Thi sĩ Tường Vân: Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi
Hành trình trên cõi nhân gian của Tường Vân chỉ được 45 tuổi trời, tài hoa và lận đận trong nỗi cô đơn: “Ta trần trụi mình ta. Đánh đu theo cuộc người. Đuổi xua và đón mời. Tâm tình nên nước mắt”!
Thi sĩ Tường Vân có họ tên đầy đủ là Nguyễn Mạnh Tường Vân, sinh tại Đống Đa - Hà Nội nhưng gần như cả đời gắn bó với đất cảng. Phụ trách mỹ thuật cho Đoàn kịch Hải Phòng, Tường Vân từng giành được rất nhiều giải thưởng về trang trí sàn diễn, song vẫn đánh đu với giới làm thơ.
Trong những năm tháng đất nước khó khăn, Tường Vân sống một mình trong căn hộ tập thể 15 m2 với ngổn ngang màu vẽ và vần điệu. Chính Tường Vân làm thơ về quan niệm hội họa của mình: “Anh không say màu xanh êm ái. Cũng không mê màu hồng mềm mại. Càng dửng dưng màu nõn chuối non tơ. Em biết không anh đợi, anh chờ. Chỉ là đen với trắng. Đen: sâu lắng. Đen: xót xa. Trắng: chan hòa. Đôi màu kết giao tình nghĩa. Đôi màu nặng - nhẹ. Đôi màu gần - xa”.
Những người cùng thời với Tường Vân vẫn nhớ về anh như một kẻ dị tướng mà tấm lòng cởi mở chân thành. Tường Vân nghèo túng và Tường Vân cô đơn, như anh tự vẽ chân dung mình: “Miệng cười mà mắt khóc. Ai nhớ mình nào đâu. Cảm quan của thằng ngốc. Bày ra lắm sắc màu. Ai nhớ mình đây nhỉ. Hay chính mình nhớ mình. Xòe đôi bàn tay trắng. Học triết đời rung rinh”.
Tường Vân lặng lẽ bước qua số phận không oán than, không trách giận: “Một ngày một tháng một năm. Một đời viên đất sủi tăm mặt hồ. Nắng soi cái tổ tò vò. Dọc ngang cũng một con đò ấy thôi!”.
Tường Vân viết không nhiều, trong lầm lũi cơm áo và trong liêu xiêu men rượu. Lúc Tường Vân còn sống, thơ anh nảy nở ở vỉa hè. Và lúc anh mất rồi, thơ anh vẫn tồn tại ở vỉa hè một cách đáng ngạc nhiên. Bài thơ Con chó vỏn vẹn 26 chữ, có kết cấu độc đáo và tư duy gần gũi, rất nhiều người thuộc mà ít ai biết tác giả là Tường Vân:
“Bảo: Ra đường!
Ra đường.
Bảo: Nằm gậm giường!
Nằm gậm giường.
Bảo: Thôi, không cắn!
Lặng im
Cứ thế triền miên
Một đời con chó”.
Một giá trị không thể phủ nhận được của thi ca là độc giả nhìn thấy được tâm tính của tác giả. Không ai che giấu được bản ngã trước thơ và cũng không ai che giấu được tâm trạng trong thơ. Tường Vân tìm đến thơ để được an ủi những long đong và để được vỗ về những ngậm ngùi: “Ta bước vào thơ đâu có phải. Ước mong lấy một sự đồng tình. Ta chỉ để cùng ta tâm sự. Nỗi riêng này đâu phải thanh minh”.
Tường Vân không mong thành danh với thơ, nhưng nhờ thơ mà thế hệ sau đã hiểu được những ngày tháng ân cần và xa vắng mà Tường Vân từng trải: “Đã qua đi cái thời con trẻ. Lá thư xanh mạnh mẽ những lời buồn. Trăng vẫn thế. Cùng mùa đi chậm rãi. Anh lặng nhìn trời. Hạt chiều rơi rơi. Trắng dần mái tóc”.
Tường Vân đơn độc, Tường Vân tìm đến bạn, tìm đến những cơn la đà và bật ra những câu thơ cực kỳ ấn tượng: “Sương thu rơi tím bãi. Cỏ gầy con ngựa gầy. Quán thu còn nhẫn nại. Nắng mưa mặc tháng ngày. Sức tàn be rượu đỡ. Ôm ảnh hình ta say. Dở dang cùng một kiếp. Âu cũng là gió mây”.
