Tình yêu đã mang cho ta bao nhiêu thể đơn bào

Thứ Bảy, 18/03/2017, 16:20
Có một lần ngồi trò chuyện, Sa Huỳnh nói, khi viết, đôi bàn tay mình đang cháy. Tay run run tràn đầy xúc cảm cũng là đang cháy. Đôi mắt mình mờ đi theo năm tháng, cũng là đang cháy. Tóc cũng thế, tóc cũng đang cháy từng ngày, từng giờ, từng khắc. Nhiều lúc chúng ta quên mất một điều, đó là mình đang cháy.

1. Nghe nhạc sỹ Sa Huỳnh nói những điều này, có thể, sẽ có người nhìn Sa Huỳnh với một vẻ ngạc nhiên. Bởi lẽ, người ta không tin rằng cô gái có khuôn mặt quá trẻ so với tuổi 30 đó, lại có thể nói mấy điều khiến người khác bận lòng đến thế. 

Và có thể, sẽ có người nào đó chẳng tin đâu, rằng người đang đối diện mình và người viết câu "soi gương nếp nhăn trong đầu" là hai phiên bản đối lập của một Sa Huỳnh Về ăn cơm từng gây sốt sân chơi "Bài hát Việt" 10 năm trước.

Âm nhạc của Sa Huỳnh vừa có nóng - lạnh, vừa có âm - dương, vừa trắng - đen. Cô "trộn" những mặt dường như đối lập ấy trong cá tính âm nhạc của mình. Người nữ hát cũng được, mà người nam cất, cũng vừa khít. Sa Huỳnh ở giữa, tự nhận mình là "một thể đơn bào, đang trôi trôi như một con cá bơi bơi giữa bầu trời".

Sa Huỳnh thích trạng thái lưỡng cực đó. Cái cảm giác "không quá một thứ gì đó" giúp Huỳnh nghe ngóng được mình nhiều hơn, chạm vào bản thể nhiều hơn trong cái "bụi đời" đầy những li ti sồi sụt này. Bởi, nếu chìm đắm quá, mê man quá vào thế giới cảm xúc ấy, sự không cùng sẽ dẫn dắt ta đi.

Nhạc sĩ Sa Huỳnh. Ảnh: Quang Định.

Bờ ở đâu, bến ở đâu, không thể nào biết được. Âm nhạc cần con tim của người nghệ sỹ để có thể làm tan chảy bất cứ kẻ nào sa vào nhưng âm nhạc cũng cần khối óc để tạo ra thứ nhạc có thể định vị tâm hồn kẻ khác. Âm nhạc Sa Huỳnh chính là thứ âm nhạc định vị tâm hồn kẻ khác thông qua những nốt nhạc vừa tỉnh vừa say đó.

Đã qua rồi cái thời nhắc đến âm nhạc Việt Nam là phải nhắc đến những nhạc sỹ như Bảo Chấn, Trần Tiến, Dương Thụ, Phú Quang, Phó Đức Phương...; hoặc lứa nhạc sỹ trẻ hơn sau này như Quốc Bảo, Đỗ Bảo, Giáng Son, Huy Tuấn, Võ Thiện Thanh... Người ta vẫn hát, vẫn nhớ đến thế hệ sáng tác này (thậm chí cả những thế hệ trước đó nữa) nhưng đó là những cái tên giới hạn một lượng công chúng nhất định mà thôi.

Thị trường âm nhạc Việt Nam đã đi một con đường khá dài và sôi động với những cái tên đang "làm mưa làm gió" hiện nay như Khắc Hưng, Châu Đăng Khoa, Tiên Cookie, Mew Amazing, Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường, Đỗ Hiếu... 

Sa Huỳnh không phải là một cái tên quá hot. Ở thời buổi, có một số người được gọi là nghệ sỹ, nhưng chẳng có sản phẩm nghệ thuật gì mới, chỉ cần đi xe tiền tỷ, mặc chiếc váy hàng hiệu hoặc dính đến scandal tình ái nào đó là hot thì Sa Huỳnh là một "ca"... từ trên trời rơi xuống. Sa Huỳnh không biết cách làm màu.

