Diễn viên Lê Bê La: Yêu như thác nước về xuôi

Thứ Tư, 11/05/2016, 15:59
Hơn mười năm ở phố, Bê La vẫn rặt cái chất mộc mạc như cây trên núi, như gió trên rừng. Quỹ thời gian của cô bây giờ hầu như được dành trọn cho cậu con trai vừa tròn 6 tháng tuổi. 


Ngồi với tôi một chốc trong chiều, hai mẹ con tíu tít thấy cưng. Nhắc đến mái ấm nhỏ, Bê La hồn nhiên tâm sự đủ thứ chuyện, tiếng cười giòn rụm. Bạn biết đấy, không có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của một người phụ nữ vừa được làm mẹ.

Mười mấy năm ở phố, Bê La vẫn cần mẫn với nghề, vẫn ở nhà thuê. Hỏi có sốt ruột không? Bê La mỉm cười, nhìn cậu con trai: "Tài sản lớn nhất của mình đây nè". Bê La theo nghề diễn, danh tiếng không phải là không có. Nhưng hình như, những thứ phù phiếm ấy, cô để lại bên ngoài cánh cửa căn nhà, còn tâm hồn luôn nhẹ bẫng, an yên.

1. Nhà nằm trên đồi, gió tràn qua thông thống. Trời lờ mờ sáng, sương giăng đầy, ba má của Bê La lục tục trở dậy, thổi lửa nắm cơm lên rẫy. Xứ cao nguyên này có lẽ chỉ đẹp với khách thập phương còn với dân bản địa, bụi đỏ bám vào cả chén cơm, cái lạnh cắt da len vào từng lớp áo như cái nghèo, cái khó quẩn quanh hết năm này qua năm khác. Cơm được lửa, má đánh thức Bê La, một ngày mới bắt đầu. 

Hồi mới sanh Bê La và Chi Na, sợ hai con ở nhà một mình, bữa nào ba má cũng đem hai chị em theo. Rồi có thêm Đô Na và cậu út nữa, Bê La là chị cả, thay ba má chăm đám em mặt mũi lúc nào cũng tèm lem. Có lẽ nhờ vậy nên Bê La trưởng thành sớm, tính tình chẳng khác nào một thằng con trai và rất hay nổi nóng.

Cái tên quá đỗi đặc biệt biến Bê La thành tiêu điểm châm chọc của bạn bè và thu hút sự chú ý của thầy cô mỗi khi dò sổ gọi trả bài. Hàng loạt biệt danh, từ đáng yêu đến quái gở ra đời. Một lần bị trêu quá quắt, Bê La khóc lóc, dỗi hờn đủ kiểu năn nỉ ba đổi tên. Ba dỗ dành, đó là cái tên của một cô công chúa mà ba mẹ rất thích, bạn bè cũng thương con mới ghẹo. Bê La đưa tay quệt nước mắt, ra hiên rửa mặt, tỉnh queo đi học. 

Thời niên thiếu của Bê La nhờ cái tên mà nhiều kỷ niệm. Bê La nhỏ nhắn lại có cá tính và là một cây văn nghệ nổi tiếng ở trường nên được nhiều anh chàng để ý. Nhưng mà "con nhỏ này nó dữ quá". Vậy là các chàng bày trò xì bánh xe, phá lốp đặng "nó xuống nước nhờ vả". Ai dè, con nhỏ lì lợm, tự thân xoay xở, không sửa được thì thà dắt bộ dù đường xa hun hút khiến các chàng tiu nghỉu như mèo cắt tai.

Bê La mê hát, coi tivi thấy người ta hóa thân vào nhân vật càng thích tợn, hồn nhiên nghĩ "sau này chắc chắn mình sẽ làm diễn viên" chớ không bận tâm đó là một cái nghề. Học hết phổ thông, Bê La xuống Sài Gòn thi vô trường sân khấu dù ba mẹ lo sốt vó: "Chớ học cái đó rồi mốt ra có tìm được việc không con?". 

Thời sinh viên, như bao bạn bè đồng trang lứa, Bê La cũng lăn lộn khắp nơi, từ hát lót, đi phụ diễn, trước là có đồng ra đồng vào, sau là tìm kiếm một cơ hội nghề nghiệp. Mà diễn hoài, hát hoài, không thấy mình đâu. Show bữa đực bữa cái, có hôm nằm nhà đợi dài cổ chẳng ai thèm kêu. 

Bữa nào được diễn ở sân khấu kịch Sài Gòn là nhảy chân sáo. Chiều học xong, tranh thủ ăn cơm, tắm rửa, đi bộ từ chỗ trọ ra điểm diễn. Chỉ cần nghe âm thanh, nghe cái mùi của sân khấu là tâm hồn đã đủ sung sướng. Tối, rạp tắt đèn, Bê La vuốt tờ năm chục ngàn thù lao thiệt phẳng phiu, bỏ cẩn thận vào túi, lóc cóc đi về, miệng thi thoảng nghêu ngao hát. Mối tình đầu của Bê La chớm nở trong giai đoạn này.

