Nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Hưng:

Mãi còn những đắm say

Thứ Hai, 10/07/2017, 13:12
Hưng ít nói, nhẹ nhàng trong tư cách của một nhà thơ, nhưng lại thâm trầm, sâu sắc trước cách nhìn của một nhà báo.

Trẻ, năng động mà cũng đầy những giây phút suy tư nên anh thường mang lại cho người đối diện cảm giác gần gũi mỗi lần tiếp xúc. Tôi thích thơ Hưng bởi sự chân thành, mộc mạc nhưng cũng đầy dữ dội trước tình cảm và sự nổi loạn của tâm hồn...

Tôi biết Nguyễn Quang Hưng đã gần 20 năm nay, khi anh mới đang là sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ra tập thơ đầu tiên từ những năm thứ ba sinh viên Văn khoa cùng ba bạn thân là Trần Trọng Dương, Nguyễn Quốc Khánh, Bùi Việt Phương, một tập thơ với tên gọi mĩ miều Để tình yêu đánh lưới (NXB Thanh niên, 2001), với lời tựa của nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn. 

Nguyễn Quang Hưng chia sẻ rằng, hồi đó chẳng có tiền nhưng vẫn gom góp nhau lại in tập thơ để chơi, để tặng và có cho mình những chia sẻ, khích lệ từ rất nhiều tâm hồn đồng cảm.

Hưng bảo: "Tôi vẫn nhớ những cuộc đàm đạo thầy trò, bạn bè khi ấy đã mang lại cho nhau ý thức về sự lặng lẽ và chăm chỉ lao động. Rồi tôi cứ in rải rác tất cả các ấn phẩm văn chương lớn nhỏ: Văn nghệ quân đội, Văn nghệ "già", Văn nghệ trẻ, Người Hà Nội ngoảnh lại, đã ở tuổi tứ tuần, duy chỉ có một điều không thay đổi, đó là tình yêu bất tận dành cho thơ ca, văn chương, bè bạn...".

Bây giờ, Nguyễn Quang Hưng đã là một nhà thơ "có tiếng", giành một số giải thương thơ có uy tín và ra kha khá sách: 4 tập thơ, 1 trường ca, 1 tập tản văn, 1 tập ký chân dung, và đang dự định ra tiếp thơ cùng tập bài viết phản biện, góp ý cho đời sống văn hóa. Những "tài sản riêng" ấy, thơ, ký chân dung hay những trường đoạn viết tản mạn về một vùng đất quen thuộc, gần gũi, một nẻo đường xa, dường như tất cả đều mang dáng dấp của một cây bút đầy nội lực và đầy mê đắm.

Ảnh: Thanh Bình.

Là nhà thơ, nhưng lại chịu trách nhiệm là phó ban của Báo Thời nay - một ấn phẩm của Báo Nhân dân, nên Hưng bận rộn và tất bật với rất nhiều công việc sự vụ, báo chí. Nhưng dường như đối với Hưng, thơ là một nguồn mạch chảy âm ỉ không bao giờ vơi cạn, và chỉ cần có một chút "lý do" thôi, là nó chực trào ra. 

Bởi thế dù bên ngoài, cái dáng cần mẫn và đủng đỉnh, cái sự lặng lẽ và hiền lành của Hưng, là một trái tim ấm nóng, lúc nào cũng có chỗ cho những thanh âm thi ca từ bên trong vọng ra, trong sự đồng cảm của nhiều nhịp đập. Hưng đôi khi nhẹ nhàng vậy mà quyết liệt và sâu sắc.

Nguyễn Quang Hưng quê gốc ở Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở Hà Đông, trong một gia đình bố mẹ là cán bộ công nhân làm việc tại Công ty Máy kéo và máy nông nghiệp Hà Đông. Không trực tiếp nhưng đời sống, gốc gác của gia đình đã ảnh hưởng đến Hưng rất mạnh mẽ. Mẹ anh xuất thân là người nông dân, chất phác. 

Quê ngoại ở làng Tả Thanh Oai, cách nhà có 4 km nên Hưng hay được trở về làng và thấm đẫm không gian văn hóa làng. Ngược lại, về phía phố phường, Hưng khẳng định, anh rất ảnh hưởng từ người bố tài hoa. Bố anh sinh ra và lớn lên ở phố cổ và từng tham gia hoạt động Hướng đạo sinh Hà Nội, thường xuyên ca hát trong phong trào học sinh trước năm 1954, nhà lại làm nghề thêu, mở cửa hiệu thêu nên khấm khá. 

Hưng đã viết về bố: "Một mảnh thành phố cũ và yếu mệt/ Ngày ngày thân thể lang thang/ Ngày ngày ý nghĩ quay về/ Thành phố quên bố rồi/ Bố còn muốn nhớ/ Còn giữ thành phố của mình/ Như đồng tiền mừng tuổi/ Khâu trong vạt áo..."