Sa Huỳnh không biết cách xây dựng hình ảnh. Sa Huỳnh không biết... một lô một lốc các thứ khác nữa để biến mình thành một sản phẩm của công nghệ lăng xê đánh bóng tên tuổi. Và để xin Huỳnh một vài hình ảnh mới minh họa cho bài báo, tất nhiên, Huỳnh sẽ gửi những tấm hình chụp đại bằng... iPad hoặc smartphone. Lòa xòa như Sa Huỳnh và tối giản như Sa Huỳnh là cùng.

Rõ ràng, Sa Huỳnh như thế là thiệt. Là dại. Bởi không tận dụng hết ưu thế của mình. Nhưng cô chọn cái phần lạc lõng ấy, để không bị tan vào màu mè showbiz, để nghe được mình nhiều hơn, thấu tỏ bản thân mình hơn. Nhạc sỹ Trần Tiến có lần nói rằng: "Sáng tạo là đi sâu vào cái lõi. Không được diễn!". Điều này có lẽ đúng với cô gái sinh năm 1988 này.

Và thứ âm nhạc ấy càng ngày càng "lớn" lên, đằm hơn, trưởng thành hơn so với thời Về ăn cơm, Li ti... Tùng Dương, một ca sỹ ít khi mở miệng khen người khác cũng phải thừa nhận Sa Huỳnh càng ngày "có tư tưởng hơn, tài năng hơn".

Sa Huỳnh bảo, Huỳnh thấy càng ngày mình càng lớn hơn vì... chịu đựng ngày càng tốt hơn, cảm nhận được thể đơn bào mang tên Sa Huỳnh ngày càng rõ ràng hơn. Nếu có điều gì ghê gớm xảy ra, cô cũng bình thản đón nhận, không mất kiểm soát, mất phương hướng như trước đây. 

Và sự bình thản ấy, đi vào âm nhạc của Sa Huỳnh một cách hết sức tự nhiên. Sa Huỳnh nói, mình thấy mình "thở" tốt hơn. Huỳnh hiểu âm nhạc của mình. Huỳnh tự nhiên giãi bày với nó. Tối giản và đầy biết ơn.

Sa Huỳnh nói, nếu Tùng Dương là lửa, một ngọn lửa lắm lúc cháy trụi trên sân khấu thì mình giống như một dòng nước. Không phải dòng nước trăm năm vẫn một dòng liền mạch mà là dòng nước vừa chảy xuôi, vừa chảy ngược, thậm chí loang tràn ra nếu thích. Đó là một dòng nước có thể tan chảy từ chính nội tâm lĩnh lặng và thản nhiên của mình. 

Nikos Kazantzaki trong cuốn Alexis Zorba - Con người hoan lạc gọi nỗi cô đơn là "cái khí hậu tự nhiên của con người". Cái khí hậu tự nhiên mang tên Sa Huỳnh ngày nào giờ đây đã bớt co cụm, chật hẹp và độc đạo trong thế giới riêng mình. 

Cái khí hậu tự nhiên đó đã biết chan hòa vào cái khí hậu tự nhiên của đất trời, của những người khác nữa. Để rồi, cùng với một Sa Huỳnh ngày càng trải nghiệm là một Sa Huỳnh đã biết hòa cùng một nhịp với người đồng hành. Trong đời sống cũng như trong âm nhạc.

2. Trong một lần chan hòa ấy, Mang thai ra đời. "Một mầm cây mang thai khu rừng/ Một dòng suối mang thai biển khơi/ Một bàn chân mang thai con đường... Tình tình tính tính tang tang/ Đàn bà mang thai đàn ông", những câu hát trong bài hát chủ đề của dự án mới (được kết hợp giữa Sa Huỳnh - Tùng Dương - Quốc Trung) vang lên, như một gạch nối khác của Sa Huỳnh từ thời "Em cuộn chăn vào/ Ta cuộn chăn vào/ Em cuộn chăn vào/ Ta cuộn vào nhau".

