Bà Tú Quyên, vợ cố họa sĩ, thi sĩ Tường Vân: Niềm đau chôn giấu

Thứ Hai, 14/07/2008, 10:00
Số phận đã mang đến cho Tú Quyên một mối tình. Mặc dù sau những ngọt ngào của tình yêu là muôn vàn cay đắng, thậm chí là cả những hy sinh không thể diễn tả bằng lời. Nhưng bà tuyệt nhiên không hờn giận đời sống. Bà đã tình nguyện "nhốt" con người nghệ sĩ của mình lại, thu nhỏ bản thân mình lại để trở thành một người đàn bà bình thường nhất. Và có nhiều tâm sự bà cũng quyết "đóng kín", "niêm phong lại", không muốn chạm vào nữa.

Trong căn hộ tập thể diện tích chừng 50m2, cao tít trên tận tầng 6 của khu nhà không cầu thang máy, cứ leo lên cao được một tầng phải đứng nghỉ, bà Tú Quyên và con gái của bà sống ở đó. Bà hạnh phúc vì cuối cùng bà cũng được sống ở một nơi rộng rãi hơn. "Từ lúc bước chân đi làm vợ nhà thơ, tôi chỉ toàn ở những nơi 4m2, 8m2, rộng lắm là cũng chỉ 15m2".

Rồi bà lấy giấy, lấy màu vẽ chân dung khách. Lâu lắm bà mới lại chạm vào cây cọ, chạm vào niềm đam mê mà vì những nhọc nhằn, trắc trở của số phận, bà đã phải quên đi suốt những năm tháng tuổi trẻ.

Tú Quyên sinh trưởng trong một gia đình giàu có, gia thế. Lúc bà lớn lên cũng là lúc gia đình gặp hoạn nạn, sa sút. Tuy vậy, bà vẫn được cha mẹ cho theo học Trường Mỹ thuật Yết Kiêu. Ở Trường Mỹ thuật, Tú Quyên lúc nào cũng được thầy giáo khen về màu. Yêu những tông màu vàng, nâu, xanh nhẹ, tranh Tú Quyên vẽ bao giờ cũng khiến cho người xem ngỡ ngàng, vì sự giản dị, sang trọng và tinh tế của màu sắc.

Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc hai năm liền 1976 và 1977, họa sĩ Tú Quyên đều có tranh tham gia. Hai bức tranh "Dệt thảm" của Tú Quyên được treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ khi bà mới chỉ là một họa sĩ tuổi ngoài 20. Với những thành công bước đầu ấy, tưởng như nghệ thuật đã là một con đường định sẵn đối với Tú Quyên. Nhưng, chính bà cũng không thể ngờ rằng, cuộc đời bà cuối cùng lại rẽ sang một ngả khác...

Mối tình với Tường Vân thi sĩ được kể lại trong ký ức của bà: "Khi tôi đang là sinh viên Trường Mỹ thuật thì tình cờ gặp anh Vân trong lớp học ngoại ngữ. Có lần anh bảo tôi ngồi để anh vẽ chân dung tôi bằng phấn màu, rất đẹp. Rồi anh còn nặn tượng tôi nữa. Lúc đó anh Vân đã làm việc ở Đoàn kịch Hải Phòng. Từ Hải Phòng anh gửi sách ngoại ngữ, kèm một lá thư tỏ tình. Năm đó tôi 17 tuổi, và không hề để ý đến anh.

Thời gian qua đi, phải đến 8 năm sau, từ Hải Phòng anh lại gửi cho tôi một bài thơ có nhan đề: "Mùa thu em đến bao giờ", trong đó có nhiều câu thơ xúc động. Tôi bắt đầu yêu Tường Vân từ đó".

Tình yêu đến với Tú Quyên từ những câu thơ hay và thật đến xót xa của chàng họa sĩ, thi sĩ nghèo Tường Vân, mặc dù: "Anh Tường Vân người nhỏ thó, khuôn mặt nhiều nếp nhăn từ lúc còn rất trẻ. Anh hơn tôi mấy tuổi thôi mà chúng tôi đi bên nhau bạn bè đều bảo, nhìn chúng tôi giống như hai... bố con vậy".

Hai con người nghệ sĩ đã gặp nhau, và tình yêu khiến cho những bài thơ của Tường Vân như được thăng hoa. Trong tập thơ "Úp mặt vào thời gian", tập thơ duy nhất của đời thơ Tường Vân vừa được bạn bè và gia đình xuất bản, có tới một nửa là dành để viết về người đàn bà mà ông yêu thương nhất trong cuộc đời.

