Ngôi nhà mới của nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Thứ Năm, 19/05/2011, 15:28
Mấy bận đầu gặp nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tôi cứ gãi đầu gãi tai hoài. Chả là thoắt cái lại có người tiến đến gọi anh là bố. Rồi bố con trao đổi công việc gì đó có vẻ rất quan trọng chứ không chút nào bỡn cợt. Con cái, người nào người ấy to lớn kềnh càng, mặt mũi già nua có phần gần bằng bố. Biết ý, Phạm Ngọc Tiến giới thiệu: "Con nuôi của anh đấy".

Ra thế, tôi thở phào áng chừng hiểu. Nhưng con nuôi nhiều quá, lại toàn con nổi tiếng, trong ấy có nhà thơ Bình Nguyên Trang, nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang… rồi cả Nguyễn Anh Vũ biên tập viên NXB Văn học, số cân ngót tạ, có thể nhấc bổng bố nuôi lên trời vẫn cung cúc một điều bố, hai điều con.

Kẻ ngộ miệng bảo Phạm Ngọc Tiến như mẹ mìn, không biết bày trò gì mà lắm con nuôi đến thế. Có bận, tôi đề nghị nếu có thể thì cho tôi… tham gia đội con nuôi với. Phạm Ngọc Tiến trợn mắt, ý chừng con cái đã đông, không phải người nào cũng dễ dàng có suất, và dứt khoát không muốn thu nhận thêm đứa con nào nữa, nhất là một kẻ như tôi.

Phạm Ngọc Tiến có một điều ngộ nghĩnh là trí tưởng tượng bẩm sinh của một nhà văn khiến anh rất hay liên tưởng đến một câu chuyện qua những hiện tượng rất nhỏ.

Nhiều bận, Phạm Ngọc Tiến kể say sưa trầm bổng về một câu chuyện có đầu, có kết, có thoại, có chi tiết gay cấn đàng hoàng. Riết rồi tôi hỏi truyện ấy in trong tập nào thì người kể chuyện bảo chỉ vừa mới nghĩ ra đây thôi, nói đoạn lại "Anh cho em cái cốt truyện ấy đấy, tha hồ mà viết". Phạm Ngọc Tiến giắt lưng vô số cốt truyện và thỉnh thoảng lại đem… cho.

Cho chẳng biết có ai nhận không nhưng nhiều cốt truyện hay cứ treo lơ lửng ở những quán bia mà chính chủ cho đến giờ vẫn chưa thèm viết. Nhiều tác phẩm của Phạm Ngọc Tiến gây kịch tính ở cách lật ngược vấn đề, nhân vật truyền hình cũng mang nhiều nét đặc trưng hóm hỉnh của tác giả kịch bản như Quềnh, Tòng, Khuếnh, Ló, Dỏ… Văn là người.

Nhớ có lần đúng đợt cúm gà, anh bảo mình vừa đi thăm trại gà về xong. Tôi giật nảy mình theo phản xạ hơi lùi ra xa, nhăn mặt kêu nhỡ đâu lây cúm từ gà thì sao. Anh bảo: "Có mà chủ trại nó sợ anh lây cúm sang gà của nó ấy. Khi vào bắt anh mặc quần áo bảo hộ kín từ đầu đến chân cho đỡ dây bẩn trại gà".

Năm rồi gia đình anh xây nhà mới. Ròng rã gần năm trời, Phạm Ngọc Tiến thuê một căn nhà cấp bốn để lấy chỗ vừa đặt laptop viết kịch bản truyền hình vừa trông công trình. Hỏi thăm hôm nay anh có đi làm hay không thì nhà văn kêu lên: "Làm gì có… quần mà đi làm".

Là vì nóng nực nên anh chỉ vận xà lỏn để chỉ đạo việc xây dựng cho tiện, suốt tháng như thế, quần áo chắc vứt lộn xộn đi đằng nào mất. Mùa hè có hôm nóng đến 39oC, lại còn nghe tin chủ công trình vừa bị ngã gãy chân, tôi hình dung nhà văn quay ra quay vào trong túp lều không máy lạnh mới phàn nàn rằng sao anh không mua căn hộ chung cư mà ở cho tiện, cớ gì phải trông nom gạch vữa khổ thế.

