Diễn viên Lê Giang: Chờ nắng ấm lên

Thứ Tư, 06/04/2016, 23:58
Lê Giang thuộc típ phụ nữ vô tư. Buồn khổ đó, nói cười rổn rảng đó rồi lại quên hết thảy. Người vô tư quá mức thường dễ khiến người khác tổn thương, song có lẽ vậy mà ít khi giữ lại chuyện không vui trong lòng. Lê Giang, nhờ đó mà đứng dậy, mà bước tiếp, mà hy vọng vào tương lai thay vì chìm đắm trong miên man buồn khổ, dằn vặt.

1. Thập niên 90, Lê Giang – Duy Phương làm thành cặp đôi khuấy đảo làng hài phía Nam. Đó cũng là giai đoạn cực thịnh của tấu hài mà không ít nghệ sĩ sau này đều ao ước được một lần đắm mình trong cái không khí xôm tụ, rôm rả ấy. Những nghệ sĩ hài tên tuổi trong thời đó có thể chạy 7,8 show, thậm chí là cả chục tụ điểm một đêm. Tiền không biết để đâu cho hết. Khán giả thương và săn đón nghệ sĩ hài chẳng kém diễn viên điện ảnh.

Nghệ sĩ Hữu Nghĩa từng kể với tôi, có hôm anh và diễn viên Hoàng Mập - bấy giờ mới chân ướt chân ráo vô nghề - đi diễn ở tỉnh. Bà con hay tin Hữu Nghĩa về, kéo nhau ra xếp hàng ở khách sạn, ngó coi Hữu Nghĩa ngoài đời tròn méo thế nào. 

Chuyện vui là, bà con nhầm Hoàng Mập thành Hữu Nghĩa, thành ra gặp Hữu Nghĩa thật thì tưởng là Hữu Nghĩa… giả! Nghệ sĩ thời đó, đi đâu cũng kè kè sẵn một xấp hình có sẵn chữ ký, đặng tặng cho khán giả ái mộ.

Khác với những đôi tấu hài thời ấy, thường là nam kết hợp với nam hoặc một nhóm 3 người, Duy Phương – Lê Giang một nam một nữ người tung kẻ hứng, ăn ý vô cùng. Chưa kịp dứt lời, khán giả bên dưới đã vỗ tay rần rần như sấm nổ. Khán giả mộ điệu họ không chỉ vì cái tài biết cách làm người khác cười mà còn bởi độ duyên dáng và lòng ngưỡng mộ cặp vợ chồng đẹp đôi hết sức! 

Trời lại khéo vun vén, Duy Phương – Lê Giang sinh được cả nếp cả tẻ. Cậu anh trai giống bố như đúc, được đặt tên Duy Phước. Cô em gái hệt mẹ như tạc, từ dáng điệu, cử chỉ đến giọng nói, được đặt tên Lê Lộc. Hai anh em theo chân ba mẹ đến sân khấu như một cái duyên, một sự thúc đẩy của dòng máu đang chảy trong người, để rồi mê, rồi chọn sân khấu làm nghề. 

5 năm Lê Giang định cư ở Australia, nhiều lần đồng nghiệp của chị nghe tiếng Lê Lộc lanh lảnh trong cánh gà, đều thoáng giật mình, tưởng Lê Giang hồi hương mà họ không hay.

Nhắc Lê Giang mà chỉ nói đến tấu hài thì đó là thiếu sót lớn. Bởi, Lê Giang khởi nghiệp với cải lương. Chị có giọng ca ngọt như mía lùi. Ngày còn nhỏ, nhờ giọng hát đó mà mỗi lần Lê Giang được mẹ dẫn ra nơi mẹ làm móng tay móng chân cho tiệm chủ, cả nhân viên lẫn khách đều kêu Lê Giang ca nghe cho kỳ được. Phần thưởng cho mỗi câu vọng cổ là một chén chè. Hôm nào ca nhiều quá, chè được dồn sổ, để dành bữa sau. Lê Giang cười ròn rụm khi nhắc đến kỷ niệm đầy ngọt ngào. 

Cũng nhờ giọng ca đẹp, Lê Giang được tuyển vô ban văn nghệ ở trường, ở phường. Tiếng lành đồn xa, Lê Giang trở thành đào con cho một số gánh hát có tiếng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Nhà không ai đờn ca hát xướng, vậy mà bước lên sân khấu, Lê Giang lanh lảnh ca diễn, chẳng chút run sợ. Hết lớp tuồng thì núp sau cánh gà, chăm chăm ngó các anh chị, cô chú đi trước diễn. 

