Nhà văn Nguyễn Khắc Phục: Động lực sống kỳ diệu

Thứ Sáu, 16/10/2015, 04:31
Thật buồn khi tôi nghe tin nhà văn Nguyễn Khắc Phục lâm trọng bệnh từ họa sĩ (HS) Bùi Mai Hiên. Nữ HS cho biết, cô mới chỉ gặp nhà văn Nguyễn Khắc Phục một lần, khi ông qua một người bạn nhờ HS đến xem tranh hộ trước khi chuẩn bị làm triển lãm lần đầu.

Mai Hiên đã đến nhà Nguyễn Khắc Phục thuê ở phố Xã Đàn, chật tranh. Cô thấy một bút lực khỏe khoắn và năng lượng tràn đầy cùng niềm hứng khởi. Chắc cũng bởi thế mà sau lần ấy, Nguyễn Khắc Phục và nhà thơ Trần Nhương triển lãm tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 7-2008. Hai người không hề được đào tạo chính quy về hội họa, tự nhận “hú họa”, lại tự tin khi lần đầu công bố tranh, trưng bày tại phòng triển lãm hàng đầu của dân nhà nghề.

Sau lần gặp ở ngôi nhà Xã Đàn, bẵng đi mấy năm tôi không được gặp nhà văn, chỉ thấy tên ông qua VTV, giới thiệu là tác giả kịch bản của nhiều sự kiện lễ hội. Biết tin 65 tuổi ông hạnh phúc bất ngờ vì có con trai mà vợ lại trẻ hơn gần 30 tuổi, tôi thầm mừng cho ông. Theo thói quen không bao giờ tò mò về đời tư của ai, không có facebook, nên tôi không biết “cô gái trẻ lắm” ấy là ai và không hỏi những người gần gũi Nguyễn Khắc Phục để tìm hiểu, cho đến cuối tháng 9 vừa qua, khi HS Mai Hiên kể chuyện.

Ấn tượng về Nguyễn Khắc Phục khiến HS Bùi Mai Hiên vẽ được hai bức tranh sơn dầu, một bức vẽ nhà văn đội mũi nồi 45x35cm, bức kia vẽ ông mái tóc trắng bay xòa trong gió 60x80cm. Hai bức tranh này đều in vào vựng tập tranh của Bùi Mai Hiên, tháng 9/2010, một nghìn cuốn. Dù chỉ gặp trong bữa trưa và buổi xem tranh tổng cộng 2 tiếng, Bùi Mai Hiên đã vẽ ra thần thái của Nguyễn Khắc Phục giống như khi cô chỉ gặp thoáng qua NSND Trần Vũ - đạo diễn phim Đến hẹn lại lên, thân sinh đạo diễn phim hoạt hình, HS - NSND Phương Hoa, người mang gen vẽ của cha.

Nổi tiếng bằng sơn mài, Bùi Mai Hiên đã có website từ 2010 và facebook một năm nay, cô thường đưa tác phẩm ưng ý, đã bán hoặc loạt tranh mới trên chất liệu acrylic để chia sẻ. Nghe tin Nguyễn Khắc Phục lâm bệnh, HS đã đưa hai tranh vẽ ông lên facebok như lời động viên và để “tìm kiếm” nhà văn vì cô đã mất số điện thoại, cô muốn khích lệ, truyền lửa tới một tài năng mà đời thường nhiều vất vả. 

Nhà văn 4X dù đang bệnh vẫn rất nhanh nhạy kết nối ngay, con gái ông ở Mỹ tỏ ý thích bức tranh, ông nói đấy là tranh của cô, làm sao bố cho con được - HS kể lại và cô quyết định tặng Nguyễn Khắc Phục bức tranh ông thích, mời ông đến nhà riêng của cô nhận tranh. Yếu sức, nhà văn nhờ vợ đến lấy.

“Cô ấy là Trang Thanh (SN 1974), nét mặt ưa nhìn, viết báo làm thơ, còn viết những ca khúc dành tặng Nguyễn Khắc Phục. Qua câu chuyện và những ca khúc Thanh hát cho tôi nghe, tôi biết cô rất yêu thương chồng, hết lòng chăm sóc ngày đêm, không ngại vất vả và rất tự hào là bạn đời của ông, có con trai với ông. Bài hát trĩu bất an, lo lắng, có câu: “Anh đừng bỏ em” mà cô viết khi ông Phục vừa phát hiện bệnh. Tôi rất trân trọng và cảm phục tình yêu ấy. Đó là buổi chiều mưa 3/9/2015, Trang Thanh đến cùng con gái Ngô Gia Thiên An”.

