Nhà văn Đinh Phương: Đi vào vùng lơ lửng...

Thứ Hai, 28/11/2016, 16:00
Phương bảo "đợt vừa rồi mất mát nhiều cảm xúc quá nên dạo này thức khuya để tìm lại cái gì đó". Phương bảo cái cảm giác lên đồng khi viết càng ngày càng ít lại và những giấc mơ cũng bỏ mình mà đi mất rồi.

Mất mát cảm xúc ư? Đó là thứ cảm giác chênh vênh giữa bên này và bên kia, sự lơ lửng giữa hai thế giới - đang ngày càng ít gặp. Là cảm giác mình tiến gần đến thế giới khác rồi cứ đứng giữa cái thế giới vô hình ấy và thế giới thật này. Cả giấc mơ lúc ấy cũng lưng chừng. Lạ quá.

Những lúc đó, thế giới khác ấy hiện hữu quá đỗi thực thà, đến nỗi cậu cảm nhận được thế giới thật đang bị thu hẹp lại, sắp biến mất. Và lần nào đi vào vùng lơ lửng ấy, đến đúng khoảng ấy, cậu lại buồn bã đi ra. 

Chẳng hiểu vì lí do nào cả. Điều đó làm cậu phát điên, làm cậu tò mò, có chút gì đó như vừa khiêu khích cợt nhả, vừa bông lơn đánh đố. Có cả chút gì đó như là trống rỗng. Đôi khi muốn khóc. Thèm khóc. Và cậu cảm thấy tiếc rẻ vì "các giấc mơ cũng bỏ mình mà đi mất rồi". Phương nhớ ra lâu rồi mình không khóc, không còn khóc được nữa, kể từ hồi đại học.

Văn chương Đinh Phương là sự nối tiếp từ giấc mơ này đến giấc mơ khác không ngơi nghỉ. Giữa các khoảng trống mông lung bất định ấy, luôn được lấp đầy bằng một thứ hoài ngôn mơ mộng, đẹp đẽ, buồn bã. Có lúc, cậu gần như "thắng được thời gian. Tan chảy. Rất lâu sau mới có lại được màu sắc" như khi cậu viết cho nhân vật của mình. Khi đó, Phương cũng đang tan chảy trong chính mộng mị của mình.

"Văn của Phương là mơ đấy chứ. Mơ mãi cho đến khi giật mình tỉnh giấc mới ngỡ ra mình vừa mơ", Phương thừa nhận. 

Nhụy khúc, cuốn tiểu thuyết vừa ra mắt của cậu là một giấc mơ nhiều tầng sắc như thế: "Nhụy khúc buồn lắm. Mùa nào cũng buồn, chẳng cứ tháng cứ năm. Không biết đừng nói. Không biết im lặng mà nghe. Nhụy khúc buồn lắm. Mùa nào cũng thế, ngằn ngặt rồi chết… Nhụy khúc tàn đi, đời tao tàn đi, nhưng rồi nhụy khúc lại xanh. Mùa xanh nhụy khúc phía bên kia núi đẹp như một giấc mơ nhiều tầng sắc".

Với Đinh Phương, viết là khoảng thời cậu cảm thấy mình được sống và hiển diện trên cõi đời này thật nhất, rõ ràng nhất. Để phút nào đó thấy cuộc sống viên chức của mình không quá nhàm chán. Và khi viết, cậu được trôi trong các giấc mơ, trôi giữa các nhân vật và trôi trong chính suy tư của mình. 

Phương nói về cảm giác một sáng sớm đi đến cơ quan, qua các hàng cây, qua dòng người xuôi ngược, thấy mình là một người khác, cảm giác mọi thứ xung quanh cũng khác. Nắng dát vàng chậm chạp mọi thứ, tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Lâng lâng, bay bay. Và chỉ khi viết được nhiểu, kết nối được các giấc mơ, ký ức, cậu mới có được cái cảm giác sảng khoái đó. Cậu bảo, với người viết, đôi lúc chỉ cần một vài khoảnh khắc sống như thế cũng đủ.

