Khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh:

Lửa vẫn âm ỉ cháy

Thứ Hai, 16/10/2017, 21:05
Ngày 5-6, Qatar bị cùng lúc bảy nước vùng Vịnh (gồm Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen, Libya và Mandives) cắt quan hệ ngoại giao. 

Trong số này có ba thành viên của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), nghĩa là Qatar chỉ còn quan hệ với Oman và Kuwait. Lý do theo cáo buộc của bảy nước vùng Vịnh này là vì Qatar ủng hộ khủng bố và thân Iran.

Đây được xem là một trong những cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng nhất lịch sử vùng Vịnh, nhưng không hề bất ngờ vì là hậu quả của quá trình căng thẳng tích tụ hàng chục năm dài giữa Qatar và các nước vùng Vịnh, đặc biệt là Saudi Arabia và UAE, khi Qatar chủ trương thoát ra khỏi cái bóng của các láng giềng vùng Vịnh. 

Hơn bốn tháng kể từ khi bùng phát cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh, căng thẳng giữa Qatar với các quốc gia Ảrập trong khu vực chưa được hạ nhiệt. Quốc vương Qatar vừa thực hiện chuyến thăm Pháp và Ðức, nhằm hối thúc các cường quốc giúp tháo ngòi căng thẳng trước nguy cơ tranh cãi ngoại giao gây thiệt hại nặng về kinh tế và kéo lùi các bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố ở khu vực.

Căng thẳng dai dẳng

Sự bất mãn và tức giận của các láng giềng với Qatar bắt nguồn từ các chính sách của Quốc vương Hamad bin Khalifa al Thani của Qatar. Ông Hamad lên nắm quyền lực sau một vụ đảo chính không đổ máu, lật đổ chính cha mình vào tháng 6-1995. 

Trong hai thập kỷ 1990-2000, cùng với Ngoại trưởng Hamad bin Jassim al Thani, ông Hamad định hướng Qatar phát triển thành một hiện tượng toàn cầu. Qatar phát triển hạ tầng khai thác khí ga hóa lỏng, tìm kiếm các thỏa thuận năng lượng dài hạn với các nước cả giàu và mới nổi toàn cầu. 

Việc Quốc vương Hamad lên ngôi không được các nước láng giềng ủng hộ. Saudi Arabia từng dính líu vào hai âm mưu đảo chính tại Qatar vào tháng 2-1996 và năm 2006 nhằm khôi phục quyền lực cho Quốc vương Khalifa.

Từ sau năm 1995, Qatar theo đuổi các chính sách độc lập khu vực, nhằm thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia. Qatar ủng hộ nhiều nhóm Hồi giáo trong khu vực, không chỉ phong trào Anh em Hồi giáo ở Ai Cập. Hãng tin Al Jazeera của Qatar được xem là nơi để các nhóm Hồi giáo chỉ trích các nước trong khu vực. 

Nếu Doha không nhượng bộ thì sẽ tiếp tục bị cô lập cả về đường biển, đường bộ và đường không một cách vô hạn định.

Căng thẳng tiếp tục nổi lên quanh việc Qatar ủng hộ các phong trào Hồi giáo trước, trong, và sau làn sóng biểu tình Mùa xuân Ả rập. Qatar và UAE có chính sách trái ngược nhau đối với phong trào Anh em Hồi giáo. Qatar và UAE ủng hộ các bên khác nhau trong nội chiến ở Ai Cập và Libya. Hai nước này trở thành chiến trường để Qatar và UAE vận động gia tăng ảnh hưởng.

Thời điểm Quốc vương Hamad chuyển giao quyền lực cho con trai Tamim Bin Hamad Al Thani tháng 6-2013, Saudi Arabia và UAE đã hy vọng nhà lãnh đạo trẻ tuổi này sẽ khôi phục các chính sách với khu vực đã có từ thời Quốc vương Khalifa. Tuy nhiên, 5 tháng sau khi ông Tamim nắm quyền, phong trào Anh em Hồi giáo bỗng dưng... tập trung ở Qatar, khiến Saudi Arabia và UAE vô cùng tức giận. 