Tôi mới gặp Thiên An (sinh năm 1999) tại Hội nghị Những người viết văn trẻ Thủ đô ở khách sạn Công đoàn Quảng Bá. Hết buổi họp 24/9, tôi tặng Hộ chiếu tâm hồn nhờ An đưa về cho bác và mẹ, ghi lời chúc và cổ vũ hai người, An tặng tôi tập thơ Những ngôi sao lấp lánh. Lúc đó gần 18 giờ, An chờ mẹ đến. “Mẹ cháu đi taxi từ Hà Đông ra đón vì mẹ muốn cho em trai cháu đi chơi luôn”.

Bạn đời ở bên Nguyễn Khắc Phục giai đoạn khó khăn này với một tình cảm quý báu, sâu nặng chính là nhà thơ Trang Thanh, từng nhận giải “Lá trầu” cho tập thơ Bay lặng im năm 2008. Chị xuất bản 2 tập thơ, 4 tập truyện ngắn trong đó có 3 tập cho thiếu nhi. Tháng 6 vừa qua, nhà văn bị khản tiếng, đi lại mệt, một người cháu đưa Nguyễn Khắc Phục đi khám, chụp X-quang tại Bệnh viện (BV) Lao phổi Trung ương, sau đó về chụp CT tại BV 103 thì phát hiện ông bị ung thư phổi tế bào nhỏ vào ngày 12/6/2015.

Từ đó đến nay, ông đã xong 4 đợt hoá trị, 30 mũi xạ trị, còn 2 đợt hoá trị (truyền hoá chất) nữa. Ngày nào ông cũng vào BV, phải truyền các loại thuốc, giải độc máu, huyết tương. Nhà thơ Trang Thanh làm việc tại Tạp chí Gia đình & Trẻ em tại 139 Nguyễn Thái Học đã xin nghỉ không lương để bên chồng suốt ngày đêm. Không muốn ăn cơm hai tháng nay, ông ăn bún phở cháo xôi, theo chế độ bệnh nhân K. Bác giúp việc chuyên làm việc nhà, còn Trang Thanh trực tiếp nấu nướng cho chồng ăn, cùng chồng đi taxi vào BV. Bé trai Nguyễn Trần Thiện Anh ra đời ngày 27/7/2012, giống bố, là món quà quý giá lớn lao tưởng không thể có, đã đến với nhà văn. 

Biết ông bệnh, bạn bè ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Sài Gòn... đến thăm và giúp đỡ. Thiếu nữ Thiên An ngoan ngoãn và hiểu gánh nặng của mẹ giai đoạn này. Trang Thanh bị sụt cân, vóc người 1.55m như bé nhỏ hơn sau 4 tháng vất vả, lo lắng, chị đi chợ, đón con, lo thuốc thang.

Người vợ, người mẹ hạnh phúc trong âu lo: “Anh đừng đi đâu nhé anh/ Ở bên em đây yên lắng/... Bên nhau ta vui ngắm con yêu, biết gọi tên mẹ hiền/ Anh đừng đi xa nhé anh/ Vì con, anh hãy gắng lên/ Chờ mai khi con lớn khôn, như dòng sông vạm vỡ, sóng cồn mây đại dương”.

Nhà văn không sợ hãi, vẫn cố gắng làm việc vì con thơ. Những đêm ông phải ngủ tại BV đều có vợ trông nom. Họ hợp nhau nhiều đồng cảm, lại là đồng hương Nam Định: Chồng quê huyện Trực Ninh, vợ huyện Mỹ Lộc. Trang Thanh là con út trong gia đình 4 chị em gái, mẹ chị đang sống ở quê nhà. Nguyễn Khắc Phục có thời tuổi trẻ học hàng hải rồi là thợ đóng tàu ở Hải Phòng. Chất dữ dội của cảng biển, sự chân thật mãnh liệt của Hải Phòng trong tư chất ông.

Ông vẫn lên facebook và dùng e-mail, đăng ảnh đầu trọc lên trang cá nhân - một sự đương đầu với thách thức ngặt nghèo của số phận. Chồng ốm, bao lo toan đè nặng, con chung mới hơn 3 tuổi, dù cứng cỏi mấy cũng không thể không lo sợ chia xa. Chị không biết nhạc, nghĩ ra giai điệu và nhờ nhạc sĩ Mạnh Tiến ký âm, hoà âm phối khí. Động lực của họ chính là tình yêu và con trai nhỏ. Bố Phục luôn nhắc mình phải cố lên, sống và làm việc nuôi con đến lúc trưởng thành.

Chân dung nhà văn Nguyễn Khắc Phục, sơn dầu, 60x80cm của họa sĩ Bùi Mai Hiên.

Tôi hòa cảm với HS Bùi Mai Hiên rằng: Quỹ sống của một kiếp người ngắn ngủi không đủ để chúng ta thỏa mãn hết những điều muốn, kể cả yêu thương, vậy hãy dành cho nhau sự quan tâm chân thành, thiết thực lúc nguy biến chứ không phải những thăm hỏi xã giao, suông sáo.