Khi một số bạn viết trẻ cùng thế hệ cho ra đời những tác phẩm thời thượng gây sốt cộng đồng mạng thì Đinh Phương vẫn lặng lẽ, yên vị và nổi loạn trong chính thế giới văn chương của mình. Phương viết văn cho mình, chứ không phải để chiều lòng một đám đông nào đó. 

Đề tài cũng thế, cậu có những thứ quan tâm riêng của bản thân mình. Lịch sử, chiến tranh chẳng hạn. Vẫn biết đó là những đề tài khó gặm với một người trẻ nhưng khi gặm được vài miếng rồi thì đầy khoái cảm và muốn gặm tiếp.

Một vài người thường bảo ôi dào, bọn trẻ ranh, có trải qua chiến tranh, cơ cực, đau khổ đâu, hiểu thế quái nào được mà bày đặt viết lách. Nhưng nếu đọc Chuyến trở về của cỏ, Chiều ký ức phủ gai - chùm truyện ngắn giúp Đinh Phương giành giải Nhì cuộc thi Truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội 2013 - 2014 hoặc tập truyện ngắn Đợi đến lượt mới xuất bản gần đây, sẽ biết cậu "gặm" hai đề tài được cho là "khó nhằn" với người trẻ này ra sao.

Với Phương, mỗi người viết có thể hiểu chiến tranh, lịch sử dựa trên kinh nghiệm cá nhân của mình. Cậu tự hỏi, trải nghiệm giúp cho tác phẩm trở nên chân thật hơn. Nhưng nếu không có trải nghiệm, chẳng lẽ, người viết không được quyền viết về đề tài họ muốn viết? 

Lịch sử hay chiến tranh luôn có nhiều khoảng trống, có những điểm mù mà chúng ta chưa chạm vào. Cái quan trọng là người viết có nhận ra chỗ nào hợp với mình để lách vào hay không. Một khi đã lách vào được, cái còn lại là của trí tưởng tượng và ngôn từ.

Văn Đinh Phương khó đọc, thách thức sự kiên nhẫn của người khác. Đó không phải là thứ văn chương sến sẩm được viết theo một tuyến tính thông thường. Khước từ đại tự sự, văn chương của tác giả sinh năm 1989 này đi sâu vào những tiểu tự sự, những chi tiết được xé lẻ, đôi khi xé vụn trở thành những thứ vớ vẩn, tầm phào.

Với Phương, văn chương không có cái gì gọi là vớ vẩn cả. Người viết có thể thổi vào sự vớ vẩn ấy sự sống không mà thôi. Phương nói rằng, trí nhớ con người nhiều lúc kỳ lạ lắm. 

Có những sự kiện lớn, tác động trực tiếp đến mình lại chẳng nhớ, lại đi nhớ những thứ vô cùng tủn mủn, nhỏ nhặt. Đây cái ghế, kia cái bàn, bố mẹ ngồi hai bên, bên ngoài là nắng, là mây, là nhân vật đang cố gắng nhìn vào bên trong. Chỉ nghĩ đến đấy thôi cậu cũng thấy thú vị rồi.

Đọc Nhụy khúc, ta bắt gặp hàng loạt điều vớ vẩn như vậy. Sự vớ vẩn đôi khi phi lí khiến ai không quen thì khó chịu. Người chờ đợi kịch tính thì tỏ rõ sự chán chường vì trời ơi đất hỡi, viết cái gì mà toàn kể lể mấy cái tầm phào? Phương chính là đi nhặt sự tầm phào của đời sống, sắp xếp lại theo ý đồ của mình.

