Nhân tính của David Hume

Thứ Năm, 29/08/2019, 23:37
Socrates bị ban uống thuốc độc chết. Albert Camus qua đời vì một tai nạn giao thông bi thảm. Friedrich Nietzsche đã sống 12 năm cuối đời trong trạng thái loạn trí. 


Hậu thế dường như "ưa thích" những kết cục bi thảm, và đó là một trong những lý do khiến triết lý của David Hume (người Scotland, 1711-1776), một trong những triết gia vĩ đại nhất mà phương Tây từng sản sinh, chưa bao giờ thực sự cất cánh.

Ông qua đời ở tuổi 65, sau khi sống một cuộc đời hạnh phúc, chẳng mấy ưu phiền. Ba ngày trước khi chết (vào 25-8-1776) vì ung thư dạ dày, Hume "hoàn toàn không lo lắng, có biểu hiện thiếu kiên nhẫn, hoặc xuống tinh thần, mà ra đi rất thanh thản với sự hỗ trợ của một vài cuốn sách thú vị", theo lời bác sĩ riêng của ông. 

Trước đó, Hume nói với bác sĩ Black, người chăm sóc ông những ngày cuối cùng: "Tôi sẽ chết nhanh chóng như kẻ thù của tôi, nếu có, mong ước, và ra đi nhẹ nhàng thanh thản như những người bạn thân mong muốn".

Vào thời khắc Hume trút hơi thở cuối cùng, bác sĩ đã bị ấn tượng rất mạnh: "Ông ấy tiến đến cái kết một cách hoàn hảo, tự giải thoát khỏi cảm giác khổ ải và đau đớn. Ông ấy không bao giờ cho thấy những biểu hiện nhỏ nhất của sự thiếu kiên nhẫn; mỗi khi có cơ hội để nói chuyện với mọi người, ông ấy luôn làm điều đó một cách tình cảm và dịu dàng, ông ấy đã đi trong một tâm trạng điềm tĩnh và an lành như vậy, khó gì có thể sánh được".

Trong cả cuộc đời mình, Hume chủ yếu được nhớ đến như một nhà sử học, chứ không phải một triết gia. Luận thuyết về bản chất con người, tác phẩm triết học đầu tay của ông, được ra mắt năm Hume mới 26 tuổi, và… chìm nghỉm, "chết ngắc trên mặt báo, không tạo ra sự khác biệt thậm chí đủ để kích thích nổi một tiếng thì thầm từ miệng những kẻ cuồng tín" - như chính ông tự trào, một cách khá cường điệu.

Tuy nhiên, theo thời gian, vị thế của Hume đã đi đến đỉnh cao. Vài năm trước, một cuộc khảo sát đặt câu hỏi cho hàng ngàn nhà triết học hàn lâm rằng trong số các triết gia không còn sống, thì ai là người có ảnh hưởng rõ rệt nhất. Hume đứng đầu bảng, trước cả Aristotle, Kant và Wittgenstein. 

Các nhà khoa học, thường có rất ít thời gian quan tâm đến triết học, cũng coi Hume là một ngoại lệ. Ngay cả nhà sinh vật học Lewis Wolpert, người từng mỉa mai các nhà triết học là "rất thông minh nhưng chẳng nói nổi thứ gì hữu ích ra hồn", cũng phải thừa nhận rằng mình "đã phải lòng" Hume.

Khác với Montaigne, Nietzsche, Socrates, Wittgenstein…, những người ngày nay đã được nhân loại trích dẫn nhiều hơn bao giờ hết, Hume là một tay lãng tử ung dung tự tại. Ông không phải một nhân vật lãng mạn, hoặc sống một cuộc đời bi thảm. 

Những ý tưởng của ông cũng không dễ để chắt lọc thành những trích dẫn triết lý sống trong vòng 1-2 câu; và sự chán ghét của ông với các biểu hiện cuồng tín dưới bất kỳ hình thức nào đã khiến Hume trở nên quá nhạy cảm và ôn hòa đến mức khó có thể truyền thứ cảm hứng mê hoặc đám đông.

"Người nào không tìm thấy một lý do để trở thành người tốt thì anh ta không phải là thiếu lý trí, mà là thiếu trái tim" - David Hume.

Không tử vì đạo

Hume đã có ít nhất hai "cơ hội" để trở thành một anh hùng sống trong bi kịch, như hầu hết các triết gia tiếng tăm khác. Khi Hume 19 tuổi, cậu bị một hội chứng thời ấy gọi là 'Học đến phát bệnh (the disease of the learned), đẩy cậu vào một cơn u sầu dai dẳng mà ngày nay chúng ta nhận diện được là trầm cảm. Tuy nhiên chỉ sau chín tháng, Hume nhận ra ngay rằng đây không phải định mệnh không thể tránh khỏi của người khôn ngoan, mà đơn giản chỉ là kết quả của việc… học quá nhiều. 

