Đọc hồi ức một người, nhớ một thời chưa xa vắng…

Thứ Hai, 22/01/2018, 08:43
Xét từ góc độ nghiên cứu, có thể coi đây là nghiên cứu trường hợp, từ một cuộc đời, dâng lên vấn đề chung của nhiều cuộc đời. 

Về văn chương, đây là một văn bản nhất quán với thể hồi ký, mà Trịnh Văn Sỹ đã gọi giản dị là hồi ức. 

Đó là ý đồ chuẩn xác, khi tác giả đặt tên sách: “Trên những ngả đường đời”, với chú dẫn rất cụ thể, ngay ở dưới tên: Hồi ức của một sĩ quan cảnh sát giao thông. 

Và cuốn hồi ức đã thu được kết quả thú vị từ người đọc, ít nhất là tôi: Sự soi chiếu và hòa hợp kí ức chính mình vào hồi ức người khác, và không chỉ thấy hồi ức của một người, trong lực lượng đặc thù là Công an, mà còn gặp hồi ức nhiều người, về một thời chưa xa vắng, mà người Việt từng sống, từng trải và chẳng thể quên. 

Lại nữa, trong một đời sống rất đặc thù thủ đô, đó là văn hóa giao thông, và với một nhân vật cũng đặc thù: cảnh sát giao thông…

Cấu trúc tuyến tính cho cái nhớ lại của tác giả

Nhằm phục dựng cho cái nhớ lại cả một đời làm sĩ quan cảnh sát giao thông, tác giả chọn cho hồi ức của mình cấu trúc tuyến tính độc đáo, gồm 26 tiểu mục. 

Từng tiểu mục được đặt tên, chứa đựng trong đó một hai câu chuyện, một sự kiện trung tâm, vài nhân vật chính, và khi kết thúc, được tác giả thăng hoa lên ý nghĩa khái quát, phảng phất triết lý nhân sinh về một mảng sinh động của đời sống hằng thường, mà người đọc ai cũng có thể cảm thông, chia sẻ và nhớ về cái thời chưa xa vắng ấy...

Đặc biệt, đấy lại là đời sống thực thi pháp luật trong văn hóa giao thông đô thị của thủ đô Hà Nội, một tiểu vùng trung tâm của vùng văn hóa châu thổ Bắc Bộ, qua con mắt nghiệp vụ tinh tường và tấm lòng nhân hậu của người viết: sĩ quan cảnh sát Trịnh Văn Sỹ. Trong gần 40 năm đời mình, tác giả đã chỉ làm đúng một nghề: cảnh sát giao thông đô thị. Và đô thị này lại chính là thủ đô Hà Nội.

Anh Trịnh Văn Sỹ chụp ảnh cùng Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong chuyến thăm Việt Nam của bà trước đây.

Không ngẫu nhiên, hồi ức này được trải dài theo thời gian tuyến tính, hoàn toàn nương theo những chặng đường làm nghề cảnh sát giao thông của tác giả, và ngay khi chọn nghề này, ở tuổi 17, tác giả đã nhất định không dời đổi việc mình chỉ muốn theo nghề cảnh sát giao thông.

Và chính những câu chuyện về nghề nghiệp tưởng như không mấy liên quan, tạo hứng thú viết cho chính người làm nghề này, thì chính viên sĩ quan cảnh sát Trịnh Văn Sỹ đã viết và đã bất ngờ tạo nên cảm hứng dọc cho người đọc.

 Do vậy, tiểu mục đầu của hồi ức, đã không tình cờ mang tên: Quyết định lớn nhất của một đời người.

Đó là quyết định đầu đời người thanh niên Trịnh Văn Sỹ được nhận từ Lực lượng Công an. Trịnh Văn Sỹ chính thức được Bộ Nội vụ chiêu sinh vào học Trường Sỹ quan Cảnh sát nhân dân, ngày 17-8-1977, cách đây đã tròn 40 năm. Mục 26 cuối hồi ức, mang dung dáng một lá thư: Thư gửi những người đi qua ngã tư. 