Phạm Ngọc Tiến bảo không, chung cư nào mà được ở ven hồ thế này, một mình một cõi rộng thênh thang, rồi ngôi nhà này sẽ có phòng làm việc riêng hoành tráng, cả bể sục nữa, khác gì biệt thự. Rồi trong lúc mơ về ngôi nhà tương lai, Phạm Ngọc Tiến cằn nhằn, mà tôi hình dung ở đầu dây bên kia anh đang vã mồ hôi trong căn hộ thuê tối om và ẩm thấp: "Đây này, giờ mà có gã nào già rồi còn bỏ vợ đi lấy vợ hai thì cũng chỉ đến ở trong cái nhà thế này thôi. Vợ trẻ con thơ, khổ, rồi lại xách nước đi rửa đít cho con".

Tôi lại cười ngất, không biết vì cơn cớ gì mà anh lại có ngay một sự liên tưởng kỳ quặc như thế. Có lẽ đâu anh đang tự hình dung ra mình, lỡ có yêu cô gái trẻ, bị vợ đuổi ra khỏi căn biệt thự trong mơ ven hồ, rồi đèo bòng vợ mọn con thơ trong ngôi nhà cấp bốn tạm bợ, quay trở lại thời kỳ bao cấp, chỗ ở chật hẹp thiếu điện thiếu nước v.v...

Phạm Ngọc Tiến dường như bị ám ảnh bởi điều ấy, thời ấy, và tôi có thể đọc thấy nó trong những tác phẩm của anh. Thời gian gần đây, anh viết ít đi vì bao nhiêu thời gian dồn hết cho việc chuyển thể, từ tiểu thuyết của các tác giả, thành kịch bản phim truyền hình. Người ta biết nhiều đến anh lại qua cái tên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ của Chuyện làng Nhô, Đất và người, Ma làng, Gió làng Kình, Chuyện phố phường… Có lẽ giống như nhiều nhà văn khác, sự mưu sinh đã khiến anh phải kìm hãm niềm đam mê sáng tác lại.

Cách đây nhiều năm, Phạm Ngọc Tiến hay nhắc đến chuyện ô tô. Anh chăm chỉ đi học lái xe, thi lấy bằng, rồi cũng mua được xe. Xe xịn hẳn hoi. Anh yêu chiếc xe lắm, âu yếm chăm chút như bà mẹ mới sinh con so, thấy vệt phân chim trên cốp cũng phải lau chùi cho sạch.

Phạm Ngọc Tiến đi xe máy hay gặp tai nạn, cũng là vì những cuộc nhậu triền miên khiến anh không còn phân biệt được đâu là đất, đâu là trời. Đến khi có xe hơi, trong cốp xe luôn để sẵn can rượu, hà cớ gì mà không va quệt cho được.

Đi xe máy va quệt thì tự mình gãy chân, xe hơi va quệt chân tay không sao nhưng mỗi lần cho "cục cưng" vào “bệnh viện xe hơi” cũng mất ngót chục triệu, lại có bữa cán người như chơi. Thỉnh thoảng lại nghe Phạm Ngọc Tiến gọi điện giọng buồn so, thông báo hôm qua anh vừa bị quệt xe. Riết rồi thấy anh đi… xe đạp, bảo luyện tập cho khỏe người, nhưng tôi ngờ rằng anh tông xe nhiều quá đâm sợ, xe quẳng cho vợ đi, bốn bánh thay thế bằng hai bánh đạp chân.

 Bận ấy chúng tôi có cuộc tọa đàm, cuối buổi liên hoan ở mạn Hồ Tây, Phạm Ngọc Tiến bảo đi trước. Lát sau ngang qua khu chợ Hàng Da, tôi và nhà văn Đặng Thiều Quang phóng xe máy vù vù, thấy tác giả của Tàn đen đốm đỏ đội mũ tai bèo, túi dết bắt chéo đang guồng chân đạp xe phía đằng sau. Chẳng ai dám cười, phóng xe đi trước thì áy náy, mà cứ tà tà đi song song với ông đội mũ tai bèo giữa lúc phố phường đang nghẽn tắc cũng chẳng ra làm sao. Phạm Ngọc Tiến phẩy tay, giọng đã theo nhịp đạp: "Đi trước… đi trước đi!".