Và về mẹ: "Người phụ nữ ở lại thân hình gân guốc/ Nuôi lớn đứa con trai từ trong ra/ Là mẹ!/ Lông mày con rậm giống trăm người làng mình/ Tính con lành mây sớm đèn khuya/ Màu bến sông những chiều đom đóm/ Người con mọc những rặng tre/ Chân con vòng sóng đàn nhện nước/ Quê những trưa quê vắng khô héo/ Ấu thơ cổ sơ mái đền hoang/... Là mẹ ở phía ấy chuyến đò theo ánh nhìn/ Đi về nơi con không biết hết/ Là đàn dơi xập cánh bát cơm muỗi cắn/ Con bám theo lên những vòm cây...". 

Hưng từng đoạt giải Nhì cuộc thi thơ "Thơ ca và nguồn cội" của làng Chùa mười năm trước, đó là "Làng Thơ" của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, một người anh, một người bạn lớn mà Nguyễn Quang Hưng kính nể. 

Mỗi cuộc ngồi cà phê ở quán cũ Hà Đông, gần chợ Hà Đông, ở nhà Nguyễn Quang Thiều ở Hà Đông, mỗi lần về chơi làng Chùa đều là những kỷ niệm đẹp và truyền cảm hứng làm việc cho Hưng. Gần đây là giải Nhì cuộc thi thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức trong 2 năm 2015-2016.

Có lẽ bởi thế, nên Hưng có cái chất sĩ tử Hà Đông không trộn lẫn, sự chất phác đến độ thô mộc trong cách sống, trong mối quan hệ bạn bè, và cả những ân tình. Nó mang đến cho Hưng sự mới lạ và đau đáu trong cách nhìn cuộc đời và những hồi ức ấu thơ thông qua những áng thơ ca. 

Từ những tựa đề tập thơ Vườn ánh sáng, NXB Hội Nhà văn, 2008; Mùa Vu Lan, NXB Hội Nhà văn, 2011; Tiếng hạc trong trăng (tập kí chân dung), NXB Thanh Niên, 2011; Lòng ta chùa chiền, NXB Hội Nhà văn, 2013...  tôi đi tìm về những câu thơ của Hưng. 

Tôi thích cách Hưng cảm nhận những thanh âm cuộc sống và tâm hồn mình: "Nghe thấy những tiếng gọi từ biển/ Trước khi trời sáng/ Tiếng lửa đun cơm hắt sóng/ Tiếng người khấn thầm/ Nhìn thấy sóng bò vào gần bờ/ Thấy núi đi về sương mờ/ Chiều đang dâng ngang những thân nhà/ Chiều hoang vắng tiếng trẻ khóc/ Sờ được cả rêu bám nhớt dưới thân con tàu nhỏ/ Sờ đứt tay hà bám gỗ/ Chạm nhễ nhại vồng ngực rộng/ Cuồn cuộn nắng rực vàng kéo lưới/ Ở đầu lưỡi có vị cá sống người ăn cá sống ngoài biển/ Đầu lưỡi có vị trôi dạt khô khát/ Cả ngày nhích dần nhích dần nhợt nhạt/ Cả ngày có vị nước mắt chảy/ Ngửi thấy mùi khét của từng năm vòm trời ăn xuống tóc bạc/ Mùi tanh tanh mặn mặn bàn tay trên cái ca, trên đôi đũa, trên gối/ Mùi gió đêm thoảng êm xa xa về gần/ Mùi của tất cả thân hình đã tan thành nước mắt chảy xuống biển/ Không ngừng bên mép nước/ Những vọng phu cát/ Mọc lên/ Tan về chân trời theo gió". (Cát vọng phu).

Là một nhà báo, Nguyễn Quang Hưng có điều kiện để đến nhiều vùng đất, điều này đã mang đến cho thi ca của anh những màu sắc mới. Thoạt nhìn Hưng, thấy rằng anh không phải là con người chịu nhiều sương gió, nhưng sự chịu đi, chịu đọc, chịu chơi với các bạn văn của anh, đã làm nên một Nguyễn Quang Hưng không lẫn với những nam thi nhân cùng thời. 

Anh có sự đĩnh đạc, tỉnh táo của một nhà báo, có nét hào hoa của một người sáng tác và say mê nhiều lĩnh vực thuộc văn học nghệ thuật, và dĩ nhiên, có sự mê đắm của một thi nhân đã nếm trải những trải nghiệm, ân nghĩa ở đời. 

Hưng chia sẻ: "Dù hầu như ai cũng thường muốn thể hiện ra bên ngoài phong thái ung dung, đĩnh đạc, tư thế vững vàng, có thể chỉ là hình thức, có thể là chính bản thân người ta, nhưng tôi chắc rằng, khó có ai không có những lúc sa vào trạng thái bức bối, bế tắc hay gần gần như thế. Nhất là trong đời sống đang có nhiều đòi hỏi, thách thức, khiến chúng ta thường phải đối mặt, phải lo nghĩ. 

Bên mộ Hàn Mạc Tử.