Lê Giang nhanh nhẹn, lại thông minh, ngoan ngoãn, học đâu biết đó, ai cũng thương cũng mến. Nhà đông anh em, niềm vui của Lê Giang là mỗi chiều đứng trước cổng trường, nghe gió phơ phất qua tóc, qua vai, trông tiếng tành tạch của chiếc xe lam đoàn đến đón đi diễn.

Lê Giang về đoàn Thanh Minh – Thanh Nga chưa lâu thì nhanh chóng vang danh ở tuổi 16, trong vở cải lương truyền hình Kỷ niệm thời con gái cùng với nghệ sĩ Hữu Nghĩa. Nhân vật của Lê Giang là một bà bầu đi đánh ghen, dẫu chưa có kinh nghiệm gì nhưng cô bé Lê Giang vẫn cứ diễn ngọt xớt, hứa hẹn một tài năng sắp bùng nổ.

Quả tình như vậy, năm 1990, Lê Giang được Huy chương vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc với vai diễn trong vở Dòng sông đầm lầy. Rồi cũng nhờ nét duyên dáng, hài hước bẩm sinh, Lê Giang bén duyên sân khấu hài và thành đôi với Duy Phương. Năm 1992, họ nên duyên chồng vợ.

2. Năm Lê Lộc lớn lên thì tổ ấm Duy Phương – Lê Giang bắt đầu lung lay. Một năm sau đó, cả hai đường ai nấy đi. Vì hai con đều muốn sống cùng cả ba lẫn mẹ nên tòa phân xử, anh chị thay phiên nhau chăm sóc con 3 ngày trong một tuần. Thế nhưng, hai con gần như về ở hẳn với ba. 

Mỗi lần chị đến thăm, hai con lễ phép ra chào, vẫn gọi chị là mẹ nhưng coi chị như khách đến nhà chơi. Mấy mẹ con ngồi đối diện nhau mà xớ rớ tay chân, vụng về câu chữ, không biết nói gì cho hết thời gian, đành thi thoảng nhìn nhau cười lấp khoảng trống. Chị hỏi thì con thưa, chị nựng nịu, muốn ôm hôn thì con trân mình chịu đựng, thậm chí có chút tránh né mà không dám bộc lộ. 

Mây tụ lâu thì thành bão, một lần, Lộc ấm ức trước người đàn bà lạ thi thoảng đến nhà xưng là mẹ: “Mẹ không phải là mẹ của con! Dì (bạn đời sau này của anh Duy Phương) mới là mẹ của con”. Chị bật khóc, tự dằn vặt bản thân đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ.

Câu nói của con gái như xát muối vào tim chị. Những lần thăm nom con ngày càng thưa dần mà Lê Giang không biết cách nào để níu kéo. Báo chí nhảy vào soi mói, tìm nguyên nhân. Lê Giang rối bời, buông mình, bỏ mặc bản thân trôi dần vào bóng tối. Chị lao vào những cuộc chơi, những thú tiêu khiển tốn kém. Chị chơi nhiều hơn ở sân khấu, show diễn cũng ít dần đi.

Thi thoảng, hai con theo cha đi diễn, mấy mẹ con đụng mặt nhau mà chỉ dám đứng từ xa, nhìn nhau cười cười. Chị hỏi câu nào, con trả lời câu nấy, chị bộc lộ thương yêu thì con tìm cách né tránh. Tâm lý trẻ nhỏ bao đời vẫn vậy. Ai gần gụi, yêu thương, săn sóc, dẫu không phải ruột rà máu mủ, con trẻ vẫn thương vẫn yêu. Còn xa cách luôn tồn tại những khoảng trống, những bỡ ngỡ mà đầu óc non nớt của chúng vẫn chưa thể nào hiểu được.

Lê Giang và con gái Lê Lộc. Ảnh: Nguyễn Hoàng Vũ.

Những cuộc chơi nhanh chóng hút cạn tài sản, sức khỏe, tinh thần và cả cơ hội nghề nghiệp của Lê Giang. Giới hạn được đặt ra để thử thách khả năng chịu đựng của con người. Có người gục ngã, song cũng có người từ từ đứng dậy từ tơi bời, tan nát. Trong cảnh quẫn cùng đó, Lê Giang thức tỉnh, nếu tiếp tục như thế, chị sẽ mất các con vĩnh viễn. Chị quyết tâm thay đổi.