Nếu chỉ có sân khấu, thi ca và men rượu, thì có lẽ cuộc đời Tường Vân cũng không có gì đáng nói. Định mệnh đã sắp xếp cho Tường Vân một mối tình để thơ anh thay đổi mạch nguồn xúc động. Tường Vân đã gặp Tú Quyên ở Trường Mỹ thuật Hà Nội, nàng học sau chàng hai lớp, và nàng trở thành cảm hứng để chàng làm thi sĩ. Mối tình ấy hầu như được Tường Vân trần thực cụ thể trong thơ.
Từ ngày chàng hạnh ngộ nàng: “Mười bảy tuổi em nhìn anh lơ đãng. Mười bảy tuổi em mặc anh lãng mạn. Đứng chơ vơ ở giữa ngã ba đường. Khi quay về mái tóc đã pha sương”, đến ngày chàng trông vời nàng: “Em đằng cuối phố. Xôn xao tờ gió. Ngẩn ngơ lá bàng. Nắng chiều nhuộm đỏ. Rêu phong mảng tường. Trái bàng chín rụng. Rơi vào thân thương... Anh thương cây bàng. Em đằng cuối phố. Bóng chiều nghiêng đổ. Đi vào xa xôi”, rồi ngày chàng nhung nhớ nàng: “Mùa này là mấy nhỉ? Nện gót nát mặt đường. Em đi mùa đông ấy. Anh say đời tha hương. Đông thành mùa thương nhớ. Đông thành hình bóng em. Ngọn gió là đôi mắt. Quất lên đầu từng đêm”.
Không dừng ở cấp độ tương tư: “Anh đi chín nắng. Anh về mười sương. Ngơ ngẩn giữa đường. Em ơi - Tình ái”, Tường Vân chứng tỏ anh có một trái tim yêu nồng cháy và quyết liệt: “Cứ đêm về em lại đem tôi ra bắn. Cuộc hành trình này thầm lặng. Tưởng như chẳng có chuyện gì. Cứ đêm về tôi bơi trong máu. Máu tim tôi và máu tim em. Máu của những ngày xưa lặng lẽ. Máu của những ngày sau màu đen!”.
Sau những ngày thảng thốt giá lạnh “Mùa đông sao vắng quá. Đóng cửa ta vào say”, khi được Tú Quyên đón nhận tình cảm, thơ Tường Vân òa lên hân hoan: “Anh chẳng được cùng em thăm biển. Nhưng sao lòng rào rạt mênh mông. Những con sóng ngày xưa xô về đập cửa. Gọi anh đi trời bảy sắc cầu vồng”, thậm chí có cả chút sến súa của phập phồng đôi lứa: “Thư em phong kín niềm tâm sự. Chói lọi từng câu như khúc ca”.
Tình yêu của Tú Quyên giúp Tường Vân thoát khỏi vòng xoáy loay hoay u uẩn: “Tuổi ta giờ đã giữa trưa. Tình yêu một lẽ không ngờ bình minh” để cất tiếng gọi ấm áp: “Vành trăng gác mái hồn xa lạnh. Tiếng gọi hòa theo tiếng sóng reo. Em ở phương trời lưu luyến ấy. Có nghe trong gió một đời yêu”.
Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, Hà Nội - Hải Phòng chưa có đường cao tốc như bây giờ. Tình yêu Tường Vân giành cho Tú Quyên vượt qua khoảng cách hơn 100 km chủ yếu bằng thơ. Bài thơ Thư đến viết ngày 2-8-1971, Tường Vân ghi chú rõ ràng: “Tặng T.Q của anh. Kỷ niệm khi nhận được lá thư đầu của em” để khẳng định nàng như cứu tính của chàng: “Em ạ, nhiều đêm anh đã chết. Cô đơn trùm xuống một màu đen. Nhớ mãi trong hồn là mái tóc. Nụ cười kiêu hãnh gọi anh lên”.
Không chỉ có bài thơ Gửi Tú Quyên cồn cào: “Giá ngày xưa đừng gặp. Giá ngày xưa đừng say. Thời gian nghiền nát mặt. Tình ơi, đắng chát từng ngày”, Tường Vân trong bài thơ Nỗi đau cách trở còn gọi tên người thương trực tiếp: “Tú Quyên ơi. Tóc sáng ngời. Tay chơi vơi. Mắt phương trời”.