"Hằng tháng, anh Vân từ Hải Phòng về Hà Nội thăm tôi, trên vai đeo cái ba lô con cóc, trong đó có cả quần áo, maket trang trí sân khấu, những bài thơ và cả mực khô nữa. Chúng tôi lang thang khắp phố phường, ngõ ngách Hà Nội, khi thì đi bộ, khi thì bằng xe đạp. Mỗi lần lĩnh tiền nhuận bút, anh dẫn tôi đi ăn tối ở Phú Gia. Chúng tôi thường ghé quán bia Trần Hưng Đạo để gặp các văn nghệ sĩ. Anh Tường Vân có nhiều bạn bè, nhưng thân nhất là họa sĩ Chu Hoạch. Có hôm đi làm về, tôi đã thấy hai anh đứng đợi ở đầu phố Hoàng Diệu. Thế là cả 3 anh em cùng đi chơi luôn. Cuộc sống lúc đó nghèo mà vô tư lắm".

Bởi vì: "Sinh ra hình như anh mắc nợ/ Một điều gì chưa rõ ở nơi em". (Thơ Tường Vân), nên Tường Vân và Tú Quyên cưới nhau, như hồi kết có hậu của bất cứ câu chuyện tình đẹp đẽ nào khác. Đám cưới tổ chức trong tiếng gầm rú của máy bay địch bắn phá Hà Nội. Tường Vân trổ tài họa sĩ, tự thiết kế phông màn cho lễ cưới. Khách khứa đến dự đều thấy ngồ ngộ, khi nhìn ảnh cô dâu, chú rể rất giản dị, đang cười không chút suy tư với cuộc đời, bên trên là dòng chữ "Tường Vân- Tú Quyên lấy nhau". Vâng, hai chữ "lấy nhau" ấy đã là sợi dây kết nối hai cuộc đời trẻ trung lại.

Sau lễ thành hôn, vì không có nhà, đôi uyên ương đưa nhau ở nhờ hết chỗ này đến chỗ khác. Khi thì nhà bố mẹ, anh chị em của Tú Quyên, khi thì nhà bạn bè của Tường Vân. Mồ côi cha mẹ từ lúc nhỏ, nên Tường Vân chỉ có bạn bè để cậy nhờ và Tú Quyên làm chỗ dựa.

Năm 1975 con gái Diệu Linh của họ chào đời. Khi đã là một người mẹ, Tú Quyên bắt đầu cảm nhận những khó khăn chất chồng đang đợi mình phía trước. Tường Vân vẫn làm việc ở Hải Phòng, đi đi về về mỗi tuần, không bao giờ có một chút tiền trong túi đưa cho vợ. Đã thế, chàng thi sĩ họ Nguyễn lại còn ham rượu. Lúc nào ông cũng cần rượu. Tú Quyên lo nhất những ngày đi làm về đến gần nơi ở, bọn trẻ con mách Tường Vân uống rượu say và bị ngã.

"Anh Tường Vân gần như không thể sống một ngày mà không có rượu. Anh là người yếu đuối. Sâu trong tâm hồn là nỗi tuyệt vọng, cô đơn không gì khỏa lấp. Anh cũng dằn vặt vì không giúp được gì cho vợ con. Nhiều lúc anh hy vọng đời sống của anh sẽ thay đổi, và anh hứa hẹn. Nhưng sự thật thì anh không làm được gì, ngoài thể xác mỗi ngày một héo hon đi".--PageBreak--

Hoang mang trước đời sống không nhà không cửa, Tú Quyên chuyển sang làm công tác thống kê, một công việc chẳng liên quan gì đến hội họa. Cơ quan phân cho gia đình Tú Quyên một phòng ở rộng chừng 8m2, thế cũng đủ để Tú Quyên thấy an tâm trước cuộc đời. Và chôn chặt niềm đam mê nghệ thuật trong lòng để làm một công chức bình thường, đảm đương đời sống gia đình, với hy vọng một ngày nào đó sẽ được quay trở lại ngồi bên giá vẽ.

Nhưng đời sống vốn nhiều trắc trở. Thời gian như chiếc vòi bạch tuộc, nuốt chửng những hy vọng và mộng tưởng của con người, đẩy chúng ta mỗi ngày xa hơn chính những điều mà chúng ta hướng tới. Tường Vân có lúc nhìn vợ long đong chuyện cơm áo cuộc đời mà không khỏi xót xa: "Nỗi éo le của đời/ Như dặng núi chặn lòng ta" (Éo le).

Nhưng ông là hiện thân của hình ảnh người nghệ sĩ bất lực trước cuộc đời. Ông không biết làm thế nào để cất đi gánh nặng trên vai người vợ trẻ, cũng là một nghệ sĩ. Bởi vì chính cái bóng của ông cũng đang mỗi ngày một nhỏ dần, nhỏ dần trong không gian chật hẹp và vô tình của cuộc sống. Cái chết tiễn biệt ông. Nhưng chắc chắn là ông đã không tiễn biệt được những nỗi giày vò trong lòng mình. Không tiễn biệt những khát khao thực ra vẫn mạnh mẽ cháy như một ngọn lửa. Nó hiện hữu trong những câu thơ ông để lại.

