Nhạc sĩ Sa Huỳnh - như mưa mùa hạn

Thứ Ba, 04/08/2015, 18:45
17 tuổi, Sa Huỳnh gây ấn tượng mạnh tại chương trình Bài hát Việt với ca khúc “Về ăn cơm”. 10 năm sau, trên sân khấu Vietnam Idol 2015, Tùng Dương hát “Con tằm”. Khi biết ca khúc ấy do Sa Huỳnh sáng tác, rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi đi tìm Sa Huỳnh. Tùng Dương, mỗi lần xuất hiện, luôn kéo tất cả sự chú ý về phía anh. Sa Huỳnh, lần nào xuất hiện, cũng ấn tượng và độc đáo.

1. Sa Huỳnh cắt tóc ngắn sau lần viêm da cách đây độ một năm. Trông Huỳnh khác hơn nhiều với hình dung trước đây tôi vẫn thấy trên sóng truyền hình, trong những bức ảnh cưới. Thế nhưng, Sa Huỳnh vẫn vô tư và cười suốt trong cuộc nói chuyện. Thấy vui, thấy thú vị thì cười phá lên, giòn tan như tiếng cười trẻ nhỏ vậy. Như Sa Huỳnh thú nhận: “Mình thuộc loại đơn giản!” Nghĩa là, ít có nhu cầu gì cao xa. Kiểu, đời sống vốn ngắn, không ai đoán trước được chuyện gì sẽ đến nên vui được lúc nào thì cứ vui. Hạnh phúc lúc nào thì cứ nâng niu. Nước mắt và cả những nỗi đau cũng cần được trân trọng. Vì đó là tất cả những gì thuộc về mình chứ không phải một ai khác.

Khoảng thời gian 10 năm, từ Về ăn cơm đến Con tằm, Sa Huỳnh có kha khá bài hát. Từ Chiếc ô ngăn đôi, Trời cho đến Li ti, Thể đơn bào, Độc hành,… và những ca khúc Huỳnh viết để đó, hoặc đợi một giọng hát thích hợp, hoặc có lẽ sẽ không đợi ai chờ ai cả. Viết để giải tỏa thứ năng lượng đang tràn lên trong người, để tìm lại sự cân bằng. 

Sa Huỳnh, đằng sau đôi mắt buồn buồn luôn ánh lên nét tinh anh. Người ta thường nói sáo, văn nghệ sĩ vốn nhạy cảm. Cá nhân tôi nghĩ, thật ra ai có tâm hồn và biết nghĩ suy, đều nắm bắt được điều ấy. Chỉ là, họ không có phương tiện và không biết cách để bộc lộ nó mà thôi. Sự nhạy cảm, bao giờ cũng vậy, khiến người ta dễ tổn thương. 

Nhưng cũng chính việc “thổi phồng” những xúc cảm ấy trong sáng tạo sẽ tạo nên dấu ấn. Còn việc tiếp nhận dấu ấn đó đến đâu lại là một chuyện khác. Hàn Mặc Tử điên, đau trong thế giới thơ nhưng đâu phải bài nào của ông cũng được đông đảo người đọc yêu thích. Bích Khê loạn trong khối mộng với những ám ảnh đầy tính trực giác đâu cứ hút được người yêu thơ. Điều quan trọng là, họ đã thấm, trải và đi đến tận cùng của cảm xúc.

Âm nhạc của Sa Huỳnh không có tính bi kịch, không có những chia lìa ủy mị, sướt mướt mà là những va chạm. Mỗi bài hát là một va chạm, ở đó Sa Huỳnh quan sát từ cuộc sống của gia đình, người thân, bạn bè và từ chính những gì cô trải nghiệm, rồi lắng lại, thành dòng, thành giai điệu. Nó có sự quyết liệt, mạnh mẽ nhưng không cực đoan. Mỗi bài hát Huỳnh viết ra, đơn giản chỉ là để tìm một sự cân bằng. Âm nhạc, với Sa Huỳnh là sự trưởng thành song hành mà đời thường không nhìn thấy được. 

Đó là khi yêu với cảm xúc: “Trời thay nắng cho đá thay màu/ Trời lay gió cho lá rơi nhiều/ Trời đo lường tình yêu của nhau”, là khi mang thai bé Moon với Thể đơn bào, Mang thai, Oa oa, là những cơn đau khi trốn ở nhà suốt 3 tháng liền để chữa bệnh chàm với Biểu bì, là lãng mạn và đầy xúc cảm với Ban đêm lúc xem Thảm họa Pompeii,…

Gia đình nhỏ Sa Huỳnh - Nguyễn Duy Hùng và người bạn âm nhạc Tùng Dương.