Năm 2007, nhân 20 năm Tường Vân qua đời, Tú Quyên đã cùng bạn bè gom góp in tập thơ Úp mặt vào thời gian cho người chồng quá cố, và chị thổ lộ rằng trong số những dòng tâm sự đắm đuối của Tường Vân, bài thơ Khóc khiến chị xúc động nhất: “Mẹ anh mất khi anh chưa biết khóc. Rồi cuộc đời đơn độc đến tìm anh.. Em yêu anh và anh đã khóc. Chiếc khăn tay đẫm nước mắt tình yêu”. Bài thơ ấy phơi bày đầy đủ tố chất thi sĩ của Tường Vân: thiệt thòi, yếu đuối, thật thà và run rẩy!
Ngày 4-7-1972, Tường Vân đám cưới với Tú Quyên. Đích thân họa sĩ thiết kế sân khấu trứ danh Tường Vân làm tấm pa nô trang trí ngày vui bằng hàng chữ “Tường Vân - Tú Quyên lấy nhau”. Đáng tiếc, tạo hóa cũng trớ trêu, những ngày vui “Anh dắt tay em. Trước mặt đầy sông. Sông đầy con sóng. Phía chân trời. Nắng đọng một màu hoa. Phía chân trời. Dồn lại khúc tình ca” cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Sau khi đứa con gái Diệu Linh ra đời, thì thơ Tường Vân nhuốm màu chua chát “Ta chia tay để ta trở lại. Tìm chính ta mãi mãi là ta. Không có gì đi qua là mất. Ta chia tay, ngây ngất chia tay”.
Tường Vân có phân bua không ai có lỗi “Cùng ngọn đèn từng đêm anh đốt. Tình yêu lên đau xót một vầng trăng. Sự buồn vui không thể cào bằng. Em có lý và anh có lý!” và Tường Vân chấp nhận sự thật bẽ bàng “Vài chục năm một giấc chiêm bao. Sự hợp tác đôi người sao đắng thế... Ta chia tay ngắn gọn một lời. Có hạnh phúc nào là của riêng ai!”.
Thế nhưng, mối tình đẹp đẽ ấy vẫn dư âm với Tường Vân: “Anh lại nghĩ về em. Thuở tóc dài vắt ngang chiều phố. Thuở bồi hồi bỡ ngỡ. Thuở ban đầu nức nở từng trang”.
Thơ Tường Vân giống như những thước phim âm bản về cuộc đời anh. Tuy nhiên, Tường Vân không chỉ dùng thơ để giải tỏa đau đớn và dằn vặt. Thơ Tường Vân vẫn có phong cách để định dạng một gương mặt thơ. Thử đọc ba bài lục bát ngắn sau đây, được sáng tác ở ba thời điểm khác nhau.
Bài Vô đề viết năm 1964: “Đêm qua trời tỏ trăng cao. Đến em, anh chẳng dám vào cùng em. Bóng trăng đã rọi qua thềm. Bóng anh nghiêng đứng kề bên em nằm. Ra về đạp nát bóng trăng”.
Bài Trách viết năm 1969: “Với ai chín đợi mười chờ. Với ai năm tháng thờ ơ lạnh lùng. Biết ai, ai đã, ai cùng. Tình đời muôn nẻo vội dừng làm chi. Đắn đo cảm xúc nghĩ suy. Nhỡ chân rồi, biết nói gì với nhau. Đêm dài bởi kẻ thức lâu”.
Và bài Ghen viết năm 1972: “Đêm qua mây phủ trăng đi. Sáng nay mưa đã nói gì cùng em. Khúc dương cầm, tuổi hoa niên. Biển xanh sóng cứ dồn lên trập trùng. Anh ghen cả cái vô cùng...”.
Điểm đặc biệt của cả ba bài thơ đều nằm ở câu cuối cùng. Chính là Tường Vân đấy, gây sửng sốt bằng sự tếu táo và sự hồn nhiên. Cũng nhờ sự tếu táo và sự hồn nhiên, mà Tường Vân còn để lại cho đời một bài thơ thiếu nhi rất ngộ nghĩnh, được phổ nhạc thành bài hát trong bộ phim truyền hình 12A&4H vang dội một thời: “Em đi học em đi đường bên phải. Em học về đường bên phải em đi. Đường bên trái là con đường ngược lại. Em nhớ rồi đường bên phải em đi”.