PGS, TS, nhà phê bình Đoàn Cầm Thi: Văn học cần cho những ai muốn cuộc sống đẹp hơn

Thứ Tư, 31/08/2016, 23:18
Đoàn Cầm Thi hiện là tiến sĩ văn học Pháp tại Đại học Paris 7, PGS văn học Việt Nam tại Học viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông Paris, phụ trách Tủ sách Văn học Việt Nam đương đại - Nhà xuất bản Riveneuve Paris, Giải thưởng "Le Mot d'Or de la traduction" của Unesco.


- Chúc mừng Đoàn Cầm Thi đã trình hiện một cái "tôi" phê bình rất ấn tượng thông qua cuốn Đọc "tôi" bên bến lạ (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành, 2016). Cái tựa sách mà chị chọn đặt quả là giàu tính... kích thích. Chị có thể đưa ra vài lời "dẫn lộ" cho những ai chưa đọc, sẽ đọc cuốn sách này?

 + Tôi đã muốn một cái tựa hơi khác những cái tựa thường thấy ở các công trình nghiên cứu. Tôi cũng muốn một thứ tiếng Việt thật trong sáng. Xúng xính Hán - nôm, tôi rất ngại. Hai chữ "bến lạ" mượn Đặng Đình Hưng, thi sĩ tôi khâm phục ở sức sáng tạo và hy vọng một ngày sẽ có dịp đọc ông kỹ hơn. "Bến lạ" chính là vị trí mà tôi chọn khi đọc văn chương Việt. 

Đến với văn học Pháp trước, tôi coi văn học Việt vừa là khám phá, vừa là tìm về. Sử dụng những kiến thức và phương pháp có được từ bên ngoài để khảo sát cái bên trong. Đọc những tác phẩm viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ, tôi vừa quen vừa lạ. 

Gilles Deleuze bảo rằng phải "là kẻ lạ trong ngôn ngữ của mình". Như Trần Dần nói: "Thơ là phải ngạc nhiên chính mình". Như có lúc đi lạc trong thành phố quê hương, bạn sẽ thấy nó đẹp hơn chăng?

- Cuốn sách của chị đã "lập biên bản" (chữ dùng của nhà phê bình Inrasara) một cách hứng khởi cho sự bùng nổ ngoạn mục của "tôi" trong các tác phẩm văn học đương đại Việt. 

Khi liên nhớ đến những mệnh đề như "Độ không của lối viết", "Cái chết của chủ thể", "Sự khủng hoảng cá tính"…, tôi cứ phân vân không biết sự lên ngôi của "tôi" trong văn học Việt, đặc biệt sau 1986, liệu có gì vênh lệch, đi ngược lại tinh thần lý thuyết của nhà phê bình Roland Barthes hay không…

+ Bạn không là người đầu tiên phân vân về vấn đề này. Khi những năm 1980, một loạt nhà văn Pháp từng được coi là tiên phong trong phong trào "Tiểu thuyết mới" những năm 1950-1960 như M.Duras, A.Robbe-Grillet hay N.Sarraute, xuất bản "tự truyện" của mình, thì công chúng vô cùng ngạc nhiên, nhiều người thất vọng nói: "Sao các vị ấy lại viết tự truyện vào thời buổi này? Đòi giết "tác giả" và "tôi" từ đời nào rồi cơ mà? Vậy là thụt lùi à?".

Để trả lời cho những thắc mắc này, có lẽ không có cách gì khác là đọc văn bản. Chỉ khi nào đọc Người tình (1984) của M.Duras, Tuổi thơ (1983) của N.Sarraute, Cái gương trở về (1985) của A.Robbe-Grillet, thì mới thấy đây không phải sự thụt lùi, mà là bước tiến mới cho văn học, bằng một khám phá mới: tự-truyện-hư-cấu. 

Tức là vừa hư cấu vừa phi hư cấu, vừa thật vừa giả. Đương nhiên, khái niệm này đã được Serge Doubrovsky xây dựng từ năm 1977, nhưng nó được khai phá, phát triển, công nhận nhờ các công trình tiếp theo của nhóm tác giả này. 