2. Ngày Chiếc ô ngăn đôi làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng Xone FM - kênh âm nhạc dành riêng cho giới trẻ trong nhiều tuần liền. Chỉ với hai bài hit Về ăn cơmChiếc ô ngăn đôi, Sa Huỳnh đã có thể đàng hoàng tiến vào làng giải trí. Nhiều công ty cũng đã ngỏ lời, đề nghị dọn đường, nâng đỡ cho Sa Huỳnh. Tôi không biết, nếu là tôi hay những nhạc sĩ trẻ khác sẽ có lựa chọn như thế nào. 

Còn Sa Huỳnh lúc đó có ý nghĩ rất kỳ lạ, rằng: “Nhạc có giai điệu mượt mà, nỗi buồn như vậy nhiều lắm, mình cứ viết thôi. Bạn nào hát được thì mình đưa bạn ấy hát. Hồi đó mình “phá” lắm, thích nghe nhạc rock, mọi thứ còn ở giai đoạn bùng nổ mà. Cái gì muốn thì nhất định phải làm, phải có cho bằng được. Nhưng rồi mình nhận ra điều đó vô cùng nguy hiểm. Bùng nổ nhiều, đau khổ nhiều. Mà cái đau là do mình muốn mà mình không được. Là phụ nữ mà cứ như thế chỉ có nước điên loạn thôi, chẳng giải quyết được gì vì nhạc lúc đó buồn mà rên rỉ, ca thán từ phía của mình, không làm được gì ra hồn. Nên, mình quyết định phải tìm người nào như anh Hùng để cùng tôi dệt nên những cái khác. Mình quyết định tạm gác để đi tìm cái gì đó chắc chắn, ổn định và nền tảng hơn”. Lúc đó Sa Huỳnh vừa qua tuổi hai mươi một chút. Một năm sau thì Sa Huỳnh kết hôn với nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng - hơn Huỳnh 9 tuổi mà theo Huỳnh thì “tâm hồn “trẻ con” y chang nhau”.

Tôi có hỏi Sa Huỳnh, một câu rất thật rằng, có khi nào nhìn lại quãng thời gian đã đi, Huỳnh thấy tiếc vì lập gia đình quá sớm, vì chưa được chơi đủ không? Sa Huỳnh cười nhẹ như nắng chiều dịu gió: “Mình thấy bây giờ mình đủ rồi. Cái chơi ở đây là mình thích tìm hiểu, nghiên cứu thêm về âm nhạc, tìm hiểu hơi thở trong đó, nó giúp mình ổn định hơn, không phải suy nghĩ nhiều. Những ngày mình thấy mệt, có thể thư giãn bằng chuyến đi xa đâu đó với chồng con. Thậm chí chẳng cần đi xa, về nhà ba mẹ ngủ. Không cần nói gì cả, chỉ về nằm bên cạnh ba thôi là được…

Mình thường xác định cuộc đời 10 năm sẽ làm những gì. Chẳng hạn sinh con, tích lũy, làm được một sản phẩm âm nhạc. Và 10 năm này, mình thấy mình đang trải nghiệm đúng kế hoạch của mình. Mình quản lý hơi thở tốt hơn mặc dù bản tính khó chừa. Vẫn quyết liệt. Nhưng cái quyết liệt đó tích cực hơn”.

3. Nhạc sĩ Triều Dâng - cha của Sa Huỳnh - năm nay đã bước qua tuổi 80. Sa Huỳnh rủ rỉ, thương yêu: “Ba nhìn bề ngoài trông dữ dằn vậy nhưng chưa khi nào rầy la hay đánh đòn mình. Từ nhỏ đến giờ”. Ngày đón cô con gái bé bỏng từ bệnh viện về, nhạc sĩ Triều Dâng tự nguyện đảm đương công việc ẵm con, ru con ngủ. Ông gắng nhớ lại các bài hát ru xưa kia của mẹ để vỗ giấc cho con.

