Diễn giải văn chương Việt từ bên kia chân trời

Thứ Sáu, 23/11/2018, 10:15
Những năm gần đây, bên cạnh nhiều sáng tác của các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài, viết bằng tiếng Việt hoặc ngoại ngữ, được in, dịch và xuất bản trong nước, cũng đã có một số công trình nghiên cứu phê bình chung đường đi tương tự. 


Bài viết này, bằng việc đọc lại ba trường hợp Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc và Đoàn Cầm Thi, bước đầu phác họa xem, ở phía bên kia chân trời, văn chương tiếng Việt đang được diễn giải theo cách nào?

1. Bắt đầu từ chủ nghĩa hình thức (formalism), nghiên cứu văn học đã có xu hướng tách biệt thành một khoa học độc lập. Chống lại các ràng buộc và tín niệm huyền thoại về tác giả, chủ nghĩa hình thức đưa tác phẩm lên ngôi, coi nó là đối tượng trung tâm của nghiên cứu. 

Ở tác phẩm, tính văn chương (literariness) lại được đặt lên vị trí hàng đầu dưới bệ đỡ của những thủ pháp và kĩ thuật lạ hóa. Mỗi thể loại ôm ấp một hoặc nhiều thủ pháp khác nhau, từ đó, xuất hiện các hình thức, các thế giới nghệ thuật khác nhau. 

Để đi sâu vào thế giới nghệ thuật đó, nhà phê bình phải nghiên cứu đặc trưng ngôn từ của nghệ thuật, nhìn thấy tính tự trị khép kín của tác phẩm qua hệ thống những luật lệ tổ chức nên nó.

Trong Thơ, thi pháp và chân dung (NXB Phụ nữ, 2009), khi nói về Roman Jakobson và thi pháp, Đặng Tiến cho rằng “thơ trở thành khu điền dã, địa hạt thí nghiệm, thực tập cho khoa thi pháp, truy lùng tận gốc rễ chức năng thẩm mĩ của ngôn từ”. 

Quan niệm này thể hiện quá trình tiếp nhận thi pháp R. Jakobson mà chính Đặng Tiến từng nhấn mạnh vào hai điểm: Một, thi pháp học không chỉ nghiên cứu về bộ môn thi ca như nhiều người tưởng, mà hướng tới một đối tượng rộng lớn hơn: tính cách thẩm mĩ của ngôn ngữ. Thứ hai, riêng về thơ, chức năng thẩm mĩ chồng lên chức năng thông tin để tăng sức thuyết phục và hấp dẫn cho thông tin nhưng tính thẩm mĩ, tự thân nó, là một chức năng độc lập. 

Quan sát quá trình phê bình thi pháp thơ của Đặng Tiến, có thể thấy một ý thức nhất quán: ông nhấn mạnh tính cách thẩm mĩ của ngôn ngữ qua nhạc điệu và hình ảnh.

Chẳng hạn, viết về tập Mưa nguồn của Bùi Giáng, Đặng Tiến quy các điểm cơ bản và mạnh nhất mà thơ Bùi Giáng có được là “đã khởi đi từ nhiều hình ảnh thắm tươi, điệu thơ ánh ỏi”, “nhịp thơ nhanh, âm điệu khỏe, hình ảnh rộn ràng, một điệu thơ hiếm có”. 

Viết về Huy Cận, Đặng Tiến nhấn mạnh “giọng lừng khừng triết lí rạo ra cảm giác ưu tư” trong một phong cách “có uyển chuyển theo từng giai đoạn, nhưng trước sau vẫn nhất khí”. Không chỉ tìm kiếm nhạc điệu, hình ảnh trong thơ, thao tác truy tìm tính văn chương của Đặng Tiến còn thể hiện rõ đối với văn xuôi.

Đặng Tiến phát hiện chất thơ trên trang văn Nguyễn Tuân là âm thanh và hình ảnh, khi thì “nhịp câu văn, những âm vận luyến láy”, khi thì “âm hưởng một câu đồng dao”, “âm điệu những câu tục ngữ, ca dao quen thuộc”…

Đọc phê bình thi pháp thơ của Đặng Tiến, nhận thấy ông có cốt cách của một “ông đồ Tây” bình văn. Ông ưa lối viết trò chuyện, dẫn dắt, tâm tình, tự do liên tưởng. Ông tự nhận “coi như vì tham chữ mà rách chuyện” nên hay thả lỏng ý nghĩ của mình, không hẳn hướng về một đối tượng nghiên cứu duy nhất, để tạt ngang và thổ lộ cách nghĩ về cuộc đời, thế sự. 

