Khủng hoảng vùng Vịnh: Sống chung với bão

Chủ Nhật, 06/08/2017, 08:49
Đã gần hai tháng trôi qua kể từ khi bốn nước Ảrập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại với Qatar với cáo buộc ủng hộ khủng bố. 

Tuy nhiên, thế bế tắc giữa Qatar và nhóm các quốc gia này vẫn tiếp diễn bất chấp các hoạt động ngoại giao tăng cường.

Trong một động thái nhằm chống lại các đòn trừng phạt, Qatar đã gửi một bức thư tới Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), trong đó nêu ra các điều kiện của Qatar, nếu không được đáp ứng nước này sẽ rút khỏi GCC.

Thậm chí, Qatar đang lên kế hoạch thuê công ty luật ở nước ngoài để theo đuổi vụ kiện đòi bồi thường cho những phát sinh sau khi các quốc gia vùng Vịnh áp lệnh phong tỏa đối với quốc gia này.

Thái độ cứng rắn

Tính đến nay, Ả Rập Saudi, UAE, Bahrain và Ai Cập đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar và áp đặt lệnh phong tỏa mặt đất, hàng không và hàng hải. Tuy vậy, Qatar phủ nhận cáo buộc tài trợ khủng bố, đồng thời mong muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán, đối thoại trên cơ sở toàn vẹn lãnh thổ. 

Đồng thời, Qatar đã từ chối thực thi bản yêu sách 13 điều do các nước Ảrập vùng Vịnh đề ra để chấm dứt khủng hoảng vì "không hợp lý và không thể thực hiện được".

Mới đây, Qatar đã thông báo thành lập một ủy ban phụ trách việc đòi bồi thường khoản tiền lên đến hàng tỷ USD cho các thiệt hại phát sinh từ lệnh phong tỏa do Ảrập Saudi và các đồng minh áp đặt.

Theo đó, ủy ban đòi bồi thường này sẽ xử lý các yêu cầu từ các công ty tư nhân, bao gồm cả công ty lớn như Qatar Airways, các tổ chức công cộng và cá nhân. Qatar sẽ tham khảo cả cơ chế quốc tế để phục vụ kế hoạch đòi bồi thường, đồng thời tiết lộ sẽ thuê công ty luật nước ngoài để giải quyết khiếu nại của nước này.

Qatar tỏ ra rất cứng rắn khi tiếp tục cảnh báo rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC).

Qatar tỏ ra rất cứng rắn khi tiếp tục cảnh báo rút khỏi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nếu khối các quốc gia do Ảrập Saudi đứng đầu không đáp ứng các điều kiện mà nước này đặt ra. GCC là một liên minh chính trị và kinh tế, được lập vào ngày 25-5-1981, gồm sáu nước thành viên Kuwait, Ảrập Saudi, Qatar, Bahrain, UAE và Oman.

Qatar yêu cầu các quốc gia vùng Vịnh dỡ bỏ cấm vận đối với Doha và bồi thường thiệt hại chính trị, cũng như kinh tế. Ngoài ra, Qatar nhấn mạnh sẽ không thương lượng vấn đề về chủ quyền. Doha luôn ưu tiên giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình, nhưng cũng tuyên bố sẽ không nhún nhường trước bất kỳ hành vi xâm phạm chủ quyền và vấn đề nội bộ của Qatar.

Theo Qatar, nước này đầy đủ tiềm lực và tài chính để "sống chung với bão" trường kỳ. Việc Qatar đe dọa rút khỏi GCC nếu các điều kiện mà Doha đưa ra không được đáp ứng khiến cho sự tồn tại của GCC có nguy cơ tan rã.

Bản thân Qatar từng cáo buộc các quốc gia GCC làm rò rỉ tài liệu về các thỏa thuận giữa các nước thành viên của GCC trong giai đoạn 2013 - 2014 cho giới truyền thông để gây bất lợi cho tiến trình hòa giải khủng hoảng khu vực.

Theo tiết lộ, các bên đồng ý không ủng hộ bất kỳ "nhóm chính trị gây đe dọa cho bất kỳ quốc gia thành viên nào trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh", đồng thời kêu gọi trục xuất các lãnh đạo Hồi giáo không phải công dân GCC.

Phía Doha khẳng định, đây là hành động cản trở nỗ lực hòa giải của Kuwait và Mỹ trong cuộc khủng hoảng. Chưa hết, Qatar lên án việc Ảrập Saudi, UAE và Bahrain tuyên truyền không minh bạch để chống lại Qatar, "thêm dầu vào lửa" để gia tăng khó khăn cho tiến trình hòa giải khu vực.

Việc Qatar đưa ra tối hậu thư nhằm rút khỏi GCC không phải là sự việc ngẫu nhiên, mà là hệ quả của một loạt những căng thẳng và phơi bày sự thực về mâu thuẫn tích tụ từ lâu giữa Qatar và phần còn lại của GCC.

Trong số các thành viên GCC, Qatar "dám" đi ngược lại các quan điểm của Ảrập Saudi về văn hóa - kinh tế và đặc biệt là chính sách đối ngoại là nhờ vào trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn và nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ.

Nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu khí đốt tự nhiên cho phép Qatar thực hiện chính sách khác với các nước láng giềng còn lại giàu có nhưng phụ thuộc vào dầu mỏ. Thông qua xuất khẩu khí đốt tới nhiều nước trên thế giới, Qatar đã tự thân đảm bảo được an ninh kinh tế, không cần vào sự bảo trợ của các nước GCC khác.

