“Mổ xẻ” bác sĩ phẫu thuật Trịnh Hồng Sơn

Thứ Tư, 14/10/2015, 19:39
Lần đầu tiên tôi gặp Giáo sư - Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Trịnh Hồng Sơn (Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức), anh đề nghị tôi đăng ký… hiến tạng. Tôi nói sau khi thực hiện xong cuộc phỏng vấn này, nếu anh thuyết phục được tôi, tôi sẽ gửi đơn đăng ký đến Trung tâm Điều phối tạng quốc gia mà anh làm Giám đốc…

- Phóng viên: Có lẽ tôi phải chúc mừng anh trước với ca ghép tạng xuyên Việt thành công vừa rồi. Tôi đã chứng kiến nhiều người nín thở theo dõi quá trình vận chuyển tạng và ghép tạng được báo chí đưa tin, rồi sau đó lại xúc động lặng người khi hai ca phẫu thuật đều thành công. Cũng phải cảm ơn anh, vì đã nhận lời trò chuyện với Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng – Cuối tháng sau sự kiện đặc biệt này, vì tôi biết, hình như đây là lần đầu tiên anh nhận lời trả lời phỏng vấn báo chí trong một buổi trò chuyện dài hơi như thế này…

- GS-TS Trịnh Hồng Sơn: Phải thú thật với bạn rằng, khi vào TP HCM để bóc tách tạng từ cơ thể người hiến và vận chuyển ra Hà Nội, chuẩn bị cho ca ghép tạng xuyên Việt này, tôi đã hơn một lần cau mày khi thấy báo chí đưa tin quá nhiều. Bao năm nay chúng tôi vẫn thực hiện những ca như thế này ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng chưa lần nào nhận được sự quan tâm đặc biệt đến thế từ truyền thông. Và không phải lúc nào tôi cũng hưởng ứng sự quan tâm ấy, như trong trường hợp vừa rồi là một ví dụ.

Là bác sĩ, tôi hiểu rằng xác suất để hai ca phẫu thuật ghép tạng ấy thất bại là hoàn toàn có thể xảy ra, nhất là sau quá trình vận chuyển vô cùng phức tạp như thế. Và nếu trường hợp xấu nhất, chúng tôi phẫu thuật không thành công, thì câu chuyện này sẽ trở nên phản cảm. Và tôi lo lắng, không phải cho danh tiếng của mình hay của bất cứ bác sĩ nào cùng đi với tôi. Tôi lo rằng sự thất bại này (nếu xảy ra) sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của rất nhiều người, làm cho người ta có ấn tượng xấu về việc hiến và ghép tạng. Nếu như thế, công sức của chúng tôi mấy năm qua sẽ đổ xuống sông xuống biển. Nhưng thật may, ca phẫu thuật đã thành công!

Giờ thì tôi cảm ơn báo chí. Bởi có lẽ, câu chuyện vừa rồi, với sự giúp đỡ của các bạn, đã gây tác động đến suy nghĩ của nhiều độc giả, thay đổi nhận thức của không ít người. Chỉ sau một ngày, việc hiến tạng - vốn xa lạ trong bao năm qua với nhiều người Việt Nam, nay đã trở nên rất chân thực, sống động qua một câu chuyện, khi họ hiểu được việc làm đó có thể thay đổi số phận rất nhiều con người và rất nhiều gia đình.

Vì thế khi nhận được lời đề nghị của bạn, tôi cân nhắc và đồng ý. Không phải tôi không có chút ngại ngần với báo chí. Trong những năm qua ngành Y chúng tôi bị báo chí “tô đen” nhiều hơn “tô hồng”, trong khi sự thực nó cũng không đến mức bị “đen” như thế. Nên hầu hết chúng tôi đều chỉ tiếp xúc với báo chí ở mức chừng mực, chứ chưa bao giờ cởi mở. Tôi tâm niệm mình chỉ cần im lặng và làm thật tốt, rồi cái sự “bôi đen” kia sẽ dần bị xoá nhoà đi. Nhưng nếu thực sự việc lên báo mà có thể giúp mọi người hiểu và ủng hộ chuyện hiến tạng, để có những người có thêm cơ hội được sống, thì dù có phải “trả giá” một chút với truyền thông, tôi cũng sẵn lòng. Vì thế tôi ngồi đây với bạn, chấp nhận bị bạn “mổ xẻ”!

