Thi sĩ trẻ Nguyễn Quang Hưng: Thôi thì…cứ làm thơ đã!

Chủ Nhật, 29/08/2010, 09:45
Trong lời Tựa tập “Để tình yêu đánh lưới”, nhà phê bình Chu Văn Sơn viết: "Bạn sẽ dễ dàng nghe ra dây nào nền nã, dây nào ngang tàng, dây nào êm ái, dây nào nỉ non".

Chàng sinh viên nghèo viển vông

Có lần tôi hỏi Nguyễn Quang Hưng:

- Nỉ non… là ông hả?

Đang châm thuốc, Hưng vứt vội que diêm:

- Quốc Khánh chứ. Thằng cha ấy mới nỉ non, van xin tình yêu chứ tôi là ngang tàng, ngang tàng lắm, ông đừng có nhầm lẫn rồi nói vớ vẩn.

Nói xong, Hưng trợn mắt, rồi gườm gườm nhìn ra phía xa. Tôi ngoái cổ nhìn theo xem anh thị uy ai? Sau làn khói thuốc mỏng tang là rặng thuỳ liễu rủ nắng ban trưa, sau nữa là mấy bóng hồng đang thơ thẩn. Hoá ra, tức khí, Hưng cũng chỉ gầm gừ nhìn mấy bóng hồng. Mà biết đâu lát nữa lại làm thơ.

Dạo đó chúng tôi nghĩ Hưng nói thế là đổ vấy tội cho người khác chứ nỉ non đúng thực giọng anh rồi. Nhất là từ khi mấy câu thơ của anh được phát tán khắp trường:

Em em chị chị làm gì
Lòng tơ hiu hắt chỉ vì chị em
...
Yếm kia buộc chị với chồng
Buộc em với luống cải ngồng xót xa.

Thế là, chẳng biết ứng nghiệm hay chỉ là ngẫu nhiên mà từ hôm ấy chúng bạn thấy bóng Hưng lượn lờ khắp trường (có thể chỉ là tham gia công tác Đoàn chăng?). Đấy, hắn đấy, đúng hắn đấy: "yếm", "cải ngồng", "chị"… Thói thường người ta nhìn nhiều đâm nhoè, rồi từ nhoè lại đâm ra khéo tưởng tượng hay thơ Hưng ám vào đời Hưng thật: Anh hát hay, dễ tính, gặp ai khó khăn cũng giúp, nhất là phận liễu yếu đào tơ…

Điều ấy đã được nâng "quan điểm" lên thành Quang Hưng mê muội "chị". Cứ thế, dân gian ngày một lưu truyền. Chàng sinh viên gầy lam lũ với mái tóc bồng bềnh, cười rất tươi có nét giống Xuân Diệu, nghi mắc bệnh Hoàng Cầm bỗng cho những kẻ hay đơm đặt một phen té ngửa vì bất ngờ: Anh làm thế thật. Nhưng thật tiếc cho Hưng, điều đó chỉ mới dừng ở mấy câu thơ: Chị muốn nghe không?/ Em sẽ hoá dế mèn/ Dế mèn tài hoa lỡ thì rồi cũng nghẹn/ Mo cau đựng cơm trôi theo triền sông/ Sen tàn/ Cháy đôi cánh con công/ Rách toang trời mùa hạ/ Thương chị vẫn đơn côi, kệ trăng vàng lơi lả/ Ta… ta không làm em chị đâu!

Chuyện kể thì không mới nhưng giọng tha thiết quá. Sự tha thiết lại ẩn trong cái ngang tàng thuần khiết: Ta… ta không làm em chị đâu! Đời trẻ trai ngạo nghễ, chưa nếm mùi ngã ngựa tình trường, chưa vượt ải mĩ nhân đã vùng vằng đứng dậy toan hất tung cả bàn cờ số phận. Đồ rằng, người dám đấu lại với số phận thường là bậc anh hùng, còn kẻ dám khước từ định đề duyên phận thì ắt sẽ làm thơ.