Hume biết để duy trì sức khỏe và tinh thần tốt, cậu không chỉ cần học, mà còn phải tập thể dục và tìm kiếm niềm vui với bạn bè. Ngay khi bắt đầu làm theo những điều này, Hume đã lấy lại được niềm vui và giữ nó cho đến hết đời.

Khoảnh khắc đốn ngộ ấy đã dạy Hume một bài học quan trọng về bản chất của một cuộc đời tốt đẹp. Sau này, ông đã viết trong Một thăm dò về sự hiểu biết của con người (1748): "Tâm trí đòi hỏi một chút thư giãn, và không thể lúc nào cũng ủng hộ khuynh hướng căng thẳng và quá tải của nó". 

Cái gì quá cũng không tốt: "Suy nghĩ trừu tượng và những nghiên cứu sâu là tôi loại trừ, và sẽ trừng phạt nặng nề, bởi sự u sầu mà chúng mang đến, bởi sự hoang mang bất tận mà chúng kéo bạn vào".

Theo Hume, cuộc sống "phù hợp nhất với con người" là một "hỗn hợp" mà trong đó chơi bời, niềm vui và những điều tầm phào cũng quan trọng như những thứ được cho là "cao quý hơn". "Hãy là một triết gia", Hume nói, "nhưng, ngoài chuyện triết lý của bạn, thì vẫn nên là một con người".

Năm 1770, Hume cũng được trao một cơ hội tử vì đạo. Ông phải đi qua đầm lầy ở Nor'Loch ở Edinbourgh, nơi giờ là Công viên Princes Street, và bị mắc kẹt ở đó. Khi đang dần chìm nghỉm thì Hume thấy một cô bán cá đi tới. Cô này nhận ra ngay đây là "Hume kẻ vô thần" nổi tiếng, và tỏ ra lưỡng lự. 

Thế là ông năn nỉ: "Cô gái của tôi, phải chăng Chúa vẫn dạy cô là phải làm điều tốt, ngay cả với kẻ thù của mình hay sao?".

Cô gái tuyên bố sẽ cứu Hume, nếu ông chấp nhận cải đạo, trở thành một Ki-tô hữu và cầu Chúa. Hume đã làm gì? Chế giễu sự mê tín của cô nàng vào chịu chết? Không, ông đã hứa lia lịa để được cứu, rồi quên béng luôn lời thề. Sau này, Hume kể lại câu chuyện này thường xuyên, nói vui rằng cô bán cá là một trong những nhà thần học cấp tiến nhất ông từng biết.

Socrates có lẽ đã từ chối được giúp đỡ và sẵn sàng tử vì đạo. Hume thì không. Ông đã chọn lùi bước, giống như Aristotle, một triết gia vĩ đại khác sẵn sàng chạy trốn khi bị kết tội vô lý. Triết lý thật tuyệt vời, nhưng đó không hẳn là cách duy nhất để sống.

Nhưng đó không phải là lý do duy nhất khiến tư tưởng của Hume không được phổ biến quá mạnh mẽ: ông được biết đến với ba luận đề có tính phủ định rất mạnh với kinh nghiệm chung của đa số chúng ta.

Luận đề về nhân quả. Chúng ta thường nghĩ rằng với một sự kiện xảy ra, hẳn phải do nguyên nhân nào đó. Hume phủ nhận điều này. Ông lấy ví dụ với hai quả bóng bi-a: bóng đen lăn đi, đập vào bóng trắng và làm bóng trắng cũng lăn. Hume lập luận rằng ta chỉ được chứng kiến hai quả bóng lăn đi, nhưng không chứng kiến được "nguyên nhân", tức việc quả bóng trắng lăn đi là do bóng đen đập phải. 

Chỉ vì nhiều lần chứng kiến điều đó xảy ra dẫn đến tâm trí ta luôn trông đợi đó là nhân quả, trong khi điều đó chỉ nằm trong tâm thức với kinh nghiệm quá khứ của ta, không phải bản chất bao trùm sự vật.

Luận đề về quy nạp. Đây là một lập luận khiến các tôn giáo khó chịu. Hume cho rằng phép lạ là điều bất hợp lý, bởi bằng chứng cho thấy một việc xảy ra luôn yếu hơn bằng chứng cho thấy nó không bao giờ xảy ra. Sẽ luôn có nhiều khả năng cho thấy người chứng kiến phép lạ đã nói dối hoặc nhầm lẫn, hơn là phép màu thực sự đã diễn ra.

Một ví dụ dễ thấy của phép quy nạp là chúng ta đều tin rằng lần nào thả một quả táo, thì nó cũng sẽ rơi. Hume lập luận rằng chỉ vì ta nhìn thấy nó rơi nhiều lần, bằng kinh nghiệm của ta, không thể kết luận rằng nó luôn luôn rơi. Kinh nghiệm thì chỉ là thứ đúng trong quá khứ, trong khi quy nạp thì phải đúng với cả hiện tại và tương lai mãi mãi sau này.