Chàng người gốc Sài Gòn, gia đình khá giả, nàng tuy chân không dài nhưng xinh xắn, thông minh và rất cá tính. Khoảng thời gian đó đẹp và hồn nhiên đến nỗi bây giờ nhắc lại, Bê La cười giòn như nắng tháng 4. Mỗi đêm, chàng đợi nàng diễn ra, đèo nhau đi ăn hủ tíu gõ. 

Chàng mê đọc truyện tranh, có dư ít tiền thì đem hết thuê truyện đọc. Đọc chán hỏi nàng đọc không, gật đầu, vậy là coi chung! Chàng đưa nàng về nhà ra mắt gia đình, mẹ của chàng từ lạ chuyển qua thương nàng như con gái trong nhà. Sau này, duyên vỡ, mẹ chàng chính là người gọi cho nàng, an ủi, đưa nàng đi giải khuây, là điểm tựa cho nàng. 

Mãi sau, mẹ chàng mới bật mí bà nhớ hoài đận chàng và ba mâu thuẫn. Tuổi trẻ không kiềm được, chàng từ trong nhà nhảy phốc luôn qua cửa rào cao tít đang khóa. Mẹ và ba chàng vừa hãi hùng vừa bất lực, nàng thương người yêu, không kịp nghĩ ngợi, cũng bay qua rào, kéo lại. Mẹ chàng nói trong nước mắt: "Mẹ là mẹ mà lúc đó không làm gì được, chỉ biết đứng nhìn. Còn con chỉ là một cô gái nhỏ nhắn, yếu đuối mà con thương nó như vậy…".

2. Tình đầu tan nát, dẫu là nam hay nữ, người ta luôn cố truy xét nguyên nhân. Không vãn hồi được thì quay ra trách móc, dằn vặt mình. Người ta cần tìm cho bản thân một lý do, tại sao lại như vậy trước khi chấp nhận câu duyên phận. Bê La buông mình trong một thời gian khá dài. 

Đúng lúc ra trường, quẩn quanh không tìm được cơ hội, định về lại quê, lên rẫy ra nương, trồng rau chăm cây với ba má. Nhiều đêm thao thức, nước mắt cứ thi nhau chảy, nghĩ thương ba má, tủi phận mình.

Nỗi buồn theo thời gian lặng vào trong nhưng vết thương thì cứ âm ỉ. Đương loay hoay, dằn níu về hay ở thì Bê La nhận được lời mời thử vai trong Cổng mặt trời. Đạo diễn Nguyễn Dương muốn cảm ơn Bê La do từng "cứu bồ" anh một phen khi đóng giúp một vai nhỏ xíu thay cô diễn viên bị ốm đột ngột. 

Bụng tính về quê nhiều hơn nên Bê La lên thử vì quý sự trân trọng của Nguyễn Dương. Tuy nhiên, cầm kịch bản lật vài trang, Bê La dần bị cuốn hút, hạ quyết tâm được vai diễn này. Hợp đồng ký chính thức, mớ võ học hồi nhỏ không đủ áp-phê, Bê La tự rèn thêm với các cascadeur để nhập vai. Mình mẩy bầm dập, xây xước nhưng được lăn trải với nghề, Bê La quên hết thảy đau đớn. 

Năm 2009, Cổng mặt trời lên sóng, Tùng của Lê Bê La chính thức đặt một chỗ trong trái tim người hâm mộ.

Hải Thanh bấy giờ là phó đạo diễn của đoàn. Thấy cô diễn viên tánh tình như con trai, ngộ ngộ nên hay trêu. "Thoại không lo học, suốt ngày ham chơi". Thanh và Bê La không gặp thì thôi, thấy mặt nhau chẳng khác chó với mèo đại chiến. Để ý thấy Bê La hay có mặt trong bữa rượu của mấy anh em sau giờ diễn, Hải Thanh tò tò theo hỏi: "Ê, bộ thất tình hả, uống dữ vậy?". 

Bê La bất cần: "Ờ, kệ tui, mắc mớ gì tới mấy người". Kéo ghế ngồi sát lại, hỏi chuyện này kia. Bê La tự dưng đem trút hết chuyện buồn cho “thằng cha” hồi nào tới giờ không ưa. "Cho nghe chết luôn". Nào ngờ người nghe không chết mà đem lòng thương người kể hồi nào không hay.