Cũng như ngày càng có nhiều những lôi kéo, những đưa đẩy từ hoàn cảnh và từ chính nhu cầu, ham muốn trong nội tâm mình, khiến ta dễ rơi vào xu hướng tha hóa. Và những âu lo, tính toán kéo dài dễ đưa ta tới trầm cảm, sợ hãi... Niềm yêu mến, lòng tin, sự quý trọng... bị hủy hoại thì cũng vậy, ta dễ rơi vào những cảnh ngộ rất tệ hại. Chính tôi phải thú nhận là có nhiều lúc bất ổn và hoang mang. Những lúc ấy thì nghĩ nhiều thứ linh tinh lắm! Nhưng nếu sớm nhận ra thì ta sẽ cố gắng thoát khỏi chúng. 

Đây thực sự là cuộc giành giật trong đời sống nội tâm. Cho nên cuộc hành hương, lắng nghe và đi tới như trở lại hay trở lại cũng là đi tiếp..., chính là những phương thuốc. Tôi nghĩ, đó là đi vào đời sống để dọn dẹp mình, cải thiện mình và mở rộng mình hơn".

Gần đây, Hưng viết nhiều tản văn hơn, tôi thích cách anh mộng mơ và ôm ấp những dấu yêu xưa cũ chảy đến hôm nay và ngày mai, như để dặn lòng không thể để dấu tích của tháng năm phai mòn trong nếp nghĩ, nếp sống của cuộc đời ồn ã xô bồ đầy bận bịu của một người làm báo. Hưng vẫn dành nhiều thời gian để đi, để mộng mơ, để sáng tác. 

Có khi lên tận địa đầu Hà Giang, lên miền Tây Bắc và đi xa về gần trên những con đường xứ Đoài, những nẻo đường Đồng bằng Bắc bộ. Hưng bảo nó cho Hưng nhiều cảm xúc, cũng là cách để những người sáng tác nạp lại năng lượng cho bản thân mình, một khối năng lượng tươi nguyên để lại nhào trộn nên những mẻ màu thơ ca đầy tinh tế và đẹp đẽ.

Mới đây nhất, Hưng viết tản văn Nhớ đường khiến người đọc cảm thấy... nhớ: "Những đường đi dù ngắn, dù dài, những nơi tìm đến, để mắt nhìn là cho ta nhận thêm những điều ít nhiều nuôi tấm lòng mình rộng ra và sáng hơn. Để về sau nghĩ lại, trở lại những đường ấy, ta thấy đất này đã nên quen. 

Nhưng từ quen đến thuộc được, thì cả đời sống và rong ruổi có lẽ cũng chưa chắc. Ta cứ đi, cứ đến, để mở mắt, mở suy ngẫm, nhận biết của mình ra mà đón dần những rung động. Đâu đó tôi như nghe tiếng chim muông, tiếng hươu, hoẵng, tiếng hổ gầm những chiều xuyên con đường Dương Nội qua những làng La, nhớ lần vào xem hội Giã La ở thôn La Cả, người làng rước kiệu thánh trong đêm tối, che kín long ngai bằng những chiếc quạt lớn. 

Một người cao tuổi ngồi trong đình sáng bừng điện và hương nến, kể câu chuyện xưa, nói vùng đất ven sông Đáy mà bây giờ đã đầy những nhà cửa, vườn tược và những dải đường bê tông này, thuở xa xưa còn hoang vu lắm, thú dữ rình rập hại người. Dân làng tổ chức vây bắt, giết được con hổ thật lớn...

Chuyện thuở bình minh làng mạc còn vọng lại qua cuộc rượt đuổi con hổ được đóng giả chạy vòng quanh đình. Người mặc áo giả bộ da hổ sẽ trốn dưới một cái cống đá gần đấy và dân làng xúm vào xé tan bộ lốt hổ, mỗi người đều muốn có một mảnh đem về làm khước. 

Tôi đi lang thang trên con đê lớn qua những thôn Yên Nghĩa, Do Lộ cuối Hà Đông, lâu nay đã lên phường, rẽ vào những rặng nhãn cổ thụ, xuyên vườn táo cành xương xẩu và ngóng núi Trầm mờ xa bên kia sông Đáy qua lúp xúp những ruộng ngô để cố hình dung một vùng hoang dã đã trôi vào lời kể. Không thể cố được hơn, chung cư đã bò đến sát mép đê bên này, và những lối mương, những bờ cỏ nối qua vài cây cổ thụ sót lại đã biến mất. 

Có lần trên một đường xa, tôi chợt nhớ về những đoạn đường đất đỏ au dẫn về chốn ấy, và viết về đêm mất ngủ của người bảo vệ chung cư khi nghe thấy những tiếng huyên náo từ âm âm phía dưới kia vọng lên...".

Tôi biết Hưng đang ấp ủ một số dự định mới, cho công việc viết lách của mình, và trong sự bận rộn của một nhà báo, tôi biết rằng Hưng vẫn đang ấp ủ để cho ra mắt những cuốn sách mới, và tôi chờ đợi để đọc văn của Hưng trong niềm mê say như thuở ban đầu...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.