Nhà thơ Bùi Kim Anh: Tĩnh tâm giữa những vỡ òa buồn vui

Thứ Tư, 26/06/2019, 17:29
Năm 2019 là năm nhà thơ – nhà giáo Bùi Kim Anh ấp ủ hai kế hoạch lớn, một cho mình và một cho con cháu. 

Cho mình, tập thơ thứ 11 “Tóc trắng nắng mai” của nữ thi sĩ vừa ra mắt độc giả. Cho con cháu, cùng con gái Mai Anh lo thủ tục cho Thiện Nhân – đứa cháu ngoại đặc biệt của bà tiếp tục được mổ phẫu thuật vào dịp Tết tới, những mong cháu trai yêu ngày càng khỏe mạnh và ổn định. 

Cả cuộc đời gắn bó với bảng đen phấn trắng với những bài giảng văn và bao thế hệ học trò, giờ đây, Bùi Kim Anh dành trọn thời gian, tâm sức cho thơ, cho con, cho đàn cháu yêu thương.

1. Nữ sĩ Bùi Kim Anh đang sống những ngày tháng tĩnh lặng và dịu nhẹ. Tôi cảm nhận được điều đó khi tới thăm bà, khi được ngắm những giò cây xanh mướt treo kín từ cổng vào trong sân nhà, khi thấy chú chó Sen vẫy đuôi rối rít, hai chú mèo cuộn tròn ngủ gần giá sách, thấy cả chú rùa nhẩn nha trên bậc cửa, còn chủ nhân đang đóng gói những quyển thơ mới in gửi tặng bạn bè nơi xa. 

Hai năm nay, con gái và các cháu chuyển ra ở riêng, ngôi nhà trên phố Nguyễn Đình Chiểu chỉ còn cặp vợ chồng già – nhà thơ Bùi Kim Anh và nhà báo Trần Mai Hạnh, trở nên thênh thang và yên ắng lạ. 

Nhưng có lẽ đó là khoảng lặng cần thiết để bà hồi tâm hồi trí và sống trọn vẹn hơn với thơ: “Chỉ là một góc nhỏ thôi/ Sau bộn bề ta lại ngồi với ta/ Góc lặng yên giữa căn nhà/ Tĩnh tâm giữa những vỡ òa buồn vui” (Góc lặng yên giữa căn nhà).

Bùi Kim Anh thường hay điểm lại những dấu ấn, sự kiện lớn nhỏ trong cuộc đời và rút lại thành những con số. Thói quen này, tưởng như không khớp với sự lãng đãng, mờ nhòe, bất định thường thấy của một hồn thơ.

Nhưng sự tổng kết đầy lí tính ấy lại đúng với Bùi Kim Anh. Bởi không chỉ là nhà thơ, bà còn là một cô giáo dạy văn nghiêm cẩn với những bài giảng lớp lang, mạch lạc. Và còn bởi, cuộc đời bà va đập, chao đảo trước quá nhiều sóng gió, chẳng khác nào những ghềnh thác hiểm trở bẻ ngoặt dòng chảy của dòng sông cuộc đời. Điểm lại để làm gì? Để kể lể? Không! 

Đơn giản để thấy rằng, còn tĩnh trí điểm lại được cuộc đời mình, là còn  minh mẫn và sáng suốt, còn đủ bình tĩnh và khách quan, để thấy rằng sau tất cả, bà và gia đình vẫn vững vàng, không ngừng lao động và gieo hạt mầm yêu thương.

Với bà, những khó khăn thời chiến tranh, khi nhà báo Trần Mai Hạnh tham gia chiến dịch, bà ở hậu phương dạy học, xoay đủ nghề để nuôi con không thấm tháp gì so với những tai họa đổ ập xuống tổ ấm của ông bà trong thời bình. 

Bà từng tổng kết rằng, đại họa đã 3 lần giáng xuống gia đình bà theo chu kỳ 10 năm một lần và ngày càng nặng hơn, khủng khiếp hơn. Ông bà lấy nhau được 10 năm thì bị một vụ hỏa hoạn lớn ở khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam. Nhà cửa, đồ dùng cháy rụi, lại gây dựng lại từ đầu. 

Cũng đúng 10 năm sau, ông bị TNGT rất nặng tưởng không qua khỏi. Những tưởng gia đình ông bà sẽ bình yên sau những tai nạn vật chất và thể chất ấy, nhưng cú đánh chí mạng về tinh thần đã xảy ra khi ông dính vòng lao lí năm 2002. 