Nếu năm 1848, George Sand đặt tên cho tự truyện của mình là Câu chuyện đời tôi, thì năm 1984, Marguerite Duras tuyên bố trong Người tình: "Câu chuyện đời tôi không tồn tại. Nó không tồn tại. Không bao giờ có trung tâm. Không có đường, không có tuyến...". 

Trong khi tự truyện bao giờ cũng có một hợp đồng ngầm giữa tác giả và người đọc: "Tôi tên là X, tôi sẽ kể cho các bạn nghe sự thật đời tôi...", thì tự-truyện-hư-cấu xóa bỏ hợp đồng đó, đánh tráo thật và giả. Nó không được viết để đi tìm sự thật, bởi "sự thật" cũng như "bản thể", "căn cước", "cá tính" - những vấn đề của tự truyện hôm qua - còn có nghĩa gì khi hôm nay, vì những lý do khác nhau, văn chương muốn khai tử "đại tự sự"?

Tự-truyện-hư-cấu không nhằm thỏa mãn nhu cầu "lí giải", "chia sẻ" hay "giãi bày", mà là sự nối kết vô vọng của những cái "tôi" không độc nhất cũng không đồng nhất. Đó là một biến thể của tự truyện thời hậu hiện đại. Nó muốn cùng người đọc phiêu lưu trong miền nghi vấn.

Quay lại với văn học Việt, nếu hôm nay ta khó tìm được những tự truyện kiểu Cỏ dại (1944) của Tô Hoài hay Những ngày thơ ấu (1938) của Nguyên Hồng, thì bởi vì các nhà văn Việt đang viết tự-truyện-hư-cấu. Hãy thử đọc Thiên sứ của Phạm Thị Hoài (1988) hay Blogger (2006) của Phong Điệp. Bạn sẽ thấy nhân vật chính xưng "tôi", nhưng bạn sẽ bảo: thật mà không thật! Hay khi đọc Đi tìm nhân vật (2002) của Tạ Duy Anh và Made in Vietnam (2002) của Thuận, trong đó nhân vật viết những tiểu thuyết mang tên chính tác phẩm mà chúng ta đang đọc. Và đó chính là tự truyện của ngày hôm nay.

Như vậy, cái "tôi" quan trọng nhất mà tự-truyện-hư-cấu tìm kiếm, là cái "tôi" sáng tạo. Chính cuộc đi tìm này đã biến tác phẩm/cuộc đời thành một nơi thử nghiệm văn chương.

- Một nhà nghiên cứu - phê bình đúng nghĩa, theo chị, là…

+ Là người làm phê bình, tôi coi mình trước hết như một người đọc. Có thể một người đọc đặc biệt, nhưng đọc là công việc đầu tiên. Tôi nhấn mạnh đến yếu tố này, vì dường như nhiều người tự xưng là nhà phê bình, nhưng lại không đọc văn bản. Họ dựa vào một vài ý sẵn có, sau đó tán nhăng tán cuội.

Vậy phải đọc thế nào? Đương nhiên là có lý thuyết. Nghề nào cũng cần chuyên môn và phê bình văn học không nằm ngoài nguyên tắc đó. Lý thuyết không tự học, nó nên thông qua cọ xát, bàn bạc, tranh luận, nghi vấn. Nếu bạn không hằng ngày hằng giờ ở trong tâm thế đó, thì khó có thể gọi là nghiên cứu được.

Đọc sách lý thuyết là một ý đồ tốt, nhưng nếu không có cơ sở lý luận vững chắc, tôi e rằng việc đọc kiểu đó có hại nhiều hơn có lợi, bởi một lúc người ta sẽ cầm dao đẽo tác phẩm cho vừa lý thuyết. Tôi cũng tự hỏi: Bên toán, lý, hóa, ai không học ngày nào thì không dám xưng là nhà toán học, nhà vật lý, nhà hóa học, vậy mà sao bên phê bình văn học đông kẻ tự học, tự đăng đàn, thế nhỉ?

Đương nhiên, lý thuyết cần nhưng không đủ. Nó chỉ là bước đầu.