Quang Hưng bỗng chốc thoát  thai từ chàng sinh viên viển vông để làm một người tình non của nàng thơ từ dạo đó. Từ giờ, mặt đất ở gần hơn nhưng sỏi đá, gai góc cũng sắc nhọn hơn. Từ giờ, anh phải chắt chiu nhựa sống trong mình để nuôi thơ, dành dụm từng hơi thở để tận hiến giao hoà với nàng thơ.

"Nợ nần" và đam mê

Vợ Hưng tên Thi - một người phụ nữ nghiên cứu sân khấu. Hưng khá yêu vợ. Tôi từng hỏi đùa Hưng: Ông ngày xưa theo quan điểm nghệ thuật "vị các chị", nay "vị Thi" rồi  liệu có còn thi vị không? Cũng như mọi lần, Hưng không trả lời được câu hỏi ấy mà vẫn làm được điều mà khối người hiểu rõ nhưng vẫn bất lực.

Từ xửa từ xưa, các cuộc xung đột giữa các học phái, thi phái lắm khi còn để lại kẻ thắng, người bại. Còn ngược lại, cuộc xung đột giữa bổn phận mưu sinh và tham vọng hiến dâng cho nghệ thuật mà nôm na là giữa  bà xã và thi xã hình như chưa có hồi kết thúc. Với Hưng, dường như anh không phải gạt bỏ gánh nặng áo cơm mà vẫn cất được đôi cánh thi ca.

Ngày ngày đưa vợ đi làm trên đại lộ đông đúc, phủ bóng những cao ốc Mỹ Đình chọc trời, anh vẫn ngước lên đỉnh Ba Vì và mơ: Anh lần tiếng em ngược đỉnh Ba Vì/ Hỏi thăm Hằng Nga hỏi dấu mây đi. Chưa kịp ngắt dòng suy tư, thoát cơn mộng mị thì người trong mộng đã níu chân: Em níu ta về nẻo ngoan lành/ Bỏ lại những mặt nạ giòn cười tươi khóc /Kệ thây những gánh gồng khó nhọc!/ Buôn văn bán chữ lần hồi/ Móc túi bảy ngày chỉ thấy mây trôi... (Hát ôm). "Nẻo ngoan lành" ấy hẳn ngọt ngào hơn đại lộ mắm muối dưa cà của cuộc sống mưu sinh.

Nơi đây nợ áo cơm thường nhật đã hoán đổi thành nợ tình. Phải chăng bao giờ trả hết nợ tình "nàng" mới buông tha anh về với đời thực. Nợ ấy chắc phải tao nhã, thanh cao lắm, người có con mắt  đa tình mới có thể nhìn thấy được. Thoạt tiên, anh nhìn ra những cái "khuyết".

Cái khuyết vừa như một thách thức, lại như một sự cám dỗ, mời mọc. Thuở ấy, phận trai tân bé mọn chỉ dám trách thầm chị (Lòng tơ hiu hắt chỉ vì chị em; Khế chua em bán nghẹn phố). Còn giờ đây cũng đâu đủ duyên để lấp đầy những "khuyết" lại "khuyết" ấy. Mặc cảm nợ nần hoà lẫn với khát khao, vụt hiện thành những cuộc phiêu lưu ái tình vừa trần tục vừa liêu trai.

Để làm được điều đó chỉ có thể vin vào một cơ trời, đó là những lễ hội. Tính Hưng rất thích các lễ hội như thế. Trong thơ anh, lễ hội của con người luôn gắn chặt với những động cựa sinh sôi của vạn vật. Khi con người ta yêu nhau, đợi chờ, khát khao, buồn tủi… không chỉ như một diễn từ phồn thực bất hủ mà còn để trả cái nợ hoá sinh đã ban phát cho mình. Đây là cách anh kể về một lễ hội:

Xem hội...
Kiệu bay...
Trống rung yếm sồi
Làng theo cờ cuốn
Xô Đông dạt Đoài
Chạm tay mấy lối
Mặt hồng dao cau

Kiệu vòng mấy ngả
Xô người theo nhau.