Khủng hoảng bắt đầu lên đỉnh điểm vào tháng 3-2014, khi Saudi Arabia và UAE cho rằng Qatar không tôn trọng toàn diện các cam kết đã ký. Nhóm al-Islah ở UAE thân phong trào Anh em Hồi giáo đã chạy sang Qatar sau khi bị đánh đuổi khỏi UAE. Căng thẳng giữa UAE cũng như các nước vùng Vịnh đối với Qatar ngày một tăng, khiến ba nước Bahrain, Saudi Arabia, UAE rút các đại sứ về nước tới 9 tháng.

Cho đến đầu tháng 6-2017, căng thẳng ngoại giao đã thực sự bùng phát sau khi nhiều quốc gia vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ các nước khu vực. 

Qatar cực lực bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Saudi Arabia và các đồng minh liên tục gây áp lực đối với Qatar, đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm yêu cầu Qatar phải thực thi. 

Theo đó, Qatar phải đóng cửa kênh Al-Jazeera, hạ cấp quan hệ ngoại giao với Iran, trục xuất tất cả thành viên Lực lượng Vệ binh cách mạng Iran, cắt đứt mọi hợp tác quân sự với Tehran và đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại nước này. 

Ngoài ra, danh sách này còn yêu cầu Qatar cắt mọi quan hệ với các tổ chức khủng bố, trong đó có Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và phong trào Hezbollah ở Liban. Saudi Arabia tuyên bố không tìm cách “thay đổi chế độ” ở Qatar, nhưng nếu Doha không nhượng bộ thì phải chấp nhận “ly hôn” với các quốc gia láng giềng ở vùng Vịnh, và tiếp tục bị cô lập cả về đường biển, đường bộ và đường không một cách vô hạn định.

Chưa thể “hạ nhiệt”

Hành động tẩy chay của nhóm các nước Ảrập ở vùng Vịnh đối với Qatar đã gây tổn thất kinh tế cho tất cả các bên. Cuộc khủng hoảng ngoại giao khiến “bức tranh tín dụng” của GCC chuyển gam màu tối, đẩy quan hệ nội bộ GCC lên mức căng thẳng chưa từng có và làm suy yếu nghiêm trọng hoạt động của GCC.

Qatar chịu tổn thất lớn về kinh tế, tài chính và xã hội liên quan các lệnh cấm đi lại và giao thương, nhất là trong lĩnh vực thương mại, du lịch và ngân hàng. Chỉ trong hai tháng, đã có 30 tỷ USD dòng tiền vốn chi tiêu trong khu vực chảy khỏi hệ thống ngân hàng Qatar. Con số này được dự báo sẽ còn tăng khi các ngân hàng của GCC rút lại các khoản tiền gửi. 

Ước tính, Qatar đã chi 38,5 tỷ USD (tương đương 23% GDP) để hỗ trợ nền kinh tế trong hai tháng đầu bị cô lập. Trong khi đó, căng thẳng ngoại giao ảnh hưởng tỷ giá giữa đồng nội tệ của Bahrain so với đồng USD, khiến quốc gia nghèo nhất trong sáu nước GCC chịu thêm gánh nặng chi phí vay mượn.

Chưa hết, bước leo thang căng thẳng vùng Vịnh càng làm phức tạp thêm tình hình ở khu vực Trung Đông vốn đầy bất ổn. Giao thông đường biển và đường hàng không giữa Qatar và nhiều nước Ảrập bị gián đoạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động trao đổi thương mại và đời sống của người dân trong khu vực. Quan ngại về nguy cơ thiếu hụt lương thực và nước sạch nhập từ các nước Ảrập khiến giới chức Qatar phải tức tốc xúc tiến thảo luận với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề bảo đảm nguồn cung. 

