Uy nghiêm kiểm tra, lòng tin dân chúng

Thứ Hai, 25/12/2017, 10:54
Chưa bao giờ, những kết luận từ các phiên họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương lại được dư luận quan tâm đặc biệt đến vậy. 

Bản kết luận dài dăm, bảy trang phát ra từ cơ quan kiểm tra cao nhất của Đảng, được thông báo rộng rãi trên các phương tiện báo đài, thực sự không chỉ liên quan đến những cá nhân, tập thể sai phạm nêu trong kết luận mà đó còn là thông điệp mạnh mẽ, có tính chất cảnh báo, răn đe, phòng ngừa hữu hiệu…

Nói chuyện với một cụ lão thành về việc thi hành kiểm tra, giám sát, kỷ luật trong Đảng, cụ bày tỏ sự phấn chấn “các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương gần đây là minh chứng cụ thể về việc nói và làm, là sự cảnh báo nghiêm khắc đối với quan chức nào đang nuôi ý vơ vét cá nhân”. 

Thực vậy, việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật là công việc thường xuyên của Đảng nhưng những diễn biến gần đây cho thấy sự cải biến mạnh mẽ cả về phương diện kiểm tra và thi hành kỷ luật. 

Trước đây, những bản kết luận kiểm tra của Đảng thường là tài liệu nội bộ, được công bố trong tổ chức Đảng. Khi đảng viên nào đó sai phạm, bị xử lý kỷ luật thì thường chỉ trong nội bộ biết, chỉ một số trường hợp thông tin lên báo chí. Vì thế, nhiều khi đảng viên bị xử lý kỷ luật nhưng đi làm việc thì cơ quan, tổ chức và nhân dân vẫn không hay biết, họ vẫn chăm chú nghe những đảng viên này giáo huấn như “tấm gương sáng”. 

Các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang khởi tạo niềm tin lớn từ nhân dân trong cuộc chống tham nhũng.

Ngày nay, câu chuyện “lưu hành nội bộ” đã thay đổi. Cái gì thuộc nội bộ và cái gì công khai đã rõ ràng, minh bạch theo tiến trình dân chủ. Người dân giám sát cán bộ, đảng viên thì về nguyên tắc, người dân phải biết được đảng viên của mình có thành tích, khen thưởng hay vi phạm, bị xử lý kỷ luật ra sao. Người dân có quyền được biết và cơ quan chức năng có nhiệm vụ công bố cho dân biết. 

Sự công bố rộng rãi vừa đảm bảo nguyên tắc nhân dân làm chủ, nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, vừa có ý nghĩa cảnh báo, răn đe, phòng ngừa rất hữu hiệu. Khi một ông bí thư tỉnh ủy có sai phạm, nếu việc kiểm tra chậm trễ, việc công bố cũng “nội bộ”, dễ tăng sự ngờ vực trong nhân dân. Ngược lại, khi sai phạm được kiểm tra và công bố công khai, để muôn dân được biết, tính răn đe của công tác kiểm tra, kỷ luật tăng lên gấp bội.

Tại Hội thảo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng, bà Nguyễn Thị Bích Ngà - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều cán bộ ở cơ sở thấy cái đúng không dám bảo vệ, phát hiện cái sai không dám đấu tranh. 

Theo bà, vấn đề này nói thì dễ nhưng qua nhiều vụ việc cụ thể thì không đơn giản chút nào. “Qua xem xét một số vụ việc với cán bộ, cấp cao cũng có, đứng đầu tỉnh cũng có, tôi cảm giác là họ trơ trẽn. Khi họp, tôi phát biểu tại sao một bí thư lại làm việc như thế, không thấy ngượng và trơ quá” - bà Bích Ngà thẳng thắn. 

Theo bà, một số cán bộ thực hiện được hành vi tham nhũng là nhờ có chức vụ quyền hạn nhưng để họ vi phạm được thì xung quanh phải có người “cùng họa vào”. Thực tế vừa qua có 2 ban thường vụ tỉnh ủy bị kỷ luật vì nội bộ thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, hùa theo.

Kể từ sau Đại hội XII, cùng việc xử lý hình sự những vụ tham nhũng lớn thì nhiều cán bộ lãnh đạo đương chức hoặc đã nghỉ hưu cũng đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương “điểm danh” và ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền kỷ luật. 

Đó là các trường hợp như ông Đinh La Thăng, ông Võ Kim Cự, bà Hồ Thị Kim Thoa, bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Huỳnh Đức Thơ, ông Nguyễn Xuân Anh... Cán bộ đã nghỉ hưu bị xử lý kỷ luật như ông Vũ Huy Hoàng, ông Nguyễn Phong Quang, ông Dương Anh Điền, ông Nguyễn Văn Thiện... 

Mới đây, căn cứ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Bí thư thi hành kỷ luật ông Phạm Văn Vọng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 bằng hình thức cách chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015 và thi hành kỷ luật ông Ngô Văn Tuấn - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhìn nhận, từ sau Đại hội XII, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã làm việc rất công phu, quyết liệt để đưa ra những kết luận công tâm về vi phạm của nhiều cán bộ, đảng viên cấp cao. 

Hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy công tác chống tham nhũng đang đi vào giai đoạn quyết định, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội”. 

Quyết tâm của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, của Tổng Bí thư nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Chống tham nhũng trở thành xu thế tất yếu mà không thể cưỡng được nữa. 

Ông đánh giá những kết luận kiểm tra vừa rồi của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là công phu, toàn diện, có định tính, định lượng rõ ràng. Ví dụ, trong kết luận những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu lên vi phạm nguyên tắc lãnh đạo, tập trung dân chủ tới vấn đề khai báo không trung thực trong bằng cấp, sử dụng nhà, sử dụng xe... 

Đó là những kết luận toàn diện từ chế độ trách nhiệm của người đứng đầu tới tư cách đạo đức cá nhân. Điểm nữa, những kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương rất hệ thống. 

Chẳng hạn, kết luận về sai phạm ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đi từ sự việc cụ thể tới khái quát. Những vi phạm của Trịnh Xuân Thanh thì không chỉ riêng cá nhân Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm mà hàng loạt cán bộ liên quan cũng nhận các hình thức kỷ luật khác nhau, trong đó có ông Vũ Huy Hoàng, người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Công thương...

Không chỉ xử lý về tham ô, tham nhũng mà các vụ việc liên quan bổ nhiệm con ông, cháu cha sai tiêu chuẩn, sai quy định cũng được Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, xử lý. 

Người dân bức xúc khi báo chí phanh phui Vũ Minh Hoàng được bổ nhiệm thần tốc; Vũ Quang Hải được ông Vũ Huy Hoàng sắp chỗ trong hệ thống Bộ Công thương; Lê Phước Hoài Bảo, con trai cựu Bí thư Quảng Nam Lê Phước Thanh có quá trình quan lộ “vù vù như diều”... 

Dư luận cũng đã “điểm danh” quan lộ thần tốc liên quan đến con cháu lãnh đạo ở rất nhiều địa phương khác. Đau lòng hơn, không con cháu, không họ hàng nhưng “hotgirl” Trần Vũ Quỳnh Anh khiến nhiều quan chức Thanh Hóa “lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. 

Không còn là chuyện dư luận hay khuyết danh kiểu “một số cán bộ suy thoái, biến chất” mà lần này, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ danh tính, địa chỉ: Ông Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng: “Với trách nhiệm là Giám đốc Sở Xây dựng, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, ông đã ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước”.

Kết luận sai phạm và kỷ luật đối với ông Tuấn nhưng từ câu chuyện này, khối quan chức say mê tửu sắc ở đó đây trên đất nước này hẳn thấy động ở chính chân ghế mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chia sẻ với cử tri rằng, không hay ho gì khi phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình nhưng vì sự tồn vong của chế độ, của Đảng, đòi hỏi phải làm nghiêm, xử lý nghiêm. 

Mong muốn của người dân, đảng viên là công cuộc phòng, chống tham nhũng phải mạnh mẽ, triệt để hơn nữa với các hình thức kỷ luật nghiêm khắc. Tuy nhiên, đây là công cuộc chống “giặc nội xâm” nên không thể nóng vội. 

Chống tham nhũng là cuộc chiến ngay trong nội bộ, ngay trong đồng chí, ngay trong cấp lãnh đạo của tổ chức đảng, đụng chạm rất nhiều vấn đề về quan hệ giữa con người với con người. 

Do đó, việc kiểm tra, kết luận tuân theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước với nguyên tắc khách quan, thận trọng, đúng người, đúng tội, đúng hành vi. Trong đó, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là căn cứ, là cơ sở để các cơ quan Nhà nước tiếp tục xử lý các vi phạm của từng tổ chức, cá nhân.

Căn nguyên, gốc rễ của vấn đề là công tác cán bộ, việc bổ  nhiệm cán bộ có động cơ vụ lợi, cá nhân, khi họ ngồi vào vị trí nhiều bổng lộc, nhiều lợi ích, tiền bạc thì cái vụ lợi đó như lửa gặp rơm, lòng tham trở nên vô độ, vơ vét tiền của nhân dân lên tới cả trăm, nghìn tỉ mà bình thản như không! 

Một dân tộc, một đất nước đang phát triển, người dân bòn mọn từng rổ khoai, gánh sắn, doanh nghiệp phải đắn đo từng đồng tiền để đầu tư, kinh doanh mà quan tham vơ vét tới cả nghìn tỉ đồng của Nhà nước chưa có điểm dừng thì cái họa ấy vô cùng lớn, làm nghẽn, thậm chí khi thành hệ thống sẽ làm đổ vỡ sự phát triển. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. 

Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ cán bộ, điều rất quan trọng là phải thường xuyên và kiên quyết đấu tranh làm trong sạch bộ máy, loại bỏ những cán bộ không còn đủ phẩm chất. Vì vậy, Bác Hồ đã căn dặn phải dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Chúng ta đã trị, đang trị và sẽ trị nghiêm minh hơn nữa, bất kỳ người đó giữ địa vị nào, làm nghề gì, ở đâu...

An Nhi
.
.