Việc Qatar tuyên bố rút khỏi GCC cho thấy chính quyền Doha đã có sự chuẩn bị đầy đủ để đương đầu với các lệnh trừng phạt khắt khe hơn.

Chưa thể chấm dứt

Nhiều chuyên gia khẳng định khủng hoảng vùng Vịnh chưa thể có hồi kết vì nhiều nguyên nhân sâu xa. Trước hết, sự xuất hiện của nhiều thỏa thuận bí mật cho thấy căng thẳng đã tồn tại từ rất lâu giữa các quốc gia vùng Vịnh.

Thỏa thuận đầu tiên được viết tay và ghi ngày 23-11-2013 khẳng định cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, ngăn chặn hỗ trợ tài chính và chính trị với các tổ chức "lầm lạc" (đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo). Khi xung đột ngoại giao nổ ra, các quốc gia vùng Vịnh cáo buộc chính quyền Doha thường xuyên hỗ trợ tổ chức này, cũng như các nhóm đối lập tại Yemen để gây bất ổn khu vực.

Để chống chọi với sự phong tỏa kinh tế, Qatar đã tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên thêm 30% trong vài năm tới.

Thỏa thuận thứ hai có ghi dòng chữ "Tuyệt mật" và đề ngày 16/11/2014 khẳng định cam kết hỗ trợ ổn định và hòa bình. Tuy nhiên, Qatar đã cáo buộc Ảrập Saudi và UAE xâm phạm tinh thần của thỏa thuận khi "khiêu khích và gây hấn chủ quyền Qatar".

Tiếp đó, các lựa chọn của các nước Ảrập trong việc chống lại Qatar là rất hạn chế. Để thực sự tác động đến Qatar trên tất cả các phương diện bao gồm ngoại giao, kinh tế, thương mại, pháp lý hay quân sự, các nước Ảrập phải áp dụng các biện pháp "mạnh" như buộc các ngân hàng vùng Vịnh rút tiền gửi khỏi Qatar hoặc thậm chí cắt đứt việc vận chuyển khí đốt tự nhiên vốn là nguồn sống của nền kinh tế nước này. Sự hạn chế này xuất phát từ việc các quốc gia vùng Vịnh cần thêm thời gian để nghiên cứu về cách phản ứng của Qatar và có lập trường chung.

Thêm vào đó, "liên minh chống Qatar" cần tham vấn Mỹ trước khi đưa ra quyết định về các biện pháp tiếp theo. Nhiều ý kiến tin rằng sự phản ứng thận trọng của liên minh do Ảrập Saudi lãnh đạo phần lớn là kết quả từ sức ép của Mỹ.

Cũng cần phải nhắc tới nội lực rất mạnh của Qatar - quốc gia trung tâm của cuộc khủng hoảng. Để chống chọi với sự phong tỏa kinh tế nghiêm ngặt của các nước vùng Vịnh đứng đầu là Ảrập Saudi, chính phủ Qatar đã kích hoạt một loạt các biện pháp trên các lĩnh vực kinh tế như tăng sản lượng khai thác khí đốt tự nhiên thêm 30% trong vài năm tới.

Bên cạnh đó, chính phủ Qatar tập trung đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các hợp đồng kinh tế - xây dựng trị giá hàng trăm triệu USD với các công ty lớn đã và đang có quan hệ làm ăn với Qatar. Về mặt đối ngoại, Qatar tăng cường các cuộc tiếp xúc và liên minh quân sự với các đồng minh chủ chốt trong khu vực.

Trong đó, chính phủ Qatar đã tăng cường các cuộc tập trận chung với Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép quân đội và các cố vấn quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có mặt tại các căn cứ quân sự của Qatar.

Không thể phủ nhận rằng sự ủng hộ của các đồng minh trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran giúp Qatar có thái độ "không khoan nhượng" với yêu sách của các nước vùng Vịnh. Kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đi đầu trong việc ủng hộ Qatar đương đầu với các đòn trừng phạt.

Sự ủng hộ của Ankara đối với Doha bao trùm trên các phương diện từ ngoại giao, kinh tế tới quân sự như cung cấp cho Qatar thực phẩm và nước hay cho phép quân đội nước này đến một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Ngoài ra, Qatar cũng nhận được sự ủng hộ to lớn của Iran.

Ngay sau khi xảy ra khủng hoảng, Tổng thống Iran Hassan Rohani tuyên bố quốc gia Hồi giáo muốn làm sâu sắc hơn quan hệ với Qatar và phản đối việc Ảrập Saudi cùng các nước đồng minh phong tỏa đối với Doha.

Việc Qatar thể hiện thái độ "cứng rắn" đối với các yêu sách của các nước vùng Vịnh cho thấy Qatar đã có được sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc chiến lâu dài với các nước vùng Vịnh láng giềng. Sau khi từ chối thực hiện bản tối hậu thư của các nước Ảrập, quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có Qatar đã "bắt thóp" được các nước này và buộc họ phải chứng minh những ảnh hưởng thực sự của Doha đối với các nước láng giềng "ương ngạnh".

Qatar và các nước láng giềng có quan hệ thương mại và kinh tế gần gũi, nên sự phong tỏa Qatar sẽ có hậu quả tiêu cực với chính bản thân các nước Ảrập. Hơn nữa, việc thắt chặt các lệnh trừng phạt với Doha có thể gây phản tác dụng về mặt chính trị khi thúc đẩy Qatar lại gần hơn với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Ảrập Saudi không hề muốn thấy Tehran và Ankara can dự vào công việc nội bộ của các nước Ảrập.

Hồng Hạnh
.
.