Nhà thơ Bùi Kim Anh: Những câu thơ u uẩn với riêng mình

Thứ Ba, 22/03/2011, 16:22
Trước tôi là nhà thơ Bùi Kim Anh. Chị thuộc thế hệ thứ tư trong các nhà thơ nữ Việt Nam. Trong cái thời văn chương "âm thịnh dương suy", trong tháng 3 - tháng của phụ nữ - và nhất là được tòa soạn dành cho đặc quyền muốn viết gì tuỳ mình, tôi muốn dành cuộc trò chuyện này về một khía cạnh  nhỏ  thôi, đó là thân phận của những người phụ nữ làm thơ như thế nào?

Nhà báo: Chị là nhà thơ, chắc là rất tôn sùng thơ, dù ở đâu đó, người ta nói rằng đang lạm phát thơ, thơ đang xuống giá.

Nhà thơ: Tôn sùng thơ thì không, thơ cũng là một phương tiện để người ta bộc bạch, chia sẻ. Nhưng nói thơ đang lạm phát, đang xuống giá thì cũng không đúng. Xưa nay, luôn lạm phát thơ dở thôi. Thơ hay chưa bao giờ nhiều, bao giờ cũng khiến người ta thòm thèm. Còn thơ xuống giá ư?

Tôi nhớ một nhà phê bình Pháp nào đấy đã nói: Những nhà thơ Pháp tiếp tục không bán được thơ, tiếp tục phải tìm một nghề khác để sống mà làm thơ, như hàng trăm năm nay, nhưng nền thi ca Pháp luôn ở hàng nhất thế giới. Tôi làm thơ trước hết để cho mình, công chúng thơ là thứ hai. Có nhiều công chúng thì cũng tốt nhưng ít công chúng cũng không sao. Tập thơ đầu của tôi có tên là "Viết cho mình". Đó là nói thật đấy. Mình viết, mình đọc, cho chồng con đọc và cho bạn bè đọc, thế đã là đủ lắm rồi.

Nhà báo: Chứ không phải thơ tìm đến chị?

Nhà thơ: Thế nào nhỉ, tôi ngồi trống rỗng trước mình, rồi khi là tứ thơ, khi là câu thơ, có khi chỉ một vài chữ vất vưởng ở đâu đó ùa về. Thế là bài thơ có thể ra đời.

Tôi làm thơ là để tự giải thoát, để được nói những điều mình không nói được, đúng hơn là không biết nói ra ở đâu. Tôi vịn vào thơ những lúc không bên chồng, những lúc không bên con, những lúc không bạn bè, nhìn đâu cũng thấy ồn ào khó chịu… Khi trong nỗi cô đơn tột cùng, không còn biết lẩn trốn đi đâu, tôi tìm đến với thơ.

Nhà báo: Nhưng rồi vì sao chị dần dần xuất hiện trước công chúng qua các tập thơ liên tục ra đời và chưa kể các bài thơ in trên các báo?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Những bài thơ đầu tiên được các nhà thơ, như anh Ngô Quân Miện, Vân Long, Phạm Tiến Duật… đưa in trên báo cho tôi niềm hứng khích. Chồng làm báo, mình làm thơ. Các bài báo của chồng được nhiều người biết tới. Lúc còn trẻ, tôi cũng muốn thơ tôi cũng phải nhiều người biết như vậy. Con gà tức nhau tiếng gáy, các cụ bảo thế, không biết có đúng trong trường hợp này không. Giờ nghĩ lại, có lẽ nhờ lý do vớ vẩn như vậy mà tôi thành nhà thơ, và đến hôm nay ngồi trả lời phỏng vấn của anh.

Nhà báo: Và khi đã tự khẳng định được mình với thơ rồi thì chị không muốn rời bỏ nó nữa?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Không hẳn thế. Cái chết còn có lúc đến trong đầu. Có những thời điểm của cuộc đời muốn buông xuôi. Vui hay buồn, chết có mang theo được gì đâu… Lại có lúc trạnh lòng khi đọc các bài nghiên cứu, phê bình nhắc tới tên bao nhiêu nhà thơ nhưng không có tên mình. 

Có nhà phê bình, nhà thơ tặng sách cả năm sau lại biết là bận quá chưa đọc. Thế đấy! Những người nổi tiếng ấy tặng sách mà không đọc, lần sau là tôi không tặng nữa. Trách cũng kệ vì biết cũng chỉ là trách đãi bôi thôi. Còn bán thơ, cho ai? Thơ mà bán cho các vị có tiền mà không yêu thơ cũng phí cả thơ đi.

Nhà báo: Có vẻ hơi đanh đá. Hình như các nhà thơ nữ đều có phần đanh đá, lắm lời, hay gây căng thẳng ? Đó là sự tự vệ của họ chăng?  Sống trong môi trường văn chương, giữa các nghệ sĩ  có cái tật là hay nhiễu sự, hình như các nhà thơ nữ cũng cần một chút đanh đá, bốp chát thì mới tồn tại được.

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Đó có thể là cách nghĩ của anh. Còn như tôi biết, các nhà thơ nữ thường đôn hậu, nhân ái. Chúng tôi yếu đuối, dễ bị tổn thương, nhất là những tổn thương do cách nghĩ của phái nam. Còn bất hạnh? Đúng là phụ nữ sinh ra là để phải gánh chịu bất hạnh. Còn các nhà thơ nữ hình như buồn nhất, bất hạnh nhất trong tất cả những người buồn.