- Anh nhận lời trò chuyện với một nhà báo, mà cách anh nói làm tôi cứ cảm giác anh đang là bệnh nhân với nỗi ám ảnh chết chóc khi chuẩn bị nằm lên bàn mổ vậy…

- Thì rõ là tôi sợ mà. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng sợ các bạn. Người bác sĩ chúng tôi trước mỗi ca phẫu thuật đều hiểu rằng biến chứng sau mổ là điều luôn có thể xảy ra. Tôi cũng biết khi mình xuất hiện trên báo chí, một phát ngôn thiếu cẩn trọng cũng có thể để lại hậu quả cho mình, nhưng tôi chấp nhận sự mạo hiểm này, vì những lý do như tôi vừa nói ở trên, vì sự nghiệp và lý tưởng mà tôi đã lựa chọn. Và tôi hứa sẽ trả lời bạn thẳng thắn, không né tránh bất cứ điều gì!

- Cảm ơn anh với lời hứa về sự thẳng thắn. Hình như thẳng thắn là tính cách nổi bật ở anh. Tôi nghe nói rằng, gặp bất cứ ai, câu cửa miệng của anh cũng là: “Anh (chị) có thể đăng ký hiến tạng không”? Chuyện đó có thật chứ?

- Thói quen đó của tôi hình thành từ 2-3 năm nay, khi Bộ Y tế giao cho tôi làm Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia. Thực ra, ở các nước trên thế giới, những bác sĩ như chúng tôi chỉ thực hiện những công việc thuần chuyên môn, đó là đứng trong phòng mổ, tiến hành những ca mổ để cứu người. Còn việc đi vận động sẽ có một hệ thống chuyên trách, với những người được đào tạo bài bản cả về kiến thức y học lẫn tâm lý học. Họ được trả lương và làm việc rất chuyên nghiệp. Nhưng ở Việt Nam mình chưa làm được việc đó. Trong khi chờ đợi, chúng tôi phải hành động thôi!

Có thể sẽ có người nói cách mà tôi đang làm chưa chuyên nghiệp, chưa khoa học, nhưng trong hoàn cảnh điều kiện mà chúng ta đang có, tôi nghĩ mình không có nhiều sự lựa chọn. Và dù sao thì thà chúng ta cố gắng làm một điều gì đó, sẽ tốt hơn là chúng ta cứ ngồi chờ đợi trong vô vọng.

Tôi cũng thực sự hy vọng một vài năm tới, tôi không phải làm những việc này nữa, vì một hội vận động hiến mô tạng do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm Chủ tịch Hội vừa mới được thành lập tháng 6 vừa rồi. Lúc đó tôi chỉ cần tập trung vào chuyên môn và công tác quản lý bệnh viện.

- Có bao giờ anh nghĩ rằng, lời đề nghị ai đó đăng ký hiến tạng của anh, một số người sẽ coi đó là khiếm nhã?

- Cũng có người khi tôi đề nghị đã kêu tôi “độc mồm độc miệng”. Họ bực bội vì nghĩ tôi đang rủa họ chết, hoặc những lời tôi nói như điềm gở với họ vậy. Cũng có người chỉ cười gượng quấy quá cho qua chuyện. Nhưng vẫn có người hiểu tôi và đồng ý ghi tên mình vào đơn đăng ký hiến tạng. Và với tôi, nếu mình đề nghị 100 người, chỉ cần một vài người đồng ý, thế cũng được gọi là thành công rồi. Có thể nhiều người sẽ nói tôi rỗi hơi mới đi nói những lời khiến bản thân mình có thể bị ghét như thế. Nhưng tôi muốn chia sẻ với bạn những con số này, để bạn hiểu lý do tại sao. Tôi phải nói rất thành thật là tỉ lệ người cho tạng bây giờ quá ít, đến mức không có thống kê.

Một năm trung bình nước ta có khoảng 11 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể những người chết vì các loại bệnh tật khác. Trong 11 nghìn người chết vì tai nạn giao thông, theo tôi phải có 1/3 được xác định là chết não. Nếu tất cả những nạn nhân trong những vụ tai nạn giao thông này đều đồng ý hiến tạng từ trước đó, thì sẽ cho rất nhiều người cơ hội sống khoẻ mạnh. Ví dụ chỉ trong 2 năm, có thể sẽ có đến 2/3 danh sách những bệnh nhân đang chờ ghép gan bây giờ được cứu.