Tôi đã đọc kĩ lá thư kết thúc cuốn hồi ức, với một niềm thích thú hồn nhiên. Vì tôi đã tự chiêm nghiệm về cái sự đi qua ngã tư của người Việt và của người dân thuộc vài thành phố lớn trên thế giới mà tôi từng sống, từng đi qua, thì lại thấy nặng lòng suy ngẫm. Dù về nghệ thuật, đây là một lá thư rất hay, viết rất tình cảm, sinh động về văn hóa giao thông qua ngã tư. 

Quả thực, tôi chưa thấy người sĩ quan cảnh sát giao thông nào lại có thể viết chí lý, chí tình, với nhiều chi tiết được chọn lọc và sáng giá đến thế, và chỉ miêu tả nguyên việc người Hà Nôi đi qua ngã tư và thư chỉ để gửi số ít người Hà Nội, không phải cho tất cả người Hà Nội. 

Chính xác, thư được gửi tới “một số người đi qua “ngã tư”, những người đã góp phần một cách có ý hoặc vô ý gây ra tắc nghẽn, và tai nạn giao thông” ở thủ đô Hà Nội.

Không biết tác giả có ngụ ý gửi vào lá thư một tiếc nuối về sự chưa cân xứng giữa số tuổi của thành phố đã có lịch sử hàng ngàn năm, với văn hóa giao thông thời hiện đại luôn luôn phát sinh sự bất ổn, và ngày càng gia tăng điều bất cập.

Thống kê riêng năm 2017, báo chí cho biết, gần 9.000 người Việt đã chết vì tai nạn giao thông. Riêng 3 ngày nghỉ tết Dương lịch năm 2018, đã có 67 người thiệt mạng do tai nạn giao thông… Nếu không quá đau lòng trên cương vị người điều hành và xử phạt người Hà Nội tham gia giao thông, tôi chắc lá thư không thể gây nghĩ ngợi và chấn động đến thế cho những người đọc nó.

Viết như một tâm thư, tác giả ý nhị lý giải về cái “ngã tư” đường phố bình dị, bỗng nhiên thành ngọn nguồn tình cảm cho chính lá thư của mình: “Cảm hứng về ngã tư đầu tiên đến với tôi là khi tôi nghe ca khúc Từ một ngã tư đường phố của nhạc sỹ Phạm Tuyên”. 

Về giai điệu, bản nhạc đó thật hay. Nhưng còn một lý do khác tôi yêu bài hát đó, bởi bài hát nói về sự thanh bình và đầy cảm hứng sống của con người thông qua những ngã tư. Ngã tư còn là nơi những đồng đội của tôi hàng ngày dầm mưa, dãi nắng, họ vui với niềm vui của mọi người khi qua ngã tư không phải dừng lại lâu vì ùn tắc giao thông, lòng họ buồn khi nơi họ đứng có những người bị ngã xe, bị tai nạn giao thông do người khác gây ra…”.

Trang bìa sách của Nguyễn Quang Thiều.

Là người đọc, tôi nghĩ; không có cả đời miệt mài và nghiêm chỉnh làm sỹ quan cảnh sát, điều tiết giao thông ở những ngã tư huyết mạch nhất của Hà Nội, với trách nhiệm cao và tình cảm đong đầy với người Hà Nội tham gia giao thông, tác giả ắt không thể viết được một lá thư gan ruột, với một tâm thế đáng trọng đến thế: tâm thế phản biện tình trạng giao thông phức tạp, hỗn loạn ở Hà Nội, nhất là ở ngã tư đường phố.

Không chỉ kết cấu liên thông hai tiểu mục đầu - cuối thành một vòng mở - khép ngoạn mục trong hồi ức, ở 24 tiểu mục khác hiện diện giữa hai đầu-cuối ấy, chính là 24 câu chuyện chất chứa bao cảnh đời, của đồng nghiệp, đồng môn, bạn bè, đồng chí, người thân, nhất là của số đông những người không quen, những người dân thường, mà tác giả tiếp xúc hàng ngày.