Bà Tú Quyên nhận lấy những đòn đau số phận. Người đàn ông của bà đã ra đi vĩnh viễn, chỉ còn lại trên tay bà là cuốn sổ với những bài thơ chất chứa tâm trạng buồn đau của người nghệ sĩ mà ông để lại. Ngoái lại phía sau là kỷ niệm. Nhìn về phía trước là tương lai dằng dặc, nỗi cô quạnh với bao nhiêu lo âu thường nhật. Nước mắt nhiều đêm ướt gối, bà tự thấy thương mình. Những ngày hạnh phúc không có được bao nhiêu trong đời. Yêu nhau, lấy nhau rồi xa cách. Bao lần bà đứng trên ga tàu ôm con, đợi chồng rồi lại tiễn chồng. Bao nhọc nhằn đè nặng hai vai mỏng manh của người đàn bà.

Vào đúng lúc cơ quan tinh giảm biên chế, bà lại phải về nghỉ việc sớm. Hai mẹ con lần hồi rau cháo nuôi nhau. Bà ra chợ, mua mớ rau, quả trứng, buôn đi bán lại để kiếm vài đồng lãi mỗi ngày. Đêm về bà ôm tập thơ của chồng trên tay, như ôm đứa con mà ngủ. Trong những giấc mơ, kỷ niệm đẹp thời yêu nhau vô tư, trong sáng lại bay về.

Bà biết, cho đến lúc rời xa cõi đời, chồng bà vẫn mơ ước xuất bản được một tập thơ. Nhưng mấy chục năm trôi qua bà vẫn không có đủ tiền để làm được việc ấy. Những bài thơ trong sổ tay của Tường Vân được bà đọc đi đọc lại trong những đêm dài đơn lạnh, buồn khổ và nghèo đói. Nước mắt của bà cũng đã thấm ướt từng trang viết của ông.

Bà kể: "Có giai đoạn tôi tuyệt vọng cùng cực. Chồng thì đã mất. Dù khi còn sống, anh cũng chẳng đỡ đần được gì tôi về kinh tế, nhưng anh là nguồn ánh sáng để mỗi khi đau buồn, tôi có thể hướng tới. Tôi thấy mình chao đảo như một con diều đứt dây, hoàn toàn mất phương hướng. Công việc không có, nhà cửa chật chội, con gái thì nhỏ dại. Nghĩ về niềm đam mê hội họa và những gì đã được học ở trường, tôi nhận ra bấy nhiêu năm tôi đã tự rời xa chính mình.

Tôi mang hết những bức tranh mình đã vẽ thời còn trẻ ra và đốt cho bằng sạch. Tôi đốt tất cả mọi thứ như để từ nay đoạn tuyệt với chính mình. Nhưng khi cầm đến tập thơ của Tường Vân để lại thì tôi khóc. Và tôi giữ lấy. Để một ngày tôi sẽ in thành sách cho anh".

Ngày Thơ rằm tháng giêng vừa rồi, hai mẹ con bà Tú Quyên sung sướng mang tập thơ "Úp mặt vào thời gian", được xuất bản nhờ sự giúp đỡ của đông đảo bạn bè yêu mến thơ Tường Vân ra Văn Miếu. Bà rưng rưng nước mắt khi nhìn thấy thơ của chồng đang nằm trên tay độc giả. Và bà cứ ngồi yên lặng cả buổi như vậy để nhìn ngắm mọi người. Bà tưởng như người đàn ông của mình đang bước ra từ trang giấy thơm hương và mỉm cười.

Hôm nay ngồi nhìn bà Tú Quyên cầm lại cây cọ để vẽ, tôi thấy lòng bà dường như đã tìm được sự thanh thản. Tâm nguyện in tập thơ cho người chồng quá cố đã hoàn thành. Bà chỉ còn mong mỏi con gái Diệu Linh sẽ gặp được người đàn ông yêu thương mình và có được một gia đình hạnh phúc. Số phận đã mang đến cho bà một mối tình. Mặc dù sau những ngọt ngào của tình yêu là muôn vàn cay đắng, thậm chí là cả những hy sinh không thể diễn tả bằng lời. Nhưng bà tuyệt nhiên không hờn giận đời sống.

Bà cho rằng, mỗi chúng ta đều phải biết chấp nhận những cái giá cho sự lựa chọn của mình. Bà đã lựa chọn gắn kết cuộc đời mình với một thi sĩ. Bà đã tình nguyện "nhốt" con người nghệ sĩ của mình lại, thu nhỏ bản thân mình lại để trở thành một người đàn bà bình thường nhất. Và có nhiều tâm sự bà cũng quyết "đóng kín", "niêm phong lại", không muốn chạm vào nữa.

Rồi bà đọc những câu thơ mà chàng thi sĩ yếu đuối của bà năm nào đã viết tặng bà trong những cơn say, và trong tình yêu thiết tha không bờ bến: "Người thương ơi/ Em đã mở ra trong anh/ Hộp đàn bao lâu đóng kín/ Tháng năm hò hẹn/ Tháng năm thai nghén cuộc đời..."

Bình Nguyên Trang
.
.