Nhà văn Phạm Ngọc TIến: Tuổi 60 xuyên Việt bằng xe đạp

Thứ Tư, 17/08/2016, 05:48
Nói về chuyến đi xe đạp xuyên Việt khi ở tuổi 60, nhà văn Phạm Ngọc Tiến lý giải, đơn giản chỉ là bây giờ đã về hưu, nghĩa là tự do tuyệt đối. Muốn sử dụng cái tự do tuyệt đối đó để “làm cách mạng với bản thân”.

 

Cái quán cà phê vốn đã nhiều xanh với đỏ, thêm một ông bước vào, cũng xanh đỏ không kém. Một ông nhà văn về hưu vốn trước đó tôi biết hay ăn mặc khá chỉn chu, đạo mạo, bởi một lý do hóm hỉnh: “Xấu giai phải lấy chuyện ăn mặc bù lại, may ra mới có bà nào để mắt”, nay đổi style thời trang giống một chú vẹt Hồng Công quá.

Áo đỏ quần xanh, thêm chiếc khăn thắt trên đầu in hình những chú cá nhiều màu sắc. Tôi đùa, có hơn chục ngày hành trình đi xuyên Việt mà hình như ông đã biến thành một con người khác. Ông cười hề hề, xác nhận, đúng là “đang có một cuộc cách mạng phía bên trong” thật.

Biết nhà văn Phạm Ngọc Tiến đã hoàn thành chặng đầu tiên, Hà Nội - Đà Nẵng và vừa ra Hà Nội hoàn tất thủ tục nghỉ hưu, trước khi quay lại tiếp tục cuộc hành trình đạp xe xuyên Việt, tôi phải tranh thủ gặp ông cho bằng được. Thấy ông mặt mũi hớn hở, trang phục nhức mắt, cảm nhận đúng là trong ông đang có một nguồn năng lượng mới vừa được nhen nhóm.

Cuộc đi xe đạp xuyên Việt của ông, vốn nhiều người ủng hộ, động viên nhưng cũng có không ít người mang tâm lý hoài nghi. Tuổi 60, lại đang tiểu đường, huyết áp, bệnh tật cả lố, cộng thêm bản tính lười nhác vốn sẵn có của phần đa cánh nhà văn ta, cộng thêm cái sự ăn sung mặc sướng ngồi phòng điều hòa máy lạnh đã lâu, quần là áo lượt ung dung xế hộp mát rượi bấy lâu, chả dễ nhong nhong xe đạp giữa tiết trời nóng như chảo lửa tháng bảy để mà dọc dài đất nước.

Thôi thì đã gặp ông, cũng nên hỏi thẳng để ông đáp thật. Liệu có phải ông đang định “làm hàng” tí chăng, chơi trội tí chăng mà lao đầu vào một cuộc đi khó nhằn như vậy. Ông cười bảo, hỏi thế cũng tốt. Đã nói cả lý do cuộc đi trên facebook rồi đấy. Lý do là chả có lý do gì. Đơn giản chỉ là bây giờ mình đã về hưu, nghĩa là tự do tuyệt đối. Muốn sử dụng cái tự do tuyệt đối đó để “làm cách mạng với bản thân”.

Nghĩa là rèn luyện sức khỏe, làm chủ mình trong những hoàn cảnh, môi trường khác nhau, chống lại sự trì trệ của não bộ, trải nghiệm những cảm xúc mà chắc chắn rất cần thiết cho một người cầm bút, chứ làm màu hay chơi trội thì giờ này đâu còn hợp tuổi mình nữa. Cái gì trời cho thì cũng đã được rồi. Tác phẩm chừng đó, danh tiếng như phù du chừng đó, nhà to cũng có rồi, xế hộp cũng vài chiếc rồi, con cái xong trách nhiệm rồi, cơ quan hết nghĩa vụ rồi...

Và lần đầu tiên trong hơn chục năm quen biết nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tôi nghe ông thở ra một câu tiếng Anh: “Tobe or not tobe”. Rồi hình dung đoạn đường dằng dặc ông nhà văn tuổi 60 phải vượt qua một mình, mới hỏi, sao ông không rủ thêm bạn đồng hành.