3. Khoảng hơn một năm trước lúc chị sang Úc định cư, buổi chiều đương ở nhà thì Lê Giang nhận được tin nhắn của Lộc, bảo muốn nói chuyện với chị. Miệng chị cười mà nước mắt chị thi nhau rớt, lòng chị động đậy thứ cảm xúc cố kìm nén bấy nay. Chị đứng ngồi không yên, vội chạy ra tiệm nạp cho con cái card điện thoại. Hai mẹ con cứ thế nhắn tin suốt cả đêm hôm đó. 

“Chị mừng như thể cuộc đời mình được hồi sinh. Chị không bao giờ buồn trách gì các con hết. Vì các con còn quá nhỏ để hiểu. Chị chỉ ước mình có thời gian được ở bên các con nhiều hơn…”. Mười mấy năm nghe tiếng gọi mẹ thẳm sâu trong tâm hồn con, nỗi vui chưa kịp lớn thì chị đâm bối rối. Bởi, chị chẳng biết cảm giác làm mẹ là như thế nào. Chị không biết con thích gì, cần gì.

Ông Trời thương chị, cho chị hai đứa con nhạy cảm và biết cảm thông. Phước lanh lẹ, xem chị như bạn còn Lộc ít nói nhưng cả hai đều rất mực yêu mẹ. 

Lê Lộc, năm nay đã bước sang tuổi 19, là gương mặt sáng của nhiều tụ điểm sân khấu và phim truyền hình, hôm ngồi với tôi có nói: “Hồi nhỏ, không gần mẹ nên khi gặp mẹ, em có hơi bỡ ngỡ, không dám lại gần hoặc bày tỏ yêu thương như những đứa trẻ khác. Nhưng em chưa bao giờ trách mẹ, trách ba. Vì cuộc đời có những thay đổi mà mình phải biết chấp nhận. Sau này, về ở với mẹ dù thời gian không lâu nhưng em dần hòa hợp và hiểu mẹ hơn. Em nghĩ, dù có chuyện gì xảy ra đi nữa thì mẹ vẫn là mẹ mình, mình phải yêu thương mẹ. Bây giờ mẹ về với các con, với gia đình, em vui lắm”.

5 năm Lê Giang trở về Việt Nam từ Australia, sau rạn vỡ của cuộc hôn nhân thứ 2, bạn bè, đồng nghiệp và cả lớp đàn em sau này đều sẵn sàng dang tay đón chị. Lo chị rời sân khấu lâu, bắt không kịp nhịp và tốc độ làm việc, họ động viên: “Chị cứ từ từ, có sao diễn vậy như cách hài của chị ngày xưa trên sân khấu!”.

Lê Giang nói: “Đời chị may mắn có bạn bè, đồng nghiệp, nếu không chị không biết làm cách nào”. Rồi chị đúc rút: “Mà, chuyện nghề chị cũng may mắn lắm! Chắc Tổ thương chị lận đận…”. Tôi không phủ nhận điều chị nói, chỉ là tôi nghĩ, một phần cũng nhờ cái tính, nhờ lối sống xởi lởi, ruột để ngoài da, vui buồn bộc lộ hết của chị. Phần nữa vì chị là một nghệ sĩ có tài và nhanh nhạy với nghề. Lòng yêu nghề của Lê Giang vô tư như cái cách chị kể câu chuyện đời mình.

Ban đầu có dè dặt, ngại ngần, nhưng quen thân thì chị thoải mái bộc bạch, có sao nói vậy, không tô hồng, không bi kịch. “Chị nghĩ, không ai là người có lỗi cả. Tất cả đều là do ông trời sắp đặt. Chị không trách giận hay căm hận ai cả. Có lẽ do đường tình duyên của chị lận đận nên chị thường hay tự nhủ: “Thôi tới đâu hay tới đó!".

Chị có buồn cũng chỉ buồn trong lúc đó rồi thôi, có khóc nhiều thì cũng khóc ngay lúc đó rồi tỉnh lại để mà bước tiếp” – chị nói vậy khi tôi hỏi, nhìn lại hai cuộc hôn nhân đã trải, kinh nghiệm được rút ra là gì để an yên nếu như duyên đến.

Lê Giang cười, rơm rớm nước mắt: “Đời chị, vậy là đủ rồi. Chị không muốn nhắc nhiều những chuyện đã qua. Mong ước lớn nhất của chị là sự bình yên, các con luôn vui, hạnh phúc hơn chị”.

Hoàng Dung
.
.