Nhóm phái văn chương trước 1945: Đồng thuận trong đa dạng

Thứ Ba, 29/01/2019, 16:35
Nhìn lại hoạt động của những nhóm, tổ chức văn chương trước 1945, ở nét sơ lược nhất, người ta không thể bỏ qua sự chen vai thích cánh, thậm chí là “nếm mật nằm gai” của những người cùng chí hướng. 


Vẻ đẹp của đời sống trước tác, tri thức sẽ là gì nếu không tính đến thời khắc mà một cá nhân tìm thấy tri âm tri kỉ ở những con người khác? Tuy thế, ngay trong cự li gần nhất của tư tưởng, ngay khi những ngòi bút hợp sức trên một hành trình, thì đáng nói thay, mỗi một người vẫn tìm và giữ được cá tính, ý hướng riêng mình. Hợp thành nhóm phái không có nghĩa là a dua, bám víu vào tập thể.

Một tôn chỉ, nhiều cách đi

Ngày 2-3-1934, trên báo Phong Hóa số 87, Tự lực văn đoàn, bấy giờ mới có chừng hai năm hoạt động, đã công bố những tôn chỉ của nhóm với mười điều ngắn gọn và rõ ràng, trong đó, như một cách để kích thích các thành viên thi triển hết năng lực và mối bận tâm cá nhân, điều thứ mười chốt lại: “Theo một trong chín điều trên đây cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác”.

Có quá nhiều vấn đề cần xem xét, phân tích kĩ lưỡng nếu muốn đánh giá thấu đáo Tự lực văn đoàn nhưng có lẽ không quá lời khi nói rằng, cho dẫu còn một số lý tưởng chưa thành, những kế hoạch còn dở dang và có dấu hiệu hụt hơi về cuối, nhưng Tự lực văn đoàn thực sự đã bám rất sát, hoạt động rất tập trung và hiệu quả theo tôn chỉ đề ra.

Với tôi, chỉ riêng việc nhóm này không bắt buộc thành viên phải tuân theo, thực hiện cho bằng được tất cả nội dung tôn chỉ, đặt trong bối cảnh bấy giờ, là viễn kiến khôn ngoan và thức thời. 

Không một ai trong số bảy thành viên rơi vào tình thế dẫm chân lên nhau dù đích ngắm, nhất là đích ngắm cải cách văn chương, cải cách xã hội, phê phán các hủ lậu tập tục, đều được mỗi người quán triệt.

Khái Hưng và Nhất Linh mạnh về tiểu thuyết, Thạch Lam sở trường truyện ngắn và viết phóng sự khi cần, Tú Mỡ đặc trị mảng thơ trào phúng, Xuân Diệu công bố những bài thơ mới, Thế Lữ đa năng viết tin bài, viết chuyện đường rừng...

Từ “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô”, “Cải tạo thôn quê”, “Giáo dục công dân”, Hội Ánh sáng, cho đến hình tượng Lý Toét, Xã Xệ hay việc châm chích “nghị viện”…, đều hút vào đó tâm sức của nhiều người, cốt để không bị nhạt, nhàm chán và cũng để cạnh tranh với những tờ báo, nhóm/phái khác. 

Nếu không có tư duy đa dạng, không để mỗi một tiếng nói được cất giọng theo đúng phong cách của mình, các sản phẩm của Tự lực khó mà chinh phục độc giả ngày càng trưởng thành.

Người thầm lặng, kẻ sôi nổi, người kiên tâm phụ trách vài chuyên mục, kẻ tham gia sáng tác lẫn vẽ minh họa, Tự lực văn đoàn đã vận hành theo đúng tâm nguyện “hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung”, thứ sức mạnh khiến họ có thể vượt qua những áp lực rất lớn từ thị trường báo chí, sách vở cũng như các phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội.