Nhà báo: Tôi thấy chị có câu thơ nói mình khổ nhất trong những người khổ?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Nguyên văn phải thế này: Tôi cho tôi là người đau nhất trên đời/ và tôi biết tôi luôn ngộ nhận… Tôi nghĩ nếu mình không khổ thì đã không đến với thơ. Khi vui người ta thường hát, chỉ khi buồn mới cần thơ. Lớn lên lấy chồng, sinh con, cuộc sống tưởng an phận, vậy là đủ.

Ai ngờ tai họa luôn ập đến. Cháy nhà, chồng bị hết nạn nọ đến nạn kia, có nạn tưởng chết, có nạn tưởng không thể sống được nữa, không thể qua được; con cái lại mỗi đứa một số phận… Những ngày chồng bị giam cầm là lúc các câu thơ của tôi khốn khổ, tăm tối. Lúc tôi muốn nói mà không nói được nhất lại là lúc tôi viết nhiều thơ nhất. Những câu thơ không chia sẻ được với ai, những câu thơ u uẩn mình với riêng mình.

Nhà báo: Có người nhận xét thế này, thơ nữ thường thật, vì vậy cảm động. Có những nhà thơ nam, đọc hàng trăm bài của họ vẫn không hình dung được họ là người thế nào. Phụ nữ thì không thế. Họ phơi trần đến tận cùng tâm trạng của mình, kể cả cuộc sống riêng tư của mình. Yêu thương, hờn giận, ghen tuông, thất vọng, hi vọng… thường là về những người họ yêu, những người thật chứ không phải bịa ra để làm thơ.

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Vâng, phụ nữ mà. Đàn ông thường theo đuổi giàu sang, sự nghiệp; còn đàn bà thì theo đuổi người đàn ông của họ. Trong cuộc theo đuổi ấy, thường là họ thất bại. Kể ra thất bại không chỉ riêng với đàn bà nhưng đàn ông thì giấu kín, thường họ chỉ trưng ra những thắng lợi thôi. Còn đàn bà thì nói hết, nhất là với thơ. Và đã nói hết thì có tiếng cười và cả tiếng khóc. Tiếng cười có thể giả nhưng tiếng khóc thì phải thật.

Nhà báo: Và dằn vặt nữa. Thơ của chị luôn đặt ra những câu hỏi, luôn là sự tiếc nuối. Có người nói thơ chị hay nhất trong các nhà thơ nữ, có lẽ vì điều này.

Nhà thơ Bùi Kim Anh:  Tôi không dám nhận điều đó. Người ta nói vậy vì một khoảnh khắc nào đó ý thơ hợp với tâm trạng, nhất là tâm trạng không vui. Chúng tôi có một câu lạc bộ thơ nữ của Hà Nội. Nói vậy cũng hơi quá, có khi chỉ là một nhóm chị em với nhau thôi. Chúng tôi thỉnh thoảng gặp nhau, bày biện ăn uống, cười nói ríu rít, sống lại thời trẻ con để rồi khi về nhà mình, lại trở lại hình ảnh người đàn bà đau khổ trong thơ.

Nhà báo: Chị vừa nói "sống lại thời trẻ con" như một khao khát, một ước mơ. Trong thơ, nhiều lần chị cũng nói điều này. Thời ấy, có gì hấp dẫn đến thế?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Thời ấy khốn khó thật, nhiều lầm lỡ thật nhưng có nhiều hi vọng, nhiều dự định ở phía trước. Bây giờ, có thể có nhiều cái hơn nhưng những dự định, những hi vọng thì cứ ít dần, có những thứ không còn hi vọng gì nữa. Hoàng hôn đã buông xuống, đêm sẽ về. Sau đêm sẽ là sớm mai, nhưng là sớm mai của người khác.

Nhà báo: Vậy nếu được làm lại, chị có sẵn sàng đổi những thứ hôm nay có để trở về như là một cô giáo dạy văn mới ra trường ngày nào, thậm chí có quyền chọn lại người đàn ông của mình?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Cái quay búng sẵn trên trời. Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm. Những gì số phận đã sắp đặt, muốn thay đổi cũng đâu có được. Chỉ biết bằng lòng, thậm chí chấp nhận với những gì mình có. Đó là cuộc đời.

Nhà báo: Kể cả thơ?

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Kể cả thơ, dù thơ chẳng giúp ích gì cho mình, có khi còn mang thêm nỗi khổ. Khi yên ổn, họ bảo thế mà vẫn làm thơ được nhỉ. Khi đau đớn, họ lại bảo thế mà còn rảnh làm thơ. Tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ bỏ thơ ngay cả khi chẳng còn ai đọc thơ nữa. Tất nhiên là nói quá đi thế thôi, còn con người thì còn thơ dù có thời nó được tôn vinh lên mây xanh, có thời lại bị vùi dập hắt hủi như một thứ đã lỗi thời…

Nhà báo: Như chính chúng ta vậy!

Nhà thơ Bùi Kim Anh: Vâng! Như chính tôi bây giờ vậy. Là một thứ đã lỗi mốt rồi. Ta đã cũ và câu thơ đã cũ

Vũ Duy Thông
.
.