Cũng thời điểm đó, con gái Hiền Anh mắc bạo bệnh. Mấy mẹ con tựa vào nhau, vịn nhau để mạnh mẽ đứng lên. Bà đã bằng nghị lực, sự am tường cuộc sống, lòng can đảm để tiếp thêm sức mạnh cho chồng, cùng chồng chịu đựng, vượt qua chuỗi nạn kiếp người; đồng thời phải luôn rắn rỏi, lạc quan để giữ lấy mái ấm gia đình và niềm tin vào cuộc sống cho các con.

Cho đến giờ, với gia đình bà, cuộc sống đã quay lại những vòng quay đều đặn, cân bằng. Đã hơn 70 tuổi, Bùi Kim Anh hàng ngày vẫn làm thơ, viết bài đăng báo. 

Chồng bà – nhà báo Trần Mai Hạnh hiện giữ cương vị là Phó tổng biên tập Tạp chí Phương Đông, vẫn mải mê công việc. Ông bà vẫn thường đọc những trang viết của nhau, góp ý cho nhau. Thói quen chia sẻ, thái độ trân trọng nhau đã giúp ông bà luôn gần nhau, giữ lại nhau dù có khi xô, lệch. Con gái cả Mai Anh sớm tối tất bật để có thể lo liệu cho ba cậu con trai. 

Hành trình chữa trị cho con trai nuôi Thiện Nhân vẫn còn kéo dài, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Người con gái thứ hai của bà, Trần Hiền Anh, dù mắc ung thư 16 năm nay, nhưng vẫn gắng gượng điều hành một công ty chuyên về trang trí nội thất, đặng có tiền lo cho con trai và có kinh phí để chữa bệnh cho chính mình. Vợ chồng người con trai út của bà, Trần Mai Linh cũng tự lực trong công việc và cuộc sống để không phiền đến bố mẹ. 

Bà là típ người hiện đại, chiếc iPhone bên bà cả ngày, giúp bà nhắn tin trao đổi với bạn bè, giúp bà lưu ngay những câu thơ vụt hiện. Bà đọc thơ của các nhà thơ trẻ, chơi với nhiều người trẻ, bà vẫn tung tẩy điệu đà cùng chúng bạn. Không ít người chua xót mà rằng, một người phụ nữ dịu dàng, dáng dấp tiểu thư như bà không ngờ lại có cuộc đời lên thác xuống ghềnh đến vậy. 

Bà tự tổng kết, hành trình thơ của bà đến thời điểm này đã trải qua nhiều biến đổi: Giai đoạn đầu, thơ Bùi Kim Anh mượt mà, đậm nét truyền thống với những đề tài về tình yêu, cảnh sắc quê hương. Khi chồng bà gặp nạn, con gái lâm bạo bệnh, những tổ ấm nhỏ của các con cứ tự vỡ ra không thể hàn gắn, thơ của người vợ, người mẹ Bùi Kim Anh lặn xuống tận cùng nỗi đau, trầm buồn, da diết. 

Nhưng cũng chính trong những ngày tháng ấy, bà nhận ra thơ không thể giữ mãi vẻ truyền thống, rất cần một sự vượt thoát để bao chứa được những dòng suy nghĩ ngổn ngang. Rồi cuộc sống lắng lại, giãn ra, thơ bà giai đoạn này ít buồn hơn, nhưng lại nhiều dấu ấn của tuổi già, rõ nhất là sự xuất hiện mái tóc trắng bồng bềnh thi sĩ.

Nhắc đến mái tóc, nhà thơ bảo không dễ gì khi đối diện với những sợi bạc trên đầu, bà đã trải qua 3 lần dằn lòng không nhuộm tóc đen nữa để tóc trở về nguyên bản. Lần thứ nhất khi bà chưa 60 tuổi, đã định để tóc bạc theo thời gian, nhưng các cháu khi nhìn mái tóc lam nham màu của bà cứ kêu riết, bà lại nhuộm. Lần 2 sau đó vài năm, những phiền muộn trong cuộc sống khiến bà thấy oải, thây kệ mái tóc trắng dần. 

Nhưng rồi không vượt qua được lời chê, khi ngắm mình trong gương cũng tự thấy chán mình, lại nhuộm tóc đen để tâm hồn thăng bằng trở lại. Đến lần 3, những ngày tháng bệnh tật kéo dài, nằm viện triền miên, tóc lộ trắng nhanh đến không ngờ, thế là thôi không nhuộm nữa. Bây giờ tóc trắng không phải nhuộm mới thấy thanh thản làm sao…

2. Bùi Kim Anh nương vào thơ để khỏa lấp nỗi đau. Nhưng khi gượng dậy rồi, bà dạy dỗ con cháu, trong đó có cậu bé Thiện Nhân bằng phương pháp của một nhà sư phạm kiên trì và mực thước. 

Ngày con gái Mai Anh quyết định đón bé Nhân về chăm sóc và chữa trị, bà ủng hộ và nhắn tin cho con gái: “Con đã bước một bước thì hãy bước tiếp. Mẹ luôn ở bên cạnh con”.

