượng mạnh mẽ tới các chính khách, học giả, các nhà lãnh đạo và nhân dân Cuba, qua đó truyền tải thông điệp tới nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ, yêu chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên toàn thế giới.

Kết thúc bài nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Sau khi CNXH sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, một số nhà tư tưởng phương Tây đã tuyên bố về “sự cáo chung của lịch sử”. Nhiều chính khách và phần tử cơ hội đã dự báo về sự sụp đổ tiếp theo của các nước XHCN còn lại trên thế giới. Nhưng lịch sử đã không diễn ra như họ nghĩ.

Trung Quốc, Việt Nam, Lào đổi mới giành được nhiều thành tựu mới và tiếp tục vững bước đi lên CNXH. Cuba vẫn hiên ngang đứng vững, vẫn là tấm gương sáng về tiến bộ và công bằng xã hội, về đoàn kết quốc tế, về tinh thần bất khuất vì tự do cho các dân tộc và phẩm giá con người.

Và những bước tiến cách mạng đang diễn ra ở Venezuela, Bolivia, Ecuado... cùng sự lớn mạnh của các phong trào cánh tả tại nhiều nước Mỹ La-tinh khác thể hiện trào lưu hướng tới CNXH đang nổi lên mạnh mẽ tại Tây bán cầu. Các nước XHCN khác tại châu Á vẫn tiếp tục con đường tiến lên phía trước. Đó là những bằng chứng đầy khích lệ về sức sống của CNXH”...

An Nhi
.
.