Quốc vương Hamad bin Khalifa al Thani của Qatar theo đuổi chính sách độc lập, đưa Qatar thoát khỏi cái bóng của Saudi Arabia.

Giữa lúc tình hình an ninh tại vùng Vịnh nóng lên từng ngày, cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc chiến chống khủng bố, khi Qatar hiện là nơi đặt căn cứ không quân lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông, với khoảng 10.000 binh sĩ. Nếu cuộc khủng hoảng này không được “hạ nhiệt”, khu vực Trung Đông có nguy cơ rơi vào một cuộc chiến khốc liệt mới với những hậu quả khôn lường.

Các bước đi nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng vùng Vịnh đã được xúc tiến. Quốc vương Kuwait Sheikh Sabah Al-Ahmad Al-Sabah đang triển khai những nỗ lực ngoại giao con thoi khi lần lượt tham vấn Quốc vương Saudi Arabia và hai quan chức cấp cao của UAE, cũng như đích thân tới Qatar nhằm làm dịu tình hình. 

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có mối quan hệ mật thiết trong lĩnh vực năng lượng với Qatar, đã thông qua việc triển khai binh sĩ nước này đến một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar, coi đây là động thái ủng hộ của Ankara đối với Doha. 

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ thời điểm các nước Ảrập cắt đứt quan hệ ngoại giao và sau đó áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Qatar, Quốc vương al-Thani đã nhận được cam kết ủng hộ các nỗ lực ngoại giao từ Thủ tướng Ðức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. 

Các nhà lãnh đạo hai cường quốc châu Âu khẳng định ngoại giao là con đường duy nhất giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Qatar và các nước láng giềng vùng Vịnh.

Dù ủng hộ những biện pháp mạnh tay của các đồng minh đối với những quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố, song Washington khó có thể đứng ngoài cuộc khi Doha cũng đem lại cho Mỹ nhiều lợi ích kinh tế - chính trị.

Là đồng minh của tất cả bốn nước vùng Vịnh liên quan cuộc khủng hoảng, Mỹ không muốn để những rạn nứt giữa các nước này làm tổn hại tới cuộc chiến chống khủng bố mà Washington đang tiến hành. Qatar là nơi đặt căn cứ không quân Al Udeid lớn nhất của Mỹ tại khu vực Trung Ðông - nơi quân đội Mỹ xuất kích để tiến công các mục tiêu khủng bố tại Iraq và Syria. 

Tổng thống Donald Trump đã đề nghị để Washington đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng ở vùng Vịnh hiện nay. Điện đàm với Quốc vương Qatar, ông đã đề nghị giúp các bên giải quyết bất đồng, kể cả tổ chức một cuộc gặp tại Nhà Trắng nếu cần thiết.

Cho đến nay, bất chấp các nỗ lực ngoại giao gần đây của các bên liên quan, triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng Qatar một cách nhanh chóng vẫn rất mờ mịt. Các bên bất đồng không chịu tìm tiếng nói chung mà thay vào đó chỉ là những động thái và lời lẽ đe dọa. 

Không thể phủ nhận một thực tế rằng khủng hoảng ngoại giao ở Vùng Vịnh đã và đang đem lại những ảnh hưởng tiêu cực, khiến bức tranh chính trị - kinh tế - xã hội ở các quốc gia liên quan không còn tươi sáng như thời điểm trước khủng hoảng. 

Để giảm bớt thế “đối đầu” giữa các nước trong cuộc khủng hoảng này đòi hỏi phải có sự tham gia một cách “tích cực” của các bên liên quan. Trong bối cảnh tình hình Trung Ðông vẫn “tăng nhiệt” với quá nhiều điểm nóng, tranh cãi ngoại giao ở vùng Vịnh nếu không tìm được lối thoát càng khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn...

Thanh Sơn
.
.