Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ:

Thở bằng… hơi thở dân gian

Thứ Hai, 06/01/2020, 14:04
Gần bốn mươi năm trước, tôi từ chiến trường K chuyển ngành về Khoa Văn - Đại học Tổng hợp Hà Nội, được gặp thầy Nguyễn Hùng Vĩ. Thầy dạy chúng tôi môn văn học dân gian, cụ thể là Mo Mường - trường ca Đẻ đất đẻ nước.


Giọng Nghệ Tĩnh của thầy ngân nga về sử thi này khiến tôi như yêu đất Mường, người Mường hơn. Vì 5 năm trước, tôi đã từng sống với người Mường trong những tháng huấn luyện để chuẩn bị ra biên giới Tây Nam. Thực tế không nhiều, nay lại được thầy cho đọc bộ sử thi cùng những lời phân tích, giải nghĩa... khiến vùng đất Mường ám ảnh mãi trong tôi. 

Sau này, viết tập sách kỷ niệm Một trăm ngày trước tuổi hai mươi, về những con người cụ thể như anh chủ nhà, về ngọn cỏ thao trường trên đất Mường, về nghĩa trang liệt sĩ trong bản Mường, tôi đều nhớ đến bài giảng của thầy.

1. Những năm đầu ở Khoa Văn, tôi còn được theo thầy Trần Thuyết - một bậc thầy uyên thâm về chữ Hán nhưng tôi không ngờ, thầy Vĩ cũng theo học thầy Thuyết sớm hơn, nhiều hơn. Vẫn lọ mực cầm tay với chiếc bút lá tre, nắn nót viết từng chữ Hán cổ trong nhiều năm trời. Vì thế, chúng tôi không ngạc nhiên khi đọc rất nhiều bài nghiên cứu về thơ Đường của thầy, giải thích từng chữ với nhiều nghĩa, dẫn nhiều điển tích, điển cố xác thực. Thậm chí, thầy còn khích lệ sinh viên, dựa vào Kinh Thi, sáng tác bài thơ theo nội dung mới mà người tinh lắm mới có thể nhận ra.

Có lần thầy Vĩ kể là “mình gặp may” vì khi thi vào Trường Đại học Tổng hợp, bị phân về Khoa Sử nhưng mới học 3 tháng, thấy mình thích Khoa Văn hơn nên thầy xin chuyển. Thầy Vượng phê vào đơn: “Đồng ý với điều kiện: Bước chân đi cấm kỳ trở lại”. Rồi khi ra trường, thầy được phân công dạy văn học thời kỳ Trung đại vì trong tổ Văn, có người “xí phần” rồi.  Trong khi đó, phần văn học dân gian lại đang thiếu người. Thế là thầy Vĩ chuyển về tổ này, cùng các thầy Đinh Gia Khánh, Võ Quang Nhơn...

Rồi thầy Vĩ lại kể cho tôi nghe những kỷ niệm trong những lần đi điền dã, sưu tầm và khám phá văn hóa dân gian của người Mường. Những bài hát bình dị, những kỷ vật thân thuộc cùng những lời thuyết minh không bao giờ hết của thầy như minh chứng một điều: Thầy yêu văn hóa dân gian với cả trái tim mình. Đối với văn hóa dân gian, thầy như một hiệp sĩ - nghĩa là có nghĩa vụ sưu tầm, có trách nhiệm giữ gìn và phổ biến nhưng không đòi hỏi một chút quyền lợi nào.

Và thầy nghiên cứu văn hóa dân gian cũng chỉ làm đẹp, làm giàu cho đời chứ không bao giờ dùng nó như phương tiện tiến thân hay khoe khoang danh này hiệu nọ. Bằng chứng là, dù có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian nhưng bằng cấp của thầy vẫn là cử nhân tốt nghiệp Khoa Văn và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy cho đến lúc nghỉ hưu.

2. Nhắc chuyện nhà nghiên cứu “khét tiếng” nhưng mới cử nhân, tôi lại nhớ đến một giai thoại về thày Trần Quốc Vượng, một người thầy mà thầy Nguyễn Hùng Vĩ từng theo học. Giai thoại thế này: Thầy Vượng thường nói với sinh viên: “Tôi - Trần Quốc Vượng, tốt nghiệp cấp 3, dạy đại học. Vợ tôi - tốt nghiệp đại học nhưng dạy cấp 3”. Giai thoại này chắc tồn tại từ hồi thầy Vượng chưa được phong giáo sư. Và thầy Vĩ theo học thầy Vượng từ năm 1984, nghĩa là sau khi ra trường.

Dạo đó, trường Tổng hợp mở lớp nghiên cứu chuyên đề “Văn hóa học”, thầy nghĩ, mình nghiên cứu văn hóa dân gian của nhiều dân tộc, cần hiểu những sắc thái làm nên tính cách, tâm hồn của họ. Trong bài giảng, thầy Vượng đưa ra nhiều ví dụ dẫn chứng trong sách của các nhà nghiên cứu về văn hóa học dân tộc học như Jeanne Cuisinier với Người Mường - địa lý nhân văn và xã hội học (1946), Claude Levi-Strauss với The Elementary Structures of Kinship (1949), Structural Anthropology (1958) và của David Mayburi - Lewis với Akwe Shavante Society (1967)...

