Tên thầy thuốc cứu mình, là bác sĩ Sơn…

Thứ Bảy, 25/02/2017, 11:45
Đúng như lời nghệ sĩ Văn Hanh tổng kết, Bs. Sơn hội đủ trong người mình cả hai chữ Tâm và Tài. Và cả hai chữ đẹp nhất ấy đã được Bs. Sơn dâng hiến trọn vẹn cho người bệnh...

Thông thường, bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, chỉ nhớ thật giản đơn tên người thầy thuốc cứu mạng mình, là bác sĩ Sơn, dù vị bác sĩ (BS) này đã đạt đến và được gọi tên với những chức danh cao quý: GS, TS, Thầy thuốc nhân dân, và hiện lãnh trọng trách: Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện (BV) Việt Đức.

Bố tôi, nghệ sĩ hát trên Đài TNVN từ 1955, chỉ nhớ Bs. Sơn, cắt mổ ung thư đại tràng cứu ông, khi đã 85 tuổi, đau bụng cấp cứu, tưởng chết năm 2012, tại BV Việt Xô. Từ đó đến nay, bố tôi khỏe mạnh. Năm nay 90 tuổi, ông vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú 2016 và là người cao tuổi nhất trong đợt phong tặng. Ông đã tâm sự: "Không có cái đận Bs. Sơn mổ thì bố chết con ạ. Vị BS này quá giỏi, vừa có tâm lại vừa có tài. Bố biết ơn và thán phục lắm!".

Đấy cũng là cảm nhận và đánh giá của tôi, khi tôi bị cấp cứu, mà không hề biết mình cũng bị bệnh như bố. Cuối tháng 4-2016, tôi đau bụng, vào cấp cứu tại Khoa Tiêu hóa BV Việt Đức, được khám, xét nghiệm, kết luận viêm túi thừa cấp, không một từ nào liên quan tới... ung thư.

Sau mấy ngày đau, vào một chiều muộn, xuất hiện bên giường bệnh của tôi một BS tuổi chừng 50, trẻ hơn tôi khoảng chục tuổi, vẻ mặt phúc hậu, cười rất tươi, cất lời chào tôi và thân mật hỏi: "Chị chắc chẳng nhận ra em? Em nhận ra chị ngay, vì vẫn thấy chị trên truyền hình, chương trình Giai điệu tự hào. Em vẫn nhớ lần chị đưa bố chị vào mổ ở BV Việt Xô, chị em quen biết, cùng bàn bạc về chuyện mổ và điều trị sau mổ cho ông cụ. Hôm ấy đúng lịch mổ của em từ Việt Đức sang Việt Xô, nên em được mổ cho cụ. Dăm năm rồi, giờ ông cụ chắc ổn chứ chị?".

Nghe Sơn nhắc, tôi nhớ ngay, dù đang đau cũng gắng cười và cho Sơn biết: "Ông Văn Hanh bố tôi, từng là bệnh nhân của Sơn, hiện rất khỏe, vẫn đi xe máy đến  thăm bạn bè, dự các cuộc sinh hoạt của nghệ sĩ cao tuổi ở Đài TNVN và CLB Ba Đình, vẫn xem kịch, nghe nhạc, xem truyền hình và mê cả bóng đá Việt Nam lẫn quốc tế. Ông rất mê Ronaldo, người Bồ, đá bóng hay nhất thế giới, nhưng điệu đàng và đa tình quá...".

Nghe tôi kể, Sơn rất mừng. Và Sơn bảo ngay: "Biết chị thích gọi sự vật bằng tên nên em nói thật, bệnh chị đang ở tình trạng rất nặng. Em muốn chị chọn cho mình một trong ba cách sau nhé...".

GS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Việt Đức.

Tôi sốt ruột, nói ngay: "Bs. Sơn ạ, chị là bệnh nhân, đang rất đau và bối rối. Chị không đủ hiểu biết về bệnh của mình để tự lựa chọn. Vậy em làm ơn chọn giúp, cách tốt nhất cho chị". Sơn nghĩ một chút, quả quyết: "Nếu chị đã tin, em sẽ chọn cách tốt nhất cho chị!".

Tôi nhớ trường hợp bố tôi, và biết chính Sơn đã chọn cách xử lý cho cụ. Tôi liền nói: "Vậy cho chị biết, chuyện chết chóc có xảy ra với chị không?". Sơn cười, cái cười hiền hậu và sáng bừng mà tôi không thể quên: "Chị ơi, nếu có chết chóc, thì chị em ta cùng dắt tay nhau xuống mồ cho vui chị ạ!". Nghe Sơn nói, tôi thấy yên lòng ngay và đồng ý Sơn sẽ đích thân mổ cho tôi.