Đọc, với tôi, là ngang dọc trong văn bản và xuyên văn bản. Nguyên tắc đầu tiên của tôi là tinh thần tự do. Tức là phải quên hết những định kiến, đặt toàn bộ sinh lực và tinh lực của mình vào khảo sát từng con chữ, lắng nghe từng cử động và âm thanh của ngôn từ. 

Là tự do phiêu lưu trong tác phẩm, chui vào những ngõ ngách của nó. Và mục đích cuối cùng vẫn là mở ra những cánh cửa bất ngờ, vượt ra khỏi chữ. Một tác phẩm đẹp khi nó hướng tới những cái ngoài nó.

Đọc Ngựa thép của Phan Hồn Nhiên, một lần tôi nằm mơ thấy những bức tranh mình sẽ vẽ. Tác phẩm là bất biến, nhưng chúng ta, với kinh nghiệm, kiến thức và cảm nhận riêng, sẽ mang lại hàng ngàn cách đọc mới cho tác phẩm, và vì vậy đem lại hàng ngàn cuộc sống mới cho nó. Thường xuyên chúng tôi tự hỏi: Cách đọc này đã đi được bao xa so với cách đọc trước?

- Đọc "tôi" bên bến lạ đã nhắm chọn những tác phẩm độc đáo, "lạ", bộn bề nhất và cả phức tạp, trừu tượng, mơ hồ nhất để bóc tách, lẩy ra từng thủ pháp, từng ký hiệu ngôn ngữ rồi gọi tên chúng, truy nguyên "tính tất yếu", "tính quan niệm" của chúng, truy tìm "bản đồ mĩ học" của tác phẩm, truy tìm những chìa khóa được đặt ở chế độ ẩn nhằm mở thông vào tác phẩm. Có vẻ chị thiên về đọc kỹ thuật, bằng sự thông minh, tư duy logic, nhiều hơn là đọc ấn tượng, cảm giác, đem cái hồn nghệ sỹ của mình để thông hiểu hồn tác giả?

+ Theo tôi, không có kỹ thuật nào giúp người ta mở khóa dễ dàng một tác phẩm nghệ thuật. Tương tự, chỉ dùng ấn tượng và cảm xúc, nhà phê bình không thể đi xa trong khám phá của mình. 

Kiến thức, lý thuyết, ấn tượng và cảm xúc phải liền kề. Nhìn ngoài thì tưởng đó là những phạm trù đối lập, nhưng với người làm nghiên cứu - phê bình, lý thuyết và cảm xúc không xa thế đâu. Trong lĩnh vực nào cũng thế. Tôi tin rằng các nhà khoa học tự nhiên cũng đồng ý với tôi.

 - Là người đang phụ trách Tủ sách văn học Việt Nam đương đại, NXB Riveneuve Paris, chị có thể nói về hiện tại và tương lai gần của Tủ sách này?

+ Chúng tôi vẫn cố gắng hết mức và luôn tìm cách mở những cánh cửa mới. Ví dụ, chúng tôi đang hợp tác với tạp chí văn học Thế kỷ 21 để giới thiệu rộng hơn các tác phẩm và tác giả Việt Nam đương đại.

- Tôi cứ thắc mắc không biết tác phẩm dạng như Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương sẽ như thế nào khi mang sắc diện ngôn ngữ khác, bởi bản thân nguyên bản của nó ngôn từ nghệ thuật mờ nhòe, bất định, và chính điều này dự phần đáng kể làm nên hấp lực của tác phẩm. Chị có thể cho biết về quá trình chọn, dịch và lan tỏa cuốn tiểu thuyết này ở Pháp?

+ Thoạt kỳ thủy được một đồng nghiệp của tôi là Danh-Thành Do-Hurinville dịch sang tiếng Pháp, và Riveneuve xuất bản năm 2014. Cá nhân tôi cũng như nhiều bạn bè và công chúng thân quen đều đánh giá cao bản dịch này. Tuy nhiên, ai cũng nghĩ đó là một tác phẩm kén khách. Nó được các nhà phê bình Pháp đón nhận ra sao ư?

