Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Giã từ những cơn đau
- Nghẹn ngào tiễn đưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục
- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Động lực sống kỳ diệu
- Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Đây là cơ hội ngàn vàng để bày tỏ lòng tri ân...
Những tháng ngày dài dặc điều trị, những cơn đau thắt ruột gan, những đêm thức trắng của người vợ trẻ... đã khép lại, hành trình của kiếp sống đầy những thăng trầm của nhà văn Nguyễn Khắc Phục đã tạm dừng nơi trần thế.
Ông ra đi sáng sớm ngày 20-5 khi rất nhiều dự định còn dang dở cho công việc và cuộc sống. Nhìn cậu con trai hơn 4 tuổi của ông ngây thơ, non nớt trong căn nhà quạnh vắng, chợt chạnh lòng... Ông đã yêu thương cậu bé biết bao nhiêu, ông đã được hạnh phúc với tuổi thơ, với một gia đình nhỏ dù trải qua nhiều biến cố vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời...
Chợt thấy lòng thăm thẳm khi đọc lại mấy câu thơ ông tâm đắc để vào bìa cuối của tập sách “Hỗn độn”: “Giữa khuya ta ngồi dậy/ Ngõ hắt hiu ánh đèn/ Gió vờn cây run rẩy/ Ta đã thành nửa đêm” (Thơ trong lỗ đen)...
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục sinh năm 1947 tại Sài Gòn, quê gốc ở làng Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định. Theo nhà văn Nguyễn Việt Chiến, năm 1952 ông theo gia đình trở về quê Bắc.
Năm 20 tuổi, đang học Trường Trung cấp Hàng hải, Nguyễn Khắc Phục nổi danh là người viết truyện ngắn hay (như Hoa cúc biển, Ngã ba vô tình) và kịch bản sân khấu Người từ giã cuối cùng.
Kịch bản này sau đó được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể thành kịch bản phim đầu tay Những ngôi sao biển. Ông được cử đi học lớp bồi dưỡng những nhà văn trẻ khóa IV của Hội Nhà văn Việt Nam ở Quảng Bá, Hà Nội rồi được cử vào chiến trường khu V làm công tác tuyên huấn và dân vận.
Năm 1976 ông chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam và nổi tiếng khắp nước với nhiều kịch bản phim nhựa như: Chiến trường chia nửa vầng trăng, Sơn ca trong thành phố, Tự thú trước bình minh, Nhiệm vụ hoa hồng, Học trò thủy thần, Lạc cầm thứ mười ba và đặc biệt là phim Bọn trẻ được trao Huy chương Vàng cho kịch bản văn học trong Liên hoan Phim quốc tế Á - Phi năm 1994. Rồi ông lên đường vào Chiến trường Khu V để không bao lâu sau có ngay trường ca Ăn cốm giữa sân, kịch Vườn thầy Năm.
Vào năm 1977, 1978 ông có kịch bản văn học Thành phố không bị chiếm (Nhà xuất bản Tác Phẩm Mới – Hội Nhà văn in vở kịch này thành sách), đạo diễn Phạm Kỳ Nam dựng thành một bộ phim truyện nhựa với tên mới Tự thú trước bình minh. Sau khi học ở Nga về, Nguyễn Khắc Phục lần lượt cho ra đời bộ ba tiểu thuyết Học phí trả bằng máu, Đầu sóng, Thành phố đứng trước biển và hàng chục vở kịch sân khấu...
Cho đến cuối đời, thống kê chưa đầy đủ cho thấy Nguyễn Khắc Phục đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu, được các nhà hát dàn dựng, công diễn. Ông còn viết vài chục kịch bản lễ hội, trong đó có 2 kịch bản khai mạc và bế mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội…
Trong cuộc đời mình, nhà văn Nguyễn Khắc Phục thân thiết với nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cũng bởi vậy mà trong cuốn sách mới in hơn 600 trang, ông chỉ duy nhất in một bài báo mà nhà thơ Phạm Tiến Duật viết về ông khi hai người còn đang khoẻ mạnh. Một bài báo thôi nhưng nó như một định mệnh, một “lời tiên tri” cho sự ra đi của nhà văn Nguyễn Khắc Phục.
Trong lời dẫn ấy có viết: Cách đây đúng 10 năm (tháng 7 - 2005), tự nhiên tự lành, chả ai trêu chọc gì cả, nhà thơ Phạm Tiến Duật viết bài thơ Hỏa thiêu cho một người đang sống tặng Nguyễn Khắc Phục. Rồi nhà thơ hăng hái viết luôn một bài về tiểu thuyết Ngôi đền của bạn (Nguyễn Khắc Phục) vừa in.