Ở nhiều nước phương Tây, nếu người bị chết não không có đơn từ chối cho tạng từ trước, thì theo quy định của pháp luật, các bác sĩ được quyền mặc định người đó đã đồng ý hiến tạng cứu người. Ở Việt Nam, trong tình huống đó chúng tôi phải xin phép thân nhân, gia đình. Nó chẳng dễ dàng gì trong hoàn cảnh họ đang phải trải qua những mất mát, đau thương quá lớn. Họ có thể từ chối, có thể đồng ý. Và nếu họ từ chối, nhiều người đã mất cơ hội được cứu sống.

Ca ghép tạng đầu tiên của chúng ta là ghép thận năm 1992. Năm 2004 chúng ta ghép được gan. Năm 2010 chúng ta ghép được tim. Năm 2011 ghép được tụy. Nhưng đến giờ, chúng ta mới ghép được 13 ca tim, ghép gan được 37 trường hợp. Mà mỗi năm, phải có khoảng 1.500 người có nguyện vọng ghép gan. Trong khi lẽ ra, nếu có được sự ủng hộ của toàn xã hội, mỗi năm ít ra chúng ta đã có thể cho ít nhất 1.500 người cơ hội được bắt đầu cuộc đời thứ hai của mình. Cứ nhìn hai bệnh nhân được ghép tim và gan trong hai ca phẫu thuật vừa rồi đang hồi phục và khoẻ mạnh lại mỗi ngày, tôi càng thấy không có lý do nào để tôi không tiếp tục làm công việc mà bạn gọi là “khiếm nhã” ấy, khi tôi còn có cơ hội.

- Vì sao ở các nước phương Tây, như anh nói, người dân lại nhìn vấn đề hiến tạng cởi mở hơn người Việt Nam?

- Có thể một phần là do họ đã xây dựng được một hệ thống pháp luật chặt chẽ về vấn đề này; cũng có thể một phần là do những khác biệt về văn hoá. Và một điều nữa là ở các nước này, những người đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống tôn giáo, như tổng thống, giáo hoàng… là những người đi đầu làm gương cho cả xã hội. Và họ chính là những người tuyên truyền, là những người có sức ảnh hưởng lớn nhất. Cái gì mà những con người có khả năng gây ảnh hưởng ấy đã làm, thì người khác cũng sẵn sàng làm theo.

Ở Việt Nam, sự làm gương của các quan chức và những người có ảnh hưởng xã hội chưa nhiều. Nhưng tôi nghĩ đó là cái có thể hiểu được, vì hiến tạng là khái niệm quá mới mẻ ở Việt Nam. Và một nước Á Đông vẫn còn giữ những quan niệm truyền thống sẽ không dễ dàng chấp nhận nó trong một sớm một chiều.

Thật ra cốt lõi của vấn đề này là sẽ có bao nhiêu người Việt Nam tình nguyện đăng ký hiến tạng. Nếu ngành Y Việt Nam có sự ủng hộ của đa số người dân trong lĩnh vực này, thì việc một quan chức có đăng ký hiến tạng hay không cũng không còn quá quan trọng. Nhưng trong hoàn cảnh mà nhận thức của xã hội về vấn đề này chưa thực đầy đủ, thì một quan chức hay một người nổi tiếng nào đó đứng ra tiên phong đăng ký hiến tạng, chắc chắn tấm gương của họ có thể tạo ra sức ảnh hưởng bằng cả nhóm chúng tôi vận động trong vài năm trời. Và nó sẽ cứu sống rất nhiều người, đó là điều vô cùng kỳ diệu.

- Vậy tại sao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến không đứng ra làm gương?

- Bộ trưởng Bộ Y tế đứng đầu danh sách những người hiến tạng đấy. Nhưng một mình chị Tiến thôi thì chưa đủ. Cần thêm cả những người lãnh đạo chính quyền và cả những nhà lãnh đạo tôn giáo trong cả nước nữa, thì mới tạo ra được tầm ảnh hưởng thật sự!

- Còn anh và gia đình anh thì sao?

- Nếu gia đình tôi không là những người “làm gương”, thì thật khó để tôi có thể giơ cái bản đăng ký tình nguyện hiến tạng đi gặp hết người này người kia để vận động họ. Gia đình tôi đều đã đăng ký từ mấy năm trước một cách hết sức vui vẻ. Riêng con gái út của tôi năm nay mới học cấp 3 cũng suốt ngày đề nghị với bố được tham gia, nhưng tôi muốn đợi đến lúc cháu 18 tuổi rồi mới để cháu quyết định. Tôi tôn trọng và vui mừng trước sự chia sẻ của con, nhưng muốn cháu lựa chọn khi đã có sự chín chắn của một người trưởng thành.