Sa Huỳnh mến ba đến độ vắng tiếng ba ru, khóc ngằn ngặt, nhất quyết không ngủ. Thế là, nhạc sĩ Triều Dâng phải sưu tầm thêm nhiều điệu hát ru của cả ba miền Trung, Nam, Bắc ghi vào băng cassette để mỗi lần đi công tác xa, có cái mở cho con gái nghe. Rồi Sa Huỳnh cất giọng ru buồn buồn. Ngồi ngẩn một hồi lâu, Huỳnh bảo: “Giọng hát ru của ba mình đặc biệt lắm! Nó giằng xé, rền vang chứ không nhẹ nhàng”.

Nhạc sĩ Sa Huỳnh và ca sĩ Tùng Dương.

Thấy con gái có năng khiếu nhạc, suốt từ năm Sa Huỳnh lên 6 đến 15 tuổi, cha của Sa Huỳnh đều đặn ngày hai buổi chở con đi học chữ và học đàn. Ông vun đắp tương lai con theo cung cách bền bỉ, kiên nhẫn của người trồng cây lâu năm chờ mùa hái trái. Ông mua truyện tranh, truyện thiếu nhi, thơ Trần Đăng Khoa, truyện cổ tích Việt Nam, các tập ca dao tục ngữ cho con gái đọc. 

Tuổi 17, Sa Huỳnh nổi loạn với những giấc mơ điên rồ, lộn xộn và ngẫu hứng, sáng tác 10 ô một câu thay vì 8 ô như ba dạy. Nhưng, ông luôn có cái nhìn bao dung, mở lòng đón cái mới và lúc nào cũng khích lệ, động viên con. Sa Huỳnh cười: “Sau này lớn hơn và bắt đầu có những sáng tác được để ý thì đúng là một câu chỉ có 8 ô thôi”.

Điểm tựa tình cảm không ai khác chính là nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng. Huỳnh nói về người bạn đời: “Anh Hùng là người tử tế. Mình may mắn khi anh cùng tập thích nghi với mình. Nếu không có anh, có lẽ thật khó để đi qua chặng đường ấy. Anh luôn bảo vệ, che chở và giúp mình nhiều lắm. Mình không biết đi xe máy, anh chở mình đi làm, đưa Moon (cô con gái 4 tuổi) đi học. Mình nấu đồ ăn thì anh sẽ phụ nấu cơm… Anh khiến mình trở thành một cô bé lớn hơn một tí, biết lo cho gia đình, biết giá trị cuộc sống.”

Một điểm tựa khác trong âm nhạc của Sa Huỳnh là ca sĩ Tùng Dương. Khi Huỳnh bắt đầu được biết đến cũng là lúc Tùng Dương tỏa sáng trên sân khấu Sao Mai - Điểm hẹn. Và Huỳnh, ngay lập tực, bị thứ năng lượng lúc nào cũng căng tràn sức sống của Tùng Dương thôi miên. Sau lần nổi loạn muốn bay ra Hà Nội gặp thần tượng cho kỳ được bị ba ngăn lại với lý do “con cứ bình tĩnh, học cho tốt rồi sẽ có ngày anh ấy đến tìm con”, Sa Huỳnh nỗ lực… phát tín hiệu. 3 năm sau, khi Huỳnh 20 tuổi, Tùng Dương gọi cho Huỳnh đề nghị hát bài Li ti…

Bây giờ thì mình đã ngấm cái chất của anh Dương vào máu… Mình hiểu con đường anh đi. Từ Con cò, Con nhện, Con ốc, rồi Giăng tơ. Vậy là mình viết Con tằm. Nó phù hợp với anh ấy, với con đường anh ấy đang đi. Với mình, anh Dương là một nghệ sĩ thông minh, nhạy cảm và hiện tại, anh ấy đang ở giai đoạn chín chắn nhất. Anh ấy vừa có thể kìm giữ được cái tôi, vừa có thể bùng nổ, nếu muốn”.

Bất giác hỏi, Huỳnh sợ nhất điều gì? Sa Huỳnh hồi đáp: “Mình sợ những gì buồn lâu nên chẳng bao giờ dám hình dung nếu một ngày nào đó, những người thân yêu thôi ở bên cạnh sẽ như thế nào. Mình chưa sẵn sàng cho điều ấy dù biết, sớm muộn gì nó cũng sẽ xảy ra…”. Những nỗi lo sợ mơ hồ thường tạo nên tình yêu. Có lẽ vậy mà, nó khiến người ta sống trọn vẹn hơn. Hai bản thể - một đằm thắm, dịu dàng, một mãnh liệt, máu lửa - cứ thể đan xen và tạo nên một Sa Huỳnh chân thật trong từng cảm xúc.

Hoàng Hoài Hương
.
.