Từ hồi ức, cất cánh suy tư và triết lý đẫm tình người

Kết cấu độc đáo xâu chuỗi 26 tiểu mục, đều được tác giả đặt tên riêng từng tiểu mục của hồi ức, đã tạo nên cho hồi ức riêng tư này, một nội dung về sự “nhố” lại rất sinh động, phong phú và truyền cảm. Những triết lý nhân văn được sáng lên vào cuối mỗi câu chuyện nằm gọn trong từng tiểu mục, bao giờ cũng khiến người đọc thú vị và an lòng.

 Riêng người đọc là tôi luôn có cảm giác hồi hộp, đôi khi căng thẳng, vỡ òa cảm xúc với những  tiểu mục mang nhiều kịch tính sân khấu, như mục hai mươi, được tác giả đặt cái tên lạnh: “141 và phía sau những con số”. 

Và tôi  đặc biệt bất ngờ về mục hai mươi mốt, tác giả “Ghi chép ở Đồng Tâm và cuộc “giải cứu lòng tin”, “với sự tĩnh lặng” nội tâm cần thiết, để “nhìn lại sự việc ở Đồng Tâm”.

Với cách ghi chép trung thực của tác giả về sự việc Đồng Tâm, người đọc có thể đồng cảm và chia sẻ, khi chính tác giả “hoàn toàn tin rằng, nếu lãnh đạo Công an Hà Nội không đủ bình tĩnh, không đủ sáng suốt và không có một tấm lòng nhân văn thì câu chuyện mang tên Đồng Tâm sẽ đi sang một hướng khác và để lại những hậu quả khôn lường cho cả người dân và chính quyền”. 

Những nhận định sâu sắc kiểu chính luận như thế đã khiến người đọc đặt niềm tin vào những gì mắt thấy tai nghe của chính tác giả, là người đã viết hồi ức, vốn chỉ nhằm kể lại và suy ngẫm về câu chuyện đi lại của thủ đô Hà Nội. 

Và khi câu chuyện ấy đã vượt ngưỡng khỏi sự giao thông, đụng tới chuyện lòng tin của dân vào chính quyền, thì tác giả đã khảng khái tỏ rõ chính kiến của mình trong đánh giá lãnh đạo Công an Hà Nội, đã bình tĩnh, sáng suốt, và nhân văn khi thực thi một việc rất khó, là làm an lòng dân, vì biết chắc mất lòng dân là mất tất cả…

Không chỉ viết thẳng thắn về chuyện Đồng Tâm, nhiều tiểu mục khác trong hồi ức, được viết một cách chân thực, xúc động, cũng đã lay động tâm trí người đọc. 

Tôi rất thích cách ứng xử phong nhã và trang trọng của cảnh sát giao thông Hà Nội, thông qua trường hợp sĩ quan cảnh sát Trịnh Văn Sỹ. trong những lần dẫn đường và tiếp xúc với các nhân vật ngoại giao quốc tế đến Hà Nội tham quan, hội họp hoặc dự hội nghị, hội thảo quốc tế. Đặc biệt, tôi chú ý tấm ảnh Trịnh Văn Sỹ chụp chung với Ngoại trường Mỹ, bà Hillary Clinton, thật đẹp, thật thân mật và cũng thật... có văn hóa ngoại giao!

Kết

Điều cảm nhận cuối của tôi, khi gấp cuốn hồi ức lại, chính là sự bình yên. Bình yên, vì tin rằng ngay trong sự hỗn tạp, phức tạp và nhiều lỗi văn hóa trong giao thông của người Hà Nội hôm nay, thì vẫn còn đó sự tử tế, lòng nhân ái và tinh thần trách nhiệm cao của những sỹ quan cảnh sát giao thông như tác giả cuốn sách này. 

Và, những đồng nghiệp trẻ tiếp nối Trịnh Văn Sỹ, trong hai thập kỷ đầu thế kỉ 20, vẫn đang miệt mài tác nghiệp trên đường phố Hà Nội, để giải cứu tình trạng giao thông hỗn độn, phức tạp của Thủ đô và thêm nữa “giải cứu lòng tin” của người tham gia giao thông ở Hà Nội thủ đô!

Hà Nội - TP HCM cuối tháng 12/2017 - đầu năm mới 2018.

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.