Ông bảo, thế thì còn gì là tự do tuyệt đối nữa. Đi một mình là đối diện với sự cô đơn, chống lại và vượt qua nó. Đi một mình cũng là để đối mặt với những cái ngưỡng, những giới hạn về sức khỏe, về an toàn, về cảm xúc.

Ông kể, những ngày đầu là khó khăn nhất, ý nghĩ bỏ cuộc xảy đến hàng chục lần trong đầu. Nào là nhức chân nhức cẳng, nóng nôi ngộp thở, và cô đơn khủng khiếp khi lầm lũi một mình trên đường, cả lúc ăn lúc ngủ. Cái cảm giác đạp xe một mình trên con đường, phía trước dài như vô tận, vừa có cái hấp dẫn thú vị vừa có gánh nặng của nỗi sợ.

Dân đi xe đạp chuyên nghiệp chắc hiểu quá rõ điều này, có những lúc đi trên đường mà cảm giác như mộng du, như trôi, hoàn toàn vô định.

Phạm Ngọc Tiến kể, chặng ở Quảng Trị, ông đã định là đến cầu Hiền Lương phải dừng lại chụp ảnh kỷ niệm, thế mà rồi cứ trôi trôi, đến lúc giật mình nhìn cột mốc cây số, hóa ra mình đi qua từ lúc nào. Vượt qua những ngày đầu khó khăn, thì cơ thể bắt đầu thích nghi với nhịp sống mới. Xem chừng lại khỏe dần ra.

Ông kể, mấy hôm đầu thì cứ ngày hai viên thuốc tiểu đường sáng tối đều như vắt chanh, cộng với thuốc trị huyết áp. Nhưng giờ thì chỉ cần ngày một viên buổi sáng, mà vẫn cho phép mình một ngày mấy cốc nước mía chống lại sự nắng nôi của miền Trung. Người khỏe dần ra, tinh thần mỗi lúc một phấn chấn, háo hức, không ủ rũ như những ngày đầu.

Xe đạp xuyên Việt chẳng vì lý do gì, nhưng đọc nhật ký ông ghi chép hàng ngày trên facebook, tôi thấy trĩu nặng. Những chuyện ghi chép dọc đường, mắt thấy tai nghe của nhà văn, không ít lần làm người đọc cay sống mũi. Chắc chắn rằng, cuộc đi của một nhà văn khác rất nhiều so với cuộc đi của một người bình thường.

Trong những note viết nhanh trên trang mạng xã hội, tôi không chỉ nhìn thấy nhà văn Phạm Ngọc Tiến đi để rèn sức khỏe, để chống lại tuổi già. Ông đi là còn để gặp nhân dân, để nhìn và để lắng nghe những câu chuyện cuộc đời suốt dọc dài đất nước.

Đi để cùng buồn vui, thậm chí là đau chung với những nỗi đau của người dân. Và đi cũng là để gặp lại những ký ức đã qua, gặp lại thời thanh xuân tươi đẹp hành quân ra chiến trường, gặp lại những kỷ niệm về các vùng đất mà trong suốt cuộc đời đã nhiều lần đến và viết.

Tôi nhớ trong đoạn nhật ký về một đêm dừng chân ngủ lại mảnh đấy Kỳ Phương (Hà Tĩnh), nơi đang nhức nhối vụ Formosa xả thải gây cá chết hàng loạt và hủy hoại môi trường biển nghiêm trọng, gây ra bao thiệt hại, lo lắng, bất an cho người dân, nhà văn Phạm Ngọc Tiến viết: “Chiều nay ra thăm cảng biển của thôn. Nhiều con tàu nằm phơi nắng chết chóc trên bờ cát tiêu điều nhưng cũng không ít con tàu neo đậu và cập cảng. Biển nhiễm độc nhưng cuộc sống vẫn phải tiếp tục. Những con tàu kia đánh bắt ở vùng biển xa hay gần, độc hay không độc, chẳng biết có thấy thương ngư dân bỗng đâu đón nhận tai họa xuống đầu. Hồi tối, chủ nhà dẫn đi thăm một số nhà dân. Giới thiệu tác giả phim họ thích nhưng lại bảo sao anh không viết phim về biển độc. Phim đó mới nói lên được đời sống nhân dân chúng tôi. Nghẹn lời chẳng biết nói gì”.