Chưa hết, nhà thơ còn yêu cầu Nguyễn Khắc Phục cung cấp dữ liệu, thông tin, lý lịch sáng tác, tiểu sử nghệ thuật của mình, đồng thời tham gia biên tập bài tiểu luận Nguyễn Khắc Phục - Từ kịch đến tiểu thuyết, từ âm hưởng anh hùng và cảm hứng lich sử đến “công án đạo đức” và cuộc hoả thiêu những ảo tưởng nửa vời. Ông chọn cái tên “Người đồng cảnh” làm tên tác giả bài tiểu luận này...
Và 10 năm sau, cả nhóm mới ngã ngửa người khi hiểu ra những gì nhà thơ muốn báo trước: Tháng 7-2007, Phạm Tiến Duật nằm tại Quân y viện 108, điều trị ung thư phổi, tế bào ác tính đã di căn lên não, ngày 4 -12 cùng năm thì từ trần. Tháng 7-2015, Nguyễn Khắc Phục nằm tại Quân y viện 103 và được gia đình hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ vào ngày 22-5-2016.
Những câu thơ trong bài thơ Hỏa thiêu cho một người đang sống của nhà thơ Phạm Tiến Duật như một sự ám ảnh: “Trong bóng tối bùa mê, anh ấy tự làm ma/ Tự thiêu cái bóng mình giữa thanh thiên bạch nhật/ Thân xác ngỡ còn mà biến mất/ Đã cháy rồi những ngày tháng bơ vơ/ Chàng thủy thủ không tàu, không biển/ Túi không tiền, đầu không ý nghĩ/ Ngủ lang với một sợi tóc rụng của đàn bà/ Đã cháy rồi những hào quang huyễn hoặc/ Đã cháy rồi những vướng bận linh tinh/... Thành công nào cũng chỉ là quá khứ mà thôi/ Anh tự thiêu cái bóng và gia tài của mình/ Tất cả đều cháy tàn cháy rụi/ Từ đám tang trở về, tôi quay trở lại/ Thấy một trái tim không cháy/ Những trang giấy không cháy/ Và những giọt nước mắt đàn bà hóa ngọc giữa tàn tro...”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục có một cuộc đời không bằng phẳng. Ông từng chia sẻ rằng, cuộc đời ông có quá nhiều thử thách và sóng gió. Bởi vậy, căn bệnh ung thư phổi, có lẽ là thử thách cuối cùng ông phải chống chọi và chờ đợi.
Để biết rằng, dù có vượt qua nổi hay không, thì ông cũng vẫn tận hiến cho văn chương, nghệ thuật đến giây phút cuối cùng, bởi con người của ông bây giờ, không chỉ của riêng ông, mà phía sau còn “vợ dại, con thơ” đang cần ông hơn bất cứ khi nào trong hành trình đầy mệt mỏi và gian nan này. Một điều khiến ông không ân hận là khi biết mình bị ung thư, việc đầu tiên ông nghĩ đến là dẫn vợ con về quê nội ngoại ở Nam Định thăm nom người thân, anh em...
Con người ông nhất quán là vậy, từ khi khỏe mạnh lẫn lúc ốm đau, đều nỗ lực vì công việc, chỉ có điều cường độ thì khác nhau, khỏe mạnh làm kiểu khác, ốm đau làm kiểu khác, nhưng không bao giờ ông bỏ thói quen làm việc hay để đầu óc trì trệ, buông xuôi cho số phận.
Trong cuộc đời chưa bao giờ bình lặng và bằng phẳng của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, chuyện tình yêu của ông và nhà thơ Trang Thanh là một câu chuyện dài khiến ông gặp nhiều “tai tiếng” vào những tháng năm cuối cuộc đời.
Bởi tình yêu ấy đã vượt qua mọi thử thách, rào cản để có thể có được nhau, như một định mệnh. Họ là hai số phận bỏ lại đằng sau những nỗi niềm của quá khứ, kiên nhẫn chờ đợi, bất chấp khó khăn, thử thách để được cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung từ hai bàn tay trắng.
Điều hạnh phúc vào cuối đời của ông là có được cậu con trai giống ông như khuôn đúc. Tôi đã chứng kiến cảnh ông hạnh phúc ôm con vào lòng, cưng nựng con, chiều chuộng con, chơi với con như được quay trở lại tuổi ấu thơ bé bỏng.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục và con trai. |
Cậu bé có cái tên thân mật là Gạo như một nguồn “lương thực tinh thần” nuôi sống linh hồn người cha đã bạc phơ mái đầu và có cả một thời tuổi trẻ đầy thăng trầm. Ông đã ngồi đó ngắm nhìn cậu con trai nghịch ngợm với những tiếng ồn đầy trẻ thơ ấm áp trong mái nhà. Và có lẽ điều tiếc nuối của ông vào những năm tháng cuối đời, là không được ở lại trên trần thế để ngắm nhìn và nuôi dạy con lớn khôn, để che chắn cả những giông bão trong cuộc đời đầy “hỗn độn” này cho cậu con trai bé nhỏ.