Hơn một năm sau, trên Phong Hóa số 154 (ra ngày 20-9-1935), Hoàng Đạo, yếu nhân của Tự lực văn đoàn, người theo tôi là sắc sảo, uyên thâm với loạt bài quan trọng như “Trước vành móng ngựa”, “Vấn đề thuộc địa”, “Vấn đề cần lao”, “Người và việc”, “Bùn lầy nước đọng”, người giúp cho mục tiêu của nhóm không bị lệch theo hướng cực đoan hóa cải cách, đã nhắc lại và nói rõ thêm lần nữa kim chỉ nam “phá hủy những hủ tục đồi phong, xây đắp một cuộc đời hợp với lẽ phải”.

Ông nhận thấy và tin tưởng “những quan niệm cũ dần mất vẻ uy nghi, lẫm liệt, tất rồi cũng phải theo thời gian mà bị phá tan, nhường chỗ cho những quan niệm, những lí tưởng mới”. 

Dĩ nhiên, bản thân Hoàng Đạo và cả nhóm không vội lạc quan, họ sẽ tiếp tục “tả xung hữu đột” trong giai đoạn 1936-1939 được coi là cao trào của báo chí, văn chương và sự chiếm vị thế kiến tạo tư tưởng, nếp văn hóa mới của tầng lớp trí thức Tây học.

Trong chuỗi sự kiện và thành quả mà họ tạo dựng, điều đáng ngẫm ngợi hơn cả, theo tôi, trước hết là tinh thần tự lực, tự khơi dậy và nuôi dưỡng những ý tưởng táo bạo, đôi khi có phần “cả gan” nhưng cần thiết để theo đuổi đến cùng mục tiêu đã định. Cái cách hợp sức, kết lực của Tự lực quả xứng đáng với hình ảnh “ba cây chụm lại” nhưng không để cây nào bị cớm bóng hoặc phải dựa hơi. 

Mô hình một tôn chỉ, nhiều cách đi của Tự lực văn đoàn thành công nhưng không phải là trường hợp duy nhất làm nức lòng công chúng. Đầu thập niên 1940, trước thời cuộc biến chuyển, các nhóm Tri Tân, Thanh Nghị, Hàn Thuyên cũng để lại nhiều dấu ấn đậm nét.

Tri Tân chủ trương “ôn cũ biết mới […] đi riêng vào con đường văn hóa với cặp kính khảo cứu”, tập hợp nhiều tên tuổi cựu học và tân học như Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Ngô Văn Triện, Hoàng Minh Giám, Đào Duy Anh, Lê Thước…, mang hơi hướng dân tộc và dường như muốn đối sánh với Viện Viễn Đông Bác Cổ của Pháp. Nhóm Thanh Nghị với những Vũ Đình Hòe, Đinh Gia Trinh, Phan Anh…, lại đặt mục tiêu “thông hiểu sự vật và tư tưởng; thu nhặt tài liệu để góp vào việc giải quyết các vấn đề quan hệ đến đời sống của dân tộc Việt Nam; phụng sự một nền nghệ thuật chân chính”…

Hàn Thuyên xoay quanh một số nhân vật chủ chốt như Trương Tửu, Lương Đức Thiệp, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, tuy chỉ thiên về hoạt động xuất bản, nhưng có đóng góp rất lớn bởi nhiều công trình khảo cứu công phu, hiện đại. Cả ba nhóm, với nhiều tương đồng lớn trong cố kết giới tinh hoa, thực chất, đều tạo ra những không gian đăng đàn, in ấn đủ hấp dẫn để nhân tài, kiệt hiệt nào cũng thể hiện được mình.

Mỗi xuất hiện, một lần mới

Sau gần một thập niên đuổi theo Âu hóa, với sự nhập cuộc không thể náo nhiệt hơn của thế hệ trí thức “đoạn tuyệt” quá khứ mà Tự lực văn đoàn là điển hình, đường đi hiện đại hóa xã hội mất dần sức mạnh khiến giới trí thức, trong thái độ trầm tĩnh nhìn lại, phải tìm kiếm nguồn lực nào thật sự đắc dụng trong bối cảnh mới.

Ít nhất, từ 1941 đến 1943, qua động thái và trước tác của những yếu nhân trong nhóm Thanh Nghị, nhóm Tri Tân, nhóm Hàn Thuyên, chúng ta thấy ý hướng hồi cố, tái nhận thức truyền thống để soi chiếu hiện tại và thẩm định cặn kẽ hơn cái tân thời, hiện đại.