Đặc biệt, Đặng Tiến là người sành và sính chơi chữ. Nên bản thân mỗi bài viết, dù theo góc nhìn chân dung hay phong cách, Đặng Tiến cũng đều tìm được ý tứ thật riêng, như loạt bài về Tản Đà, Văn Cao, Quang Dũng, Lê Đạt, Đinh Hùng… 

Có thể nói, trong suốt hơn ba thập niên cầm bút phê bình, Đặng Tiến duy trì bận tâm cao độ đến ngôn ngữ nghệ thuật, khiến có khi ông được coi là nhà phê bình duy mĩ mà lối thẩm bình của ông như thể sóng sánh giữa lí thuyết và trực cảm, giữa ấn tượng và khoa học.

2. Khuynh hướng phê bình thi pháp tựu thành ở chuyên luận Trịnh Công Sơn - ngôn ngữ và những ám ảnh nghệ thuật (NXB Văn hóa Sài Gòn, 2008; NXB Trẻ tái bản 2011) của Bùi Vĩnh Phúc, một cuốn sách có sự tuyên bố rạch ròi, thậm chí là thô cứng về phương pháp, mục đích, tình cảm riêng tư khi viết về người nhạc sĩ tài hoa. 

Lần đầu tiên, không gian thời gian nghệ thuật trong ca từ Trịnh Công Sơn được khảo sát và phân tích khá tường tận: Nếu thời gian phai tàn, thời gian tiếc nuối là sự ý thức về bước đi thời gian, sự hữu hạn kiếp sống thì thời gian trông ngóng, hướng vọng thiên thu là giấc mơ tạo dựng nơi chốn hạnh phúc, vĩnh hằng cho trần gian ngắn ngủi, thân phận mong manh.

Là những sáng tạo chủ quan, cả thời gian - không gian nghệ thuật đều ít nhiều gắn liền với biểu tượng và nhờ nó để chuyên chở các sắc thái tâm cảm của người nghệ sĩ. Vận dụng điều này, Bùi Vĩnh Phúc liệt kê ra hệ thống biểu tượng: mưa, nắng, mây, mặt trời, mặt trăng… tạo nên mạch sống miên viễn trong nhạc ngữ Trịnh Công Sơn.

Mô hình phân tích của Bùi Vĩnh Phúc làm bật nổi giá trị nghệ thuật của ca từ Trịnh Công Sơn. Cuộc hôn phối của chữ nghĩa, của hình ảnh, như sự ví von của Bùi Vĩnh Phúc, được thực hiện bằng những biện pháp tu từ và Trịnh Công Sơn “là một trong ít người tài hoa đã thực hiện một cách tốt đẹp và ban phép lành cho những cuộc hôn phối này”. 

Nhà phê bình gọi đó là những phép lạ ngôn ngữ, một thao tác thổi hồn và tâm linh cho sự vật quen thuộc, từ nhân hóa, so sánh đến ẩn dụ, hoán dụ… Nhờ phân tích này, người đọc có thể hình dung ca từ Trịnh Công Sơn chịu ảnh hưởng và là đỉnh cao của chủ nghĩa hiện đại, nơi các tìm tòi về cách viết/kĩ thuật viết luôn được tán dương và gây nên quyến rũ.

Tuy thế, nhìn chung, phê bình thi pháp của Đặng Tiến lẫn Bùi Vĩnh Phúc chỉ tập trung vào khuynh hướng nghệ thuật mơ hồ, đa nghĩa. Đặng Tiến chỉ viết hay về thơ “dòng nghĩa”, hoặc nằm trên ranh giới dòng nghĩa - dòng chữ. Còn lại, dường như ông ít thành công với thơ “dòng chữ” đích thực. 