Cái duyên trói buộc cái nợ, cuộc giả nợ nào cũng cuồng nhiệt, đam mê mà nghẹn ngào chua chát, có bao nhiêu nợ là bấy nhiêu duyên:

Ơi duyên bảy màu!
Cái duyên ngũ sắc
Thắt ngọt đêm thâu
Trăng vàng sóng mật
Bồng bềnh men trầu
...Đêm dài đêm lâu...

                                                                                (Chơi hội)

Hội cất trong mình cả những vụng trộm đã ấp ủ thành một sinh khí, một sức sống mãnh liệt để có thể vượt qua mọi ranh giới. Người tu hành một thời phải nuốt nghẹn duyên tình lén cởi manh cà sa để khoác lên mình hành tung của kẻ "vải thưa che mắt đi đêm":

Phù sa nồng thở
Dạ lan đòng đưa
Cà sa lén cởi
Tằm xanh măng tơ

                                                                                   (Hội ven chùa)

Hưng còn kể với tôi về rất nhiều lễ hội khác mà anh được dự. Có những điều anh được thấy, có những thứ e chỉ là tưởng tượng, biết đâu còn tự huyễn hoặc mình. Nào là trò này diễn lại tích này thế nào, khát khao bấn loạn thế kia. Có dạo đất trời mới chớm xuân mà mưa đã lầy lội ngập đường không đi hội được, ngồi thu mình bên trang giấy trắng, khép nép với chuẩn chỉ của sáng tạo mà anh vẫn "nhận sằng" khối thứ tội nợ ái tình trong các lễ hội trong hình dung của mình. Nhưng thôi, con người yêu các lễ hội đến khánh kiệt chữ nghĩa đến thế, dẫu có đôi chút ngoa ngôn thì cũng thực sự có tài.

Rồi cũng chẳng hay bằng cách nào Hưng lại viết được những câu thơ có màu sắc triết luận. Thứ tinh chất chỉ có ở những nhà thơ có đôi mắt nhìn cuộc sống bằng cái nhìn nhân bản nhất: Chúng ta vác lưới treo nặng những chiếc phao mặc cảm tủn mủn và lo sợ/ Nhìn thấy niềm tin của mình trong mắt những người đi bên đường; Những bức tranh bán dần/ Chỉ còn con người treo mãi trên tường cũ. Hay: Con đường cũ dằng dặc xa lạ/ Người soi mình những vũng nước một thế giới khác/ Chia cắt và tan nát/ Người soi trong mắt người mơ hồ thân cận/ Thấy khuôn mặt ai đó giống mình đầy những nghi ngờ.

Kì thực, nếu nhìn ở góc độ này những câu thơ đó mới chỉ chạm đến một vài khía cạnh nhỏ lẻ mà chưa được cô đúc thành một tinh thần triết luận. Điệu cũ vẫn còn lấp lánh trong lời mới chứ chưa hẳn là một thứ thơ khác. Có nhiều người cầm bút đã từng chuyển hướng và đảo bút sang nhiều lối thơ khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để quyết định đến hiệu quả của sự đổi thay đó là ở (tình) điệu.

Anh sẽ chuyển điệu ấy như thế nào để có được một lối thơ mới từ hình hài đến hồn cốt. Có lẽ ở mảng thơ trữ tình mang phong vị dân gian ngoài trường hợp của Nguyễn Bính  thì đa số các cây bút đều lâm vào hai vấn nạn: Hoặc thay lời thì nhạt giọng, mất giọng hoặc lời đã mới từ đầu đến chân mà giọng cũ cứ ngang nhiên mách lẻo người đọc về cuộc dấy binh đổi giọng bất thành.