Mấy dòng thôi, nhưng nghe rõ một sự thổn thức của trái tim người cầm bút trước nỗi niềm của đồng bào miền Trung và đồng bào cả nước. Chợt nghĩ về cái tôi công dân của nhà văn. Nhà văn, anh ở đâu trong tâm các cơn bão mà Tổ quốc đang phải gánh chịu. Nạn ngoại xâm vẫn đang rình rập. Môi trường bị hủy hoại nghiêm trọng. Tham ô tham nhũng, lỏng lẻo trong quản lý cán bộ, gây thiệt hại to lớn, tổn thất lợi ích quốc gia và bao nhiêu vấn đề dân sinh bức bách, đã đụng vào “bộ não” nhà văn như thế nào, hay chỉ là một sự quan tâm hời hợt, một sự kêu la suông vô thưởng vô phạt?

Nhà văn, họ đã cất tiếng nói của họ đi đâu, trong các vấn đề liên quan đến số phận đất nước, số phận nhân dân? Tôi đem câu hỏi này hỏi Phạm Ngọc Tiến.

Ngẫm nghĩ, khác hẳn sự tếu táo lúc đầu, ông chia sẻ: “Tôi đi xe đạp xuyên Việt, sâu xa còn giấu một ý nghĩ, rằng mình là nhà văn, mình phải đi, phải dấn thân vào đời sống. Có đi, đến, ở lại, chia sẻ, mới thấu hiểu người dân ở từng vùng đất. Họ có bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu nỗi khổ, mà nếu nhà văn chỉ ngồi ở thủ đô, ngồi phòng máy lạnh, sẽ không thể nào cảm nhận được hết.

Tôi không đi cho hết con đường chiều dài đất nước, để cuối cùng tự hào rằng mình đã xuyên Việt. Tôi đi theo sự mách bảo của trái tim một anh nhà văn nữa. Tôi dừng lại các điểm đang nóng, như Hà Tĩnh chẳng hạn, lắng nghe người dân, thấu hiểu những khó khăn họ sẽ phải đối mặt trong hiện tại và tương lai, sau sự cố đáng buồn mang tên Formosa. Tôi xin nói thật với các nhà văn chúng ta điều này, các vị đừng ngồi một chỗ mà viết như thánh, nói như thánh.

Các vị phải đi, phải rời khỏi căn phòng của các vị, thì cuộc sống mới sinh động trên trang viết được. Đi, tôi mới cảm được điều này. Tôi biết, có không ít anh nhà văn “sang trọng”, nhìn tôi xem thường lắm, ý nói tôi là tay nhà văn chuyên làm nghề biên kịch. Nhưng ở những nơi tôi đã dừng chân, nhân dân biết đến tôi chính là nhờ các bộ phim tôi đã biên kịch như Đất và người, Chuyện làng Nhô...

Dĩ nhiên tôi nói điều này không phải để tự hào, vì văn chương là văn chương, nó khắc nghiệt lắm. Nhưng ví dụ để thấy rằng, chỉ các tác phẩm gắn với đời sống của người dân mới được họ nhớ tới. Các nhà văn của ta hôm nay im lìm quá. Tôi nghĩ thế này, các anh nhà văn nổi tiếng, các anh càng nổi tiếng các anh càng phải lên tiếng mạnh mẽ trước các vấn đề liên quan đến vận mệnh đất nước. Ví dụ nguy cơ hủy diệt môi trường sống, nạn ngoại xâm. Trách nhiệm của nhà văn là ở đấy chứ đâu”.

Nói đến đây, ông nhà văn áo đỏ quần xanh đầu chít khăn in hình cá quay trở lại sự tếu táo thường thấy. Ông bảo, thế nào cũng có kẻ chửi thầm mình nói năng như dạy dỗ. Nhưng kỳ thực chả định dạy dỗ ai.