"Sơn lại tính xem nên mổ lúc nào?". Lúc đó sắp đến kì nghỉ 30-4, 1-5-2016, và lịch mổ của Sơn thì... kín mít. Sơn lại nghĩ, rồi bảo: "Nếu để sau 1-5 mới mổ thì sẽ nguy hiểm. Vậy em xếp lịch mổ 2 giờ đêm nay, 28-4, cho đến sáng chị nhé". Tôi gật đầu và tự chuẩn bị tinh thần chịu ca mổ giữa đêm mà không lo nghĩ gì thêm.

Trong thâm tâm, tôi thực lòng rất tin tay nghề và ứng xử tinh tế của Bs. Sơn trong cuộc đối thoại hi hữu giữa chúng tôi... Tôi chỉ mở được mắt khi trời sáng bạch, trên xe cáng được đẩy từ phòng mổ, đi dưới các vòm cây cao bóng cả của vườn cây trong BV Việt Đức, trở về giường bệnh của mình ở tầng 7, của ngôi nhà cao nhất và đẹp nhất khuôn viên BV Việt Đức, trong sự mừng rỡ của con gái và con rể, vì ca mổ đã hoàn tất tốt đẹp.

Sau tôi được biết Bs. Sơn đã phải "chiến đấu" căng thẳng với đường huyết lên xuống rất thất thường của tôi khi mổ, và vài sự cố gay cấn khác, vì tôi vào cấp cứu khá muộn. Thế là tôi đã thoát hiểm, phải nằm điều trị vết mổ ở BV Việt Đức mấy tuần, rồi chuyển sang BV Nội tiết TW điều trị đường huyết và xuống BV K3 Tân Triều, điều trị thuốc uống sau mổ ung thư đại tràng.

Sau 4 tháng, tôi về lại Việt Đức, điều trị hóa chất theo phác đồ sau mổ, với thời gian 6 tháng và 12 đợt truyền hóa chất, bắt đầu từ tháng 10-2016, đến đầu tháng 4-2017. Nhờ có sự giúp đỡ thân tình của Bs. Lan Hương siêu âm, nhờ có cuộc hội chẩn do Bs. Sơn tổ chức, theo phương pháp đối thoại trực tiếp giữa các BS và bệnh nhân, mà tôi chưa từng nghe, từng thấy ở BV nào, ngoài Việt Đức.

Cuộc hội chẩn trực tiếp với bệnh nhân, với các BS giỏi chuyên môn từ các BV khác, được Bs. Sơn mời đến, bàn về trường hợp của tôi, nên sau đó, tôi hoàn toàn yên tâm điều trị hóa chất, từ phác đồ sau hội chẩn, mà Bs. Sơn đã chọn cho tôi...

Là nhà báo, trong thời gian gần một năm là bệnh nhân của Bs. Trịnh Hồng Sơn, tôi được chứng kiến một đoạn trường rất khó khăn của Bs. Sơn trong chính sự nghiệp của mình, trong cương vị nhà quản lý. Ông từng được/bị điều chuyển sang làm Giám đốc BV Hữu nghị Việt Xô. Ông đã phải viết tâm thư, đăng công khai trên báo chí, gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, từ chối việc điều động này, khiến ông không phát huy được năng lực, sở trường của mình và khẳng định ông sẽ không rời BV Việt Đức, với lý do chính đáng.

Bởi, ông công tác tại BV Việt Đức đã ba chục năm ròng, đã thực hiện hàng vạn ca mổ tại đây, đã chủ trì nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học thành công, đã đào tạo nhiều cán bộ y tế có tay nghề cao, đặc biệt giỏi chuyên môn về Ngoại khoa. Và lý do căn cơ, giản dị nhất, theo tôi, vì GS, TS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức là một BS rất giỏi về chuyên môn, rất tận tâm trong công việc và hết lòng vì người bệnh.

Đúng như bố tôi tổng kết, Bs. Sơn hội đủ trong người mình cả hai chữ Tâm và Tài. Và cả hai chữ đẹp nhất ấy đã được Bs. Sơn dâng hiến trọn vẹn cho người bệnh. Tuy nhiên, sau việc viết tâm thư khước từ ấy, ông không được nhích khỏi vị trí Phó Giám đốc của mình, mà ông biết, nếu được, ông sẽ phát triển tối đa ánh sáng của hai chữ Tâm, Tài trong chính nghề BS của mình.

Tôi nghĩ, riêng chuyện này, ông không gặp thời và vì thế, ông cũng khó giữ được những BS học trò giỏi, vốn cùng làm việc ăn ý với ông, nay đã di chuyển sang BV khác, để có thể thăng tiến hơn về quản lý và chuyên môn. Tôi từng đối thoại với Bs. Sơn về những BS chuyển đi này, và thấy Sơn nở một nụ cười buồn, nhưng lấp lánh lạc quan: học trò em đi sang chỗ khác được thăng tiến hơn, em mừng, và xem như có những cánh tay nối dài, chị ạ...

