Nhớ một thời xứ Lạng…

Thứ Tư, 29/08/2018, 08:12
Cuối tháng Sáu, khi trời vẫn đổ lửa từ sáng sớm cho đến chiều muộn, tôi có dịp trở lại Lạng Sơn, lần thứ tư thì phải, để làm nhiệm vụ coi thi kì thi THPT Quốc gia 2018. 


Sổ tay của tôi chép khá nhiều về Lạng Sơn trong ba chuyến đầu xanh tuổi trẻ phiêu du ngày trước "Rất nhớ Mẫu Sơn sương mù giá buốt", tôi nói với anh bạn và nhân lãnh đạo trường thúc giục mọi người ăn sáng, tôi trêu vui "ăn chắc dạ còn vượt ải Chi Lăng!".

1. Tính chất vùng biên của xứ Lạng ánh lên ngay từ biển hiệu cửa hàng ăn mà chúng tôi dừng lại. Dưới dòng chữ tiếng Việt là tiếng Trung. Một hòm tiền nhân đạo “chua” tiếng Trung "những đồng tiền nhỏ vì nghĩa lớn" nhang nhác tinh thần hảo hán, trượng phu dù. 

Suốt năm ngày ở Hữu Lũng, nơi chỉ cách Hà Nội chừng hơn 80km, các bữa ăn của chúng tôi đều do đầu bếp người Hoa chế biến. Khâu nhục và vịt quay, tuy được sở tại giới thiệu là đặc sản Lạng Sơn, song ai cũng xuýt xoa khen đầu bếp Hoa làm giỏi. 

Khâu nhục mà đồng bào Tày, Nùng coi trọng trong các dịp lễ tết, cưới xin, nay thết đãi cán bộ coi thi, khiến tôi, trong phút chốc bật cười. Lẽ ra, trong muôn vàn lí do "ai lên xứ Lạng" mà dân gian thêu dệt, ngoài Đồng Đăng, Kỳ Lừa, nàng Tô Thị, Tam Thanh, cần vần vè thêm vịt quay và khâu nhục mới xứng! Ăn uống, chẳng phải sao, là chỉ dấu địa lí nhân văn muôn đời?

"Mâm đầy cơm, rượu, thịt/ Ở cả bốn góc Đông, Tây, Nam, Bắc, người ta cỗ bàn ồn ào". Đấy chỉ là hai trong số hàng trăm lời ca đối đáp tuyệt đẹp ở đám cưới của người Tày mà học giả Nguyễn Văn Huyên, vào năm 1941, đã ghi chép lại. 

Cứ lần theo những bài ca này, ta sẽ thấy người Tày không những sớm có chữ viết, tiếng nói riêng mà các tục lệ cũng rất phong nhiêu. Trong quá khứ, bởi là chủ nhân lâu đời của vùng đất này mà người Tày và cả người Nùng ở Lạng Sơn đã tạo dựng một cách sinh động và dài lâu những câu chuyện văn hóa và lịch sử của riêng mình. 

Đặc biệt, địa thế vùng biên trọng yếu còn cho phép họ giãn cách ít nhiều, vừa tuân thủ vừa cưỡng lại trước lực hút kiểm soát của nhà nước phong kiến tập quyền. 

Vào thời điểm mà Lạng Sơn được thành tỉnh, năm 1831, dưới bàn tay sắp đặt hành chính quyết liệt của vua Minh Mạng, Thổ ty địa phương vẫn tồn tại như một thiết chế cai quản đầy uy quyền. 

Bảy họ Thổ ty, vốn có nguồn gốc từ miền xuôi, và là công thần nhà hậu Lê, từ giữa thế kỉ XV, đã thay nhau điều hành công việc từ cấp châu (tri châu), nắm các tổng, xã, thôn bản trong lòng tay buộc triều đình thường phải chọn giải pháp liên minh hòa hợp để tránh các biến loạn, và nhất là, để đảm bảo yết hầu ổn định, không bị giặc phương Bắc tấn công. 

Một cửa hiệu chụp ảnh trên đường phố Lạng Sơn, phía sau vẫn có biển "chua" tiếng Trung. Ảnh: Tạp chí Life.

Chẳng hạn, vào các năm 1853, 1854 và 1859, Vi Văn Lý, tri châu Lộc Bình (huyện nằm phía đông Lạng Sơn) đã đánh lui quân nhà Thanh. Vi Văn Lý có năng lực trong việc xây dựng phòng thủ biên giới, nên dưới thời Pháp, ông được thăng đến Tuần phủ Lạng Bằng, rồi Tổng đốc Lạng Sơn. 