Ngôi nhà của họ vẫn là tổ ấm của yêu thương và lạc quan.

Trần Trang Thanh đã viết 4 ca khúc dành tặng Nguyễn Khắc Phục trong 2 tháng: Đừng xa em nhé, Dòng sông mây trắng, Giấc mộng bên người. Bài mới nhất Mùa Thu bão tố vừa viết 3/10 và được thu âm chiều 4/10, với giọng hát Minh Thu (Nhà hát Ca múa Thăng Long). Tình yêu Trang Thanh dành cho chồng chứa cả ngưỡng mộ nên sự tận tụy của chị trở thành nghĩa vụ đương nhiên, một hiến dâng vô điều kiện.

Trước khi họ về ở với nhau, chị có tập thơ Mây trắng (2012) dành tặng ông, chị đã ví Nguyễn Khắc Phục là dòng sông mà Trang Thanh là mây trắng soi vào dòng sông ấy. Điều trị 3,5 tháng, ông chỉ ở BV 10 đêm. Ông về nhà vì muốn gần vợ con, còn rất nhiều việc phải làm: tập hợp tác phẩm mà ông đã sáng tạo đa dạng: kịch bản phim, điện ảnh, truyền hình, kịch nói, tiểu thuyết thơ và trường ca, tất cả các bản thảo, hình ảnh đồ sộ được sắp xếp để lưu vào máy tính, in đĩa.

Thật kinh ngạc: mấy tháng đau bệnh ông đã hoàn thiện tiểu thuyết Hỗn độn 600 trang khởi viết từ 10 năm trước, Công ty Bách Việt mua bản quyền in ấn, NXB Hội Nhà văn sẽ phát hành cuối tháng 10 này. Đam mê hội họa phải gác lại, ông không đủ sức. Hỗn độn pha trộn giữa hiện thực, huyền thoại và mang tính triết luận trên nền cuộc sống đương đại. 

Công khai về bệnh tật trên trang cá nhân, ông biểu tỏ nghị lực và niềm yêu sống mãnh liệt, sự cập nhật công nghệ không giới hạn, chứ không hề chờ và muốn sự thương cảm hay kêu gọi sự giúp đỡ. Nhà văn có mong muốn tha thiết: có kinh phí tái bản những tác phẩm tâm huyết của ông ở các thể loại trong các lĩnh vực mà ông đã được giới nghề và công chúng ghi nhận.

Tôi rất xúc động khi đọc ca từ của 4 ca khúc nhà thơ Trang Thanh gửi tôi qua e-mail. Trong thế gian đang ngày càng nhiều thứ giả, lạnh, ác và thực dụng leo thang, tình yêu chân thật, thủy chung và niềm tin tràn đầy đang là điều xa xỉ hiếm đến mức tưởng chúng chỉ tồn tại trong ảo giác. 

Những câu thơ đau buốt thiết tha của Trang Thanh là lời nguyện cầu máu thịt. “Ở đây bên em, căn nhà bình yên/ Người ơi... tình càng nặng nghĩa dày, tha thiết chữ yêu thương, xa xót những yêu thương... vần thơ/ Ở đây yên vui, mơ một ngày mai/ Bước chân con vững vàng đường xa/ Gọi cuống quýt tên anh, ơi tình yêu của em”.

Không phải chỉ nói và viết, Trang Thanh đã cật lực vì tình yêu lớn của đời mình. Chị cố gắng chạy chữa cho Nguyễn Khắc Phục, chị và con cần ông. Khoảng cách tuổi tác, ranh giới mỏng manh của quy luật sinh lão bệnh tử không thể làm họ gục ngã, đầu hàng, họ đang nắm tay nhau trong mùa Thu bão tố, nhưng là Thu tình yêu của lãng mạn, đằm thắm. Tình yêu vô lượng mà Trang Thanh dành cho Nguyễn Khắc Phục tượng hình bằng bé Thiện Anh kháu khỉnh là báu vật vô giá mà nhiều người phải mơ. Thế nên sợ gì khúc đoạn ác mộng.

“Kiếp này ta đã bên nhau/ Những đỉnh núi cao ngất, những vực sâu/ Và thời gian vắn vỏi, phận người cỏ lau, anh ơi!”. “Hãy cứ bình yên vui vầy và ta bên nhau Thu này/ Dù Thu hôm nay khắc nghiệt thử lòng, ta nhớ nhau, yêu nhau, thương nhau nhiều hơn”(*). Chúc bình yên và may mắn đến với những người tài năng - tử tế.

* Phần in nghiêng là ca từ của nhà thơ Trang Thanh.

Vili
.
.