Hai năm sau khi tậu xe hơi thì Phạm Ngọc Tiến báo xây nhà. Anh thông báo tiến độ thi công một cách hào hứng, cầu thang thế nào, bồn tắm ra sao. Tôi biết ngôi nhà là tâm huyết và mơ ước của nhà văn. Bữa ấy tôi đến tham quan sau khi nhà khánh thành đã lâu.

Ngôi nhà nằm ven bờ nước, rộng thênh thang với phòng khách có cửa sổ trắng to tướng trông ra hồ, nhạc Trịnh bật réo rắt. Anh dẫn khách vào từng căn phòng, tầng thượng có bể sục Jacuzzi ngang khách sạn năm sao, phòng làm việc riêng trên tường treo chiếc bi đông nước bằng nhôm đã tróc lở từ thời còn trong quân ngũ, buồng tắm để sẵn chiếc kính mà khi đeo lên mắt thì có hai ngọn đèn sáng quắc hai bên gọng, ấy là kính để đọc sách.

Dường như lúc nào nhắc đến Phạm Ngọc Tiến thì tôi cũng muốn mỉm cười. Ngay cả đồ đạc trong nhà anh cũng hồn nhiên và ngộ nghĩnh như chủ nhân của nó vậy.

Thời hoàng kim của Phạm Ngọc Tiến (mà nhà văn Nguyễn Quang Lập gọi là "thời huy hoàng say" trong một bài viết chân dung cùng nhan đề về ông bạn vàng) có lẽ không khi nào không thấy anh bên những tiệc rượu khi ngớt giờ làm việc.

Phạm Ngọc Tiến nhiều bạn thân, lại yêu rượu như bạn, bạn bè cũng yêu anh, rượu chắc cũng yêu anh, nên thể tất không thể không ghép hai thứ ấy lại với nhau. Chuyện say của Phạm Ngọc Tiến có nhiều giai thoại, thật như đùa, đùa như thật, khiến tôi không biết có nên tin hay không.

Nhưng tôi biết nhiều năm, cứ đêm giao thừa Tết Tây là anh lại hay ra biển, với bạn hoặc một mình. Lúc ấy anh gọi điện, với những câu chuyện bất tận không đầu không cuối, sau vài lần kinh ngạc thì tôi quen tính, biết đầu dây bên kia sau vài ly rượu đang tưởng gió biển là gió quạt nhà mình, nếu có bận việc gì mà đặt máy đó để đằng kia tự độc thoại rồi nhấc lên nghe tiếp chắc cũng không sao.

Trong những lúc say, bản tính thật của con người thường trỗi dậy nhiều nhất, ấy là lúc nhà văn quên mất cuộc đời không phải lúc nào cũng được phép hào phóng của mình, mới mở ví phân phát cho các cô phục vụ. Mỗi cô được một tờ bạc mệnh giá cao nhất, phát cho kỳ sạch ví mới thôi. Sáng sau hỏi bạn, quái thật, sao tiền để trong ví nhiều thế mà rơi đâu mất cả rồi.

Nhưng thời gian sau này, thấy anh uống rượu thưa dần, chỉ còn dám uống rượu vang. Thì khắp văn giới đều biết Phạm Ngọc Tiến mắc bệnh tiểu đường. Ông Trời thường như thế, rất thích lấy đi của người ta những gì yêu thích nhất. Rượu lại là kẻ thù của căn bệnh chết người này.

Trong hai thứ rất tệ thì đành chọn một phương án đỡ tệ hơn. Anh bắt đầu đi tập yoga, ngồi với bạn chỉ trò chuyện và uống cầm chừng. Nhưng nhìn bạn uống tì tì mà mình phải nhịn thì rõ là sinh lòng đố k. Phạm Ngọc Tiến chọn thêm phương án thứ ba: Quyết không gặp bạn nữa.

