Diễn biến tư tưởng

Thứ Tư, 11/04/2018, 08:13
Nhiều người nghĩ rằng, cái mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII đề cập về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là ở đâu đó xa xôi, không phải mình và cũng không có liên quan gì mình.

Trong khi đó, hằng ngày mặc sức “chém gió” trên facebook với đủ thứ chuyện, đặc biệt là “chém” những vấn đề tiêu cực trong đời sống xã hội, những góc nhìn trái chiều về chính trị, tỏ thái độ bất mãn, cổ súy xu hướng dân chủ phương Tây… Đó là biểu hiện đáng lo ngại trên thế giới mạng mà mỗi người đang là chủ nhân của những trang facebook, blog.

Suy nghĩ “tự diễn biến” trên trời mà không nhận thấy sự nguy hại từ những bài viết, comment cổ súy quan điểm, tư tưởng tiêu cực trên mạng xã hội thì dù lòng dạ không chống đất nước nhưng họ đã thực trở thành những “mồi lửa” để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII chỉ ra 9 biểu hiện “tự diễn biến”, trong đó có các biểu hiện như: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ.

Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân...

Thực ra, những biểu hiện đó không hề xa lạ, chỉ cần để ý trang facebook, blog cá nhân của nhiều người sẽ thấy điều này. Chủ nhân của những trang facebook, blog đó không phải “các thế lực thù địch, phản động”, họ có thể là cán bộ, nhân viên đang làm việc tại công sở nào đó, cũng có thể là nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, trí thức...

Tỏ thái độ bất mãn, viết các bài chọc ngoáy về chính trị, xã hội rồi cổ súy tư tưởng xã hội dân sự, tự do dân chủ phương Tây, kêu gọi “tẩy chay, từ chức” với một số lãnh đạo có sai phạm thường được số này khoác dưới danh nghĩa viết bài chống tham nhũng, tiêu cực để che đậy động cơ, mục đích thực. Những trang facebook này hiển nhiên được các thế lực thù địch, chống phá lợi dụng triệt để, trở thành quân bài đắc lực từ bên trong.

Kể từ khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng suy thoái, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII), hành vi xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tung hỏa mù được các đối tượng tận dụng triệt để.

Không chỉ bằng những bài viết chỉ thiên về “phán” và “bình” như trước, ngày nay các đối tượng triệt để sử dụng tính lợi hại của mạng xã hội bằng cách lồng ghép video, ảnh cùng những tài liệu nội bộ hoặc tài liệu chưa được kiểm chứng. Đó có thể là tài liệu dưới dạng thư tay, công văn có nội dung mật, những đơn thư tố giác liên quan nội dung nhạy cảm, chưa được kiểm chứng. Những tài liệu có dấu của cơ quan chức năng, có thể tài liệu thật, dấu thật bị lộ, lọt song cũng có thể được làm giả mạo để đánh lừa người đọc, người xem. 

Khi Hội nghị Trung ương 5 quyết định thi hành kỷ luật, cho thôi Ủy viên Bộ Chính trị đối với ông Đinh La Thăng, trên mạng lan tràn các thông tin xuyên tạc, nói rằng đây là minh chứng cho cuộc “ẩu đả”, “đả hổ” giữa các phe phái trong Đảng.

Một số trang mạng lại chế diễu hình thức xử lý kỷ luật này và nói rằng, đó là kiểu kỷ luật quá nhẹ, “vuốt ve”, “mị dân” chỉ xử lấy cớ chứ sự thực “Đảng vẫn bao che, dung túng”.

Nhưng khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam rồi ra tòa, cũng chính những trang mạng đó lại trở bút, đưa ra giọng điệu rằng “có biến trong Đảng”, “thanh trừng nội bộ”, “ẩu đả phe phái”...

Tương tự, khi bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, không ít trang mạng suy diễn rằng truy nã chỉ là “cái cớ” còn thực tế ông Thanh đã được thế lực “bật đèn xanh” cho trốn. Tuy nhiên, khi Trịnh Xuân Thanh về đầu thú, bị đưa ra xét xử, những thông tin sai lệch nhằm vào nội bộ Đảng, Nhà nước lại tiếp diễn với chiều hướng khác.

Hay khi ông Nguyễn Xuân Anh bị xử lý kỷ luật, cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, các thế lực thù địch lại đẩy vấn đề chống tham nhũng, suy thoái của Đảng thành “nạn nhân phe phái tranh giành quyền lực”, “triệt hạ” nhằm vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bôi nhọ, xuyên tạc, gây chia rẽ.

Điển hình nhất, qua hai phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, mạng xã hội đã trở thành công cụ đắc lực cho các thế lực thù địch chống phá. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng, ông Đinh La Thăng - người từng là Ủy viên Bộ Chính trị bị truy tố, xét xử trước tòa. Tuy nhiên, nhiều trang facebook, blog lại suy diễn sai lệch về tư cách chính trị của ông Đinh La Thăng khi phạm tội.