Hưng cũng rơi vào trường hợp thứ hai nhưng "nỗ lực bất thành" của anh lại trở nên "đáng trọng" bởi một nguyên do khác. Từ cái nhìn phồn thực về cuộc sống đã tạo ra chất giọng lả lơi mà không rơi vào suồng sã. Điều đó  tương khắc với những tinh thần triết luận nhưng lại là căn cốt của thơ anh. Nôm na chuyện đó cũng là thế này. Hưng sống rất điều độ và chừng mực, đôi khi anh còn quá cẩn trọng và lo xa trong công việc cũng như giao tiếp.

Thế mà nếu gặp một bạn thơ tâm đầu ý hợp thì anh lại bộc lộ con người nghệ thuật cuồng nhiệt, tham lam trong mình. Sự vật dù khô khan đến mấy qua cái nhìn của anh cũng phải nảy ra dăm ba cái mầm tươi non của luyến ái, của sự bay nhảy, đuổi bắt, tìm kiếm. Đó là những căn phòng hoá con thuyền (căn phòng là con thuyền), người vắng mặt hiện thân thành những bàn ghế.

Hay sinh động hơn như: Những tiếng khóc làm bằng đùi ếch/ Những hờn dỗi gói trong bánh nếp/ Những ánh nhìn tròn xinh bỏng ngô. Quang Hưng hóm hỉnh đến oái ăm khi tạo nên những biểu tượng độc đáo ấy. Người cả nghĩ khi đọc những dòng này sẽ nghĩ đến những biểu tượng núi, nước, ánh mắt… chứa trong mình nhiều ý nghĩa theo lối tượng trưng. Thế nhưng chỉ cần đi theo hướng tìm tòi những giá trị biểu cảm sẽ thấy nó thuần chất và thuần Việt biết chừng nào. Ngẫm ra, nó cũng chỉ là sự cùng cực của một lòng yêu vậy thôi. Lòng yêu ấy có thể sẵn sàng hoá thân trọn vẹn vào những biểu tượng.

Đã có một thời, chúng ta đọc hứng thú với những câu thơ thể hiện cuộc xung đột dữ dội giữa các nền văn hoá và sự lệnh pha về  thời đại. Đó là khi các nhà thơ yêu vẻ đẹp quê mùa, yêu những giá trị cổ truyền cảm thấy bị xâm thực văn hoá, họ phản ứng gay gắt với đời sống hiện đại tạo nên một dòng thơ dân gian hiện đại.

Ở phía ngược lại, đã có những thi sĩ tự tin mở đường và cổ suý mạnh mẽ cho một giọng thơ thời đại mới. Người yêu cái cũ xung đột với cái mới, kẻ nâng niu cái mới muốn đoạn tuyệt cái cũ. Họ có phản bác, có xung đột với thế giới biểu tượng của nhau chứ chưa thực sự xung đột với quan niệm của nhau một cách rõ nét.

Chừng nào có được cuộc lâm trận đó, người đọc sẽ "đắc lợi" tận hưởng những câu thơ có giá trị. Giữa lúc còn ngổn ngang những điều mới cũ, Hưng bỗng dưng giành được sự mến mộ của người đọc bằng sự dung hoà khéo léo mà rất quyết liệt của mình. Cứ thế, anh phục sinh cái cũ, giải thiêng cái mới để người đọc phải trải lòng với sức biểu cảm của câu chữ mà lặng lẽ chấp nhận. 

Hẳn những người đọc thơ Hưng sẽ cảm nhận được điều đó và thấu hiểu được lối đi của người làm thơ hôm nay chông gai biết nhường nào. Quang Hưng đã tìm thấy những thi vị với riêng mình bằng lối đi ấy. Chắc anh sẽ tự nhủ: Thôi thì… cứ làm thơ đã!

Bùi Việt Phương
.
.