Nghe giảng đến đâu, thầy Vĩ tỏ ra thông hiểu đến đó, thậm chí còn nêu ra những điều thầy Vượng chưa giảng. Thầy Vượng ngạc nhiên. Thầy Vĩ mới tiết lộ, những cuốn sách này mình đã đọc từ năm thứ nhất, tất nhiên là “đọc trộm”. Dạo đó, thầy Vĩ hay la cà ở nhà một người bạn cùng lớp, nằm sát thư viện trường. Ngoài hạnh phúc được bạn nấu mì cho ăn, thầy Vĩ còn mò sang thư viện, mượn những cuốn sách về dân tộc học về đọc. Đấy là loại sách in trên giấy bản, không biết ai dịch, nằm phủ bụi trên giá. Không hiểu sao, thầy Vĩ đọc rất mê mải và những kiến thức thấm vào thầy như những hạt mưa rơi xuống đất hạn.

Thấy thầy Vĩ chân thành, ham hiểu biết, thầy Vượng buông lời mời: “Ông theo tôi!”. Từ đó, thầy Vĩ hay được thầy Vượng rủ đi điền dã ở những nơi giàu có về cổ vật. Và trong mỗi cổ vật lại chứa rất nhiều thông tin về dân tộc, lịch sử, địa lý, văn hóa... Phương pháp nghiên cứu liên ngành của thầy Vượng đã ảnh hưởng tốt đến thầy Vĩ. Sau này, khi viết về những vấn đề văn hóa dân gian, thầy Vĩ thường dẫn giải đến nhưng thông tin liên quan khác về địa lý, lịch sử... Vì vậy, những bài viết của thầy sinh động, giàu sức thuyết phục.

3. Có một số người mang tiếng là nghiên cứu văn học dân gian nhưng chỉ làm mỗi việc sưu tầm... trên sách. Nghĩa là họ lấy sách nọ trộn với sách kia, cấu trúc thì sao chép cuốn Tục ngữ, ca dao, dân ca của Vũ Ngọc Phan rồi phân chia thành tập, ghi tên mình là “GS-TS” này nọ. Nhưng động đến thực tế thì im thin thít. Tôi đã chứng kiến, ở một cuộc “trà dư tửu hậu”, có một vị “GS-TS” nọ tuyên bố “một câu xanh rờn” là anh ta thuộc tất cả các câu tục ngữ.

Một người hỏi: “Ông có biết câu: “Con mày, con nuôi không bằng con b... sinh ra” nghĩa là gì không?”. Vị “GS-TS” kia lúng túng rồi rút điện thoại, giả vờ có người gọi rồi biến luôn! Thầy Vĩ giải thích, đại khái, “con mày” là “con của mày” là con riêng của vợ. Vì trước năm 1945, ở một vài nơi, người chồng vẫn thường gọi vợ là “mày”.

Với thầy Vĩ, văn hóa dân gian cần môi trường thực hành, môi trường sống động. Chẳng hạn, với nghệ thuật quan họ, suốt bốn mươi năm qua, thầy đã đi đi về về nơi này hàng trăm lần để sống, để kết duyên, để hát cùng và để sáng tác những bài quan họ mới cùng các nghệ nhân lão làng như Vũ Tự Lẫm, Nguyễn Đức Sôi...

Thầy nhiều lần dẫn hàng chục sinh viên về đây thực tập, dẫn những người bạn yêu quan họ về đây như trở về ngôi nhà thân thiết. Làn điệu quan họ dễ hát nhưng sáng tác lời mới là một công việc rất khó nhọc, công phu. Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sống cả đời với quan họ mới có thể viết được bài quan họ mới như Ăn ở trong rừng.

Và như ta biết, hát quan họ cần hát đối, do đó, khi thấy thầy Vĩ đắm đuối với quan họ, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi khích lệ thầy sáng tác bài quan họ mới, đối lại Ăn ở trong rừng. Suy nghĩ nhiều ngày, thầy Vĩ đã sáng tác bài quan họ mới Ăn ở trên thuyền - dựa vào tích Trương Chi. Cả hai bài được các liền anh, liền chị quan họ rất yêu thích. Những bài quan họ mới đều dựa vào các “tích chuyện” nên có độ bền vững.

Lại có lần thầy đến Đà Nẵng, buổi sáng, dạo chơi bên sông Hàn, thấy nhiều câu lạc bộ dưỡng sinh tập thể dục theo giai điệu nhạc Đài Loan phát ra từ chiếc radio, thầy dừng lại nghe và thắc mắc: “Tại sao không sử dụng loại nhạc dân tộc của mình?”. Thầy mang chuyện này nói với một người bạn xứ Quảng: “Tôi sẽ cải biên những làn điệu của hò hụi Quảng Nam thành bài tập dưỡng sinh cho các cụ bô lão Đà Nẵng”. Người bạn này tán thành ngay.