Lê Bê La và chồng - Đạo diễn Hải Thanh. Ảnh: Thiên Thanh

Hải Thanh nằng nặc đòi tìm hiểu. Bê La đâm hoảng, có gì đâu mà tìm hiểu. Dần dà, thấy Thanh thiệt bụng nên gật đầu cho cơ hội. Ai dè, đâu chừng hai tháng, Thanh đòi cưới. Lần này, Bê La choáng thiệt sự: "Ủa, đã hiểu gì về nhau đâu mà cưới?". 

Nói chuyện cưới xin, hai người gây nhau không biết bao nhiêu trận, đòi chia tay không biết bao nhiêu lần. Thanh buồn buồn: "Thôi khùng quá! Bộ mấy người hổng thương tui hả?". Bê La im im, lủi mất. Phần vì sợ "cái gì đến nhanh sẽ đi nhanh", phần vì trách nhiệm của một đứa con lớn trong nhà, phải lo toan nhiều thứ, chưa dám mơ mộng gì cho riêng mình khi thấy ba má vẫn còn cực khổ, đám em vẫn nheo nhóc.

Lòng kiên trì của Thanh khiến Bê La xúc động, gật đầu. Đám hỏi diễn ra sau khi phim Giấc mơ cổ tích đóng máy mà đến tận 3 năm sau mới có đám cưới, không rầm rộ, không loan tin. Tới mức, nhiều bạn bè hay tin, gọi điện trách không dứt. 

Trong 3 năm đó, Hải Thanh đợi Bê La mua nhà cho ba má và làm đủ thứ trên đời. Tôi cười: "Trời, tính anh hay thiệt". Bê La cũng cười: "Giờ nghĩ lại, thấy mắc cười. Đúng là duyên số thiệt. Ngày trước khi quen anh, mình cũng được nhiều người giàu có theo đuổi. Nếu mình chọn một người có kinh tế vững vàng thì sẽ đỡ vất vả hơn ở đất Sài Gòn. Nhưng rồi, mình đã chọn ông xã mình hiện tại. Anh không có gì hết, ngoài nghề nghiệp, kinh nghiệm và lòng yêu thương mình vô bờ bến. Chính tình yêu thương đó khiến anh luôn rộng lượng, vị tha và "chịu đựng" được một đứa quá nóng tính như mình".

Tuy nhiên, khoảng thời gian đợi chờ của cả hai cũng sóng gió không dứt. Chuyện tình cảm mấy lúc xen ngang, xen ba, tưởng chừng như đứt đoạn. Biết Bê La nóng tính, Thanh luôn là người nhường nhịn và xuống nước trước, đợi giãn hồi mới phân tích. Thế nhưng, đận đó, sau trận cãi nhau kinh điển, một người giận sôi, một người khóc hết nước mắt, cả hai kiên quyết không ai chịu làm huề.

Nhiều cặp đôi lỡ dở chuyện tình duyên, về sau tiếc mãi cũng vì cái tôi bị đẩy lên cực đỉnh ở đoạn kết kiểu này. Vài fan thân thiết, thấy Hải Thanh và Bê La ít xuất hiện cùng nhau, lờ mờ hiểu chuyện, chia nhau như chim xanh chim đỏ nối duyên, an ủi động viên. Ngày họ cưới, những người bạn ấy cũng trở thành thành viên của gia đình.

3. Cuộc sống của hai vợ chồng từ khi có cậu bé Monkey kéo theo nhiều thay đổi. "Nhìn con lớn lên mỗi ngày, trái tim mình tràn ngập yêu thương, mọi thứ đều đẹp và đáng yêu, mình bớt nóng tính hơn, nhẹ nhàng buông bỏ những thứ râu ria không dính dáng đến gia đình mình thay vì suy nghĩ nhiều như trước. Anh Thanh thương lắm. 

Đúng 3 tháng 10 ngày luôn, không cho mình giặt đồ, rửa chén, chỉ mỗi tắm con, nhà cửa anh lau, không cho leo cầu thang, đi làm về bỏ quần áo vào giặt, tự động anh làm hết, không cần mình nhờ. Mấy nay Monkey lớn rồi, nên bớt quấy. Anh Thanh thì phải liên tục theo đoàn, 2, 3 giờ sáng mới với tới nhà. Vậy đó mà hễ con khóc là anh bật dậy, dỗ con để mình pha sữa… Đi đâu cũng nghĩ đến vợ đến con".

Thanh là ông bố cuồng con đến độ, thấy món gì be bé, xinh xinh là tha về nhà, không cần biết có sử dụng được hay không. Bê La càm ràm: "Mốt nhà muốn mua gì thì nhớ hỏi em nghen, chớ để vầy lại phí". Thanh quay qua nựng con: "Mẹ con phù thủy quá con ơi". Bê La cười: "Vì chồng con, vì gia đình, có mọc nanh, ba đầu sáu tay mình cũng chịu".

Hoàng Linh Lan
.
.