Kiêng cữ tuyệt đối như thế, con người anh bỗng dưng trở nên là lạ, khang khác với những người từng quen biết. Đến nơi làm việc của anh, giờ không còn thấy anh khoe các loại rượu thuốc, khoe cả với tôi - người chẳng đụng đến một giọt rượu bao giờ, mà chỉ còn nghi ngút mùi thuốc bắc.

Đang nói chuyện qua điện thoại cũng nghe cuống quýt: "Thôi nhá, anh phải đi tắt ấm thuốc bắc", rồi cúp máy cái rụp. Có ai rủ đi ăn trưa thì bảo thôi tôi còn phải uống thuốc bắc cho đúng giờ. Từ bận có nhà mới, dường như anh càng không muốn rời khỏi nhà. Anh bảo anh đang nghiên cứu đạo Phật, giờ đã "tận diệt" hết mọi ham muốn, chỉ còn mỗi… tham sân si thôi (?!).

Chẳng biết Phạm Ngọc Tiến đắc đạo đến chừng nào mà anh tiết lộ 5 năm nữa sẽ cho ra đời hai cuốn tiểu thuyết, trong đó một cuốn sẽ là… "bom sex". Hỏi tại sao không viết ngay, bảo còn phải nghiên cứu thêm triết lý nhà Phật. Nói chuyện với Phạm Ngọc Tiến thường là thế, không biết đâu là thật, đâu là giả, cuối cùng chỉ còn lại nụ cười.

Phạm Ngọc Tiến từng nói rằng: "Tôi chỉ là nhà văn thuộc về số đông các nhà văn, nghĩa là hành nghề văn chương một cách chính đáng, yêu thích, có thể thuần túy hoặc trong các lĩnh vực lân cận, chứ không thuộc các nhà văn số ít. Họ là những người hiếm hoi có thể để lại dấu ấn trong nền văn học. Tôi cũng không đặt mục tiêu phải trở thành nhà văn lớn".

Nhưng tôi biết ám ảnh văn chương vẫn đeo đuổi anh hàng ngày, hàng giờ. Khả dĩ mất đi những niềm yêu thích là rượu và bạn rượu, có thể chăng âu cũng là điều may mắn. Để rồi trong ngôi nhà ven hồ, anh sẽ lại tiếp tục dồn tâm sức cho một trong những tình yêu lớn là văn học.

Phạm Ngọc Tiến luôn khát khao được học giỏi tiếng Anh. Nhưng từ lúc đầu lên cơ quan anh nhìn thấy chữ "Passport", "Can you help me?" trên bảng trắng, mà anh giải thích rằng đang chăm chỉ tự học tiếng Anh để đi nước ngoài cho chủ động, năm sau đến vẫn thấy nguyên những chữ ấy trên bảng, chưa thêm được chữ nào.

Tuần trước, anh nhờ tôi gọi điện giùm đến đại sứ quán để trao đổi vài câu với tùy viên về việc cấp thị thực sang châu Âu. Hẹn để đưa máy nói chuyện nhưng điện thoại của tôi sáng ấy lại trục trặc sao đó nên tôi cũng không gặp được anh. Khi đã liên lạc được, tôi áy náy quá bảo làm thế nào bây giờ.

Anh lại phẩy tay qua điện thoại, chắc thế: "Anh tự gọi rồi, nói chuyện được rồi, nó hiểu". Tôi kinh ngạc: "Làm sao mà người ta hiểu được anh?". Bảo: "Anh tự giới thiệu: I am Phạm Ngọc Tiến. I am a writer". "Vâng, rồi sao nữa?". "Nó à lên rồi nói tiếng Việt, hóa ra nó biết tiếng Việt".

Ba hôm sau thì Phạm Ngọc Tiến bay sang Cộng hòa Séc. Giờ chắc anh đang nói chuyện rất rôm rả bằng một thứ ngôn ngữ riêng nào đó của Phạm Ngọc Tiến bên trời Âu

Di Li
.
.