Không phải ngẫu nhiên mà từ Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh, Kinh thi Việt Nam (1940) của Trương Tửu, Bút nghiên (1941) của Chu Thiên, Xã hội Việt Nam (1943) của Lương Đức Thiệp, Văn minh Việt Nam (1944) của Nguyễn Văn Huyên cho đến Trai nước Nam làm gì (1943) của Hoàng Đạo Thúy, La Sơn phu tử (bản đăng báo Thanh Nghị) của Hoàng Xuân Hãn, Việt Nam văn học sử yếu (1943) của Dương Quảng Hàm, Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai… đều cùng gặp gỡ trên đích ngắm thông hiểu Việt Nam, hiểu một quá khứ chưa thật quá xa nhưng đang chịu nhiều định kiến, hoài nghi và phê phán nặng nề.

Thực chất, một lần nữa, áp lực của phương Tây hóa khiến giới tân học và nhà Nho duy tân tin rằng không có giá trị nào tuyệt đối lí tưởng nếu vẫn duy trì cái nhìn phiến diện, cực đoan, nếu chỉ thuần nhất “hậu cổ” hoặc “bạc kim”.

Nhưng dù gì thì tinh thần khoa học, cái mới và sự thẳng thắn, chứ không phải bảo thủ hay “hòa cả làng”, mới là điều kiện cốt yếu để duy trì niềm tin, mối quan tâm trong một nhóm.

Có thể lấy công trình Xã hội Việt Nam Kinh Thi Việt Nam làm ví dụ: Cả hai đều xuất phát từ việc phân tích đặc trưng kinh tế nông nghiệp để chỉ ra một số điểm riêng của cấu trúc xã hội, tâm thế con người Việt Nam. Với Lương Đức Thiệp, ông đề cao các yếu tố bản địa như mô hình tổ chức xã thôn, kinh tế hộ gia đình dựa trên năng lực buôn bán nhỏ của phụ nữ, đạo thờ tổ tiên,… để khẳng định có một “Việt Nam tính” khá riêng.

Với Trương Tửu, ông đề cao các bài ca dao tình yêu trai gái của người bình dân để cho rằng “văn hóa Việt Nam không phải ở văn hóa Trung Quốc thoát thai ra”. Cả hai tác giả đều cùng chung phương pháp xã hội học Mác-xít, “duy vật sử quan” và đều cố gắng chỉ ra điểm riêng có trong văn hóa Việt.

Đáng chú ý, theo Lương Đức Thiệp, cái gọi là “Việt Nam tính” không thiếu tật xấu: thông minh nhưng dễ biến thành “não tinh vặt”; ham học nhưng để làm kế mưu sinh là chính; có tín ngưỡng nhưng thực dụng, hướng đến cái lợi trước mắt; ưa hòa bình song cũng biết hy sinh vì đại nghĩa; ít suy tưởng triền miên nên không có chủ nghĩa siêu hình nào; có khiếu thích ứng, tài mô phỏng nhưng ít sáng tạo; ưa hư danh dù bền chí, chăm chỉ…

Như vậy, Lương Đức Thiệp không hẳn là người tự si dân tộc mà thường xuyên nhắc nhở người đọc phải trực diện với những khuyết điểm, hạn chế vốn có của cả cộng đồng.

Đấy có lẽ là sự vận động tất yếu khi mà nhu cầu phản biện của người trí thức đã trở nên có khoa học hơn sau bao năm cập nhật phương Tây và đồng thời, dù chưa triệt để, đã bắt đầu tìm kiếm được nội lực tư duy riêng của mình. Bởi thế, sự kết thúc của mỗi một nhóm phái không nằm ở mốc thời gian cụ thể, mà ở tầm lo xa và nghĩ sâu.

Xét theo tiêu chí này, có lẽ, cả Tri Tân, Thanh Nghị hay Hàn Thuyên đều có thể vọng đến hôm nay bởi các khát vọng, nhiệt tâm và kể cả khuyết thiếu của họ vẫn đang được gối tiếp, điều chỉnh và phát triển bài bản hơn.

Mai Anh Tuấn
.
.