Ông Đinh La Thăng bị truy tố với các sai phạm trong thời gian ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), giai đoạn 2007-2011. Việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Đinh La Thăng khi ông với tư cách lãnh đạo một tập đoàn, hoàn toàn không phải với tư cách một Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, rất nhiều mạng đã suy diễn nhân thân ông Đinh La Thăng, đánh lận giữa tư cách lãnh đạo doanh nghiệp với tư cách Ủy viên Bộ Chính trị. Từ đó, nhiều bài viết phê phán hành vi sai phạm của ông Đinh La Thăng trong vai trò Ủy viên Bộ Chính trị rồi quy kết, suy diễn có tính áp đặt như “Đến Ủy viên Bộ Chính trị còn thế thì dân biết tin ai”!

Ở phiên tòa thứ nhất, một xu hướng phổ biến lan tràn trên mạng xã hội, đó là thay cho việc đưa thông tin theo diễn biến phiên tòa, theo bản chất vụ án thành sự tung hô như người hùng. 

Ở đây, dư luận đã chạy theo bề nổi về những gì ông Đinh La Thăng thể hiện khi làm Bộ trưởng Bộ GTVT và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Nhiều trang mạng nhìn nhận vụ án với hình ảnh ông Bộ trưởng, ông Bí thư Thành ủy năng động, xông xáo, nhiệt huyết mà quên đi những cáo buộc viện kiểm sát luận tội.

Sự nhầm lẫn này rất tai hại, khiến người ta có cách nhìn không đúng về phiên tòa. Đó là từ việc bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông Đinh La Thăng rồi quay sang đặt nghi vấn về việc xét xử của cơ quan tiến hành tố tụng, biến việc chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước thành vấn đề chính trị, nội bộ. 

Từ chỗ lẽ ra phải lên án hành vi tham nhũng, làm trái, gây thất thoát tiền, tài sản của Nhà nước của các bị cáo trong vụ án lại đẩy sang việc tung hô, xin “cứu xét”.

Sau phiên tòa thứ hai, nhiều bài viết đi vào phân tích điều luật, cáo trạng, bản luận tội để quy kết việc kết tội, tuyên án ông Đinh La Thăng là “oan”, từ đó chỉ trích cơ chế, cổ súy thuyết “tam quyền phân lập”...

Cho rằng việc cáo buộc ông Đinh La Thăng làm thất thoát 800 tỉ đồng tại Ngân hàng OceanBank là thiếu cơ sở và việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại với giá 0 đồng là trái luật. 

Thậm chí, một số báo và mạng xã hội đã tung hô ý kiến của luật sư bào chữa tại phiên tòa tố việc mua ngân hàng 0 đồng thì hành vi đó có dấu hiệu của tội hình sự, NHNN lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, từ đó đề nghị làm rõ trách nhiệm chiếm đoạt tài sản của NHNN(!?). Nói theo cách đó, cũng có nghĩa biện minh cho ông Thăng là vô tội, còn tội thì đẩy ngược lại về NHNN!  

Điểm nữa, từ vụ án ở Ocean Bank cũng như vụ án tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, đã có những suy luận cho rằng, ông Đinh La Thăng chỉ là nạn nhân của thể chế. 

Với những kẽ hở luật pháp và các quy định về quản lý kinh tế còn bất cập, những ý kiến này quy kết “cơ chế sinh tội phạm”, cho rằng dù ông Thăng, ông Thanh hay ai đi nữa, khi ngồi vào vị trí đó, của cơ chế đó thì đều dễ mắc phải, vấn đề là có khui ra để xử lý không.

Nhiều ý kiến trên mạng xã hội chỉ trích cách làm việc của tòa, viện kiểm sát và cơ quan điều tra là “áp đặt, định kiến”, cho rằng mất dân chủ, không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, của luật sư.

Cho rằng, một cán bộ từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Bí thư thành ủy mà nay “đứt gánh”, bị “đối xử tệ bạc”, bị xử ép như thế thì đối với dân thường biết kêu ai, biết tìm đâu dân chủ?

Từ đó, những ý kiến này quy kết đây là kiểu mô hình xét xử “theo ý Đảng”, muốn có dân chủ, muốn có đổi mới thì phải cởi bỏ những nút thắt trong tố tụng. Đó là phải “tam quyền phân lập” theo kiểu phương Tây, phải đa nguyên, đa đảng!  

Cần lưu ý rằng, những quan điểm, những bài viết trái khoáy nói trên đang diễn ra khá nhiều trên facebook, blog, diễn đàn mạng, được một số cá nhân hướng lái. Với tốc độ lan truyền, chia sẻ mạnh, nó đang tạo những luồng tư tưởng, suy nghĩ tiêu cực, gây “tự diễn biến” trong nội bộ, ảnh hưởng lớn đến dư luận xã hội.

Với cách tiếp cận như vậy thì dù cái tâm của người viết facebook không chống đất nước, không phải thù địch, phản động song chính nó đã tạo làn sóng phê phán, chỉ trích trên mạng xã hội, gây “tự diễn biến” nguy hại, trở thành những “mồi lửa” để kẻ địch kích động chống phá ngay từ bên trong, từ nội bộ.

Việc cổ súy quan điểm, tư tưởng trái chiều trên facebook dễ có lan truyền, ảnh hưởng nguy hại.

An Nhi
.
.