GS. Trịnh Hồng Sơn, trưởng đoàn công tác khám từ thiện tại 2 xã vùng sâu vùng xa của Lai Châu do Bộ Y tế và Đoàn TNCS HCM phát động.

Rồi Sơn chuyển câu chuyện theo hướng khác, đầy phấn chấn, về một giấc mộng không xa vời, mà Bs. Sơn đã khởi dựng hai mô hình phát triển cho BV Việt Đức trong tương lai: Mô hình Việt Đức 1, nhằm 4 mục tiêu lớn: Một: Phát triển khu vực dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của bộ phận người bệnh có khả năng chi trả hợp lý mức giá tương đương với mặt bằng của các cơ sở tư nhân đang áp dụng tại Việt Nam. Hai: Là viện nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu. Ba: Tiếp tục phát triển các kĩ thuật mũi nhọn, đặc biệt là ghép tạng. Bốn: Thành lập trung tâm chẩn đoán và điều trị các bệnh về gan, mật, tụy, mang tên GS Tôn Thất Tùng.

Mô hình Việt Đức 2 được thiết kế trên cơ sở như Việt Đức vận hành hôm nay. Một: Phải đảm bảo chất lượng chuyên môn trong khám chữa bệnh và đổi mới cung cách phục vụ nhằm tăng mức độ hài lòng của người bệnh. Đưa BV Việt Đức đạt tiêu chuẩn BV hạng đặc biệt, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế ngang tầm thế giới và khu vực. Hai: Duy trì nguồn nhân lực cao. Ba: Phát triển các kỹ thuật cao mũi nhọn, như phẫu thuật thần kinh, phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, tế bào gốc, ung bướu. Bốn: Phát triển một số chuyên khoa Nội: Tim mạch, tiêu hóa, gan mật... Năm: Cải tiến cung cách phục vụ...

Nghe những ý tưởng rất thuận cho phát triển BV Việt Đức, mà có ý tưởng đã chuyển hóa thành hiện thực, tôi phỏng vấn Bs. Sơn: Vậy, nếu được chọn, Bs. Sơn thích mô hình nào? Thì Sơn có câu trả lời ngay: Chọn mô hình 1, với 4 mục đích căn cơ nhất, nhằm phát triển một mô hình BV cao cấp mang tên Việt Đức 1.

Và không chỉ phát triển mô hình ấy, Sơn còn có sáng kiến xây dựng và điều hành - trong khả năng thành công một cách hiện thực - Chương trình THS thử nghiệm đào tạo BS nội trú BV đa khoa tỉnh, được vận hành tại một số BV đa khoa, như BV đa khoa tỉnh Nam Định, Bắc Giang, Bắc Ninh và Quảng Ninh, giai đoạn từ 2016 đến 2018.

Chương trình này được GS, TS Trịnh Hồng Sơn thiết kế trên chương trình đào tạo BS nội trú của Trường Đại học Y Hà Nội, với điều kiện: người tham gia chương trình phải trên tinh thần tự nguyện.

GS, TS Trịnh Hồng Sơn đã quy định về đào tạo chương trình này rất rõ, với 5 phần: Nội dung, Nguyên tắc, Hình thức đào tạo, Khung chương trình đào tạo, Thi hết môn và Thi tốt nghiệp. Chương trình này sẽ giúp BS trẻ mới ra trường tại BV tỉnh, được tiếp cận sâu kiến thức cơ bản, nhằm giúp người bệnh tại địa phương, đồng thời được trang bị kiến thức để sau đó, họ sẽ được lên các BV Trung ương, để được đào tạo thêm.

Sơn thú nhận: Đang muốn tôi giúp tổ chức cho giảng viên và sinh viên, nhất là sinh viên báo chí của tôi, trong trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG Hà Nội, để nghe GS, TS Trịnh Hồng Sơn trò chuyện, mạn đàm về tình hình bệnh ung thư đang SOS ở Việt Nam và phát động việc hiến tạng cứu người đang rất cấp thiết ở Việt Nam, và cũng nhằm giúp sinh viên báo chí truyền thông chính xác về những vấn đề này...

Tôi có cảm tưởng Bs. Sơn như người cứ đi mải miết trên con đường y học mà mình đã chọn và chẳng bao giờ ngưng nghỉ việc hành nghề BS của mình, với tâm niệm hài hòa cả hai chữ Tâm, Tài trong ứng xử với bệnh nhân... Và chính cái tâm thế hành nghề ấy đã ảnh hưởng tích cực đến tôi, một bệnh nhân, có thể đủ sức mạnh tinh thần để sống chung với bệnh ung thư như sống chung với lũ...

Nguyễn Thị Minh Thái
.
.