Là nói cho chính mình, cho những người cầm bút đau đáu thực sự với cuộc đời, không sống xa rời thực tế cuộc đời. Như ông, sẵn sàng rời khỏi cái ghế ôtô đắt tiền mát lạnh vẫn phóng veo veo trên phố, chuyển sang chiếc xe đạp, đạp vèo vèo trên đường quốc lộ Bắc-Nam, để được gần thiên nhiên, gần người dân hơn. Trong khoảnh khắc này, tôi nhận ra một chân dung Phạm Ngọc Tiến khác.

Tôi nhớ lại một vài kỷ niệm sau hơn chục năm biết ông. Có không ít lần tôi thấy ngại ông, thấy ông “phàm phu tục tử” trong các cuộc nhậu với bạn bè. Rượu uống tì tì, chém gió tơi bời đủ chuyện, bông lơn tếu táo chả có tí nghiêm túc. Rồi có lần chứng kiến ông lãng mạn đến khó chịu. Là dịp Hội nghị nhà văn trẻ tại Hội An, đâu như năm 2004.

Đêm ấy có rất nhiều bạn văn chương ngồi ở bờ sông Hoài, thấy trăng trên đỉnh đầu soi xuống mặt nước, cạnh một con thuyền chống sào nằm im, ông kêu lên, cảnh này “Nam Bộ quá”.

Rồi ông kéo bằng được một nữ nhà văn đã đứng tuổi, bảo ngồi lên thuyền để ông lội xuống đẩy thuyền dọc quãng sông. Mọi người cười rôm rả, bảo lão nhà văn này điên quá. Đấy, những chi tiết tưởng như chả liên quan mấy lại khiến cho tôi nhận thức rằng, hiểu một nhà văn, hiểu một nghệ sĩ, chẳng bao giờ là chuyện dễ dàng.

Khi bài báo này đến tay bạn đọc, ông nhà văn tuổi 60 Phạm Ngọc Tiến bắt đầu với chặng đường tiếp theo để xuyên Việt. Ông có thể đang đi đến Quảng Ngãi, nhưng phục trang thì chuyên nghiệp hơn chặng đầu rất nhiều. Nghe đâu, bạn bè theo dõi vụ đạp xe của ông, đã tiếp viện rất nhiều thứ như áo đánh golf, quần bỉm (một thứ quần chuyên dụng cho dân đua xe đạp), kem chống nắng... Ông bảo, nói chung là y phục nhìn sẽ bảnh bao ra dáng hơn, không “chằng đụp” lằng nhằng như chặng đầu tiên nữa.

Hình dung ra chặng đường phía trước, nhà văn Phạm Ngọc Tiến háo hức lắm. Vào đến Nam Bộ sẽ cực kỳ vui, vì bạn bè nhiều trong đó. Nhìn ánh mắt của ông, ý nghĩ lo ngại sợ ông bỏ cuộc định nói ra đã tắt ngấm trong tôi. Ông cũng chả buồn quan tâm, lại thao thao kể chuyện dọc đường miền Trung gặp một đôi trai gái chở nhau bằng xe đạp, thấy ông bịt kín mặt, miệt mài đạp xe, cứ đi bên cạnh vỗ vai ông nói ngọng hai chữ “Hê-nô” đến cả chục lần.

Sốt ruột quá, ông xổ ra một tràng tiếng Việt. Hai bạn trẻ ngỡ ngàng phóng vút đi, ông còn nghe bọn chúng nói với nhau: “Hóa ra Tây dởm”. Tiện thể ông đang tếu táo, hỏi luôn ông chuyện “thư giãn” dọc đường thì sao. Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cười hề hề, hỏi gì kỹ thế, thì giờ này 60 tuổi ai tính nữa, có léng phéng thì có ai gửi giấy về cơ quan nữa đâu mà sợ.

Hai chúng tôi một già một không trẻ mấy cười vang một góc quán cà phê, tạm biệt để ông đi theo đoàn từ thiện lên Tây Bắc, trước khi bay vào Đà Nẵng tiếp tục chặng đường xe đạp xuyên Việt của mình. Chúc ông luôn giữ mãi tinh thần lạc quan và có đủ sức khỏe để bon bon trên từng cây số.

Bình Nguyên Trang
.
.