Régis Poulet, trong bài viết ngày 27-3-2014 trên tạp chí Revue des Ressources, bị mê hoặc bởi cách Nguyễn Bình Phương mô tả nhân vật Tính: thấm đẫm bạo lực (máu và dục vọng hủy diệt), đầy dương tính và cần âm tính (Hiền, mẹ và trăng lạnh). Đặc biệt từ hình thức đến tâm hồn và số phận, Tính đều gắn với loài vật: "đi như vượn", "ngồi như gấu", tiếng kêu "như dê", nằm mơ "thấy lợn", ám ảnh bởi "mắt chó" còn cuộc đời thì song hành với "loài cú".

Jean-Pierre Han, trên tờ báo nổi tiếng Les Lettres FranCaises số tháng 6 năm 2014, cảm nhận sự chính xác và bình thản đến lạnh lẽo của Nguyễn Bình Phương khi anh mô tả thế giới hỗn mang qua hình tượng con cú "Bị bắn rụng lúc 11 giờ 15. Bay lên lúc 12 giờ. Không rõ bay tới đâu".

Cả hai nhà phê bình đều ca ngợi "chất thơ" của tiểu thuyết "vô cùng đặc biệt" này, trong đó tác giả "phá vỡ mọi logique kể chuyện thông thường", "từ chối phân tích tâm lý" để xây dựng một "thế giới giữa ánh sáng và bóng tối". Jean-Pierre Han cũng nhận định là thế hệ của Nguyễn Bình Phương đã đưa tiểu thuyết Việt Nam đi một bước rất xa so với thế hệ trước đó.

 - Tôi đôi khi cứ áy náy tự hỏi, rằng không biết những người thuần văn chương, chữ nghĩa có "ăn bám" xã hội hay không. Theo chị, trong kỷ nguyên kỹ trị, văn minh vật chất này, văn chương cần cho ai?

+ Thay vì trả lời câu hỏi này, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ. Cách đây 7 năm, Tổng thống Pháp lúc đó là Nicolas Sarkosy đã tuyên bố một câu xanh rờn về sự "ăn bám" của giới trí thức, trước khi đặt câu hỏi vô cùng bất ngờ: "Triết học thì cần cho ai ở thời buổi này? Ngày nay, ai còn cần đọc Bà quận chúa De Clèves nữa?". 

Xin mở ngoặc để nói rằng Bà quận chúa De Clèves là một tiểu thuyết kinh điển Pháp do nữ sỹ La Fayette viết vào cuối thế kỷ 17. Nghe tổng thống nói thế, ai cũng ngạc nhiên.

Kẻ thì bảo: "Chắc tổng thống giả vờ nói thế để ăn điểm với giới bình dân". Kẻ lại nói: "Tổng thống không khiêu khích đâu mà thật lòng đấy, vì những gì nằm ngoài toan tính quyền lực và tiền bạc đều khó hiểu với ông ta".

Nhưng vì lý do gì đi chăng nữa, thì tất cả trí thức, nghệ sỹ Pháp cũng quyết định xuống đường hai tuần. Tuy nhiên, thay vì hô khẩu hiệu đả đảo tổng thống, chúng tôi đã tổ chức những bài giảng ngoài trời về Bà quận chúa De Clèves. Những người không chuyên môn như tôi thì kéo sinh viên đến ngồi nghe. Không khí những ngày đó thật vui và lãng mạn.

Chẳng mấy khi văn chương lại được sống động đến thế. Kết quả là sau hai tuần đó, chưa bao giờ người ta mua, đọc và bàn tán về Bà quận chúa De Clèves đến thế. Bản thân tôi cũng khám phá được nhiều điều hay về tuyệt tác này, mà trước đó tôi chỉ có một cái nhìn phổ thông.

Một lần nữa, qua câu chuyện này, văn chương lại dẫn chúng ta về với giá trị cơ bản nhất: nó mang lại cho chúng ta những cảm xúc mỹ học, giúp chúng ta cảm nhận bí ẩn của tình yêu và nghệ thuật, hướng chúng ta đến những cái đẹp phi vật chất.

Văn học cần cho những ai muốn cuộc sống ĐẸP hơn.

- Cảm ơn nhà nghiên cứu - phê bình Đoàn Cầm Thi vì những chia sẻ thú vị này.

Hoàng Đăng Khoa
.
.