"Bố mẹ ngồi đối diện nhau. Bố bên trái, mẹ bên phải. Sau mẹ là cửa sổ. Cạnh bố là bức tường nham nhở tróc, miếng vữa nhẹ chạm là rơi…", "Giữa bố mẹ là bàn. Trên bàn là tờ giấy. Bốn cốc uống nước hoa hồng trong đó có hai cái sứt tai để một bên", "Giữa bố mẹ là tờ giấy mình không rõ nội dung. Chiếc áo trắng vải phin không vệt ố mẹ mặc trong đám cưới nay mặc lại. Tại sao không là chiếc áo khác? Hoa, xanh, trắng hay tím mà nhất thiết phải trắng đến nhức nhối?". 

Bìa truyện ngắn “Đợi đến lượt” và tiểu thuyết “Nhụy khúc”.

Rồi chuyện những cuốn sách của một người tên Vũ mang về từ những lần lang thang, nhiều cuốn không còn bìa, "sách không bìa thường buồn". Những điều cần rõ ràng nhất mà người ta mong đợi tác giả sẽ vén ra trong tác phẩm lại bị phủ mờ đi. Mông lung, nhạt nhòa. Cứ như là với Phương, những điều đó là ba sàm, nhắng nhít, không quan trọng.

Văn chương của cậu là văn chương của tiểu tiết, của những tâm lý tan đàn xẻ nghé, phiêu dạt, bất định ngay trong từng con chữ. Thứ văn ấy đầy rẫy cảm giác, hỗn độn giữa thực - ảo, giữa quá khứ và hiện tại, quá khứ lồng quá khứ, hiện thực lồng hiện thực chất chồng. 

Nhân vật lúc nào cũng đi tìm từng mảnh bản thể của mình thất lạc ở đâu đó, có khi tìm mình ở người khác. Văn chương ấy là văn chương gọi những cảm giác quay về. Dòng ý thức đó mạnh đến nỗi cảm giác gần như là một nhân vật trong tiểu thuyết của Đinh Phương.

Phương viết: "Con người thường sống với cảm giác được trở về đâu đó. Nếu không có cảm giác trở về thật khó sống trong cõi buồn bã này. Mọi thứ đều chênh vênh, vắt vẻo... Không trở về tức là đã chết".

Đọc văn Phương, thấy nhiều điều đã trôi qua vô nghĩa. Thấy mình ruồng rẫy, phụ bạc chính mình bao lâu nay. Thấy mình như một kẻ mất tích trái tim. Tự hỏi bao lâu rồi, ta không nghe cảm giác của mình cất tiếng. 

Nhân vật của Phương đi tìm tàn tro Nhụy khúc trong nỗi buồn xa ngái, xanh thẫm của mẹ, trong ẩn ức về năm tháng tuổi trẻ nhiều hoang mang, nhiều thương tổn, nhiều kỷ niệm ám ảnh. Phương đi tìm Nhụy khúc của lòng mình. Phương kiếm tìm và may mắn thấy được nhiều giấc mơ, dù rằng có thể là một cơn ác mộng đau đớn.

"Người ta đi qua giấc mơ và để lại bóng mình trong đó". Đinh Phương đi vào vùng lơ lửng của ý thức, của những ngày công chức mẫn cán tẻ nhạt, để lại bóng mình theo gió, đi rong khắp nơi. 

Phương viết, "gió là đứa trẻ con buồn nản với các phương trời cũ". Cậu nói, hai mươi mấy năm thôi, quá ôi là dài. Đôi khi thấy đời sống vô nghĩa lý: "Các kiếp người đang tuần tự thay nhau di chuyển về phía cái chết. Trên đường di chuyển, là các trạm cô đơn, bí mật, giấu kín, lừa dối, giấc mơ, cảm giác… Mà trạm nào cũng phải dừng lại ít nhiều, trạm nào cũng một hai người không bao giờ đi tiếp nữa".

Đinh Phương đang trôi vào những kiếm tìm của tuổi 27. Đang trôi trong những vùng lơ lửng của ý thức để viết về giấc mơ của mình, của người. Văn chương của cậu dễ làm ta động lòng, cảm động bởi lắm lúc, chỉ cần nghĩ về giấc mơ thôi, có người đã thấy nát tan rồi.

Đậu Dung
.
.