Lý trí và dục vọng. Hume viết: "Lý trí là, và chỉ nên là nô lệ của dục vọng". Ông lập luận rằng lý trí tự thân nó không cho chúng ta động lực để hành động, và chắc chắn không có nguyên tắc nào của nó đặt nền tảng cho đạo đức của chúng ta. 

Nếu chúng ta tốt thì đó là vì chúng ta có một cảm giác đồng loại cơ bản khiến chúng ta đáp lại bằng sự cảm thông với đau khổ của người khác, và vui vẻ với hạnh phúc của họ. Người nào không tìm thấy một lý do để trở thành người tốt thì anh ta không phải là thiếu lý trí, mà là thiếu trái tim.

Một con người đầy "tính người"

Như ba luận đề cốt lõi này minh họa, triết lý của Hume về cơ bản là hoài nghi, một cách triệt để và "tàn nhẫn". Hume nhìn sâu vào bản chất của con người, tước bỏ mọi sự vờ vĩnh. Với ông, con người không phải là những linh hồn bất tử tạm thời bị giam cầm trong xác thịt. 

Con người trong triết lý của Hume, dù vẫn rất thông minh và cao quý, nhưng vẫn là động vật. Ông phủ nhận cái gọi là "bản ngã" của Descartes, cho rằng đó đơn giản chỉ là một "bó" nhận thức. Con người là những sinh vật bằng xương bằng thịt, của trí tuệ và bản năng, lý trí và đam mê. Vì thế, cuộc sống tốt là giành lại công bằng cho tất cả các đặc điểm nhân tính này.

Hume không bao giờ nói rõ rằng một cuộc sống tốt bao gồm những gì, nhưng ông còn làm điều tốt hơn thế: lấy cuộc đời mình làm ví dụ. Ông nghiên cứu và viết say mê, nhưng cũng là một tay chơi bi-a có hạng và đầu bếp cừ với món đầu cừu hay dùng để tiếp khách. Ông là một triết gia tài ba, nhưng cũng là một con người dễ mến.

Tất cả những người biết Hume, ngoại trừ Jean-Jacques Rousseau có tự ái khá cao (và đã từng cãi nhau với Hume), đều nói rất nhiều về Hume. Trong thời gian sống ba năm ở Paris, khi ông được biết đến với cái tên 'le bon David', Hume được tất cả các xa-lông học thuật tìm kiếm. 

Baron d'Holbach, triết gia vĩ đại người Đức gốc Pháp, đã mô tả Hume là "một con người vĩ đại, người mà tình bạn, ít nhất, tôi biết xứng đáng với giá trị của nó". 

Adam Smith đã viết một bài điếu văn cho Hume khi ông qua đời trên ấn bản thân thiết với ông, tờ báo William Strachan: "Tôi đã luôn luôn nhìn nhận ông ấy, cả khi còn sống lẫn lúc qua đời, với hình dung gần như hoàn hảo về một con người khôn ngoan toàn bích và có đạo đức, như bản chất sự yếu đuối của con người sẽ cho phép".

Đấy hẳn là một cuộc đời mẫu mực, nhưng như đã nói, Hume không phải một nhân vật dễ trích dẫn, và truyền bá rộng rãi. Các triết gia lừng danh thường có những nguyên tắc dễ nắm bắt, còn Hume thì chủ trương chẳng nên có nguyên tắc nào cả. Đạo đức với ông đơn giản chỉ bắt nguồn từ sự đồng cảm, không thể sản sinh từ các suy luận logic, cũng không phải là những điều bất biến trong vũ trụ. 

Trong một thế giới đang có quá nhiều điều cực đoan, thì tư tưởng của Hume có thể là liều thuốc chữa lành, với một tinh thần rất trung dung: tránh lên án quá mức niềm tin tôn giáo và sự cuồng tín, cũng như đừng ca ngợi lên mây xanh sức mạnh của khoa học và lý tính.

Một người theo thuyết Hume sẽ đứng ở lằn ranh mong manh ấy, vẫn khoác chiếc áo học giả, nhưng có thể cởi bỏ nó nhẹ nhàng và biết tận hưởng những niềm vui trần tục. Một con người theo thuyết Hume trước hết là một người bình thường. Một đứa trẻ lớn lên với tinh thần Hume sẽ không chỉ biết học, mà còn tìm được niềm vui trong thức ăn, đồ uống, vui chơi và thể thao, nghệ thuật. Để biết cảm thông nhiều hơn, và sống "con người" hơn.

Trước khi chết, Hume đã viết vài dòng nhẹ nhàng thế này: "Tôi thấy cái chết đang từ từ đến, nhưng không có chút lo lắng hay hối tiếc gì cả". Phải chăng đó là cách khép lại một cuộc đời mà con người nào cũng đang kiếm tìm?

Ban Cầm
.
.