Con trai của ông, Vi Văn Định, sẽ là biểu trưng cao nhất của dòng họ Tày danh tiếng và cũng là điển hình cho thời cuộc nhiều biến chuyển: từng làm Tri châu Lộc Bình, Tuần phủ Cao Bằng, Tổng đốc Thái Bình, Tổng đốc Hà Đông rồi tham gia Hội Khai trí tiến đức, và sau 1945, nhiệt tình đi theo Chính phủ kháng chiến. 

Sẽ không thể hình dung trọn vẹn vị thế quyền lực và giàu có của ông Tổng đốc này nếu không biết đến sự kiện đáng nhớ vào tháng 6 năm 1940, tại quê nhà, Vi Văn Định đã tiến hành phân chia tài sản cho 12 người con (6 trai, 6 gái) mà trong đó, 4 ái nữ nhận phần là hai ngôi nhà gạch tọa lạc tại Hà Nội, diện tích 878m² trị giá 20.000 đồng bạc!

Hôm coi buổi thi thứ nhất, tôi đã thấy rất nhiều thí sinh mang họ Vi, họ Hoàng, họ Nông, họ Hà… Chẳng biết đã bao giờ, trong những giờ học, các em loáng thoáng nghe chuyện về "thất tộc Thổ ty" xa xưa? 

Bất giác, tôi nhìn ra Quốc lộ 1A chạy qua trước mặt, thẳng tắp và hẹp như đường chỉ tay, chỉ mấy tiếng chạy xe là đã chạm đến Hữu Nghị quan. Các sứ thần xưa phải mất bao công sức mới qua ải. Dư địa chí của Phan Huy Chú thảng thốt "hàng nghìn ngọn núi la liệt, hàng muôn khe suối quanh vòng, khí núi độc, đường đất hiểm trở, đi lại khó khăn". 

Các trạm Đồng Đăng, Trấn Nam (Mục Nam) là nơi sứ thần dừng lại nghỉ chân.

"Việc đón tiếp các sứ đi qua là việc quan trọng - Phan Huy Chú nhắc nhở, thể diện của một nước trọng hay khinh quan hệ ở đó. Trách nhiệm của người coi giữ trấn này không thể không cẩn thận". 

Ngày nay đi lại chốn biên trấn dễ dàng muôn phần, còn hậu sinh của Thổ ty xưa thì chẳng còn đi ngựa, mà sử dụng xe máy tham gia đội quân chở hàng thuê, mưu sinh không đến mức khó.

2. Lạng Sơn đã là một phố thị vùng biên khá sầm uất, hiện đại ngay từ đầu thế kỉ XX. Trong nhiều bức ảnh chụp Lạng Sơn thời Pháp thuộc, tôi bắt gặp không ít các khu nhà, dinh thự và công sở được xây dựng khá quy mô. 

Nổi tiếng vì là điểm chốt của đoạn đường sắt giao thương quan trọng Hà Nội - Lạng Giang - Đồng Đăng mà các nhà ga hiện còn có thể coi là vật chứng lịch sử, đất và người xứ Lạng sớm có mặt trong cảm nhận của người Pháp. 

Paul Doumer, người khởi xướng, lập đề án và cho tiến hành xây dựng đại công trình đường sắt xuyên Đông Dương (mà Hà Nội - Lạng Sơn là một phân nhánh), người lãnh đạo chính phủ thuộc địa phát hành những trái phiếu xây đường sắt mà trên đó, bên cạnh nét vẽ con trâu đi trước cái cày đến sau thì đã thấy hình ảnh hỏa xa phụt cột khói lừng lững như một lạc quan khó tả, trong Hồi ký của mình, tỏ ấn tượng với nhiệt độ xuống thấp của xứ Cao Bằng, Lạng Sơn vào tháng mười một. 

Claude Bourrin, nhân viên ngành thuế nhưng yêu thích kịch nghệ, người từng cưỡi ngựa rong ruổi qua những ngọn đồi cỏ gianh với Vi Văn Định thời trẻ, thì lưu khá nhiều chi tiết về Lạng Sơn trong ghi chép Đông Dương ngày ấy, quãng năm 1898-1908. 