Cũng vậy, Bùi Vĩnh Phúc chỉ khai thác sâu những tình khúc Trịnh Công Sơn vốn là thi - ca hợp nhất, phồn vinh tính cách thẩm mĩ, mà khó bày tỏ cảm xúc trước gia tài ca khúc phản chiến vốn được xây dựng từ, theo tôi, những cấu trúc tự sự và “tính truyện” đậm đà.

3. Đọc “tôi” bên bến lạ (NXB Hội nhà văn, 2016) không phải là tập hợp đầy đủ những tiểu luận của Đoàn Cầm Thi nhưng lại gói gọn sở trường tiếp cận, diễn giải văn bản của nhà nghiên cứu này. Khoái cảm văn bản, theo cách nói của R. Barthes, được Đoàn Cầm Thi dò thấu trong ngôn từ, cấu trúc, âm nhạc, tiết tấu không chỉ ở tiểu thuyết mà còn ở thơ ca. 

Cách tân tiểu thuyết, theo phân tích của Đoàn Cầm Thi, chủ yếu tập trung vào cấu trúc, lối viết. Chẳng hạn, với Nỗi buồn chiến tranh, là sự giằng co giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba, qua thân phận của một bản thảo tự hủy; với Người đi vắng là “một hợp âm với vô vàn đối thoại, độc thoại, mà người đọc không phân biệt được ai là kẻ phát ngôn”; với Phố Tàu, khi dùng thủ pháp truyện lồng trong truyện, đã dẫn đến sự hé lộ tính phức tạp của sáng tạo nghệ thuật, một công việc được thực hiện trong thế cân bằng hết sức mong manh giữa vô thức và ý thức, giữa tính ngẫu hứng và yêu cầu kỉ luật; với Thoạt kì thủy, là cuộc phiêu lưu trong vô thức…

Soi chiếu các góc cạnh của lối viết, thực chất, là phát hiện những cá tính nghệ thuật độc đáo. Việc Đoàn Cầm Thi đọc kĩ những trường hợp từng gây tranh cãi như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Thuận,… là cách mở ra sự phức tạp cần thiết trong nghiên cứu văn chương. Không thể đơn giản hóa, co rút vào một vài định tính, định lượng, càng khó chấp nhận một kết luận duy nhất về giá trị văn chương. 

Trong hình dung của tôi, Đoàn Cầm Thi muốn tạo dựng cách đọc riêng mà ở đó, phần thử thách tiếp nhận đối với độc giả không phải ở tri thức văn học sử hay lí thuyết phê bình phương Tây, mà nằm trong khả năng “lật ngược” cái nhìn quen thuộc, sáo mòn. 

Bởi vậy, cuốn sách của Đoàn Cầm Thi, bất chấp đôi chỗ lí giải “quá nhanh quá nguy hiểm”, vẫn đủ sức khía vào những điểm yếu trong tập tính phê bình văn chương hiện nay: lan man, đại khái và thường xuyên không có bất kì ý tưởng nào mới. 

Phê bình không chịu đối mặt với những cái tôi lớn mà lại khoan nhượng với sự cạn kiệt sáng tạo thì tất yếu rơi vào nhạt nhẽo, xoàng xĩnh. Các quan sát và phân tích về nhân vật nữ của Đoàn Cầm Thi, với tôi, hết sức thú vị, bởi nó cho thấy ý thức nữ quyền không phải đợi đến các nhà văn truyền cảm hứng, mà đã và phải bắt đầu từ người đọc, từ nhà phê bình.

4. Điểm vang động sâu xa trong phê bình của ba tác giả trên, có lẽ, là thái độ trân trọng văn chương tiếng Việt, nền văn chương giờ đây phải chịu áp lực rất lớn từ thị trường văn học dịch. Đặc biệt, bởi nhãn quan phương Đông và cội nguồn văn hóa của mình, tư duy phê bình của họ là tư duy liên tài, tri âm các nỗ lực nghệ thuật dù nhỏ nhoi. 

Ít ra, nó giúp văn bản phê bình tránh được sự hời hợt và thời thượng khi đánh giá, nhận xét. Và ở chiều ngược lại, kiểu tư duy ấy gây hứng thú rằng văn chương tiếng Việt vẫn không đến mức lép vế nếu biết cách đọc đúng và sâu.

Mai Anh Tuấn
.
.