Nhà thơ Bùi Kim Anh và cháu Thiện Nhân.

Ngày mới đón Nhân về, mỗi lúc tắm cho Nhân, nhìn cơ thể của cháu, bà lại khóc. Bà biết đến nước Mỹ xa xôi qua những lần đưa Thiện Nhân đi phẫu thuật, khi mà chỉ có hai bà cháu ở lại Mỹ còn mẹ Mai Anh phải bay về Việt Nam làm việc. Thằng bé phải trải qua những lần kiểm tra, khám bệnh, xét nghiệm, phẫu thuật liên miên nên luôn sợ hãi và chỉ biết bấu víu vào bà và mẹ. 

Từ thương Nhân, bà yêu thằng bé lúc nào không hay. Tình yêu thương lớn hơn tất cả những khó khăn lường trước sẽ gặp phải sau này. Hàng loạt những ca phẫu thuật giúp cơ thể Thiện Nhân dần hồi phục. Nhưng chính tình yêu thương của mẹ Mai Anh, ông bà ngoại và hai người anh mới giúp cậu bé luôn tươi vui, yêu đời, bản lĩnh. 

Ngày 15-7 sắp tới là sinh nhật của Thiện Nhân. Bà lại tổng kết, vậy là đã 13 năm thằng bé có mặt trên cuộc đời này, trong đó 12 năm gia đình bà có Thiện Nhân. Bà để Thiện Nhân đối diện với tất cả, để cháu mạnh mẽ dần và có nghị lực vươn lên. 

Nhớ lúc Thiện Nhân học lớp 1, đi học bị bạn bè trêu là thằng què, chạy về khóc với bà ngoại. Bà bảo: “Đúng là con bị què, nhưng điều đó chẳng sao cả. Miễn là con phải luôn cố gắng để mọi người thấy rằng, con không hề thua kém những người có đôi chân lành lặn”. 

Có lúc bà đưa đàn cháu ra công viên gần nhà chơi trò nhảy lò cò một chân. Các anh đều nhảy bằng chân phải, chỉ riêng Nhân nhảy chân trái mà thằng bé vẫn bật nhanh nhất. Anh em Thiện Nhân yêu các con vật, bởi vậy mà nhà bà nuôi đủ rồng đất, chó, mèo, rùa,…

Sau một thời gian dài mẹ con Nhân về sống cùng ông bà, giờ đã tách ra ở riêng. Hai bà cháu ngày nào cũng nhắn tin cho nhau. Bà thì nhắn: “Nhân ơi, con thích ăn quả gì ngoại mua”, “Nhân ơi, đêm qua ngoại bị ho”, “Nay con đi học thế nào”,... Còn cháu thì “Ngoại ơi con thích ăn xoài”, “Ngoại mặc ấm không là ho đấy”, “Con tự nấu cơm giúp mẹ được rồi ngoại ơi”… 

Rồi giọng bà xót xa: “Nhân sắp phẫu thuật nữa rồi, Tết này con phải xa nhà rồi…”. Bà tin rằng thằng bé sẽ vượt qua được cuộc đại phẫu sắp tới như đã từng vượt qua những lần mổ trước.

Giờ đây, bà sống với những niềm vui nho nhỏ gom góp lại. Là khi một bài thơ của bà được phổ nhạc, thơ bà được dịch sang tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Na Uy… Là khi tự ngâm thơ mình rồi thu âm vào điện thoại, vẫn thấy giọng mình truyền cảm như cô giáo văn ngày nào đọc thơ cho học trò. 

Hay như cách đây mấy hôm, bà chợt biết rằng có nhiều người trẻ yêu thích và chép thơ bà lưu trong sổ tay… Bà bảo, điều bà sợ nhất bây giờ là ốm. Bởi khi ấy, bà không những không giúp gì được con cái mà còn làm phiền đến chúng. 

Bởi vậy, muốn viết dài, viết nhiều, muốn thức đêm thức hôm để viết mà lại sợ... Thành ra luôn có sự giằng co giữa con chữ và chức phận của người mẹ xót con. 

Nhưng dù thế nào thì bà vẫn viết, bởi trong tâm hồn bà, vẫn tràn đầy những cảm thức tươi mới, đúng như tên của tập thơ thứ 11 Tóc trắng nắng mai: “Soi vào giọt đêm rớt trên nhành lá/ tóc trắng dưới nắng mai/ Soi vào hạt bụi bay ngang mắt/ tóc bạc màu thời gian/ Soi vào hư vô sẽ thấy/ mây trắng gió ngàn/ Soi vào tinh khôi sợi tóc/ để rồi gặp được chính ta” (Trắng dưới nắng mai)

Huyền Châm
.
.