Khi nghe Sa Huỳnh vừa đàn piano vừa cất lên khúc hoài thai của chính mình trong một buổi trưa vắng vẻ ở góc quán café trên đường Nguyễn Du, quận 1, cảm giác thật khác khi nghe Tùng Dương hát trên sân khấu Lễ hội âm nhạc quốc tế Gió mùa 2016.

Tùng Dương hát Mang thai với tâm thế của một người đàn ông, một người làm cha - tất nhiên mang lại nhiều cảm giác thú vị. Nhưng tính nguyên bản khi nghe một người đàn bà đã qua mang nặng đẻ đau hát cũng thú vị không kém. Thứ âm nhạc phi giới tính ấy đã xóa nhòa những vết lằn ranh giữa con người, để rồi bản hòa âm cuộc sống trở thành bản hòa âm đẹp nhất, tình nhất. 

Sa Huỳnh kể về khoảnh khắc chứng kiến Tùng Dương quay lưng lại trên sân khấu và khóc khi hát ca khúc này, là khoảnh khắc yếu đuối và cũng là khoảnh khắc đẹp nhất mà cô từng thấy. Sa Huỳnh lớn thêm và Tùng Dương cũng lớn thêm. Dự án này là câu chuyện cùng nhau trưởng thành của cả hai.

Dự án Mang thai (tên ban đầu là Rễ cây) rục rịch từ năm ngoái nhưng cho tới mấy ngày trước, mới bắt đầu khởi động. Mở đầu bằng một đoạn introl ngắn có tên gọi là Thức ông mặt trời - dậy đi, sau đó đến Mắt đêm, Mang thai, Oa oa, Con người, Biểu bì, Giường gai, Che, Rễ cây, Con tằm và kết thúc bằng Người khổng lồ.

Sa Huỳnh kể về Giường gai, về thời gian Huỳnh bị viêm da, toàn thân lở loét, về cơn đau khi nằm trên giường đến nỗi bạc cả tóc, rồi nghĩ tới những cơn đau khác, những người khác đau hơn mình. Sa Huỳnh kể về cảm hứng viết Mắt đêm bắt nguồn từ bộ phim Pompeii (Tạm dịch: "Thảm họa Pompeii", Mỹ, năm 2014) - nói về Pompeii, "thành phố của những cuộc chia tay rất dài". Sa Huỳnh nói, đó là một khúc đưa đám bất tận; mà ở đó, mọi hạng người, từ giàu sang, quyền quý, tới những người nô lệ đều phải chiến đấu để sống sót.

Rồi Huỳnh nói về những đám cháy, những cuộc đưa đám, về cách hiểu ai rồi cũng như đang trốn chạy một ngọn núi lửa sau lưng mình. Để rồi sau bao đổi dời, ai cũng như đứa trẻ. Ai cũng hóa thành trẻ thơ.

Sa Huỳnh nói, khi viết, đôi bàn tay mình đang cháy. Tay run run tràn đầy xúc cảm cũng là đang cháy. Đôi mắt mình mờ đi theo năm tháng, cũng là đang cháy. Tóc cũng thế, tóc cũng đang cháy từng ngày, từng giờ, từng khắc. Nhiều lúc chúng ta quên mất một điều, đó là mình đang cháy.

Sau khi cháy là gì? Sa Huỳnh bảo là rụi tàn. Nhưng như thế cũng vui vì ít ra, mình còn được cháy. Vì sau giây phút tàn tro ấy, là khoảnh khắc hồi sinh.

"Mỗi một loài sinh linh đều từ một thể nhỏ nhoi đơn bào/ Giữa vòng tròn âm dương là hoàng hôn cuối ngày/ Là bình minh bắt đầu".

Đậu Dung
.
.