Đáng nhớ có lẽ là chuyện C.Bourrin bắt nhầm rượu lậu trong đám tang của người Thổ ở vùng Tham Lung: Bourrin, tay cầm kiếm, cùng tám nhân viên quan thuế và chỉ điểm viên xông thẳng vào lúc gia đình đang làm tang lễ. 

Cảnh phim Thị xã trong tầm tay (1983) của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

"Ở giữa phòng - Bourrin nhớ lại, trên một tấm vải tựa như võng, một ông già râu trắng nằm thanh thản trong một chiếc quan tài. Quanh quan tài với khoảng hai chục ngọn nến đỏ lớn cắm trong các giá là phụ nữ và thiếu nữ quỳ quanh […] Tất cả theo đúng những nghi lễ cổ, không ai bận tâm tới sự có mặt của một người lạ tới làm gián đoạn buổi lễ một cách thô bạo". 

C.Bourrin phải nhận lỗi và bỏ qua xuất xứ của số rượu mà tang lễ dùng. Sau này, khi làm Giám đốc nhà hát thành phố ở Bắc Kỳ từ 1927-1930, Bourrin buông lời khen Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định thường bắt xe về Hà Nội xem các buổi biểu diễn và có những nhận xét "thấm đẫm tinh thần phê phán xây dựng". 

Một không khí và không gian "kiểu Pháp" như thế, ngạc nhiên thay, đã có thể bảng lảng từ Hà Nội thành thị đến sơn cước Lạng Sơn mà nguyên nhân, có lẽ, do con người cả thôi!

Lan man nghĩ về đường sắt, về rừng núi với bao chuyện ghê rợn và kì quái, tôi chợt nhớ các phóng sự của Thế Lữ, người thuở bé từng sống ở Lạng Sơn. Do không được gia đình bên nội thừa nhận mẫu thân, mới vài tháng tuổi, Thế Lữ đã bị tách khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha). 

Suốt hơn mười năm đằng đẵng, mỗi lần người mẹ bắt tàu lên thăm trở lại Hà Nội, Thế Lữ đều lấy tay sờ vào đường sắt vì nghĩ rằng sự khẽ khàng ấy sẽ lan truyền theo mẹ trên hỏa xa đang dần khuất bóng. 

Sau này, khi nhập thân con hổ thống thiết Nhớ rừng, hẳn Thế Lữ vẫn chưa nguôi những ám ảnh không gian sơn lam chướng khí và cảnh ngộ xót xa của mình?

3. Nhưng Lạng Sơn, với tôi, còn là chợ và phố chợ: Đồng Đăng, Kỳ Lừa, Đông Kinh, Tân Thanh,…Một bức ảnh chụp chợ Bắc Lệ năm 1915 thấy còn tranh tre nứa lá tạm bợ nhưng ảnh khu phố Lạng Sơn thập niên 1950, thời điểm quân Pháp còn đồn trú, thì đã có cửa hàng cửa hiệu quy củ. 

Và để hiểu sự riêng khác của kiểu chợ vùng biên thì ngoài việc quan sát mặt hàng, lắng nghe thanh âm trao đổi, còn phải tìm hiểu dạng ma thuật thương mại rất lạ trong tư duy, tín ngưỡng vùng cao. 

Ở chợ Kỳ Cùng có đền thờ Tả Phủ thờ Thân Công Tài là tướng trận biên giới, có công mở chợ Kỳ Lừa cho dân Việt-Trung mua sắm buôn bán. Ngôi đền được lập, khắc bia công đức từ thế kỉ XVII ấy ngày nay luôn nghi ngút hương khói. Thậm chí, vào Ngày Doanh nhân, đền Tả Phủ còn tổ chức lễ hội lớn. Người trở thành nhân thần bảo trợ thương mại, lạ lùng không?!.

Kết thúc đợt coi thi, như thể chứng thực cho tinh thần đã lên xứ Lạng thì phải mua sắm, các cô giáo đều gói ghém thớt gỗ nghiến và vịt quay. 

Trên đường về Hà Nội, tôi lẩm nhẩm "Mãi còn nơi biên giới/ Mây trời và ải xưa/ Một miền đất nắng mưa/ Suốt đời tôi mang nặng", những ca từ trong Thị xã trong tầm tay (1983), bộ phim đầu tiên trực tiếp mô tả cuộc chiến tranh biên giới 1979 mà Lạng Sơn là tuyến đầu đánh chặn. Hẳn nhiều người còn nhớ giai đoạn bi hùng của cái thị xã nhỏ bé nhưng tuyệt đẹp này?

Mai Anh Tuấn
.
.