- Nếu tôi đăng ký tham gia hiến tạng, tôi chắc chắn muốn biết, việc ghép tạng có được tiến hành công bằng? Liệu có bao giờ người giàu có, người có quyền lực sẽ được ưu tiên hơn những người thấp cổ bé họng?

- Sự thật là chi phí ghép tạng quá cao, có thể từ vài trăm triệu đến 1-2 tỷ. Nên đến giờ, nếu không có sự ủng hộ của những nhà hảo tâm, chỉ có những người bệnh có điều kiện kinh tế nhất định mới có thể trang trải được chi phí của một ca phẫu thuật phức tạp như ghép tạng. Nhưng tôi có thể đảm bảo, việc điều phối tạng là công bằng, theo thứ tự đăng ký trong danh sách, người bệnh nặng hơn sẽ được ưu tiên trước. Tôi cũng đang xây dựng một danh sách chờ ghép quốc gia và sẽ công khai danh sách đó trên website chính thức của trung tâm. Để bất cứ ai cũng có thể vào website và xem được danh sách để đối chiếu và kiểm tra sự minh bạch của việc làm này. Và những bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng cũng có thể vào đây đăng ký.

Tôi mong rằng, danh sách chờ ghép quốc gia này sau khi hoàn thành, bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy mỗi ngày có bao nhiêu bệnh nhân có nhu cầu được ghép tạng, có bao nhiêu người vì không được ghép tạng mà phải chết. Tôi tin, những con số đó sẽ thức tỉnh được xã hội, để có sự lựa chọn tử tế và ý nghĩa nhất. Nhiều lúc tôi nghĩ, chừng nào mình làm được những điều này, thì mình có chết cũng cam lòng!

- Nếu tôi đồng ý đăng ký hiến tạng trong trường hợp tôi rơi vào trạng thái chết não, tôi có thể hỏi anh, làm thế nào để gia đình tôi, những người không có chuyên môn về y khoa có thể biết chắc chắn rằng tôi không còn cơ hội hồi phục?

- Giải thích bằng ngôn ngữ y học thì có thể rất cao siêu, nên tôi chỉ muốn nêu ra những đặc điểm mà người không có kiến thức y khoa cũng nhận biết được. Người bị chết não là người đã rơi vào trạng thái hôn mê sâu, không còn có khả năng tiếp xúc với thế giới bên ngoài; không có khả năng tự thở, tự vận động và mất hết tất cả các phản xạ (phản xạ thân não, phản xạ ho, phản xạ nuốt…). Đó là những triệu chứng lâm sàng, trước khi tiến hành các phương pháp cận lâm sàng như điện não đồ, chụp mạch não hoặc siêu âm doppler xuyên sọ để kết luận một cách chính xác. Việc này đã được pháp luật quy định. Ở một số bang của Mỹ, thậm chí không cần những tiêu chuẩn cận lâm sàng, chỉ cần những dấu hiệu lâm sàng và có bác sĩ có kinh nghiệm kết luận là đủ. Nên sẽ không bao giờ có chuyện nhầm lẫn (nếu bạn lo sợ về điều đó)!

- Khi nãy anh có nói, hình ảnh người bác sĩ bị “bôi đen” khiến anh e dè với báo chí. Nghĩa là khi xã hội có cái nhìn mỗi ngày một tiêu cực đi về nghề nghiệp của mình, anh đã bị tổn thương?

- Tôi tổn thương chứ! Và tôi tin nhiều đồng nghiệp của tôi cũng bị tổn thương. Vì không phải lúc nào, bức tranh thực sự của nghề nghiệp chúng tôi cũng giống như những gì báo chí và dư luận phán xét. Như trong tuần vừa rồi, tôi đã mắng ba bệnh nhân và làm cho họ khóc. Bởi tôi không nhận phong bì của họ. Những việc đó vẫn diễn ra thường xuyên và có nhiều người chứng kiến. Nhưng chả nhẽ, mỗi khi ai đó nói xấu nghề nghiệp của mình, tôi lại mang chuyện đó ra kể?

- Thế nghĩa là anh là bác sĩ không - nhận - phong - bì?

- Tôi không cực đoan như thế. Có những bệnh nhân đưa phong bì, tôi cầm. Có những bệnh nhân đưa, tôi sẽ trả lại. Tôi vẫn nhận phong bì, nhưng có nguyên tắc trong việc đó.