Trong sự tận tụy, nhà thơ Trang Thanh trông gầy và hốc hác bởi những đêm thức trắng cùng chồng. Người vợ trẻ đã yêu ông nhiều đến thế, tận tụy với ông nhiều đến thế trong những ngày tháng qua. Trang Thanh đã tận tụy, chu toàn với ông từng giây phút và giúp ông cảm thấy ấm lòng trên giường bệnh, để đấu tranh giữa sự sống và cái chết, giữa cái mất và cái còn, giữa hoang mang và hy vọng.
Trang Thanh bảo, chị tin vào sự an bài của số phận, bởi dù đi đâu, làm gì thì trong suốt những năm tháng qua, chị chỉ dành tình yêu cho Nguyễn Khắc Phục. Họ mới ở với nhau 4 năm nhưng thực sự hết lòng vì nhau. Khi Nguyễn Khắc Phục đổ bệnh thì chị càng yêu thương anh nhiều hơn.
Bởi, chỉ một quãng thời gian quá ngắn được bên nhau, mà họ đã phải vượt qua quá nhiều thử thách, nhiều tình thế khó khăn của cuộc sống, nhiều món nợ phải trang trải. Trang Thanh thương chồng, vì trong nhà, không ai khác, chính anh là người vất vả nhất lo toan cho vợ con. Đồng lương hưu quá ít, toàn bộ thời gian và sức lực anh dành cho công việc làm thêm để trang trải cuộc sống.
Trang Thanh nói trong nước mắt: “Anh Phục chưa được an nhàn một ngày nào, kể cả khi nằm trên giường bệnh”. Họ dự định khi Nguyễn Khắc Phục khoẻ lại sẽ in chung một tập thơ hai người đã viết cho nhau có tên là Rút ruột, và sẽ làm một buổi ra mắt thơ, nhạc, triển lãm tranh cá nhân để “trình làng”. Nhưng có lẽ bây giờ mọi dự định đều chỉ là dự định.
Trước mắt mọi thứ đều trống rỗng với tâm trạng của sự mất mát, tiếc nuối khôn nguôi, như bài hát mà Trang Thanh đã viết cho chồng: “Một dòng sông và mây trắng đã hẹn hò.../ Về lại gần nhau, nắm lấy tay em/ Nói với em, có bao giờ, dòng sông bỏ mây trắng một mình?/ Anh nhớ không? Ta đã nói với nhau/ Chỉ dòng sông biết ngôi sao nằm quên/ Chỉ mây trắng biết dòng sông trôi êm/ Đêm qua em mơ, khi giọt sương cuối cùng rời bỏ nhành hoa bên hiên/ Những hàng cây sau bão tan hoang/ Bầy sẻ non mất nhà, bài thơ em viết vội/ Anh không kịp đặt tên cho em, anh không thể nói với em/ Về một dòng sông và mây trắng đã hẹn thề/ Giờ chảy về đâu?/ Giờ chảy về đâu, mây bay về đâu?/ Kiếp này ta đã bên nhau/ Những đỉnh núi cao ngất, những vực sâu/ Và thời gian vắn vỏi, phận người cỏ lau, anh ơi!/ Về lại gần nhau đi, hãy nắm tay em/ Lời yêu quấn quýt nói với em như hôm nào/ Ân tình trao nhau, ôi bao say đắm/ Còn tiếng thở sâu trên đất này, còn mây trắng bay…”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục từng tự bạch: “Nghĩ cho cùng, văn chương mà ráo riết, nhất là kịch và tiểu thuyết chỉ chăm bẵm vào việc mô tả, đào bới khía cạnh của kiếp người. Vâng, cái kiếp người với tất cả những thăng trầm, biến cải trong ái, ố, hỉ, nộ... chính là cốt liệu quan trọng nhất, làm nên tác phẩm, chất men gây hứng khởi cho văn nghệ sĩ (và cả buồn vui, bi phẫn, cùng hy vọng). Đó cũng là điểm quy chiếu để ta xem nhà văn nhìn đời, nhìn người, nhìn sự thế xoay vần ra sao, yêu cái gì, ghét cái gì, muốn cái gì phải chết, phải bị diệt vong, cái gì phải được tôn vinh, tồn tại, phát triển và thăng hoa...”.
Nguyễn Khắc Phục ra đi, nhưng những gì ông để lại cho nền văn chương, sân khấu nước nhà thì luôn còn mãi những dư ba...