Và trong những ngày ở Đà Nẵng, thầy Vĩ đã cải biên hò hụi xứ Quảng thành giai điệu cho các cụ tập thể dục dưỡng sinh. Và họ rất thích. Thầy lý giải: “Nhịp điệu và tiết tấu của những bài hò hụi xứ Quảng thường rất mạnh mẽ. Nó thể hiện nhịp điệu lao động của những con người nơi đây, rất chân thực và nhiệt thành chứ không ủy mị. Chỉ cần cải biên một chút, những làn điệu ấy không những hay không kém những bản nhạc ngoại quốc mà còn gần gũi với tâm hồn con người xứ Quảng”.

Nhớ lần đi điền dã ở huyện Minh Hóa (Quảng Bình), thầy Vĩ bị mê hoặc bởi làn điệu hò thuốc cá của các dân tộc nơi đây. Các tộc người như người Rục, người Chứt, người Nguồn... đều mang khí chất rừng núi cũng như tâm hồn họ ẩn giấu nhiều kho báu văn hóa dân gian, trong đó có điệu hò thuốc cá. Thuốc cá có nghĩa là bắt cá. Để bắt cá, họ hái một loại rễ cây “tèng” trộn với bùn, rồi ủ kín, đốt lửa xung quanh. Khi bắt cá, họ mang rễ cây tèng ra suối, ra hồ, thả xuống nước.

Rễ cây tèng hòa trong nước, làm xót mắt cá. Chúng nổi lên và cứ thế dân làng ùa xuống bắt. Lúc vừa thả, vừa giã, vừa đập, vừa lùa cá vào lưới, dân làng vừa đồng thanh hò thuốc cá. Nhịp điệu của bài hò vừa mạnh mẽ, vừa nhanh, rất hợp với nhịp điệu của các động tác bắt cá tập thể. Cả một vùng núi rừng yên ắng bỗng vang lên tiếng đồng ca khỏe mạnh của hàng chục nam nữ, tạm dịch nghĩa tiếng Việt: “Đập tèng thì đập cho sòng/ Để cho cá chết đầy sông đầy bờ/ Đập tèng thì đập cho sòng/ Để khi chia cá nhớ công đập tèng”.

Tôi chợt nhớ những ngày tết Chol Chnam Thmay của người Khmer. Họ cũng vào rừng bắt cá nhưng dụng cụ của họ là những trái mã tiền. Họ đập ra, giã nhỏ, thả xuống nước. Cá ăn bị say, từ từ nổi lên. Và họ buông lưới bắt. Hàng chục người dân, từ trẻ nhỏ đến người già, vừa bắt cá vừa hát những ca khúc dân gian rộn rã. Bộ đội Việt Nam cũng được dân làng chia cá, chúng tôi phải mang võng đến khiêng về. Khi người dân và thiên nhiên chung sống hài hòa với nhau, tất sinh ra những bài ca lao động mang đầy vẻ đẹp.

Tôi băn khoăn, thầy đi điền dã như vậy, lấy kinh phí từ đâu? Thầy hồn nhiên cười: “Dân họ nuôi mình cả đấy. Mình ở với dân, ăn cơm, uống nước nhà dân thì mình trả nghĩa cho dân. Những việc gì có ích cho dân thì mình không nề hà”. Tôi hiểu, nhờ đi điền dã nên thầy có một khối kiến thức, khối lý thuyết về văn hóa học.

Mới đây, tôi gặp khi thầy vừa cùng đoàn phim tài liệu Hò khoan Lệ Thủy của đạo diễn Nguyễn Văn Kiểm từ Quảng Bình trở về. Từ những chuyến đi này, thầy còn viết nhiều lời mới cho điệu hò lễ hội đua thuyền trên sông Kiến Giang; dựng kịch cho đoàn nghệ thuật địa phương diễn về người anh hùng, huyền thoại Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất tử của quê hương Lệ Thủy.

Qua những lần trò chuyện, thầy chỉ nhận mình là người thực hành văn hóa dân gian. Và thầy lựa chọn con đường mình đi, là chơi hết mình với văn hóa dân gian. Chơi một cách tận cùng như chính mình được sống, được thở là từ hơi thở của văn hóa dân  gian. Đến nay, hàng ngàn trang sách thầy viết nhưng chỉ in rải rác trong các báo, tạp chí.

Nhiều học trò muốn in thành sách, thầy cảm ơn và nói; “Mình còn trẻ, còn đi nhiều nơi vì nhiều nguồn văn hóa bản địa còn cần khám phá nữa. Nó là mạch nguồn nuôi dưỡng đời sống tinh thần, tình cảm của người Việt”. Và cho đến nay, thầy vẫn như nguồn cảm hứng, vẫy gọi nhiều học trò tiếp tục khám phá cội nguồn từ lời ăn tiếng nói dân gian...

Đoàn Tuấn
.
.