Thứ nhất, tôi không bao giờ nhận phong bì trong quá trình điều trị. Nhiều người đưa cho tôi theo cách đó, và tôi từ chối, vì với tôi đó là sự xỉ nhục. Nhưng nếu sau khi bệnh nhân xuất viện, họ tìm đến cảm ơn tôi bằng phong bì, hay bằng một món quà nào đó, tôi nghĩ mình có quyền nhận món quà đó, như một sự ghi nhận của gia đình bệnh nhân với tôi. Nếu họ không có gì, tôi cũng không lấy đó làm buồn hay khó chịu. Dù chỉ nhận được lời cảm ơn là một bao thuốc lá, tôi cũng không vì thế mà ân hận vì mình đã hết lòng với người bệnh những ngày trước đó.

Tôi có thói quen ghi chép hồ sơ của mọi bệnh nhân. Tôi tìm hiểu hoàn cảnh của từng bệnh nhân mà tôi điều trị. Rất nhiều những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, tôi chỉ giúp họ, chứ không bao giờ lấy gì của họ. Những người đó nếu có tìm cách đưa phong bì cho tôi, tôi sẽ mắng! Thế nên, chuyện phong bì của bác sĩ, không phải lúc nào cũng méo mó như những gì báo chí phản ánh.

- Anh có khó chịu nếu tôi hỏi về thu nhập hiện nay của anh

- Hiện tại ngoài lương cơ bản, tôi còn có thu nhập từ mổ dịch vụ. Tổng thu nhập có thể tầm 30 triệu.

- Đó không phải một con số tệ, nhưng chưa ấn tượng với một bác sĩ hàng đầu như anh. Nhưng lẽ nào tất cả chỉ có thế? Tôi tin anh phải có những khoản thu khác, từ quà cáp của các bệnh nhân, hay khi nhận những ca mổ bên ngoài?

- Tôi không phủ nhận việc đó. Thi thoảng có những ca khó, các bệnh viện tư hoặc các bệnh viện địa phương mời tôi về mổ. Cơ chế của họ với bác sĩ phẫu thuật như tôi không tệ. Và tôi thấy không có lý do gì mình từ chối việc đó nếu mình thu xếp được thời gian. Mình vừa kiếm được tiền, vừa cứu được người, vừa được làm công việc mình yêu thích. Nhưng quan trọng nhất là trong những buổi mổ ấy, tôi có thể tranh thủ hướng dẫn cho các bác sĩ trẻ, đào tạo lớp kế cận sau này.

- Anh không ngại nói ra những điều này anh sẽ bị ảnh hưởng, nhất là với cương vị anh đang có?

- Trước hôm nay, tôi vẫn tiếc là mình không bao giờ được mời tham gia một hội nghị nào đó nói về vấn đề phong bì của ngành Y, để có cơ hội nói thẳng những suy nghĩ này của mình. Như tôi đã nói ban đầu với bạn, khi tôi trao “dao mổ” cho bạn, thì tôi chấp nhận mình sẽ bị “mổ xẻ”, và tôi sẽ thẳng thắn với mọi vấn đề. Bạn hỏi tôi có ngại nói về chuyện phong bì không? Câu trả lời là không. Nói chuyện này thì dài lắm, nhưng tóm lại có một sự thực là bản thân tôi cũng như nhiều bác sĩ trong ngành Y vẫn nhận phong bì. Đó là chuyện mà chúng ta không nên né tránh. Chỉ là mình nhận nó theo cách nào để vẫn giữ tư cách của một người thầy thuốc trong lòng người bệnh, đó mới là điều quan trọng. Và tôi tin mình chưa bao giờ làm điều gì để phải xấu hổ với nghề nghiệp mà tôi đã chọn!

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này, dĩ nhiên kèm với đó là lá đơn đăng ký hiến tạng của tôi. Hy vọng sau bài phỏng vấn này, anh sẽ nhận được không chỉ một lá đơn đó!

GS.TS Trịnh Hồng Sơn sinh năm 1962 tại Hà Nội, hiện là Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng quốc gia; là thành viên chính thức của Hội phẫu thuật Pháp. Chủ nhiệm nhiều đề tài khoa học cấp nhà nước; là thành viên của nhiều hội đồng chuyên môn. GS.TS Trịnh Hồng Sơn đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế; Huân chương lao động hạng Ba; danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân” cùng nhiều danh hiệu cao quý khác…

Tô Lan Hương (thực hiện)
.
.